Friday, March 18, 2011

DU HỌC SINH VIỆT NAM CHỐNG CHỌI VỚI THẢM HỌA Ở NHẬT BẢN (VOA)

Trà Mi - VOA | Washington DC
Thứ Sáu, 18 tháng 3 2011

Cả thế giới đang hướng về Nhật Bản sau thảm họa tàn khốc hôm 11/3: động đất, sóng thần, kéo theo tình trạng ô nhiễm bức xạ hạt nhân. Hiện có hàng ngàn du học sinh Việt Nam đang học tập trên xứ sở hoa anh đào, nhưng tin cho hay không có người Việt nào bị thiệt mạng trong trận thiên tai kinh hoàng này. Trong chương trình hôm nay, 4 bạn trẻ học tập và sinh sống tại những vùng bị tàn phá nặng nề nhất ở Nhật hiện đã sơ tán được đến những nơi an toàn và chờ vé bay về Việt Nam sẽ kể cho chúng ta nghe các bạn đã chứng kiến những gì, đã chạy nạn như thế nào, và cảm nhận của họ ra sao.

Vượng: Em là Phạm Xuân Vượng, quê Nghệ An. Em sang Nhật được 4 năm, học ở đại học Fukushima ở miền Bắc Nhật Bản, một trong ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trong trận động đất vừa rồi. Fukushima có hai nhà máy hạt nhân, nên chúng em quyết định là cả đoàn cùng đi xuống Osaka.
Hằng: Em tên là Ngô Thị Hằng, sang đây du học được 1 năm rưỡi tại Sendai, gần như là trung điểm của trận động đất, sóng thần vừa rồi.
Cương: Em tên là Vũ Đình Cương, đến Nhật được 1 năm, học ở Sendai, Miyagi. Chỗ em ở là thành phố bị nặng nhất.
Hường: Em là Nguyễn Thị Thu Hường, sang đây học được 1 năm rưỡi.

Trà Mi: Xin hỏi Hằng trước. Ngay khi động đất xảy ra bạn đang ở đâu, bạn chứng kiến được những gì?
Hằng: Lúc đó em đang ở trường học. Vào giờ nghỉ giải lao, chúng em đang ở trên tầng hai, bỗng thấy rung rung, cứ tưởng là động đất nhẹ thôi. Đến lúc thấy rung mạnh, chúng em hãi quá, chạy xuống tầng trệt. Khi chạy ra ngoài em thấy mấy nhà cao tầng và các cột điện gần như sắp đổ đến nơi. Sau vụ động đất, cháy xảy ra liên miên. Đến giờ tình trạng cháy lửa vẫn còn, không thể dập tắt được. Động đất rung mạnh quá nên khi chập điện là gây cháy luôn. Động đất xong, đến tối bị mất điện nên chúng em không biết tin tức gì cả. Đến hôm sau mới biết tin nước biển dâng lên cuốn trôi tất cả, cả một tỉnh em ở luôn.
Trà Mi: Nơi bị sóng thần dâng tràn cách nơi bạn ở bao xa?
Hằng: Khoảng 1 cây số.
Trà Mi: Ngay sau đó, các bạn có được những sự hỗ trợ nào không, được di tản tới đâu? Hiện giờ tình cảnh của các bạn ra sao?
Hằng: Bọn em sơ tán ra những vùng không có nhà cao tầng. Đến chiều, bọn em đi Nagano luôn, không có sự hỗ trợ gì.
Trà Mi: Còn sự di chuyển thì có gặp khó khăn gì không khi các bạn rời khỏi Sendai?
Hằng: Bọn em tập trung hết tất cả người Việt Nam lên xe buýt rồi đi về Yamagata .

Trà Mi: Vượng thì sao? Khi xảy ra vụ việc bạn đang ở đâu và đã chứng kiến được những gì?
Vượng: Chiều thứ sáu em vừa định xuống cầu thang ra khỏi nhà thì động đất mạnh xảy ra. Không còn cách nào vào nhà được. Động đất mạnh đến nỗi cầu thang bị rung cực kỳ mạnh, em không xuống nỗi. Chị không thể tưởng tượng nổi đâu. Lúc em xuống được mặt đất, em nhìn thấy tòa nhà mình ở và những tòa bên cạnh rung rất mạnh. Vùng lân cận có rất nhiều nhà sập và số tử vong cũng nhiều. Động đất là chuyện thường xảy ra ở Nhật nên mình tự lo cho mình là trước hết. Việc đó người ta đã giáo dục sẵn rồi. Mình phải tự phòng vệ cho mình.
Trà Mi: Hiện giờ Vượng đang ở đâu?
Vượng: Em đã đến Osaka rồi, cách xa cả Tokyo nữa.
Trà Mi: Làm thế nào bạn có thể di chuyển xa như vậy?
Vượng: Bọn em đi xe buýt tới một thành phố khác, từ đó ra sân bay. Chúng em phải di chuyển hết mấy ngày luôn.
Hằng: Bọn em đi từ 3 giờ sáng ra xếp hàng ở bến xe buýt để bắt xe về Yamagata. Xếp hàng từ 3 giờ sáng đến 7 giờ mới được lên xe.
Trà Mi: Nhưng ngay khi vụ việc xảy ra chính quyền địa phương họ không tổ chức các đợt di tản sao?
Hằng: Em cũng không biết gì.

Trà Mi: Các bạn đã liên lạc với bất cứ cơ quan nào đại diện cho Việt Nam chưa, đại sứ quán Việt Nam chẳng hạn?
Hằng: Em cũng đã liên lạc với đại sứ quán Việt Nam ở Nhật rồi. Họ hứa hẹn sẽ đem xe xuống để giúp bọn em ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng chờ mãi cũng không thấy, nên khi nhà máy hạt nhân ở Fukushima nổ, bọn em quyết định di tản ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trà Mi: Coi tin tức mình thấy dân Nhật bây giờ đeo khẩu trang và được kiểm tra mức bị nhiễm bức xạ.
Hằng: Bây giờ ra đường phải đeo khẩu trang hết.
Vượng: Những người được kiểm tra phóng xạ là trong khu vực bán kính 30 mét, tức khu vực cực kỳ nguy hiểm, không cho người ra vào được nữa. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân nên mặc áo khoác như áo mưa khi ra đường để che kín cơ thể, và đeo khẩu trang. Còn những người nhiễm phóng xạ ngay lập tức được đưa đi bệnh viện chữa trị.
Hường: Em với chị Hằng và anh Cương thì lên được tới Tokyo rồi. Còn những người Việt Nam còn lại tối nay 2 giờ mới bắt đầu khởi hành. Tình hình ở Sendai giờ rất khắc nghiệt. Mưa to, rồi vừa thêm một trận động đất nữa. Ở Yokohama cũng vậy.

Trà Mi: Các bạn vừa trải qua một cơn dư chấn nữa?
Cương: Lần đầu tiên trong đời em cảm thấy động đất kinh sợ thế nào. Em đang học trong trường thì bỗng mặt đất rung rung. Em bảo “Ôi thôi chỉ thế thôi à?” Một lúc sau nó rung mạnh quá, bọn em không còn gì cả. Cả lớp học đổ hết.
Trà Mi: Nếu kể lại đầu đuôi câu chuyện chắc nhiều chi tiết lắm, nhưng bây giờ bạn có thể cho biết điều gì ấn tượng nhất trong bạn khi sự kiện này xảy ra?
Cương: Hình ảnh các nhà cao tầng rung rung em cứ tưởng như nó đổ ập xuống mình đến nơi. Ám ảnh một là sóng thần, hai là động đất, ba là phóng xạ ở Fukushima trong không khí. Bọn em lại không có một phương tiện nào có thể rời khỏi. Thức ăn, nước uống không có. Không còn gì cả. Lúc đó bọn em nghĩ chỉ còn cách ngồi đây chờ chết thôi.

Trà Mi: Gọi là “bỏ của chạy lấy người”?
Cương: Em từ bỏ tất cả, không còn một cái gì cả.
Trà Mi: Lúc đó có bạn nào kịp quay lại lấy giấy tờ, tư trang không?
Cương: Lúc bọn em đi không cầm một thứ gì, vứt hết lại, chỉ mỗi bộ quần áo trên người và giấy tờ tùy thân thôi. Rất nhiều người đồn đại này nọ, giờ bọn em chẳng đâu là đúng. Đầu óc hoang mang không biết chuyện gì sẽ xảy ra, chỉ biết một là sống, hai là chết. Em quyết định rời khỏi Sendai. Những đám trước đi thì phải chờ đợi qua ngày, qua đêm rất khó khăn. Nhưng bọn em rất may là đi đến đâu gặp xe đến đấy nên đi một mạch lên tận Tokyo.
Trà Mi: Những ngày qua các bạn ăn uống thế nào, sinh hoạt tắm giặt ra sao? Các bạn gặp phải những khó khăn gì?
Hường: Ra siêu thị mua đồ, mọi người phải xếp hàng dài mấy cây số. Bọn em phải tham gia cùng với dân Nhật xếp hàng và may mắn đã mua được một ít đồ dự trữ.
Trà Mi: Nước uống sạch có khan hiếm không?
Hường: Lúc đầu cũng khan hiếm. Nhà nước cung cấp nước cho dân nhưng mình không thông thuộc đường đi cho lắm, nên cũng khó khăn. Nước ăn không có. Nước đi vệ sinh, tắm giặt, mọi thứ đều bị cắt. Ba bốn ngày nay bọn em chưa được tắm.

Trà Mi: Sau những gì xảy ra các bạn có dự định sắp tới sẽ như thế nào?
Hường: Tin đồn rằng từ đây về sau Nhật sẽ hay xảy ra động đất, núi lửa, nên mọi người cũng sợ, không biết có nên quay lại hay không.
Vượng: Chúng em một số người cũng có dự định sẽ về Việt Nam ngay và cũng đã đặt vé về Việt Nam rồi. Số còn lại ở tạm tại Osaka được một số anh chị Việt Nam giúp đỡ. Hiện giờ tụi em đang ở nhà một anh quen, nhờ anh giúp đỡ. Trong mấy ngày qua việc ăn uống, sinh hoạt cực kỳ khó khăn vì nước bị cắt, thức ăn rất khó mua. Tất cả thức ăn ở các cửa hàng hay siêu thị chỉ một bữa sáng là họ mua hết tất cả, không còn thứ gì nữa. Cực kỳ khó khăn.

Trà Mi: Hường và Cương, dự định của các bạn trong những ngày sắp tới như thế nào?
Hường: Bằng mọi cách nhanh nhất để có thể về được Việt Nam trong giai đoạn này.
Trà Mi: Trạng thái của các bạn hiện giờ ra sao?
Hường: Khi nào về tới Việt Nam thì mối đe dọa động đất, sóng thần, và nhiễm khí nguyên tử mới có thể giảm dần. Tụi em vẫn chưa hết sợ.

Trà Mi: Các bạn thấy nước Nhật đối phó với thiên tai, thảm họa như thế nào, cách họ hỗ trợ ra sao?
Vượng: Họ chủ động lập các trại tị nạn, cung cấp chăn và lương thực cho dân khá kịp thời. Ở Nhật hầu như mọi người tự ý thức được là mình nên làm gì. Đi lãnh nước hoặc xếp hàng vào siêu thị mua đồ, mọi người đều rất trật tự. Họ xếp hàng ngay ngắn, không ai chen lấn ai hết. Đường cao tốc ở Nhật giờ họ cấm không cho ô tô cá nhân chạy, dành ưu tiên cho quân đội hoặc lực lượng cung cấp thiết bị, cứu nạn.

Trà Mi: Kỷ niệm để đời các bạn sẽ mang theo sau chuyến du học ở Nhật là gì?
Vượng: Lần đầu tiên em chứng kiến một trận động đất lớn như thế này nên em hoảng.
Trà Mi: Có kinh nghiệm nào lưu lại khó quên chẳng hạn như giữa tình người với nhau hay cách ứng phó với thiên tai?
Vượng: Em rất cảm ơn cộng đồng Việt Nam ở đây. Lúc mình gặp khó khăn thì nhận được nhiều sự giúp đỡ của người Việt nơi này.
Trà Mi: Cộng đồng Việt Nam mình ở đó có đông không, ảnh hưởng đối với cộng đồng người Việt ra sao?
Cương: Chỗ em người Việt rất đông nhưng may không có ai bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Du học sinh người Việt cũng nhiều và người Việt định cư ở đây cũng có một số. Tụi em hay thường liên lạc với nhau. Ai hiện khó khăn không có đồ ăn thức uống, tụi em có thể mang đến chia sẻ. Ai đi đâu, làm gì, bao nhiêu người tụi em có thể thống kê và liên lạc thường xuyên với mọi người xem tình hình mọi người như thế nào.

Trà Mi: Du học sinh Việt Nam ở đó chừng 2, 3 chục người không?
Cương: Chỗ em gần cả trăm người, tập trung từng tốp một. Mỗi tốp bầu ra 1 tổ trưởng.
Trà Mi: Tức là các bạn liên lạc chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau.
Vượng: Vâng ạ.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện này. Chúc các bạn bình an, may mắn trong những ngày sắp tới.

Trà Mi thân mời các bạn nghe đài thường xuyên ghé thăm chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên website www.voatiengviet.com, trang Facebook, Twitter, hay Yahoo 360 độ plus của VOA để chia sẻ những câu chuyện về giới trẻ và trao đổi với độc giả khắp nơi. Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý vị trong một đề tài mới vào tuần sau.
.
.
.

No comments: