Trà Mi-VOA | Washington DC
Thứ Sáu, 25 tháng 3 2011
Dân biểu Quốc hội Canada, Robert Oliphant, vừa sang Mỹ để tìm cách hợp tác với các đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ thúc đẩy cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, Ban Việt Ngữ VOA, ông Oliphant cho biết thêm chi tiết:
Dân biểu Oliphant: Là dân biểu trong Quốc hội Canada, tôi làm việc với một nhóm người ở Canada có quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Sang Hoa Kỳ lần này, tôi gặp các thành viên Quốc hội Mỹ có cùng mối quan tâm, như dân biểu Joe Loefgren, Chris Smith, Loretta Sanchez, Susan Davis, và Frank Wolf. Họ là thành viên nhóm Vietnam Caucus trong Quốc hội Mỹ. Chuyến đi nhằm thiết lập mối liên hệ để tôi tìm hiểu xem các chính trị gia tại Hoa Kỳ đã có những hoạt động gì đối với tình trạng vi phạm nhân quyền, giới hạn tự do internet, và ngăn cản các quyền tự do căn bản của người dân tại Việt Nam để coi chúng tôi có thể hợp tác với nhau ra sao hầu có được một tiếng quốc tế mạnh mẽ thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền.
VOA:Ông có thể cho biết các chính trị gia tại Canada đã có những hoạt động ra sao liên quan đến vấn nhân quyền của Việt Nam?
Dân biểu Oliphant: Chúng tôi đi sau so với những gì các chính trị gia Hoa Kỳ đang làm. Chúng tôi có nêu lên vấn đề này nhưng trong các phạm vi nhỏ hẹp. Mới đây tôi vận động Quốc hội Canada nghiên cứu về tình trạng đàn áp đang tiếp diễn ở Việt Nam, nạn vi phạm quyền tự do ngôn luận, lập hội, và tự do internet, cũng như bắt bớ các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến. Đề nghị của tôi đã được chấp thuận và hiện đang nằm trong nghị trình làm việc của Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế tại Quốc hội Canada. Chúng tôi muốn thu hút sự chú ý của truyền thông và công luận quốc tế. Chính quyền Hà Nội cần phải biết là thế giới đang theo dõi sát cũng như rất quan tâm đến các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
VOA: Vì sao ông quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, mà không phải là một quốc gia nào khác?
Dân biểu Oliphant: Không phải đâu, tôi quan tâm đến nhân quyền của nhiều nước. Tôi tình cờ quen một số người và họ nêu vấn đề nhân quyền Việt Nam với tôi. Trong nhiều năm qua, tôi cũng đã lưu ý với chính quyền về tình trạng nhân quyền tại nhiều nơi. Địa phương tôi đại diện có rất ít người Việt sinh sống cho nên tôi lưu ý tới chuyện nhân quyền Việt Nam không phải là vì kiếm phiếu của cử tri. Lý do đơn giản là vì tôi cảm thấy vấn đề tại Châu Á chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay thế giới đang tập trung chú ý tới khu vực Trung Đông, nơi đang diễn ra các cuộc nổi dậy, hay nói đúng hơn là phong trào ủng hộ dân chủ. Vai trò của internet và các phương tiện truyền thông trong các phong trào này rất quan trọng. Qua đó, người dân có thể tổ chức, tập hợp được sức mạnh và biết rõ là mình không đơn độc. Các quốc gia độc tài đang giới hạn các phương tiện này, chẳng hạn như Việt Nam giới hạn Facebook, và điều này kìm hãm các cơ hội dân chủ. Vì vậy, muốn có dân chủ tại Việt Nam, cần phải chú ý tới các nền tảng như sự truyền thông. Cho nên, một trong những trọng tâm tôi lưu ý là quyền tự do internet và tiếp cận với các phương tiện truyền thông của người dân.
VOA: Theo ông, nhân quyền Việt Nam đóng vai trò quan trọng thế nào trong mối quan hệ với Canada và trong tiến triển của mối quan hệ đó?
Dân biểu Oliphant: Canada muốn có mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Nói chuyện với bằng hữu thì dễ dàng hơn với kẻ thù. Cho nên, Canada tìm cách có mối quan hệ mậu dịch tốt với Việt Nam. Tại Cananda hiện có 180 ngàn người gốc Việt sinh sống, một con số đáng kể so với số dân của Canada. Cộng đồng Việt Nam tại Canada là nhóm thiểu số hội nhập rất tốt, đóng góp tích cực cho kinh tế, xã hội Canada. Nhìn chung, Canada có mối giao hảo với Việt Nam. Điều chúng tôi muốn làm là dùng mối bang giao này để giúp người dân tại Việt Nam được bảo vệ các quyền căn bản của con người như tự do bày tỏ quan điểm, tự do ngôn luận. Theo tôi, chính phủ Canada chưa mạnh mẽ trong việc liên kết mậu dịch với các yêu cầu đòi Việt Nam phải cải thiện nhân quyền. Và đây là một trong những mục tiêu mà tôi đang hướng tới.
VOA: Cũng trên tinh thần giao hảo giữa Hoa Kỳ hoặc Canada với Việt Nam, chính phủ Hà Nội xem những ai lên án nhân quyền của Việt Nam là can thiệp vào chuyện nội bộ và thiếu thiện chí. Ý kiến của ông thế nào?
Dân biểu Oliphant: Bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền khẳng định chủ quyền và tôi hiểu là nước nào cũng có chủ quyền riêng. Thế nhưng, cộng đồng quốc tế có chung tuyên ngôn nhân quyền trên thế giới vượt ra ngoài biên giới hay lãnh thổ của các quốc gia. Các công dân trên thế giới này đều có quyền bình đẳng như nhau, cũng như có quyền trao đổi hoặc thể hiện quan điểm về các vi phạm nhân quyền. Việt Nam đã ký kết vào một số công ước quốc tế về nhân quyền. Chúng tôi không yêu cầu họ phải làm theo điều gì xa vời mà chỉ cần họ tuân theo công ước mà chính họ đã tự nguyện ký tên tham gia. Tôi cho rằng không nên tách rời mậu dịch và nhân quyền thành hai vấn đề riêng rẽ. Chúng tôi cố gắng liên kết hai vấn đề này lại một cách tích cực. Một chính phủ khả tín, tôn trọng nhân quyền sẽ mang lại một môi trường tốt cho hoạt động kinh doanh và điều này sẽ thu hút nhiều nguồn vốn nước ngoài hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm, giúp phát triển kinh tế cho Việt Nam.
VOA:Xin chân thành cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
.
.
.
No comments:
Post a Comment