Sunday, March 27, 2011

CUỘC HỘI LUẬN CÙNG TẬP HỢP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN : CÂU TRẢ LỜI VÒNG HAI [3] - Dân Luận

Dân Luận
Thứ Hai, 28/03/2011

Câu hỏi số 8: Chủ trương của THDCĐN là hoà hợp - hoà giải, nhưng bấy lâu nay vẫn không thể hoà hợp được với những tổ chức chính trị khác cùng mục tiêu, vậy thì làm sao thực hiện được việc lớn hơn là đoàn kết dân tộc?

Nguyễn Gia Dương trả lời:
Câu hỏi này xuất phát từ một ngộ nhận lớn. THDCĐN hoàn toàn không có mâu thuẫn hay xung đột với bất cứ một tổ chức dân chủ nào cả, trái lại còn có quan hệ tốt với mọi tổ chức dân chủ, hơn thế nữa còn có những quan hệ rất tốt với một số tổ chức quan trọng. Xin bạn yên chí, đối với các tổ chức dân chủ khác THDCĐN không có nhu cầu hoà giải mà chỉ có vấn đề hợp tác như thế nào để đạt hiệu quả tối đa mà thôi.
Cũng cần nói thêm là trên công thức hợp tác, THDCĐN rất lạc quan. Chúng tôi nhận định là những khác biệt quan điểm hiện nay không đáng kể và càng ngày càng nhỏ lại cho nên không ngăn cản một số tổ chức, trong đó có THDCĐN, hợp nhất lại thành một tổ chức. Dĩ nhiên tiến trình hợp nhất đòi hỏi cố gắng và thời gian để thực hiện. Trong khi chờ đợi cần nghiên cứu giải pháp một mặt trận dân chủ. Trong giải pháp này THDCĐN cũng rất lạc quan, chúng tôi cho rằng mặt trận dân chủ nên và có thể có một tổ chức đầu tàu. THDCĐN có thể nhưng không đòi hỏi đảm nhiệm vai trò đầu tàu này. Một lần nữa xin bạn yên tâm. Các tổ chức dân chủ Việt Nam không mâu thuẫn và chia rẽ đâu. Riêng THDCĐN, chúng tôi không những không phải là nguyên nhân chia rẽ mà còn có thể là một sợi dây gắn bó.

-------------------------

Câu hỏi số 9: Năm ngoái, trên trang Bauxite Việt Nam, một trí thức "lão thành cách mạng" đề xuất thay chủ nghĩa cộng sản bằng chủ nghĩa dân tộc. Cho đến nay, ý kiến này chưa từng bị bác bỏ.
THDCĐN có đồng ý với đề xuất đó không? Nếu không đồng ý, quý vị đề nghị chủ nghĩa nào?

Nguyễn Gia Dương trả lời:
Trước hết cần hiểu rằng "chủ nghĩa" cho tới nay về mặt triết học có nghĩa là một hệ thống tư tưởng tự nó đầy đủ làm nền tảng cho mọi lý luận và chính sách, cho phép giải thích mọi sự kiện và giải quyết mọi vấn đề. Như vậy chủ nghĩa dân tộc là một chọn lựa chính trị chủ trương có thể giải thích và giải quyết tất cả bằng khái niệm dân tộc, nếu cần bất chấp những ưu tư khác.
THDCĐN quan niệm rằng trong thế giới hiện nay các chủ nghĩa đã lỗi thời:
Thay thế cho các chủ nghĩa là một số giá trị phổ cập được tôn trọng và thể hiện trong mỗi quốc gia và trong quan hệ giữa các quốc gia. Những giá trị này là hoà bình, tự do, nhân quyền, dân chủ, pháp trị, đối thoại, hợp tác, liên đới, lợi nhuận và môi trường. Khi tôi viết những dòng này thì chính những giá trị căn bản trên đã thôi thúc Liên Hiệp Quốc can thiệp vào Libya để bảo vệ thường dân đang bị chính quyền tàn sát, nhờ vào những đạo quân đánh thuê.
Trở lại với khái niệm "chủ nghĩa dân tộc". Không những khái niệm chủ nghĩa đã lỗi thời mà cái gọi là "chủ nghĩa dân tộc" còn lỗi thời hơn nữa, thậm chí còn có thể là một tội ác nếu được đẩy quá xa. Các chế độ Quốc Xã Đức, Phát Xít Ý, Quân Phiệt Nhật đều đã theo "chủ nghĩa dân tộc". Làn sóng dân chủ thứ hai, bắt đầu từ thế chiến II, chính là nhắm đánh gục chủ nghĩa dân tộc. Ngày nay trên thế giới "chủ nghĩa dân tộc" (nationalism) đã trở thành một từ ngữ đáng ghét. Sở dĩ nó thỉnh thoảng còn được nhắc lại tại Việt Nam chỉ vì tư tưởng chính trị của chúng ta chưa cập nhật mà thôi.
Dân tộc hay quốc gia, không phải và không thể là một chủ nghĩa mà là một tình cảm. Một tình cảm lớn và cao quý nhưng vẫn chỉ là một tình cảm. Thay vì chủ nghĩa dân tộc chúng ta nên trân trọng và tăng cường lòng yêu nước và lấy lòng yêu nước làm tình cảm hướng dẫn trong cố gắng xây dựng một đất nước Việt Nam tự do, giầu mạnh trong một thế giới được coi như là mái nhà chung của nhân loại anh em. Một triết gia lớn, Ernest Renan đã phân biệt lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc như sau: "lòng yêu nước là tình yêu đồng bào mình, chủ nghĩa dân tộc là sự kỳ thị các dân tộc khác". Tôi hy vọng rằng những người chủ trương "chủ nghĩa dân tộc" không nghĩ khác chúng tôi mà chỉ đã mắc vào một sai lầm về khái niệm và ngôn ngữ. Dù sao đây cũng là một sai lầm cần được vạch ra để loại bỏ.
THDCĐN quan niệm quốc gia Việt Nam cần được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một tương lai chung. Dân tộc Việt Nam cần được định nghĩa như cộng đồng của những người mong muốn hội nhập vào không gian liên đới này và chấp nhận chia sẻ một tương lai trên.
Nếu Tổ quốc biết nói? Tôi mong rằng Tổ quốc Việt Nam sẽ phát biểu như sau: «Anh chị sinh ra không là người Việt Nam. Anh chị không phải là những người ‘máu đỏ da vàng’. Nhưng qua tình cảm và sự chọn lựa, anh chị đã chứng tỏ lòng mong muốn hội nhập vào không gian liên đới Việt Nam để cùng chia sẻ một tương lai. Anh chị là người Việt Nam Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện giấc mơ Việt Nam. Chúng ta sẽ xây dựng một đất nước Việt Nam mà mỗi người đều có tiếng nói và mọi người đều có chỗ đứng ngang nhau».

-----------------------------------

Câu hỏi số 10: Quý vị nghĩ thế nào về cách thức đấu tranh cho dân chủ của một số cá nhân điển hình như Cù Huy Hà Vũ và Vi Đức Hồi? Việc đấu tranh này có đem đến kết quả nào không? Khi họ bị chính quyền Việt Nam bắt giam, ngoài việc các báo lề trái và tổ chức nước ngoài lên tiếng bảo vệ họ, thì theo quý vị còn có cách nào khác để tạo sức ép lên chính quyền Việt Nam yêu cầu trả tự do cho những người nói trên?

Đoàn Xuân Kiên trả lời:

1. Yểm trợ những người dân chủ trong nước là một nghĩa vụ mà cũng là một chiến lược:
Trong khuôn khổ các công tác trọng điểm của mình (“phát động mạnh mẽ công cuộc đấu tranh dân chủ trong nước”), THDCĐN xem việc yểm trợ những nhà hoạt động dân chủ trong nước là một việc không chỉ là tình cảm liên đới mà còn là một việc có ý nghĩa công tác chiến lược.
Trong thời gian qua, mặc cho nhà cầm quyền không ngừng gia tăng đàn áp, đội ngũ những người đứng lên đấu tranh cho dân chủ đã ngày càng tăng ở trong nước.
Mỗi khi xảy ra các cuộc trấn áp những người dân chủ, công luận trong nước đã không ngừng chuyển tải thông tin đến công chúng và lên tiếng nói hỗ trợ những anh em dân chủ bị đàn áp vì bày tỏ chính kiến khác biệt. Đây là những hành động cần thiết để thể hiện tình liên đới giữa những người đồng bào.
Ngoài ra các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đã kịp thời lên tiếng trước công luận thế giới về tình hình đàn áp người bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Mới đây nhất là trường hợp gia đình anh Cù Huy Hà Vũ đã gửi hồ sơ về trường hợp của anh đến văn phòng Liên Hiệp Quốc. Đấy là một tiếp cận mới có ý nghĩa.
Việc lên tiếng trước công luận thế giới thông qua các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính giới phương Tây là một hướng mà cộng đồng hải ngoại đã và đang làm. Trong tình hình nước ta đang ngày càng tiến đến hội nhập cùng thế giới, những hành vi đàn áp công dân vi phạm nhân quyền sẽ là những vết đen không thuận lợi cho hình ảnh đất nước ta trước công luận thế giới.
Trên tinh thần liên đới cùng những người phải đối đầu với bộ máy đàn áp của nhà nước, THDCĐN và tổ chức từ thiện của mình là Nghĩa Hội Việt Nam đã và vẫn chủ trương liên lạc và hỗ trợ tinh thần cho anh chị em. Chúng tôi cũng tiếp cận với những tổ chức nhân quyền để tạo mối liên đới trong cộng đồng quốc tế đối với phong trào dân chủ trong nước. (Xem: Phần VI, mục 3.3 của DACTDCDN, tr. 93-94).
Điều cần tính tiếp là những nỗ lực có tính tổ chức và kết hợp của lực lượng dân chủ trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả của việc vận động dư luận quốc tế. Về điểm này, THDCĐN đã đề nghị việc này trong DACTDCDN 2001:
Những cố gắng vận động sự yểm trợ của thế giới cho đến nay đã đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn bị giới hạn do tình trạng thiếu kết hợp và phối hợp. Do tình thế phân tán lực lượng, các cố gắng không chỉ thuần túy vì mục đích tăng cường cuộc vận động dân chủ mà đôi khi còn nhắm tranh thủ trước hết hậu thuẫn cho đoàn thể mình. Tình trạng này không những làm giảm rất nhiều hiệu năng mà còn gây ấn tượng không tốt đối với đối lập dân chủ. Tinh thần mới mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị cho cố gắng vận động là chỉ nhắm đem lại thắng lợi cho cuộc vận động dân chủ trong các cố gắng tranh thủ sự hưởng ứng của thế giới. Điều này khó, nhưng phải thực hiện được nếu tổ chức dân chủ muốn thế giới nhìn đối lập dân chủ Việt Nam như một thực thể vừa có thực lực vừa biết tự trọng.
Phương pháp vận động cũng cần được xét lại, trước hết là để tập trung cố gắng vào những hoạt động thực sự có lợi cho tiến trình dân chủ hóa thay vì phí phạm sinh lực cho những hoạt động ồn ào không gây được sự kính trọng của dư luận thế giới.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, bằng quan hệ khiêm tốn và thành tín với mọi lực lượng và mọi thành phần dân chủ trong cũng như ngoài nước, sẽ cổ võ cho một sự xét lại và cải tiến mặt trận quốc tế vận. Quyết tâm tìm hiệu năng tối đa trên mặt trận này sẽ đem lại nhiều hệ quả tốt đẹp cho đối lập dân chủ Việt Nam. Nó sẽ khiến đối lập dân chủ Việt Nam ý thức rằng cần xuất hiện trước thế giới như hy vọng cho tương lai chứ không phải như những tàn dư của một quá khứ, như một lực lượng bao dung chứ không phải như một lực lượng phục thù. Nó sẽ khiến những người dân chủ nhận thức sự cần thiết của một dự án chính trị đứng đắn và có sức thuyết phục.
Quan trọng hơn, nó sẽ khiến chúng ta nhìn rõ yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa các thành phần dân chủ trong và ngoài nước. Ý thức tầm quan trọng của mặt trận quốc tế vận cũng là ý thức tiềm năng to lớn và vai trò chiến lược của cộng đồng người Việt hải ngoại, đánh tan mặc cảm tội lỗi vì không có mặt trên đất nước và hiểu rằng trong và ngoài nước đều quan trọng như nhau, đều cần nhau và đều phải quí trọng nhau.

Và quan trọng hơn hết, nó sẽ khiến chúng ta nhận thức rằng phải phối hợp và kết hợp nếu muốn được thế giới tận tình hỗ trợ. Chúng ta sẽ hiểu rằng cần vượt lên trên những khác biệt chi tiết để đoàn kết trong một mặt trận dân chủ.
” (DACTDCDN 2001, tr. 95-96).

2. Quan điểm của THDCĐN về những đường lối đấu tranh cho dân chủ hiện nay:
Nhìn lại hai trường hợp Cù Huy Hà Vũ và Vi Đức Hồi, bạn đọc đặt câu hỏi: “cách thức đấu tranh cho dân chủ của một số cá nhân điển hình như Cù Huy Hà Vũ và Vi Đức Hồi có đem đến kết quả nào không?”. Câu hỏi này tuy có tính cách cụ thể nhưng lại có ý nghĩa khái quát cao trong tình hình hiện nay.
Trước hết, nói riêng về hai cá nhân được nêu ra ở đây, có thể nói ngay là cả hai nhà đối kháng nói trên đều đáng quí và đều đáng bênh vực vì đều là nạn nhân của một sự tuỳ tiện thô bạo cấp nhà nước, nhưng thái độ chính trị và phong cách đấu tranh khác nhau và chắc chắn là những người dân chủ phải dành cho Vi Đức Hồi sự quý mến và yểm trợ nồng nhiệt hơn hẳn. Anh là một người đã bỏ quyền lợi trong đảng cộng sản để đứng hẳn vào đội ngũ dân chủ. Cù Huy Hà Vũ thì khác, anh Vũ không nhận mình là một người dân chủ, anh cũng không muốn hợp sức với người dân chủ nào và chỉ nói lên những điều mình muốn nói. Cù Huy Hà Vũ không bao giờ nhận mình tranh đấu cho dân chủ và có lẽ cũng không có ý định đó; nhưng nếu cho rằng anh tranh đấu cho dân chủ thì đó là lối đấu tranh nhân sĩ cần được dứt khoát từ bỏ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây được phổ biến rộng rãi, luật sư Trần Lâm cũng cho biết là trong khi tiếp xúc với ông Cù Huy Hà Vũ đã khẳng định là anh không chống nhà nước cộng sản và cũng không muốn liên hệ gì với một người bất đồng chính kiến nào cả.
Điểm đáng bàn ở đây không phải là cá nhân anh Cù Huy Hà Vũ và anh Vi Đức Hồi. Đáng nói ở đây là: hai anh có thể xem là những đại biểu cho hai khuynh hướng đấu tranh cho dân chủ trong chính “tập hợp dân chủ mới” của chúng ta: lối đấu tranh kiểu nhân sĩ và lối đấu tranh trong một tổ chức dân chủ.
Nhân sĩ là ai? Lối tranh đấu nhân sĩ là gì? Trong một bài viết có tính cách kiểm điểm về những yếu kém của phong trào dân chủ Việt Nam, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nói nhiều về đề tài này. Trước hết, ông đưa ra một định nghĩa về “nhân sĩ”:
Nhân sĩ, là một người có tham vọng chính trị, mong muốn một vai trò quyền lực nào đó nhưng không tham gia một tổ chức nào, mà hành động với tư cách cá nhân, với hy vọng thành tích và tài năng cá nhân của mình có thể giúp mình đạt mục tiêu”. Cù Huy Hà Vũ là một trường hợp điển hình của định nghĩa nhân sĩ này. Anh có tham vọng chính trị vì đã từng làm đơn ứng cử vào chức bộ trưởng văn hoá nhưng lại hoàn toàn không muốn kết hợp với ai. Cũng phải nói là việc ứng cử vào chức bộ trưởng văn hoá rất không bình thường, nó chứng tỏ anh là người tự đánh giá mình rất cao nhưng lại hiểu biết ít về chính trị. Không cần kiến thức uyên bác, một người bình thường cũng biết rằng chức vụ bộ trưởng không phải là một chức vụ mà người ta có thể ứng cử.
Và đây là nói về “chủ nghĩa nhân sĩ” trong sinh hoạt chính trị của người mình:
Chủ nghĩa nhân sĩ đã gây rất nhiều tác hại, và có nhiều triển vọng sẽ được sử dụng như một vũ khí chống dân chủ.
Trước hết, nó là một thể hiện của chủ nghĩa luồn lách trong chính trị, bởi vì nó cũng là một cách để giải quyết vấn đề cá nhân (tham vọng chính trị, ước mơ quyền lực và ảnh hưởng) bằng những hành động cá nhân. Luồn lách là phản ứng thông thường của những cá nhân bất lực và sợ hãi ; điều nghịch lý là chủ nghĩa nhân sĩ đem thể hiện nó trong một trường hợp mà việc đầu tiên phải làm là thuyết phục quần chúng kết hợp lại thành đội ngũ và đấu tranh có tổ chức. Các chính khách nhân sĩ không thể thành công (ai tin lời kêu gọi kết hợp của một người đã chứng minh bằng chính bản thân rằng ông ta không chịu đứng hay không thể đứng trong một tổ chức nào cả ?) nhưng họ còn tác hại, bởi vì để biện hộ cho cách hoạt động của họ, họ phải lý luận rằng không cần có tổ chức hoặc không có tổ chức nào đáng hưởng ứng cả. Vô tình hay cố ý họ làm nản lòng thay vì động viên quần chúng và đóng góp giữ phong trào dân chủ trong thế bất lực, vì một lần nữa cần nhắc lại một sự thực hiển nhiên là không có tổ chức thì không làm được gì cả. Chính quyền cộng sản không thể mơ ước một đồng minh quí báu hơn. Lý do cũng thường được viện dẫn là không có những lãnh tụ xứng đáng, điều khôi hài là có vô số nhân sĩ thấy mình xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo.
Một chính khách nhân sĩ, nếu không lập dị, chỉ có thể là một người cơ hội và vọng ngoại, bởi vì nếu không có lực lượng họ chỉ có thể hy vọng một cơ may nào đó giúp cho họ tham gia chính quyền mà thôi, và cơ may này chỉ có thể đến từ bên ngoài. Chúng ta có thể nhận xét là các nhân sĩ rất siêng năng chầu chực những cơ quan và nhân vật nước ngoài và cũng rất háo hức trước những dịp mà họ tưởng là cơ hội lớn.
Chủ nghĩa nhân sĩ là một bệnh hoạn mà chúng ta thừa hưởng ở di sản lịch sử và văn hóa Khổng giáo. Văn hóa Khổng giáo dạy kẻ sĩ ở ẩn chờ thời cho đến khi thấy được một minh chúa. Cái triết lý minh chủ cũng rất huyền bí, minh chủ là do số trời. Nhưng số trời thì ai biết được, biết đâu mình lại chẳng có số làm lãnh tụ ? Và người ta làm chính trị như đi mua vé số. Sở dĩ tâm lý này vẫn còn dai dẳng vì trong suốt giai đoạn lịch sử vừa qua đất nước ta, trước một đảng cộng sản cai trị một cách không khác với một chế độ quân chủ tuyệt đối bao nhiêu, những người được đưa lên cầm quyền đều không phải do lực lượng của mình mà có được chính quyền, tất cả đều chỉ do sự chọn lựa tùy tiện của ngoại bang, không khác gì một cuộc xổ số. Cái tâm lý không phục ai, coi thường mọi người cũng là di sản của các chế độ nô lệ ngoại bang và bản xứ kế tiếp nhau trong suốt dòng lịch sử. Các tập thể nô lệ có đặc điểm chung là không quí trọng nhau và chỉ nể người ngoại quốc. Đó là một tâm lý mà chúng ta cần khắc phục.
Chúng ta phải dứt khoát khước từ chủ nghĩa nhân sĩ dưới mọi thể hiện của nó.
Ngoài những nhóm nhỏ vài ba người qui tụ chung quanh một nhân sĩ, hay do kết hợp quyền lợi của một vài nhân sĩ, mà ta có thể đồng hóa với cách làm chính trị nhân sĩ, một trong những thể hiện này là các liên minh lỏng lẻo và các buổi họp mặt theo công thức "ngồi lại với nhau". Cần nói rõ: những sinh hoạt này tự chúng là tốt, chúng cho phép trao đổi ý kiến, tìm hiểu lẫn nhau, kể cả phối hợp hành động trong những công tác cụ thể có thời hạn nhất định. Sai lầm là ở chỗ người ta thường coi như thế là đủ để thay thế các tổ chức đích thực. Người ta cố đánh lừa mình để tin như vậy, bởi vì người ta muốn như vậy. Các công thức này cho phép các nhân sĩ không có tổ chức, hay những nhóm nhỏ, cái ảo tưởng là được đóng một vai trò quan trọng trong một cơ cấu lớn mà không cần kinh qua những khó khăn để xây dựng tổ chức. Chúng ta hãy tự hỏi trong hơn 30 năm qua đã có bao nhiêu cuộc họp mặt trong đó người ta gặp nhau thân mật, trao đổi ý kiến rất nhiệt tình và chia tay với tất cả thiện chí, nhưng đã có những kết quả nào ? Đã có bao nhiêu liên minh, liên kết qui tụ hàng chục, có khi hàng trăm tổ chức, nhưng những kết hợp này đâu rồi và còn để lại gì ? Sao chúng ta không biết rút kinh nghiệm ? Sao ta cứ lặp lại mãi một sai lầm đã kéo dài hàng mấy chục năm và sau cùng chẳng thỏa mãn được ai?” (Nguyễn Gia Kiểng, “Làm gì để thắng?”, Thông Luận 210,Th.01/2007).
Trong các công tác trọng điểm của mình, THDCĐN đã liên tục từ nhiều năm qua tiếp xúc, trao đổi với những người đã dũng cảm lên tiếng cho một thay đổi về hướng dẫn chủ. THDCĐN cũng không ngừng cổ suý và vận động cho những kết hợp giữa những nhân vật đối kháng để tiến dần lên hoạt động dân chủ có tổ chức. Do vậy những người như Vi Đức Hồi đáng được chúng ta trân trọng, bảo vệ và yểm trợ.
Trong công cuộc vận động dân chủ hoá nước nhà, THDCĐN đã nhiều lần trình bày với đồng bào rằng chế độ toàn trị hiện nay đã đi đến điểm cuối của chính nó rồi. Chúng ta không nên ảo tưởng là có thể trông cậy nó tự chuyển hoá về dân chủ. Mọi nỗ lực đề nghị, kiến nghị để chờ mong nhà nước và đảng CSVN ban phát dân chủ và quyền tự do căn bản của con người chỉ là ảo vọng. Khi cả một hệ thống đã hỏng hóc mà chỉ hi vọng có thể sửa đổi dăm ba cơ phận rời rạc cũng chỉ là ảo vọng.
Những người dân chủ cần chọn lựa dứt khoát là đấu tranh dân chủ trong một tổ chức dân chủ để từ đó có thể tạo dựng một lực lượng dân chủ mà quần chúng chờ đợi.

-----------------

Tin liên quan

.
.
.

No comments: