Thursday, March 17, 2011

CHÂU ÂU Ù LỲ TRONG LÚC LIBYA BỐC CHÁY (Lê Mạnh Hùng)

Thư Luân Ðôn
Lê Mạnh Hùng
Wednesday, March 16, 2011 2:23:41 PM

Những bất đồng giữa các nước Châu Âu chung quanh chính sách đối với Libya nay đã chuyển từ tình trạng chỉ mất mặt đôi chút thành ra hoàn toàn nhục nhã sau khi Ðức một lần nữa bác bỏ đề nghị thành lập một vùng cấm bay tại Libya mà Anh-Pháp đưa ra trong một hội nghị của nhóm G8 tại Paris hôm Thứ Ba vừa qua.

Sự thảm hại trong chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu lần này cũng tương đương với sự thảm hại trong chính sách kinh tế tài chánh của Liên Hiệp vào năm ngoái khi các nước Châu Âu cãi cọ nhau về việc cứu trợ cho Hy Lạp rồi Ireland và cũng đóng một vai trò tương tự cho tham vọng của các nước Châu Âu đóng một vai trò xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Lại một lần nữa, các nước Châu Âu bị buộc phải đối diện với một sự thực phũ phàng là nếu không có Hoa Kỳ đứng ra lãnh đạo thì không ai làm được chuyện gì. Cố nhiên là các nước Châu Âu cũng không hoàn toàn thụ động trước cuộc phản công của Ðại Tá Gaddafi vào các lực lượng nổi dậy. Liên Hiệp Châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế; phong tỏa các trương mục của những nhân vật lãnh đạo chế độ và ủng hộ việc phong tỏa vũ khí. Liên Hiệp cũng hùng hồn tuyên bố đòi hỏi ông Gaddafi phải ra đi. Nhưng tất cả những biện pháp đó không có ảnh hưởng bao nhiêu đến hiện thực ngoài chiến trường.

Vấn đề là khi nói đến can thiệp quân sự thì hầu như mỗi nước Châu Âu có một ý kiến. Anh và Pháp là hai nước ủng hộ mạnh mẽ nhất một khu vực cấm bay. Ðức là nước ồn ào chống mạnh nhất. Ý thì lừng chừng tránh né giống như luật sư của ông Thủ Tướng Berlusconi trước tòa án. Tuần trước, hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Âu Châu đã từ chối không ủng hộ một khu vực cấm bay. Sau đó là NATO. Và bây giờ thì thông cáo của nhóm G8 còn không nhắc cả đến việc này nữa.

Một nghị quyết mới của Hội Ðồng Bảo An hiện đang được Anh, Pháp và Lebanon soạn thảo dự trù sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn; một hình thức phong tỏa bờ biển nào đó và đe dọa áp đặt một vùng cấm bay trong tương lai. Nhưng tất cả những biện pháp này chẳng có vẻ gì có thể ngăn trở được ông Gaddafi cả. Tại Luân Ðôn thì ông Thủ Tướng David Cameron nói rằng ông ủng hộ việc ngăn chặn ông Gaddafi sử dụng những lính đánh thuê người Phi Châu và việc chiếm hữu bất hợp pháp các khoản tiền bán dầu. Nhưng dù có thực hiện được, chúng cũng chẳng ngăn chặn được việc Benghazi thất thủ hay là những sự trả thù khủng khiếp mà chế độ sẽ thực hiện sau chiến thắng. Ông David Cameron chắc hẳn cũng hiểu điều đó và những người chống việc can thiệp quân sự vào Libya chắc chắn cũng hiểu điều đó.

Những lý do bất đồng của Châu Âu không có gì là mới lạ cả. Thủ Tướng Ðức Angela Merkel từ chối không chịu dính líu vào Libya phản ảnh một thái độ “nước Ðức trước hết” mà đã khiến các nước đồng bạn tại Châu Âu khó chịu cách đây một năm trong cuộc khủng hoảng kinh tế khi Ðức đặt ra những điều kiện gay gắt trước khi chấp nhận cứu cho Hy Lạp và Ireland. Lần này, tuy rằng Ðức chẳng phải là một sức mạnh quân sự quan trọng nào và các lực lượng vũ trang của Ðức cũng sẽ không đóng một vai trò lãnh đạo nào, nhưng Berlin e ngại rằng họ vẫn có thể bị kéo vào một cuộc phiêu lưu quân sự tại Libya nếu việc áp dụng một khu vực cấm bay không dẫn tới kết quả.

Tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu và tuần trước, bà Angela Merkel đã chỉ trích mạnh mẽ việc Pháp công nhận chính phủ chuyển tiếp tại Libya. Theo tạp chí Der Spiegel, bà cũng mai mỉa sự vội vã đưa ra một vùng cấm bay của Anh và Pháp. “Chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta lập ra một vùng cấm bay và nó không có tác dụng? Liệu chúng ta có gởi bộ binh đến can thiệp hay không?... Chúng ta phải suy nghĩ một cách chín chắn. Tại sao chúng ta phải can thiệp vào Libya khi chúng ta không can thiệp ở các nơi khác?”

Trong lúc Ðức bị lên án là ích kỷ thiển cận thì Tổng Thống Nicholas Sarkozy của Pháp lại bị chế trách là muốn khuếch đại ảnh hưởng của nước mình. Ông Sarkozy bị tố cáo là ủng hộ can thiệp tại Libya chẳng phải vì yêu mến gì chế độ dân chủ mà chỉ vì ông muốn bảo vệ ảnh hưởng truyền thống của Pháp tại vùng Bắc Phi hiện đang thức tỉnh, đặc biệt là muốn phục hồi lại uy tín chính phủ mình sau những lầm lỡ trong cuộc nổi dậy tại Tunisia. Trong khi đó thì Ý, một đồng minh thân cận của ông Gaddafi thì nói rằng có áp đặt một vùng cấm bay cũng vô ích vì Nga thể nào cũng phủ quyết tại Hội Ðồng Bảo An.

Tuyên bố tại Quốc Hội Anh tuần này, ông Cameron đã đưa ra rất rõ lý do vì sao cần phải can thiệp, một hành động phục vụ cho quyền lợi của toàn Châu Âu: “Liệu chúng ta có muốn một trường hợp trong đó một đất nước tan rã tác động như một cái mụn nhọt ở biên thùy phía Nam của Châu Âu, đe dọa đến an ninh của chúng ta, thúc đẩy người dân vượt biên qua Ðịa Trung Hải vào đất nước chúng ta và tạo ra một thế giới nguy hiểm và bất trắc hơn cho nước Anh và tất cả những nước đồng minh cũng như là cho người dân Libya?”

Can thiệp quân sự có phải là một hành động tốt hay không thì không ai biết, nhưng rõ ràng là câu hỏi mà ông Cameron đưa ra, bà Merkel không có câu trả lời. Vấn đề là nếu ông Cameron đã biết vậy, tại sao Anh và Pháp vẫn còn ngần ngại mặc dầu hai nước này kiểm soát hầu như đa số lực lượng vũ trang của Châu Âu. Cả hai đều nói họ cần có một biện minh pháp lý để can thiệp quân sự; rằng họ cần có sự ủng hộ của khối Arab. Cả hai lý do đưa ra đều đúng. Nhưng lý do thật sự họ và những nước đồng tình với họ không giám tiến tới là sự từ chối của chính quyền Hoa Kỳ không đứng ra làm đầu tầu.

Thành ra cái tham vọng của Liên Hiệp Châu Âu muốn hành động như một cường quốc toàn cầu độc lập lại được cho thấy một cách tàn nhẫn rằng chỉ là ảo tưởng. Người Âu sống gần Libya hơn là người Mỹ. Họ chịu ảnh hưởng trực tiếp hơn nếu Libya sụp đổ. Libya là vấn đề của Châu Âu. Nhưng cũng giống như Bosnia năm 1991, không có Hoa Kỳ họ chẳng làm gì được.
.
.
.

No comments: