Thursday, March 10, 2011

ĐẾN CHƠI NHÀ CÙ HUY HÀ VŨ NGHĨ VỀ CỤM TỪ "CHỐNG CHÍNH QUYỀN" (Paulus Lê Sơn)

Paulus Lê Sơn
10 Tháng 3 2011

Theo từ điển tiếng việt từ chống có nghĩa là như một điểm cố định vững chắc tựa vào một điểm khác để giữ cho vật này khỏi bị đổ vỡ, khỏi bị ngã nhào. Chẳng hạn như chống mái nhà đang trong tình thế sụp đổ. Nhưng từ chống cũng còn cho thấy nghĩa khác đó là chống lại những hành động gây phương hại đến cho một ai đó, một tập thể, tổ chức hay cả một xã hội. Chẳng hạn như chống áp bức, chống bất công, chống bán nước…

Báo chí của đảng thường hay loan tin về một vụ việc khi công an cũng của đảng bắt bớ một nhà dân chủ nào đó và gán ngay cho họ cụm từ “chống chính quyền”, âm mưu lật đổ cái gọi là “chính quyền nhân dân”. Nhưng không chỉ ra được là họ chống ai, chống như thế nào, gây phương hại gì cho nhân dân, cho dân tộc Việt Nam. Mà sao bây giờ lại nhiều người dân đủ mọi thành phần được chính quyền liệt vào chống chính quyền thế không biết? Đủ mọi thành phần trong dân chúng Việt Nam từ giáo sư, nhà giáo, lão thành cách mạng đến các sinh viên, học sinh. Từ Luật sư, văn nghệ sĩ, bác sĩ đến đại đa số nông dân. Họ được xem là những người đang chống…chính quyền. Nếu mà đông đủ thành phần nhân dân đang chống như vậy thì nên xem xét từ phía chính quyền có những điểm yếu nào không mà nhân dân ra sức chống đỡ như thế.

Nhân dân ra sức chống đỡ và kiện toàn cho chính quyền tốt hơn. Hoặc là nhân dân sẽ chống lại những bất công, áp bức…do cái chính quyền đó gây ra để bảo tồn sông núi, dân tộc và thiết định lại một xã hội tốt đẹp hơn.

Có lẽ chính quyền nên cảm ơn những người đang ngày đêm ra sức chống đỡ thì hay hơn là phá họ. Cứ thử nhìn vào một ngôi nhà lâu năm cũ kĩ, tường bao quanh nhà rêu phong, hoen ố, các trụ cột chống đỡ cho ngôi nhà như hết lực, rệu rã. Các cột gỗ thì mục nát bởi thời gian tưởng chừng như sụp đổ ngay tức khắc mà không được ai nhắc nhở, sửa chữa hoặc làm mới thì ắt ngôi nhà đó sẽ không thể tồn tại tại. Muốn ngôi nhà đó trở nên hữu dụng cho tất cả các thành viên trong gia đình thì cần bàn tay góp sức của những người sống trong đó, cần phải nhờ tới những đầu óc của các kiến trúc sư, kĩ sư. Và vật liệu xây dựng. Nếu nó không thể cải tạo được thì nên đập bỏ mà xây cất một ngôi nhà mới cho đoàng hoàng hơn, đẹp đẽ hơn, an toàn hơn.

Hôm trước ngày 8/3 năm nay, tôi và Người Buôn Gió cùng mấy anh em là doanh nhân, trí thức, nhà văn tại Hà Nội đến chào thăm gia đình Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Chúc mừng chị Dương Hà nhân ngày dành riêng cho các quý bà, cũng là hỏi thăm sức khỏe đời sống của anh Vũ đang bị giam trong tù mà được chính quyền tạm thời gắn cho cái tội cũng là chống…chính quyền.

Thắc mắc nhiều vấn đề liên quan đến chuyện anh Vũ bị chính quyền bắt giam, anh em chúng tôi bàn luận xôn xao nào là chuyện người cha quá cố của anh Vũ, ông Cù Huy Cận một nhà văn, nhà thơ lớn, cũng là công thần của chế độ cả một cuộc đời, ấy vậy mà trong hội thơ Xuân năm Tân Mão chả thấy hình ảnh của cụ đâu. Nói đến đấy chúng tôi thấy nước mắt của chị Hà cứ lả chả rơi một cách đau xót. Chị nghĩ có chăng là vì chuyện của anh Vũ mà bố chồng chị không còn được nhắc đến. Xã hội bây giờ thiếu gì những kẻ ăn cháo đá bát đâu. Ông Huy Cận không được nhắc đến trong một ngày hai ngày hội hè nhưng trong lòng nhiều người dân mãi nhớ về ông qua những vần thơ đầy cảm xúc và lý tưởng thật sự một thời của ông.

Nói đến chuyện anh Vũ bị quy cho tội theo điều 88 gọi là tuyên truyền chống nhà nước XHCN cũng giống như bao nhà dân chủ khác đã bị quy vào điều này. Nhưng mà thật là hài hước và cũng rất là vô lý khi ghép tội này cho anh Vũ. Chị Hà phân tích đây là một điều hết sức vô lý, và qua vụ án này thì người ta thấy rõ hơn thế nào là “tuyên truyền chống nhà nước”. Thứ nhất, anh Vũ là con trai độc nhất của một vị công thần khai quốc ra cái chế độ này thì không mắc mớ gì lại chà đạp lên công lao của cha mình. Thứ hai là anh Vũ không hề chống lại ai cả, chống lại chế độ nào hết, chứ đừng nói đến là chống lại nhà nước, chống lại nhân dân, dân tộc Việt Nam mà chỉ thực hiện đúng những quyền căn bản của con người trong hiến pháp và pháp luật của nhà nước XHCN chứ không cần nói đến các Công ước Quốc tế. Là một người trí thức anh Vũ thấy gì không phù hợp với lợi ích chung cho xã hội thì lên tiếng góp ý, phản biện, góp phần mình vào trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, tự chủ và dân chủ. Như vậy, qua vụ anh Vũ, nhân dân sẽ thấy rõ ràng hơn về bản chất của sự việc mà tất cả những ai bị gán vào cái tội chống chính quyền là như thế nào rồi.

Thực tế khách quan nhìn nhận, sự phản biện của những tiếng nói phản biện như là một trong những điểm tựa vững trãi cho ngôi nhà Việt Nam. Họ thấy được những vết nứt, hố tử thần, nền móng đang bị lung lay, mái nhà bị dột nát. Mỗi người dân có quyền và nghĩa vụ như là một trụ cột chống đỡ cho ngôi nhà đó không bị sụp đổ hoặc là phải xây mới lại ngôi nhà hoàn toàn cho thật sự vững chắc. Những người lên tiếng mạnh mẽ là những trụ cột cứng cáp và hữu dụng hơn hết, sức nặng đè lên họ cũng lớn hơn nhiều. Hỏi rằng, người dân Việt Nam có ai không muốn mình sống trong ngôi nhà đoàng hoàng, có ai không muốn mình được sống trong một đất nước giàu mạnh, to đẹp và dân chủ. Đó như là sự kiện toàn thật sự cho đất nước, vậy thì tại sao những kiến trúc sư tài ba đó lại bị vùi dập?
Nếu những con người như anh Vũ đang ra sức cố công xây cất, đổ bê tông cho nền móng ngôi nhà được vững trãi trong tương lai mà lại bị bắt bớ thì thật là không thể tưởng tượng nỗi viễn cảnh của ngôi nhà đó như thế nào? Sụp đổ, sụp cách tan hoang, sụp đổ không còn thành trì, sụp đổ không còn nền móng. Một ngôi nhà mất đi mà ngay cả chân đất cũng không còn.

Xét cho cùng, những người mà bị chính quyền quy kết cho tội “chống chính quyền” chính là những người đang đắp lại những chất liệu vô cùng quý giá để xây dựng chính quyền vững vàng hơn. Đáng ra thì chính quyền phải cám ơn những con người này, vì chính họ đang chỉ ra những vết nứt, những lỗ hổng, những hố tử thần sâu thẳm của một thể chế chính trị đang có nguy cơ sụp đổ. Vì thấy được điều đó và muốn tránh nguy cơ sụp đổ cho chính quyền thì những người như anh Vũ đã tự biến mình thành những trụ cột chống đỡ. Nhưng, than ơi! Làm phúc phải tội.

Nếu chính quyền không thừa nhận điều trên thì có lẽ là nhân dân đang chống vế còn lại. Tức là chống lại những hành động gây phương hại đến cho một ai đó, một tập thể, tổ chức hay cả một xã hội, dân tộc. Chẳng hạn như chống áp bức, chống bất công, chống bán nước…?

Nếu một chính quyền đã tốt rồi, đã đem lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước, cho dân tộc tại sao nhân dân trong đất nước đó lại phải chống chính quyền ?

Hà Nội 10/3/2011
Paulus Lê Sơn
.
.
.

No comments: