Friday, March 25, 2011

CHIẾN HẠM USS KIRK CỨU NGƯỜI TỊ NẠN ĐƯỢC ĐƯA LÊN MÀN ẢNH

Hà Giang/Người Việt
Wednesday, March 23, 2011 7:53:39 PM

Từ bấy lâu nay, khi nhắc đến cuộc chiến Việt Nam, cả thế giới đều hình dung đến một hình ảnh được chiếu đi chiếu lại trong chương trình tin tức buổi tối của các đài truyền hình vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Cuối tháng 4 năm 1975, khi Sài Gòn thất thủ, một chiến thuyền hộ tống nhỏ mang tên USS Kirk đóng một vai trò thiết yếu nhưng gần như bị lãng quên, là giải cứu gần 30,000 người Việt tị nạn. Ðây là hình một thủy thủy của USS Kirk săn sóc một trẻ em Việt Nam trong hành trình này. (Hình: Hugh Doyle, cựu Kỹ Sư Trưởng của USS Kirk).

Ðó là hình ảnh một chuỗi người chen chúc nhau leo lên cầu thang của chiếc máy bay trực thăng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đậu trên một sân thượng để chuẩn bị di tản nhân viên Tòa Ðại Sứ Mỹ ra khỏi Việt Nam, vào những phút giây hoảng loạn trước khi Sài Gòn thất thủ.

Ba Mươi Tháng Tư một lần nữa lại sắp đến, và giữa lúc người Việt tha hương khắp nơi đang chuẩn bị tưởng niệm biến cố lịch sử đã xua hơn một triệu người Việt Nam ra biển, liều chết tìm tự do, thì cuốn phim về một cuộc di tản quan trọng khác, cũng do chính phủ Hoa Kỳ đảm nhiệm, lần đầu tiên được ra mắt khán giả, kể lại một sự kiện xẩy ra cách đây gần 36 năm.

Ðó là cuốn phim tài liệu có tên “The Lucky Few - The Story of USS Kirk” (Những Người May Mắn - Câu chuyện của USS Kirk).

USS Kirk là gì?
Những người may mắn đó là ai?
Và tại sao câu chuyện của 36 năm về trước bây giờ mới được kể?
Muốn trả lời thỏa đáng những câu hỏi này, cần phải vén bức màn quá khứ.

Vào cuối tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam đắm chìm trong hoảng hốt, hỗn loạn, khi lính Bắc Việt bao quanh thủ đô Sài Gòn, và tất cả những người Mỹ và Việt Nam đang tìm mọi cách để thoát đi hay lẩn trốn.
Ngày 30 tháng 4, quân đội Bắc Việt tiến vào đường phố Sài Gòn bấy giờ đã rất hoang vắng. Xe tăng ủi vào cánh cổng của Dinh Ðộc Lập, lính Bắc Việt leo lên nóc tòa nhà và thượng cờ cộng sản.
Chỉ vài giờ trước đó, những người Mỹ cuối cùng đã được đưa lên trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến bay đến những chiến hạm Hoa Kỳ chờ đợi ngoài khơi.

Cuộc chiến Việt Nam chính thức chấm dứt khi những chiếc tầu chiến của Hải Quân Hoa Kỳ rủ nhau rời bến, thả lên trời những cụm khói đen.
Tối hôm ấy, ông Paul Jacobs, thuyền trưởng của chiến thuyền hộ tống nhỏ mang tên USS Kirk, nhận được một mệnh lệnh khó hiểu là phải trở lại Việt Nam.
Thuyền trưởng Jacobs nhớ rõ, vị Ðô Ðốc Donald Whitmire, chỉ huy của chiến dịch “Operation Frequent Wind,” lúc đó đang ở trên chiến thuyền USS Blue Ridge, chuyến tầu đầu đàn của Ðệ Thất Hạm Ðội, ra chỉ thị cho ông bằng một câu nói vỏn vẹn:
”Chúng tôi phải cử ông quay lại để giải cứu Hải Quân Việt Nam (VNCH), chúng ta quên béng đi mất họ. Và nếu chúng ta không giải cứu, có lẽ họ sẽ bị tàn sát hết.”

Thêm một điều khó hiểu nữa, Ðô Ðốc Donald Whitmire báo cho Thuyền Trưởng Jacobs biết là ông sẽ phải nhận mệnh lệnh từ một “dân sự” có tên Richard Armitage.

Khuya hôm ấy, ông Richard Armitage, (sau này trở thành thứ trưởng Ngoại Giao, dưới quyền Ngoại Trưởng Colin Powell), lúc đó mới 30 tuổi, thuộc tình báo của Hải Quân Hoa Kỳ, được Bộ Quốc Phòng biệt phái đi theo Ðệ Thất Hạm Ðội, lên thuyền và ra chỉ thị cho thuyền trưởng Jacobs là “đến Côn Sơn.”

Và chỉ với một lệnh miệng đơn giản thế thôi, chiến thuyền hộ tống nhỏ bé USS Kirk quay đầu, nhắm hướng Côn Sơn mà đi, đơn độc thi hành công tác mới.

Côn Sơn là đâu?
Côn Sơn là một hòn đảo cách bờ biển Nam Việt Nam khoảng chừng 50 dặm, lúc đó chưa bị quân đội Bắc Việt chiếm đóng. Cảng Côn Sơn lúc đó đang là nơi ẩn náu của những gì còn sót lại của Hải Quân VNCH.
Trước đó ông Richard Armitage đã dàn xếp để tụ tập các tầu Hải Quân Việt Nam ở Côn Sơn. Mệnh lệnh của ông từ Washington là phải giải cứu hay tiêu hủy hết những tầu chiến của Hải Quân VNCH, và không để những tầu này lọt vào tay cộng sản.

Ðoàn tầu của Hải Quân VNCH theo chiến thuyền hộ tống USS Kirk đến Subic Bay, Philippines. Nhiệm vụ của USS Kirk vào lúc cuộc chiến Việt Nam kết thúc là đưa những gì còn sót lại của Hải Quân VNCH an toàn đến Philippines. (Hình: Hugh Doyle, cựu Kỹ Sư Trưởng của USS Kirk).

Khi bình minh ló dạng vào sáng ngày 1 tháng 5, 1975 thì USS Kirk đến được đảo Côn Sơn. Ðón chào USS Kirk là 30 tầu Hải Quân VNCH, vài chiếc thuyền đánh cá và tầu chở hàng. Trên mỗi chiếc tầu, đông kịt người tị nạn.
Giải cứu đoàn tầu của Hải Quân là một chuyện, giải cứu cả đoàn người tị nạn lại là một chuyện khác. Nhưng thuyền trưởng và thủ thủy đoàn của USS Kirk không có sự lựa chọn nào khác. Công tác mới của họ giờ đây là giải cứu cả đoàn tầu lẫn đoàn người tị nạn. Tất cả khoảng 30,000 người.

Do Cơ Quan Y Tế và Giải Phẫu Hoa Kỳ thực hiện vào cuối năm 2010, cuốn phim tài liệu “Những Người May Mắn - Câu chuyện của USS Kirk” ghi chép lại câu chuyện chiếc tầu USS Kirk và hải hành đoàn 260 người, trong một nhiệm vụ bất ngờ, giải cứu được đoàn tầu Hải Quân VNCH và khoảng 30,000 người tị nạn “may mắn.”

Chiến tầu USS Kirk đã xoay sở thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm và bất ngờ này ra sao?
Những chiếc tầu Hải Quân VNCH kia được đưa đi đâu?
Ai là thuyền trưởng trên những chiếc tầu đó?
Những người tị nạn được giải cứu kia bây giờ phiêu bạt ở phương trời nào?

Hãy xem và đón xem “Những Người May Mắn - Câu chuyện của USS Kirk” để trả lời những thắc mắc trên.

Trong dịp 30 tháng 4 năm nay, nhật báo Người Việt và Little Sài Gòn TV hãnh diện đồng bảo trợ, và tiếp tay chi hội Tây Nam của “Ủy Hội Liên Bang Mỹ-Á Thái Bình Dương” (Federal Asian Pacific American Council Southwest) trong việc quảng bá cuốn phim tài liệu lịch sử này.

Bà Sharon Nicholas, người Mỹ gốc Việt, tên Việt Nam là Trang Uyen Nguyen, giám đốc điều hành của “Ủy Hội Liên Bang Mỹ-Á Thái Bình Dương,” chi hội Tây Nam, cho nhật báo Người Việt biết bà dự trù sẽ có “khoảng 1,500 người đến tham dự” buổi trình chiếu, và dự định “sẽ mời thuyền trưởng của USS Kirk thời đó là ông Paul Jacobs, một số người trong thủ thủy đoàn, cũng như đội ngũ thực hiện và sản xuất cuốn phim.”

Tiếp tay buổi trình chiếu còn có đại diện của Hải Quân Hoa Kỳ là Trung Tá Anthony Tran, một người Mỹ gốc Việt, tị nạn tại Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1975.

Trả lời câu hỏi của phóng viên nhật báo Người Việt là tại sao lại hỗ trợ việc trình chiếu cuốn phim tài liệu này, bà Sharon Nicholas phát biểu: “Tôi đã từng làm việc cho Hải Quân Hoa Kỳ, và trong vai trò giám đốc của Ủy Hội Liên Bang Mỹ-Á Thái Bình Dương, thấy rằng cuốn phim tài liệu này cần được phổ biến để cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói riêng và Mỹ Á Châu Thái Bình Dương nói chung có dịp nghe những nhân chứng sống kể lại việc làm đầy tình người của USS Kirk.”

Bà Sharon Nicholas cũng cho biết hiện đang dồn nỗ lực để chuyển âm cuốn phim ra tiếng Việt trước khi trình chiếu, và rất cần sự tiếp tay của các cơ sở thương mại hay cá nhân để đài thọ cho mọi phí tổn.

Còn Trung Tá Anthony Tran thì tâm sự rằng, “Tôi là một người Việt tị nạn” như nhiều người khác trong cộng đồng, và “dù không được USS Kirk giải cứu, tôi vẫn cho mình là một người may mắn.”

Trung Tá Anthony cũng cho biết là sau khi xem xong cuốn phim, và hiểu được vai trò thiết yếu của USS Kirk trong việc giải cứu các chiến thuyền của Hải Quân VNCH cũng như cứu sống được biết bao nhiêu người tị nạn, ông “càng hãnh diện vì mình đang phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ.”

”Tôi mong rằng chúng ta có thể tiếp tay để phổ biến cuốn phim về hành động đầy nhân đạo và quả cảm này của thủ thủy đoàn USS Kirk thật rộng rãi để những thế hệ người Mỹ gốc Việt mai này hiểu được lịch sử và tỏ lòng biết ơn nếu có dịp,” Trung Tá Anthony nói thêm.

Chi tiết về ngày giờ và nơi trình chiếu cuốn phim sẽ được đăng tải trong một ngày gần đây.

Mời độc giả đón đọc cuộc phỏng vấn bà Sharon Nicholas và Trung Tá Anthony Tran, cũng như những nhân vật đã góp phần trong việc thực hiện cuốn phim “The Lucky Few - The Story of USS Kirk” trong những số báo tới.
.
VIDEO :







.
.
.

No comments: