Saturday, March 5, 2011

CÁCH MẠNG NGA ? KHÔNG, CẢM ƠN! (Miriam Elder, Foreign Policy)

MIRIAM ELDER
Foreign Policy  - Ngày 2-3-2011

Người dịch: Minh Hạo
Đăng bởi anhbasam on 05/03/2011

Đối mặt với những cằn nhằn dai dẳng từ người dân, điện Kremlin đáp trả theo cách thông thường: đổ lỗi cho phương Tây.

Moscow – Trong ngày 21/2, không quân Libya tấn công người biểu tình ở Tripoli, nổ súng vào đám đông tham gia cuộc nổi dậy chống lại Đại tá Muammar al-Gaddafi. Cũng ngày hôm đó, Boris Yakemenko, nhà tư tưởng cấp cao của nhóm thanh niên ủng hộ Kremlin Nashi, quyết định rằng đây là thời điểm thích hợp để đưa ra ý kiến của mình về sự kiện.
“Lãnh đạo Libya Đại tá M. Guaddafi đã cho cả thế giới thấy cách để đối phó với những kẻ kích động nhằm gây ra cách mạng, bất ổn định và nội chiến,” Yakemenko viết trong một bài luận nhan đề “Con đường đúng.” (The Right Path) đăng trên blog của ông và trên trang web chính thức của Nashi.
“Ông bắt đầu tiêu diệt chúng. Ông sử dụng tên lửa và tất cả những gì mình có,” Yakemenko viết. “Đây là con đường đúng đắn nhất để chấm dứt những công nghệ “cách mạng” của Mỹ.”

Lời nói của ông có lẽ sẽ nghe như tiếng lảm nhảm của một người điên – nếu nó không gần với những tuyên bố của lãnh đạo Nga kể từ khi tình trạng bất ổn ở Trung Đông nổ ra từ tháng một. Thực sự khiếp đảm bởi cuộc cách mạng và bởi những thăm dò gần đây cho thấy sự tức giận và mất lòng tin đối với chính phủ ngày càng lan rộng, điện Kremlin đánh phủ đầu trước: ám chỉ rằng cách mạng được phương Tây hậu thuẫn để lật đổ những chính thể gây khó chịu, và đưa ra những tuyên bố mang tính hoang tưởng nhằm đổ tội những yếu kém của Nga cho kẻ khác.

Yakemenko không phải người ngoài cuộc. Ông là một trong những quan chức cao cấp nhất của Nashi, là anh em với thủ lĩnh nhóm, và là một thành viên của Hội đồng Công chúng (Public Chamber) – một ủy ban giám sát của chính phủ bao gồm những người được bổ nhiệm bởi Tổng thống. Nashi, nhóm mà ông đại diện, là một tổ chức chống cách mạng tuyệt đối, thành lập bởi điện Kremlin trong năm 2005 khi mà cái được gọi là cuộc cách mạng màu ở Georgia và Ukraine mới ở giai đoạn đầu. Ở phương Tây, những cuộc nổi dậy đó được nhìn nhận như là biểu hiện vứt bỏ những xiềng xích tàn dư ảnh hưởng của Nga từ hai quốc gia hậu Xô Viết. Trong điện Kremlin, những cuộc cách mạng màu được xem như chiến thắng của các cơ quan gián điệp phương Tây trong nỗ lực nhằm bắt Nga quỳ gối.

“[Tại thời điểm đó,] Tổng thống Putin và các quan chức khác thực sự sử lối nói hoa mỹ kiểu “ngày tiếp theo nó sẽ xảy ra ở Moscow,” Masha Lipman, nhà phân tích tại Trung tâm Moscow Carnegie nhận xét. Nashi, tổ chức với hàng chục ngàn thanh niên ủng hộ Putin, được thành lập để đón đầu cái ngày đó.

Nhưng đại diện của Nashi không phải là người duy nhất xúi giục những nhà độc tài chuyên quyền trong thế giới Ả-rập. Khi những sự kiện ở Tunisia, Ai Cập, và Libya rộ lên, các nhà lãnh đạo Nga giữ im lặng một cách khó chịu trước khi phản hồi với cùng một mức độ hoang tưởng cảnh giác cao độ. Igor Sechin, một phó thủ tướng kín kẽ và là một trong những kẻ thân cận nhất của Thủ tướng Vladimir Putin, đã sử dụng một buổi phỏng vấn hiếm hoi để đổ lỗi toàn bộ tình hình bất ổn cho Google, ám chỉ tới vai trò của Wael Ghonim, giám đốc điều hành của Google, người đã ẩn danh khởi tạo trang Facebook, thứ đã tập hợp được hàng ngàn người ủng hộ cuộc cách mạng Ai Cập. “Chúng ta cần nghiên cứu sát sao những gì diễn ra ở Ai Cập,” ông trả lời tờ Wall Street Journal. “Nhìn mà xem, những quản lý cấp cao của Google đã và đang làm gì ở Ai Cập, những cách thức lôi kéo khả năng tiềm tàng của con người đang diễn ra ở đó.”

Vài giờ sau khi bài phỏng vấn đăng vào ngày 22/2, Tổng thống Dmitry Medvedev đưa ra những tuyên bố đầu tiên về tình trạng náo loạn, ông cảnh báo rằng “những kẻ cuồng tín” đang tìm cách cướp chính quyền ở thế giới Ả-rập. “Điều đó đồng nghĩa với những cuộc giao tranh kéo dài hàng thập kỷ và sự lan truyền của chủ nghĩa cực đoan,” ông cảnh báo.

Tuy nhiên, điều sửng sốt nhất chính là nhận xét của ông Medvedev cho rằng “họ” – chính xác là họ là ai thì không được xác định – đang đang chuẩn bị cho những tình hình bất ổn tương tự trên đất nước của mình.
“Trước đây họ đã từng chuẩn bị cho chúng ta một kịch bản tương tự như vậy, và giờ đây, hơn lúc nào hết, họ sẽ nỗ lực biến nó thành hiện thực,” ông Medvedev phát biểu mà không thèm giải thích “họ” là ai. “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, kịch bản đó sẽ không thành công.”

Đây là một chiến lược xưa cũ nhằm khuấy động sự hoang tưởng chống phương Tây, hy vọng có thể đổ lỗi những vấn đề của chính Nga cho “những nguồn gốc xấu xa ngoài kia đang dàn xếp gây nên những điều tệ hại,” Lipman nói. Địa điểm diễn ra bài phát biểu của Medvedev là đáng lưu ý: Ông phát biểu tại một buổi họp ủy ban chống khủng bố của mình tại Vladikavkaz, một thành phố thuộc nước cộng hòa Bắc Ossetia, phía nam Liên bang Nga vốn được xem như cửa ngõ của khu vực Caucasus cứng đầu cứng cổ. Ông đáp chuyến bay đến thành phố này chỉ 4 ngày sau khi những kẻ Hồi giáo cực đoan bị nghi ngờ đã bắn hạ ba du khách từ Moscow trên đường đến khu trượt tuyết gần núi Elbrus, đỉnh cao nhất ở châu Âu. Đây là biến cố gây kinh hãi mới nhất trong cuộc nổi dậy kéo dài hàng năm trời và lên đến đỉnh điểm trong mấy tháng gần đây, với việc quân phiến loạn hai lần thực hiện những vụ tấn công cảm tử có sức tàn phá lớn ở Moscow trong năm ngoái. (Thứ ba, ngày 1/3, phó chủ tịch Hội đồng Liên bang, Thượng nghị viện Nga, buộc tội Tổng thống Georgia Mikheil Saakashvili – vốn bị Nga xem như một con tốt của phương Tây – về việc tổ chức vụ tấn công sân bay Domodedovo tháng một vừa qua làm 37 người thiệt mạng, một vụ tấn công mà lãnh đạo quân nổi dậy Chechen, Doku Umarov đã đứng ra nhận trách nhiệm.)

Nếu “họ” đang khuấy rộng rắc rối ở Ai Cập và Libya, sẽ thật thuận lợi cho Nga để tranh luận rằng “họ” cũng rất có thể là nguồn gốc của những rắc rối của Nga ở Caucasus cũng như những khu vực khác.
Nhưng người Nga không tin vào những lời bào chữa dễ dàng như vậy. Bất mãn đang dần dần lan tỏa, không chỉ đối với sự bất lực của Moscow trong việc ngăn chặn tấn công khủng bố, mà còn đối với sự thờ ơ của chính phủ trong việc đưa Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tình trạng thất nghiệp và lạm phát vẫn ở mức cao, trong khi tham nhũng đã trở thành một cách sống. Một cuộc thăm dò của trung tâm Levada diễn ra trong ngày Tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ ở Ai Cập cho thấy 34% người Nga tin rằng một cuộc biểu tình quần chúng như ở Ai Cập cũng có thể diễn ra ở Nga. Một cuộc thăm dò khác thực hiện vào cuối tháng 2 bởi Quỹ hỗ trợ Công luận (Public Opinion Foundation) chỉ ra rằng 49% người Nga bất mãn tới mức họ sẵn sàng tham gia biểu tình, một tỷ lệ cao chưa từng có. Cơ quan thăm dò thứ 3, VCIOM, cho thấy tỉ lệ ủng hộ Medvedev và Putin đã rơi xuống dưới mức 50% – một con số thấp đáng kinh ngạc.

Phe đối lập còn chật vật ở Nga đang hy vọng có thể nắm bắt được cơ hội qua những con số này. “Bất mãn xã hội, độc quyền chính trị và tham nhũng ở Nga đều ở mức độ cao – đây là một môi trường lý tưởng cho biểu tình tập thể,” Ilya Yashin, lãnh đạo 27 tuổi của Phong trào liên kết – một nhóm bao trùm tập hợp tất cả lực lượng dân chủ chống đối của Nga, cho biết. “Đây là một sự kết hợp mà chúng ta đã thấy ở Ai Cập, một năm trước không ai mong đợi một điều như thế có thể xảy ra ở đó.”

Vậy nhưng, nhóm của Yashin dường như không theo dõi một cách sát sao, mặc dù vụng trộm, về phong trào đối lập ở thế giới Ả-rập. Những cuộc biểu tình hàng tháng do họ tổ chức từng bị cấm nhưng nay được cho phép dưới sự lãnh đạo của thị trưởng mới của Moscow Sergei Sobyanin, hiếm khi thu hút được trên 1000 người. Khoảng 500 người tham gia cuộc tập hợp mới đây nhất ở trung tâm Moscow ngày 12/2 – một kết quả đáng thất vọng mà Yashin đổ lỗi cho thời tiết ở cái lạnh âm 13 độ Fahrenheit (âm 25 độ C). “Nếu nhiệt độ cũng thấp như thế ở các thủ đô Ả-rập, người ta cũng chẳng tham gia nhiều đến thế đâu,” anh biện bạch.

Những nhóm cấp tiến hơn của Nga có xu hướng nhận được nhiều ủng hộ hơn. Những cuộc biểu tình cánh cực hữu tổ chức bởi những nhóm phân biệt chủng tộc nhất của Nga thường tập hợp được ít nhất 5000 người. Ở cánh tả, những người hưởng lương hưu của Nga thông thường cũng là những công dân tích cực nhất về mặt chính trị, luôn tham gia chật ních các buổi họp của Đảng Cộng sản.

Mặc dù khó có thể nói đây là cái gì đó của cách mạng, các nhà lãnh đạo Nga vẫn cảm thấy bất an. Trong một quốc gia mà bộ máy quan liêu uể oải vẫn bao gồm những thành viên của ban lãnh đạo Cộng sản thời kỳ Sô Viết, lo sợ quá đà như thế là điều gần như là bình thường. “Một chính thể như thế này, một chính thể độc đoán khờ khạo, mang trong mình những lo lắng di truyền về điều này,” Lipman nhận xét.

Khi cộng đồng quốc tế gắn kết lại với nhau đối mặt với sự tàn nhẫn ngày một gia tăng của Gaddafi, Medvedev đột nhiên xoay chiều, đưa ra thông báo ngày 25/2 lên án việc sử dụng vũ lực chống lại công dân và cảnh cáo rằng lãnh đạo Libya có thể bị kết án tội phạm chiến tranh nếu họ từ chối kiềm chế bản thân lại. Ngày 1/3, một nguồn thông tin giấu tên từ điện Kremlin tiết lộ với hãng tin Interfax rằng Gaddafi bây giờ được coi như một “xác chết chính trị.” Tuần này, Nga, với sự yên lặng và thanh thản không giống Nga một chút nào, đã tham gia những nỗ lực quốc tế áp đặt trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc lên Libya, chịu mất những hợp đồng cung cấp vũ khí được báo cáo là trị giá lên tới 4 tỷ USD.

Yakemento, nhà tư tưởng Nashi, không chấp nhận sự trở mặt này.
“Tổng thống Madvedev phát biểu rằng những gì xảy ra ở thế giới Ả-rập sẽ không xảy ra ở Nga. Điều đó có nghĩa ông hiểu rằng những gì diễn ra ở Trung Đông là một quá trình được dàn dựng từ bên ngoài,” Yakemento trả lời tôi trong ngày 1/3.

“Có những kẻ kích động, chúng là kẻ thù của đất nước – và không chỉ ở Libya,” ông nói. “Người Mỹ đã tự giao cho mình nhiệm vụ thay đổi quyền lực trong những khu vực đó, và họ sẽ làm mọi cách để đạt được điều đó. Đúng là có rất nhiều người bất mãn, nhưng họ đang bị lợi dụng.” Khi mà lãnh đạo Nga đang theo đuổi chính sách hai lưỡi nhằm đánh lạc hướng sự chú ý với những vấn đề trong nước, trong khi củng cố niềm tin rằng người ngoài mới chính là kẻ gây ra những vấn đề trong đất nước của chính mình, Nga sẽ còn cần những người như Yakemenko đứng về phía mình.

Với Yashin, anh cho hay anh chỉ cần chờ đến mùa xuân. “Khi mà thời tiết ấm lên, mọi người sẽ ra đường nhiều và nhiều hơn nữa.” Nhưng mùa đông Nga sẽ còn tiếp tục một thời gian dài nữa: Mubarak của Ai Cập cai trị đất nước trong gần 30 năm; Gaddafi nắm quyền trong gần 42 năm. Putin, lãnh đạo tối cao của Nga, mới ở vai trò Tổng thống hay Thủ tướng được hơn một thập niên. “Đúng thế,” Yashin nói, “nhưng nếu nói về mặt tham nhũng thì khi so với Putin, Mubarak vẫn còn trung thực chán.”

Người dịch: Minh Hạo
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: