(03/06/2011)
Chúng ta có thể nói theo kiểu Việt Nam là “chuyện khó tin nhưng có thật,” khi biết rằng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc có nghị trình dự kiến là vào ngày 18-3-2011 sẽ vinh danh nhân quyền Libya về thành tích nhân quyền. Đúng vậy, có chuyện như thế.
Chính phủ Việt Nam cũng ghi vào sổ vinh danh Libya bằng các ngôn ngữ tung hô vang dội – đúng là vang dội y hệt như những tràng súng liên thanh từ các mái tòa nhà ở Tripoli bắn xuống dân biểu tình tay không mấy tuần trước, cũng vang dội y hệt như lúc đó phi cơ của nhà độc tài Gadhafi dội bom thẳng vào người biểu tình để đẩy lui dân ra khỏi trung tâm Tripoli...
Và rồi bây giờ, chuyện vinh danh nhân quyền Libya đã được cho hoãn lại (nói rõ, là hoãn, chứ LHQ chưa nói là hủy bỏ).
Bản tin AP đăng trên báo Washington Post hôm Thứ Năm 3-3-2011 cho biết Hội Đồng Nhân Quyền LHQ đã hoãn phổ biến bản phúc trình về Libya sau khi có những chỉ trích rằng trong đó có những lời ca ngợi hồ sơ nhân quyền của quốc gia này.
Hội Đồng gồm đại diện của 47 nước hôm Thứ Năm nói là tạm hoãn đưa ra bản phúc trình về Libya vì bị chỉ trích là có ngôn ngữ tung hô nhân quyền Libya dưới sự lãnh đạo của Gadhafi.
Bản phúc trình thường kỳ này sửa soạn trước khi xảy ra những cuộc nổi dậy mới đây, và trước khi lãnh tụ Gadhafi ra lệnh bắn thẳng và dội bom vào người biểu tình.
Eileen Chamberlain Donahoe, Đại sứ Mỹ trong Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, nói rằng việc hoãn là điều phải làm, và hy vọng “tiếng nói của người dân Libya, chứ không phải chỉ duy tiếng nói của chế độ Gadhafi, có thể được ghi nhận.”
Mới tuần trước, hội đồng đã chấp thuận điều tra về vi phạm nhân quyền tại Libya và đã cho treo sự hiện diện của Libya trong hội đồng này.
Nhưng nhà nước VN, trong Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, đã khen ngợi “đảng ta Gadhafi” ra sao?
Lúc đầu, theo lịch trình thì ngày 18-3-2011, bản phúc trình khen ngợi nhân quyền Libya sẽ được phổ biến (giữa những tràng vỗ tay của Hà Nội, tất nhiên).
Trong bản dự thảo tung hô nhân quyền Libya có những lời khen ra sao? Điều thấy rõ là chế độ Gadhafi có nhiều bạn bên giới giang hồ hắc đạo. Nơi đây chúng ta lược sơ một số lời từ các “đồng chí của Gadhafi.”
Iran nói rằng Libya đã thực hiện nhiều giải pháp nhân quyền quốc tế và đã hợp tác với các cơ quan liên hệ. Iran nói rằng như thế là nhờ [Gadhafi] thiết lập Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia như một định chế nhân quyền quốc gia độc lập, và việc thực hiện môi trường [hoạt động] cho các hội ngoaì chính phủ. (Nghe y hệt như Iran khen Trung Quốc, Việt Nam... cũng có các hội ngoài chính phủ.)
Algeria ghi nhận nỗ lực của Libya thăng tiến nhân quyền, phản ảnh quyết tâm của Libya thực thi các nghị quyết của Hội Đồng Nhân Quyền và hợp tác với các cơ quan quốc tế. Algeria đón mừng việc Libya thiết lập Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia, và ca ngợi Libya đã có tiến bộ lĩnh vực giáo dục, xã hội và kinh tế từ khi gỡ cấm vận kinh tế. (Nghe y hệt như trường hợp VN, từ khi được gỡ cấm vận kinh tế, nhưng bù lại nhà nước lại cấm vận người dân về quyền ứng cử, bầu cử, quyền lập hội...)
Sudan khen ngợi Libya có những thành đạt về tỉ lệ theo học bậc trung học và cải thiện về giáo dục phụ nữ. (Việt Nam cũng tương tự, cải thiện dân trí của phụ nữ bằng cách để ngõ cho cò móc nối cho thi hoa hậu lấy chồng ngoại để gửi sang Hàn Quốc được giaó dục giùm.)
Syria khen ngợi Libya về quyết tâm nghiêm túc đối với (và tương tác với) Hội Đồng Nhân Quyền LHQ và các cơ chế, cũng như khen ngợi Libya vì chế độ dân chủ Libya dựa vào việc thăng tiến quyền lực người dân bằng cách mở các hội nghị công cộng, cho phát triển và tôn trọng nhân quyền, trong khi bảo vệ truyền thống văn hóa và truyền thống tôn giáo. (Nghe như Trung Quốc khen Việt Nam.)
Bắc Hàn khen ngợi Libya về các thành quả bảo vệ nhân quyền, đặc biệt lĩnh vực quyền xã hộị và kinh tế, tăng lợi tức người dân, chăm sóc xã hội, giáo dục miễn phí, tăng chăm sóc y tế, giúp người khuyết tật và thăng tiến nữ quyền. Syria cũng khen ngợi việc hoạt động của các định chế hiếp pháp và lập pháp và các cơ chế cấp quốc gia. (Y hệt thiên đường? Như thế còn hơn VN, vì Việt Nam học phí quá cao so với lợi tức.)
Venezuela ghi nhận nỗ lực của Libya thăng tiến quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt đối với trẻ em. Ca ngợi Libya bảo đảm giáo dục phảỉ là cưỡng bách và miễn phí. (Tương tự như Venezuela khen VN.)
Cuba khen ngợi Libya tiến bộ về Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ, nghĩa là giaó dục tiểu học phổ quát. Cũng như quyết tâm cung cấp chăm sóc y tế cho dân. (Cuba khen như thế, nghĩa là nói, Libya còn hơn VN.)
Miến Điện ca ngợi Libya về tiến bộ xã hội và kinh tế, và ghi nhận nỗ lực về pháp lý nhằm bảo đảm quyền bình đẳng. Cũng như thực thi nhiều công cụ nhân quyền, thiết lập Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia. Ca ngợi Libya có giáo dục toàn dân và chăm sóc y tế miễn phí. (Thế thì, Miến Điện nói rằng Libya hơn xa VN, nơi học phí cao và y phí nặng.)
Đặc biệt, Việt Nam khen ngợi phaí đoàn đại biểu Libya về phẩm chất bản phúc trình về quốc gia. VN ghi nhận sự hài lòng về quyết tâm của Libya bảo vệ và thăng tiến nhân quyền người dân, đặc biệt là theo các tiêu chí nhân quyền quốc tế. VN đón mừng thành quả Libya thực thi nhân quyền. (Tuyệt vời, y hệt như Đảng CSVN khen ngợi nhà nước CSVN.)
Thế mới biết. Chế độ Gadhafi cũng là đồng chí của chế độ CSVN.
Khen hết lời vương triều Gadhafi như thế, nhưng Bắc Kinh và Hà Nội vẫn liên tục chỉ trích nhân quyền của Hoa Kỳ.
Mới biết, thế gian có quá nhiều điều khó hiểu.
.
.
.
No comments:
Post a Comment