BBC
Cập nhật: 11:57 GMT - thứ hai, 21 tháng 3, 2011
Chiến sự diễn ra liên tiếp tại Libya đang đặt ra câu hỏi về thái độ và phản ứng thực của các nước Nga và Trung Quốc vốn ban đầu đã "bật đèn vàng" cho Liên quân tấn công chế độ Gaddafi.
Cuối tuần qua, các nhà bình luận đã cố gắng tìm hiểu vì sao Trung Quốc và Nga, hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã đồng ý để Hoa Kỳ, Anh và Pháp mở trận không chiến Libya.
Trong cuộc bỏ phiếu tối thứ Năm tuần trước, hai nước này bỏ phiếu trắng, coi như là để cho liên quân lập và kiểm soát vùng cấm bay tại Libya.
Nhưng thái độ này cũng có thể thay đổi theo tình hình, nhất là khi nghị quyết 1973 có định nghĩa khá rộng trong việc cho phép liên quân làm gì.
Nhất là khi các giới tại Washington, London và Paris nay đồng ý không đổ bộ để chiếm đóng Libya nhưng có vẻ sẽ làm tất cả để loại ông Gaddafi.
Theo giải thích của Fyodor Lukianov, tổng biên tập tạp chí 'Nga và quan hệ quốc tế' cho báo chí biết nước Nga nay không nhất thiết cứ phải phủ quyết các đề nghị của Phương Tây như hồi có cuộc bỏ phiếu trừng phạt Zimbabwe ba năm trước.
Ông nói trước đây, "Liên Xô có thái độ là bảo vệ chủ quyền của mọi nước chống lại sức ép từ Phương Tây", và Nga cũng theo truyền thống đó một thời gian dài.
Nhưng nay, Moscow "không nhất thiết khi nào cũng phải tỏ thái độ rõ rệt về bất cứ đề tài nào".
Theo ông, lần này, lãnh đạo Nga cho rằng "quyền lợi của Nga trước hết là nằm ở châu Âu và châu Á, nên việc gì mà phải xung khắc với Hoa Kỳ và EU trong vấn đề Libya".
Quyền lợi ở đâu?
Trung Quốc lần này cũng không phản đối việc mở vùng cấm bay tại Libya với lý do chính các nước Ả Rập yêu cầu chuyện đó.
Đó là chưa kể, có ý kiến cho rằng quyền lợi của Trung Quốc tại Bắc Phi sẽ đảm bảo hơn một khi chế độ Gaddafi ra đi.
Trong thời gian diễn ra hỗn loạn, chế độ Gaddafi cũng không có hành động gì để bảo vệ hàng vạn công nhân Trung Quốc tại đây, dù họ đang làm việc trong các công trình mà Libya mời đến.
Báo chí Trung Quốc nói nhiều đến các vụ công nhân của họ bị những đám côn đồ tấn công, và chính quyền đã phải cử tàu chiến và phi cơ đến đón họ về.
Tuy Trung Quốc không hề muốn "Cách mạng Hoa Nhài" nổ ra ở nước mình nhưng cũng không cho rằng đứng ra bảo vệ các chế độc độc đoán trong vùng là hợp lý.
Ngoài ra, chế độ Gaddafi với các phát biểu ngược xuôi bất nhất xem ra cũng không còn khả tín ở cương vị một đối tác làm ăn với Trung Quốc.
Nhìn từ phía Nga, ông Lukianov cho rằng "Trung Quốc cũng muốn đứng sang một bên, xem diễn biến tình hình ra sao" trong vụ Libya.
Tuy nhiên, "cửa sổ ngoại giao" để Phương Tây giải quyết chế độ của ông Muammar Gaddafi có thể không còn mở rộng.
Chỉ vào ngày sau các vụ không tập, cả Nga và Trung Quốc đều lên tiếng phê phán cách bắn tên lửa vào Tripoli của liên quân do Mỹ, Anh và Pháp dẫn đầu.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 20/3 lên tiếng tỏ ý lo ngại về "diễn tiến của chiến dịch không tập" tại Libya và kêu gọi "ngưng dùng vũ lực".
Tuy thế, một nhà báo của BBC Tiếng Nga cho hay dù nói thế, chính giới Nga "vui lòng để liên quân tấn công ông Gaddafi, và cũng vui khi thấy liên quân gặp khó khăn".
Còn Trung Quốc hôm nay 21/3 cũng lên tiếng chỉ trích cách bắn phá của liên quân.
Reuters trích lời giới quan sát thân chính phủ ở Trung Quốc cho rằng "Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông và Bắc Phi ngày càng tăng" nên Trung Quốc phải nói ngày càng mạnh.
Nguồn dầu từ Trung Đông và Bắc Phi là sản phẩm nhập khẩu quan trọng đối với Trung Quốc, chiếm một nửa số dầu nước này nhập về hàng năm, theo Reuters.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng sức nặng của lý lẽ Trung Quốc nêu ra cùng phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ cũng không nhiều như người ta nghĩ.
Vì mới bắt đầu bước chân ra xa các vùng ảnh hưởng truyền thống ở châu Á, tiếng nói của Bắc Kinh tại châu Phi chưa nhiều, dù có các quyền lợi kinh tế.
Trong khi đó, vùng Trung Đông luôn l̀à khu vực ảnh hưởng truyền thống của các cường quốc châu Âu, từ mấy trăm năm qua, và từ thế kỷ 20 là cả Hoa Kỳ.
Năm 1991, khi nổ ra cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1 dưới thời Tổng thống Bush cha, Bắc Kinh cũng để phiếu trắng như lần này.
Tuy thế, sau đó, trước hỏa lực mạnh mẽ của liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo, các giới tại Trung Quốc, nhất là phe quân sự cảm thấy lo ngại.
Lần này cũng vậy, Trung Quốc hiện bị giằng co giữa hai thái độ: vừa đáp ứng đòi hỏi của Phương Tây, vừa phê phán làm so đủ để có vị thế là nước lớn.
Nếu chiến sự diễn biến xấu, chắc chắn tiếng nói chỉ trích liên quân từ Nga và Trung Quốc sẽ còn gia tăng nhưng không để làm đổ vỡ quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington.
Như thế, khác với thái độ của Việt Nam trên nguyên tắc 'chủ quyền và lãnh thổ', sự phản đối đến từ Trung Quốc là có tính toán, tùy thuộc vào tình hình.
Trước mắt, như bình luận của ông Valery Nesterov, một chuyên gia đánh giá về dầu khí nói với Moscow News thì "Nga và các nước như Trung Quốc đang chơi bài Chờ và Xem".
.
.
.
No comments:
Post a Comment