Saturday, March 5, 2011

CHIẾN LƯỢC “TIẾN RA NGOÀI” CỦA HẢI QUÂN TRUNG QUỐC

(Tạp chí “Quân sự thế giới”, Trung Quốc, số 9/2010)
Đăng bởi anhbasam on 05/03/2011
.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 4/3/2011
.
1) Bốn bước ngoặt của chiến lược “tiến ra ngoài”
“Tiến ra biển xanh” chắc chắn chỉ là một cách so sánh, hải quân Trung Quốc tiến ra biển xa bằng tàu chiến nào? Tiến về phía nào? Đi ra ngoài có thể làm được những gì? Muốn xác định mức độ khác nhau, phải có điều kiện và ý nghĩa tương ứng.
Trước hết, phạm vi địa lý “tiến ra ngoài” nếu lấy chuỗi đảo thứ nhất làm tiêu chí, thì không có gì phải tranh cãi.
Bước đi đầu tiên “tiến ra ngoài” của hải quân Trung Quốc đương nhiên là việc lấp khoảng trống lớn trong lịch sử từ sau chuyến đi vượt đại dương của Trịnh Hoà. Bước đi này là dấu ấn mới của Trung Quốc tại các vùng biển trên thế giới. Lần đầu tiên hải quân Trung Quốc đi xa là đưa tàu chiến ra Nam Thái Bình Dương để đảm bảo việc thử nghiệm tên lửa vượt đại châu “Đông Phong 5”. Từ đó, hải quân Trung Quốc tiến bước vững chắc, qua những chuyến đi lần đầu tiên tới nhiều vùng biển ở châu Mỹ và châu Âu. Đến năm 2002, thực hiện hành trình vòng quanh thế giới, hải quân đã hoàn thành mục tiêu lấp được khoảng trống. Hình thức chủ yếu của việc “tiến ra ngoài” là ngoại giao hải quân, mục tiêu chính là “đi đến nơi”.
Trên nền tảng đó, hải quân Trung Quốc bước đầu thể nghiệm “tiến ra ngoài” với hình thức thứ hai – diễn tập quân sự ở hải ngoại. Năm 2005, trong hành trình tàu “Thâm Quyến” thăm Pakixtan, Ấn Độ và Thái Lan, hải quân Trung Quốc lần lượt diễn tập chung với ba nước tại biển Arập, Ấn Độ Dương và vịnh Thái Lan. Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc diễn tập chung với hải quân nước ngoài. Năm 2006, nhân chuyến thăm Mỹ của tàu “Thanh Đảo”, hải quân Trung Quốc lần đầu tiên diễn tập chung với hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương. Tháng 3/2007, tàu “Cảng Liên Vân” đến Pakixtan để tham gia diễn tập chung trên biển với nhiều quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc thực sự sử dụng vũ khí. Tháng 9/2007, trong hành trình đi thăm, tàu “Quảng Châu” đã diễn tập chung với hải quân của Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Trong đó, cuộc diễn tập với Tây Ban Nha là cuộc diễn tập đầu tiên của hải quân Trung Quốc ở Đại Tây Dương, còn cuộc diễn tập với tàu sân bay HMS Ark Royal của Anh là cuộc diễn tập đầu tiên với tàu sân bay.
Tuy các cuộc diễn tập này chỉ có nội dung chủ yếu là “lĩnh vực an ninh phi truyền thống” như thông tin liên tạc, tìm kiếm cứu nạn…., nhưng cũng đã tiến thêm bước dài so với việc đi thăm các cảng biển đơn thuần về ngoại giao và chiến lược. Các cuộc diễn tập này cũng là bước đi cần thiết đối với hải quân Trung Quốc vốn ít giao lưu với tàu chiến nước ngoài.
Việc hộ tống tàu ở eo biển Aden bắt đầu từ năm 2008 đã mở ra hình thức mới để hải quân Trung Quốc “tiến ra ngoài”. Tuy là “hành động quân sự phi chiến tranh”, nhưng đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc chấp nhận thử thách thực tế chiến đấu tại vùng biển xa. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc băng qua Ấn Độ Dương cách xa đất nước mình.
Tháng 4/2010, Hạm đội Đông Hải của hải quân Trung Quốc vượt chuỗi đảo thứ nhất, xuyên qua eo biển Miyako và cuộc diễn tập của hạm đội Bắc Hải từ Biển Đông xuyên qua eo biển Miyako. Hai sự kiện này đã hình thành liên tiếp hình thức “tiến ra ngoài” của hải quân Trung Quốc: độc lập vượt qua chuỗi đảo thứ nhất tiến hành diễn tập quy mô lớn với nhiều binh chủng, nhiều loại tàu hoàn chỉnh lớn.
.
2) Nơi bị hiểu lầm là căn cứ ở nước ngoài
Ngày 8/6/2010, đội tàu hộ tống thứ 5 của hải quân Trung Quốc là chiến hạm “Quảng Châu” cập cảng Salala bắt đầu đợt bảo dưỡng tiếp tế nghỉ ngơi trong 5 ngày. Đây là lần thứ ba tàu này cập cảng kể từ khi thực hiện nhiệm vụ hộ tống. Cùng với hoạt động hộ tống của hải quân Trung Quốc bước vào giai đoạn mới thay thế nhau có trật tự trở nên bình thường, thì việc tàu hộ tống cập cảng để bão dưỡng, tiếp tế, nghỉ ngơi dần dần trở nên bình thường.
So với đợt hộ tống đầu tiên, tàu chiến và nhân viên đều phải chấp nhận thử thách trong một thời gian dài với 124 ngày không lên bờ, cường độ cao, lượng vận tải lớn, tích luỹ được kinh nghiệm, rèn luyện được đội ngũ, nhưng tư tưởng, tâm lý, sinh lý của nhân viên và khả năng bảo đảm đi kèm cũng có vấn đề, không thể duy trì trạng thái bình thường. Trên thực tế, mọi lực lượng hải quân không hoạt động được trên biển dài ngày thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu. Rau xanh chỉ là vấn đề thông thường nhất, điều quan trọng hơn là vấn đề duy tu bảo dưỡng trang thiết bị thiết yếu như động cơ tàu chiến.
Vấn đề “điểm dừng chân trong hành trình viễn dương” nhanh chóng trở nên phức tạp vì đụng chạm đến chính sách ngoại giao. Trung Quốc vốn thực hiện chính sách không liên kết và không can thiệp trong một thời gian dài, cho dù cần thiết phải có “trạm dừng chân”, thì cũng phải giải thích thế nào về lý luận ngoại giao? Thực hiện như thế nào trong thực tiễn đều còn là khoảng trống. Khoảng trống về chính sách khó tránh khỏi tạo ra thách thức cho hải quân Trung Quốc ngày nay tiến ra biển lớn.
Trên thực tế, bản thân vấn đề “trạm dừng chân trên biển xa” có hai cấp độ khách quan và chủ quan. Về khách quan, sự có mặt của Đại sứ quán Trung Quốc và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc ở các nước ven bờ Ấn Độ Dương đã giải quyết được vấn đề bảo đảm cho tàu hộ tống để đội tàu thực hiện các hoạt động mua sắm thương mại, tiếp tế hậu cần theo định kỹ, kể cả việc nhân viên lên bờ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nghiên cứu ở góc độ lý luận đơn thuần, Trung Quốc không hoàn toàn loại trừ tình hình quốc tế đòi hỏi hải quân Trung Quốc phải có mặt trong một thời gian dài và thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở Ấn Độ Dương. Trong tình hình đó, vấn đề “trạm dừng chân” là tồn tại khách quan không thể né tránh.
Điều đáng chú ý là, thực tiễn chiến tranh hiện nay chứng tỏ, “trạm dừng chân trên biển” khi xảy ra chiến tranh ngày càng ít liên quan tới căn cứ ở nước ngoài. Bởi vì, trong cộng đồng quốc tế hiện nay, tôn trọng chủ quyền của nước khác đã trở thành nguyên tắc cơ bản. Do đó, ngay cả Mỹ là quốc gia can thiệp mạnh mẽ ở nước ngoài, nhưng khi phát động chiến tranh Irắc năm 2003, các nước đồng minh Trung Quốc trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối cung cấp căn cứ và mượn đường tấn công. Mỹ không thể ép buộc được các nước đó. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây trong việc chuẩn bị điều kiện chiến trường để sử dụng lực lượng quân sự ở nước ngoài, có một thực tế phổ biến là không thể đảm bảo căn cứ quân sự thuận lợi ở nước ngoài trong thời chiến. Trước tình hình đó, ngoài việc sử dụng triệt để hai căn cứ là đảo Diego Garcia ở trung tâm Ấn Độ Dương và đảo Guam ở Thái Bình Dương làm “trạm dừng chân”, Mỹ cũng đang tích cực phát triển khái niệm “căn cứ trên biển” hoàn toàn nhờ vào tàu hậu cần và công trình di động. Mục tiêu là lực lượng viễn chinh thuỷ quân lục chiến có thể tấn công mà hoàn toàn không cần đến căn cứ trên bờ. Điều đáng chú ý là tàu sân bay và tàu đổ bộ của Mỹ cũng là điều kiện mà các nước khác khó sánh kịp.
Một điểm khác liên quan đến “trạm dừng chân biển xa” là Trung Quốc đã tích cực thông qua hợp tác kinh tế, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng biển với các ven bờ Ấn Độ Dương như Pakixtan, Xri Lanca, Mianma. Việc làm này của Trung Quốc lại bị các nước như Ấn Độ coi là ý đồ quân sự lớn. Điều đó đương nhiên là một sự xuyên tạc, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc lại đi đến một thái cực khác là không thể xây dựng căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương trong mọi tình huống. Nếu Trung Quốc tự trói buộc mình trong vấn đề này là đã từ bỏ khả năng giữ gìn hoà bình, an ninh quốc tế và lợi ích của bản thân trong tình hình quốc tế phức tạp. Nếu sử dụng lý luận “mối đe doạ” để giải thích, thì các mối đe doạ hợp pháp, hợp lý và tiềm ẩn trong đó có việc hình thành điều kiện sử dụng quân đội ở nước ngoài trên thực tế, đều không mâu thuẫn với cách giải thích của lý luận quân sự kinh điển Trung Quốc về tính chất chính nghĩa của chiến tranh.
Điều thực sự đáng lo ngại là một khi tình hình cực đoan trở thành hiện thực, khả năng sử dụng vũ lực của Trung Quốc phải đi từ lý luận đơn thuần và chuẩn bị điều kiện bên ngoài chuyển sang hướng thực tiễn. Giữa lý luận và thực tiễn còn tồn tại một khoảng cách lớn. Nếu xem xét trong tình hình “cơ bản không có sự đảm bảo về căn cứ quân sự trong thời chiến”, Mỹ vẫn có khả năng tự đảm bảo lưu động trên biển thì Trung Quốc chắc chắn còn phải nỗ lực rất nhiều.
.
3) Việc phong toả chuỗi đảo thứ nhất
Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục dự báo: Một thời gian nữa, hải quân Trung Quốc vẫn đối mặt với thực tế bị lực lượng quân sự chiếm ưu thế của Mỹ phong toả bên trong chuỗi đảo thứ nhất. Tuy nhiên, cách giải thích của Trung Quốc về sự “phong toả” thường có sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn ấy thể hiện rõ hơn khi hải quân Trung Quốc tiến ra eo biển Miyako vào đầu năm 2010. Trên thực tế, luật pháp Trung Quốc bảo lưu về quyền đi qua không gây hại của tàu chiến nước ngoài khi qua lãnh hải nước khác theo quy định của “Công ước Liên hợp quốc về luật biển”. Khi trinh sát tại vùng biển gần Trung Quốc, hải quân Mỹ không những đã vi phạm luật pháp Trung Quốc mà còn lạm dụng luật pháp quốc tế, nhưng ngược lại, khi hải quân Trung Quốc đi qua eo biển khá rộng, thì trên thực tế hoàn toàn không liên quan đến vấn đề lãnh hải của Nhật Bản. Nói cách khác, trong thời bình, cho dù các quốc gia khác phô trương thanh thế như thế nào, giám sát ra sao, việc hải quân Trung Quốc ra vào chuỗi đảo thứ nhất vẫn không có bất cứ vấn đề gì về mặt pháp lý và thực tế, cơ bản không tồn tại khả năng “phong toả”.
Hàm nghĩa về chuỗi đảo thứ nhất tạo ra sự “phong toả” hoàn toàn chỉ là ý tưởng: Trong thời chiến, khi nước khác chặn đứng lối ra vào Thái Bình Dương của Trung Quốc bằng biện pháp quân sự, thì các đảo thuộc chuỗi đảo thứ nhất sẽ tạo thuận lợi cho họ về địa lý và bố trí lực lượng. Tuy nhiên, dù xem xét vấn đề ở tình trạng chiến tranh cũng phải hiểu một cách rõ ràng. Hiệu quả chiến lược lớn nhất của việc “phong toả” này chủ yếu chỉ hải quân Trung Quốc không dễ dàng tự do hành động khi tranh chấp vùng trung tâm Thái Bình Dươg với đối thủ Mỹ. Với các đối tượng tác chiến tiềm tàng khác của Trung Quốc, đây không phải là vấn đề chủ yếu. Điều bất lợi đối với Trung Quốc chỉ là khi tấn công từ hướng trung tâm Thái Bình Dương đến phía sau những hòn đảo này.
Giữa Trung Quốc và Mỹ, giá trị “phong toả” của chuỗi đảo thứ nhất cũng liên quan chặt chẽ đến sự chênh lệch lớn giữa sức mạnh hải quân hai nước. Đối với các quốc gia có thực lực mạnh mẽ, cho dù chuỗi đảo hoàn toàn thuộc về đối thủ, trong trạng thái chiến tranh, việc chiếm đảo trước, tiến ra biển sau vẫn là bước đi tất yếu. Nước Mỹ trong thời kỳ cuối của chiến tranh Thái Bình Dương là như vậy, bất kỳ vị trí quan trọng nào của chuỗi đảo thứ nhất cũng không thể giúp Nhật Bản tranh được sụp đổ hoàn toàn trên đất nước mình.
Ngược lại, những nước thực lực chưa đủ mạnh giành lấy vị trí chiến lược trong chuỗi đảo thứ nhất để mở đột phá khẩu cho dù tiến ra đại dương, cũng khó làm được việc lớn. Chẳng hạn như Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bản thân nước Nhật chính là vị trí mạnh nhất trong chuỗi đảo thứ nhất, họ bất ngờ tập kích Trân Châu cảng, là công việc cuối cùng để làm chủ hầu như toàn bộ vị trí xung yếu của chuỗi đảo thứ nhất ở Tây Thái Bình Dương. Chiến dịch đảo Midway là hành động tấn công từ chuỗi đảo thứ nhất sang chuỗi đảo thứ hai. Cho dù không có chuỗi đảo thứ nhất, Trung Quốc muốn trực tiếp tấn công chuỗi đảo thứ hai, cũng cần có chỗ dựa là thực lực mạnh.
Do đó, người viết rằng, vấn đề chuỗi đảo thứ nhất phần nhiều chỉ là sức ép về địa chính trị, thế chiến lược và tâm lý dân tộc, chứ không hoàn toàn là vấn đề quân sự. Nếu không nhìn nhận đúng đắn sức ép đó thì đây sẽ là một gánh nặng. Trong lịch sử, Trung Quốc cho đến nay chưa từng có một tuyến đường qua lại an toàn trong chuỗi đảo này. Tuy nhiên, nếu có đủ sức mạnh trên biển, vào thời binh dù bị bao vây ngăn chặn, đối thủ cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Vào thời chiến có sức mạnh mở toan đột phá khẩu thì còn gì phải lo sợ? Về tâm lý dân tộc, Trung Quốc phải nhận thức được rằng chuỗi đảo thứ nhất là sự tồn tại khách quan, khi chưa đủ mạnh vẫn hiên ngang đối mặt, nếm mật nằm gai, khi bước đầu xông ra gặp trở ngại phải kiên trì. Xét cho cùng, dù Trung Quốc có ra sức lên án vạch trần âm mưu hiểm ác của kẻ bao vây ngăn chặn, thì sợi dây xích bên cạnh Trung Quốc cũng không bao giờ tự động nới lỏng.
.
4) Phối hợp giữa xa và gần
Nói về tâm lý dân tộc thì một điểm nóng khác là cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn Quốc ở Hoàng Hải có liên quan mật thiết với sự tiến ra biển xa của hải quân Trung Quốc. Điều này trên thực tế là vấn đề phối hợp giữa “xa” và “gần” trong quá trình “tiến ra biển xa”. Trung Quốc đối mặt với tàu sân bay của Mỹ tiến về biển Hoàng Hải, đồng thời, sức mạnh và hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đã mở ra cục diện “tiến ra biển xa” về chiến lược, có những tiến bộ thực chất. Do đó, Trung Quốc phải chú ý quan hệ căng thẳng của mấy cặp mâu thuẫn, nếu thu hút sức ép quá sơm, quá nhiều đến vùng biển gần của mình sẽ không có lợi.
Trước sức ép thực tế hiẹn nay, Trung Quốc không phải không có giải pháp mang tính thực chất. Hiện nay, A2/AD – (viết tắt “chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực”) đã trở thành từ ngữ thời thượng trong thuật ngữ quân sự của Mỹ. Tuy quân đội Trung Quốc chưa từng tuyên bố công khai thực hiện chiến lược này, nhưng sự thúc đẩy các biện pháp cụ thể khiến Mỹ có cảm nhận bị sức ép thực tế. Nếu tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay của Trung Quốc có đột phá lớn, mối đe doạ từ tàu sân bay của Mỹ sẽ giảm đi một cách thực chất.
Đối với triển vọng đó lại cần có hai quan điểm. Thứ nhất là không được manh động, chẳng hạn hễ thấy nước khác tập trận ở biển Hoa Đông là nghĩ ngay đến việc thử tên lửa chống tàu. Thứ hai là không thể từ một mà suy ra hai, tàu sân bay của Mỹ bị mối đe doạ chiến lược từ tên lửa của Trung Quốc, không có nghĩa là ưu thế hoàn toàn mất đi, cũng không có nghĩa là trong thời bình tàu sân bay Mỹ sẽ hoàn toàn biến mất khỏi vùng biển gần của Trung Quốc, càng không có nghĩa là Mỹ hoàn toàn không có đối sách. Do đó, biện pháp chống kiềm chế ngăn chặn tiếp theo của Trung Quốc phải càng nhiều càng tốt, càng sáng tạo càng tốt. Đây là cuộc chơi không có giới hạn điểm dừng./.

-------------------------------
.
.
.
.

No comments: