Friday, March 18, 2011

CÓ PHẢI THỰC SỰ "THẾ HỆ CHÚNG TA MẤT GỐC HOÀN TOÀN" ? (Nguyễn Hữu Quý)

Nguyễn Hữu Quý
Thứ bảy, ngày 19 tháng ba năm 2011

Lễ hội kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 2008), 580 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang
Tái hiện những hình ảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Phải chăng “những tinh anh của nền văn học Việt Nam đương đại” đang muốn “vứt đi” những hình ảnh này?

-----------------

Xung quanh câu chuyện đoạt giải của hai tác phẩm văn học “Hội thề” & “Dị hương”; cùng với việc tranh luận giữa các vị trong Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN), những tưởng như chưa có hồi kết; thì hôm nay, có vẻ như một người không phải trong HNVVN đã đưa ra “kết luận” được rồi ?!; đó là tác giả Võ Văn, trong bài “Về cuộc tranh luận Hội thề và Dị hương”, đăng trên trannhuong.com, ngày 18/3/2011.

Sở dĩ tôi có dịp bàn đến vấn đề này là bởi; xung quanh việc trao giải thưởng cho hai tác phẩm nêu trên (mà Nguyễn Hữu Quý Blog đã có dịp dẫn nguồn và đăng một số bài xung quanh sự việc này); những người quan tâm đến nền văn học nước nhà nói riêng, đến lịch sử dân tộc và đặc biệt là đến ý thức hệ của người Việt Nam đương đại, mà nếu như diễn đạt nó chỉ bằng một câu, thì không có gì chính xác hơn, xin mượn nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc, đó là “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn”.

Đúng vậy, xung quanh việc trao giải thưởng cho tác phẩm “Hội thề”; một phần lịch sử dân tộc, không chỉ riêng tác giả của tác phẩm này, mà ngay cả đến Ban giám khảo xét giải thưởng đối với tác phẩm, những người được xem là “Tinh hoa văn học Việt Nam đương đại”; cũng đã trở nên là những người xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ những vị anh hùng dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược; để hình thành lên một triều đại phong kiến nhà Lê, với bề dày lịch sử hơn 360 năm, dài nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Hơn thế, triều đại phong kiến nhà Lê (lịch sử gọi là nhà Hậu Lê, được hiểu là Lê sơ và Lê Trung hưng) đã để lại cho lịch sử dân tộc một “Hội thề Đông quan”, mà chỉ riêng sự kiện này, người phương Bắc không bao giờ trả được hết nhục đối với người Việt phương Nam; là một bộ luật Hồng Đức (1483), với tính nhân bản và kỷ cương phép nước; mà đến hôm nay, sau hơn 500 năm người Việt Nam đương đại vẫn đang còn “mơ” để thực thi trên đất nước của mình (?!).

Hơn tất cả, Triều đại phong kiến nhà Hậu Lê đã làm cho tên tuổi Nguyễn Trãi trở thành vĩ đại, bất tử; lịch sử nước nhà ghi danh một anh hùng dân tộc; thế giới sau này đã ghi danh một danh nhân văn hóa…; bên cạnh là một “Nguyễn Trãi vi thần”, một phần tạo nên thành công vang dội của cuộc KHỞI NGHIÃ LAM SƠN; ông còn để lại cho lịch sử, cho dân tộc một bản hùng ca bất tử “Bình Ngô Đại cáo” lưu danh đến muôn đời; mà theo người viết, cho dù lịch sử và thời thế “có lúc thịnh, lúc suy”, nhưng đó luôn luôn là niềm hứng khởi tạo tâm thế cho người Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào!

Nhưng than ôi, hôm nay, dưới “lăng kính” của tác giả “Hội thề”, và Ban giám khảo gồm những “Tinh hoa văn học Việt Nam đương đại”, tất cả những nhân vật liên quan trong một giai đoạn lịch sử hào hùng gắn với cuộc KHỞI NGHIÃ LAM SƠN, như đã trở nên kệch cỡm, xô bồ…?!

Sở dĩ tôi xem tác giả Võ Văn, ông như đã “kết luận”, là bởi trong bài viết “Về cuộc tranh luận Hội thề và Dị hương” nêu trên, ở phần kết tác giả viết:

Tuy nhiên, tôi vẫn xin đưa ra một kết cục có thể nói là “dĩ hòa vi quý”: giải thưởng của Hội thề (và cả Dị hương) vẫn tồn tại và đương nhiên đó là sự khởi đầu của trường phái “Phản tiểu thuyết”, “Phản Lịch sử” (Trong một nền văn học cần chấp nhận nhiều “Trường phái”). Còn những ý kiến phản biện, xin cứ tiếp tục, nhưng hãy chỉ xuất hiện trên những trang web “không chính thống” (tức của những ông chủ tư nhân). Tất cả những dòng sông vẫn chảy… [phần tô đậm là NHQ muốn nhấn mạnh].

Quả thực, tôi không hiểu được những người thuộc ban giám khảo cho cuộc thi này, mà ai đó đã viết, rằng đây gồm những người thuộc hàng ngũ “tinh anh của nền văn học Việt Nam đương đại” (?!); không những phát hiện rằng đây là tác phẩm “Phản tiểu thuyết”, “Phản Lịch sử”; lại trao giải cho tác phẩm này…; nhân dân ta nghĩ gì, các vị đang nghĩ gì?

Viết đến đây, tôi lại liên tưởng đến hai sự kiện đang xẩy ra đồng thời:

Thứ nhất: Tai hoạ đang chồng lên tai hoạ đối với dân tộc Nhật Bản; qua báo chí và các Blog, người Việt Nam hôm nay không khỏi phải ngước nhìn về một dân tộc Nhật Bản đã trở nên vĩ đại!

Thứ hai: Sự tương phản với một dân tộc Nhật Bản vĩ đại, là một dân tộc Việt Nam Ẩn hiện bóng ma sợ hãi”, mà hôm nay 18/3/2011, mạng Bauxite Việt Nam đã giới thiệu.

Để rồi, lịch sử dân tộc đã từng một thời:

“… Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”...

Mà hôm nay, vẫn dân tộc này, và vẫn kẻ thù ấy; khi nói về hài cốt các chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma do bọn phương Bắc xâm lược, thì than ôi! xử sự của hậu thế nước Việt Nam hôm nay:

“Chiều 19-12-2008, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn xác nhận, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao VN đã có văn bản đề nghị phía bạn tạo điều kiện tàu ta ra quy tập hết hài cốt bộ đội hy sinh về, nhưng đến nay phía bạn chưa hồi âm”.

Thay lời kết:

Người Việt Nam chúng ta luôn luôn tự hào:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo

Vì đâu hôm nay, người Việt Nam đã ẩn hiện bóng ma sợ hãi, đến mức phải “… đã có văn bản đề nghị phía bạn tạo điều kiện...”, trên chính mảnh đất mà tổ tiên để lại?

Riêng với Hữu Thỉnh, phải chăng, trước khi muốn kết thúc “triều đại” ba nhiệm kỳ của mình; ông muốn đặt nền móng cho một thời kỳ mới cho nền văn học nước nhà… “là sự khởi đầu của trường phái “Phản tiểu thuyết”, “Phản Lịch sử”?!

18.3.2011

----------------------------------

Đọc thêm :

Nguyễn Huệ Chi  - 21.9.2005
.
.
.

No comments: