Sunday, March 13, 2011

GIỚI CHỨC HOA KỲ : "VIỆT NAM MUỐN CÓ QUAN HỆ LÂU DÀI VỚI MỸ" (VOA)

Nguyễn Trung | Washington, DC
Chủ nhật, 13 tháng 3 2011

Thưa quý vị, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Daniel Baer, mới đây đã tới Việt Nam để trao đổi về vấn đề tự do thông tin. Trong phần một của cuộc trao đổi dành riêng cho Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ tuần trước, Ông Daniel Baer nói rằng quan chức Việt Nam 'lắng nghe' những gì ông thảo luận về tự do Internet. Trong phần hai của cuộc phỏng vấn, ông Baer nhấn mạnh rằng hai nước vẫn còn khác biệt quan điểm về vấn đề nhân quyền.
Mời quý vị theo dõi tiếp trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.


VOA: Phát biểu trước báo giới tại Hà Nội, ông cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu cuộc đối thoại từ ‘một số khác biệt rõ ràng’. Khác biệt đó là gì, thưa ông?

Ông Daniel Baer: Một sự khác biệt rõ ràng, nổi lên trong 48 giờ đồng hồ tôi trở lại Hoa Kỳ, đó là vụ bắt giữ bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Chúng tôi không nghĩ rằng người dân đáng bị bắt giữ, bỏ tù hoặc quấy nhiễu vì quan điểm chỉ trích chính phủ, bày tỏ một cách ôn hòa trên mạng. Trong chuyến công du của mình, tôi đã có những cuộc trao đổi thẳng thắn với chính phủ Việt Nam về bất đồng của Hoa Kỳ trong vấn đề đó.

VOA: Ông cũng cho rằng nhân quyền là ‘một phần của tất cả mọi cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam’. Thưa ông, giới chức ở Hà Nội có thừa nhận rằng nhân quyền là một phần của mối quan hệ giữa hai quốc gia, và vấn đề này cần phải được giải quyết một cách nghiêm túc?

Ông Daniel Baer: Tôi nghĩ họ cũng hiểu rằng nhân quyền là một phần không thể thiếu trong mối bang giao giữa hai nước, và sẽ luôn như vậy. Chính phủ Việt Nam muốn có một mối quan hệ đối tác lâu dài với Hoa Kỳ, và chúng tôi cũng muốn chứng kiến một Việt Nam với các điều kiện mà chúng tôi có thể củng cố mối bang giao lâu dài.

Tôi nghĩ rằng hai bên điều hiểu rõ rằng nhân quyền là một cản trở đối với tiến trình đó. Tôi cho rằng không có bất ngờ về chuyện vấn đề này đã được nêu lên trong chuyến đi của tôi vì nó từng được đề cập tới trong quá khứ và sẽ còn được nói tới trong tương lai.

Chúng tôi trao đổi về nhân quyền không chỉ nhằm xác định các lĩnh vực mà đôi bên còn bất đồng, mà còn nhằm để xác định các lĩnh vực mà chúng tôi nghĩ là cần và nên đạt được tiến bộ.

VOA: Khi tới Việt Nam, ông cũng trực tiếp đối thoại với sinh viên và sau đó ông cho biết họ đã hỏi những câu hóc búa liên quan tới tự do Internet. Các bạn trẻ đã hỏi ông những gì?

Ông Daniel Baer: Họ hỏi suy nghĩ của tôi về việc chặn truy cập Facebook là điều nên làm hay là chuyện bất hợp pháp. Rất nhiều câu hỏi về Facebook. Họ còn hỏi các câu về việc giải quyết các quan ngại về vấn đề riêng tư trên mạng, cũng như các mặt tốt và mặt trái của Internet. Cuộc trao đổi đề cập tới nhiều vấn đề, và không bó hẹp trong một chủ đề nào.

Các sinh viên này được coi là những người sinh ra và lớn lên trong thời đại Internet. Các câu hỏi cho thấy rằng họ hiểu những gì mình nói, và những giải pháp nêu ra thậm chí đi trước cả những người khác.

VOA: Phản hồi trước bài phát biểu về vấn đề Internet của Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong đó đề cập tới việc bắt giữ và lạm dụng các blogger Việt Nam chỉ trích chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, tôi xin trích, ‘ở Việt Nam các quyền tự do, dân chủ của mọi người dân, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật và được đảm bảo thực hiện trên thực tế’. Suy nghĩ của ông về tuyên bố này?

Ông Daniel Baer: Rõ ràng chúng tôi có khác biệt quan điểm về mức độ hiến pháp và pháp luật được bảo đảm trên thực tế. Tôi nghĩ rằng trong một số trường hợp, hiến pháp và luật lệ khá mơ hồ nên đã dẫn tới một số trường hợp gây tranh cãi trên thực tế. Đó là điều chúng tôi cũng đã tiến hành thảo luận.

Tôi cũng nêu lên quan ngại về nghị định liên quan tới báo chí sắp tới sẽ có hiệu lực vì nó có thể tác động tiêu cực tới quyền tự do ngôn luận. Đấy là vấn đề chúng tôi vẫn còn khác biệt về quan điểm.

VOA: Cũng lên tiếng sau bài phát biểu của bà Clinton, Việt Nam nói, tôi xin trích, ‘chúng tôi cho rằng trong quan hệ giữa các quốc gia, mọi khác biệt cần được trao đổi trên tinh thần xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau’. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Daniel Baer:
Chúng tôi đồng ý quan điểm cho rằng các khác biệt cần phải được nêu lên với một thái độ mang tính xây dựng. Đó là điều chúng tôi đã cam kết và sẽ tiếp tục thực hiện theo đường lối đó.


Xin cám ơn ông Daniel Baer. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
.
.
.

No comments: