Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Thuận Hải - Bee.net.vn
23/03/2011 16:33:44
Khảo sát của phóng viên tại một số chợ lớn ở Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn hiện đã tăng 25% so với cách đây 1 tháng, giá trứng tăng tới 45% trong khi giá rau củ tăng bình quân 30%. Giá cá đồng tăng mạnh nhất tới 60% còn giá thịt gà công nghiệp cũng tăng không kém ở 40%.
Dù giá tăng mạnh nhưng người dân vẫn phải chấp nhận bởi không có cách nào khác.
Bà Nguyễn Ánh Thục (60 tuổi) ở Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, ngày nào bà cũng đi chợ nhưng vẫn bị “sốc” bởi giá thực phẩm. Bà cho biết thêm, vì giá lên nên gia đình bà phải chấp nhận bằng cách giảm lượng mua hàng ngày".
Trong khí đó, trao đổi với báo chí sáng 22/3, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) vẫn dự báo: ”chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 tăng khỏang 2,1%. Như vậy, mức tăng CPI quý I sẽ là 6%”.
Dẫu biết rằng tỷ trọng giá thực phẩm trong “rổ” CPI chiếm không quá bán (50%), nhưng khỏang cách chênh lệch giữa số tăng CPI do Nhà nước công bố với mức tăng giá ngòai chợ sao quá xa đến vậy?
Tiêu dùng - trong quan niệm của số đông người lao động, với mức thu nhập hiện nay, cũng mới chỉ đủ loanh quanh cho nhu cầu ăn - ở. Vì thế mức tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) họ cũng có thể tự đo và thống kê được bằng số tiền tăng thêm hàng tháng cho tiền điện; mua xăng đi làm và khỏan tiền đi chợ trong tổng thu nhập của gia đình hàng tháng; hàng quý.
Nếu như mức chi tiêu cuộc sống hàng ngày của người dân cũng chỉ giảm 2,1%/tháng hay 6%/quý thì cũng chưa gây trạng thái “sốc” cho người dân. Nhưng nếu đồng tiền trong tay các bà nội trợ sụt giá đến 30-40% thì các thông tin từ bàn giấy của cơ quan chức năng nhà nước về mức tăng CPI định kỳ chẳng ăn nhập gì với khối lượng nhẹ đi “rõ ràng” trong làn của các bà nội trợ.
Theo đó, niềm tin vào những con số trong văn bản pháp quy, các bản thông tin và rộng hơn là trong các nhận định và dự báo của Nhà nước cũng chẳng còn có mấy giá trị.
Và những cam kết “vĩ mô” hơn, từ phía Chính phủ như: bảo đảm nguồn cung vàng; ngọai tệ, thắt chặt tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải trong đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và nhiều hơn thế là cam kết về sự ổn định kinh tế-xã hội cũng khó lôi kéo được sự đồng cảm và tham gia cùng Nhà nước của tòan xã hội.
Vì từ cái sát sườn lợi ích, người dân không thấy số “nhà nước” và số “của dân” nó tương đương nhau – chỉ số CPI là một ví dụ cụ thể.
Trong các chỉ đạo và giải pháp điều hành kinh tế của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ gần đây đã có thêm một nội dung mới: tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về tình hình và những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước; củng cố niềm tin; động viên cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và động viên các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, giải pháp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Con số CPI “trong thống kê” và “trong mỗi gia đình” phải được xử lý và công bố sao đó để người dân thấy nó phản ảnh đúng giá trị hiện thực. Xa vời quá, chỉ số CPI chỉ còn ý nghĩa với các cơ quan Nhà nước, các nhà kinh tế, còn người dân thì không biết thế nào mà lên kế họach chi tiêu cho tương lai.
Mà khi tương lai cuộc sống hàng ngày mà họ còn không thể hoạch định cho mình thì khó có thể “đồng thuận” để làm việc gì lớn hơn, phục vụ cho lợi ích chung của tòan xã hội theo chỉ đạo và định hướng của Nhà nước.
Thuận Hải
--------------------------------------------
Tôi là giáo viên cấp 2, vào nghề giáo dục 11 năm, ba năm đầu lương bậc một là gần 800.000đ mua được 4 tạ gạo hoặc hơn một chỉ vàng, giá xăng lúc đó là 5000đ/1 lít. Vậy mà bây giờ lương bậc 4 gần 2.800.000đ không mua nổi 3 tạ gạo hoặc chỉ mua được 7 phân vàng. Ở nhà vợ không có việc làm nuôi hai con nhỏ, nếu ngày nào đi làm thuê tiền công người ta trả 80.000đ một ngày, về phải trả tiền gửi hai con là 30.000đ. Tôi là công chức nhà nước mà bây giờ không đủ tiền để gửi hai con đi nhà trẻ được. Những lời tôi nói đây là sự thật nếu ai ở trong ngành công chức thì rất rõ. Tôi không biết tương lai gia đình tôi, tương lai con tôi sẽ ra sao?
________________________________
Tôi thông cảm với hoàn cảnh của bạn, cả 2 vợ chồng tôi đều là giáo viên 8 năm nay rồi, chúng tôi mới có một con gái những cũng không dám sinh cháu thứ 2 nữa vì biết không thể đủ tài chính nuôi cho con đàng hoàng trong cảnh rau muống 15.000/mớ, sữa từ nội đến ngoại đều vượt giá vài trăm %. Tiền lương chỉ đủ thuê nhà, duy trì sinh hoạt tối thiểu, không có tích lũy nói chi đến mua nhà.
_________________________________
Tôi cũng là giáo viên dạy cấp III cho 1 trường ở Hà Nội. Lương tôi được nhận hàng tháng hiện nay là 2.3 triệu. Nếu cộng các khoản linh tinh khác (tết, hội phụ huynh, thừa giờ) thì trung bình mỗi tháng được khoảng 3 triệu. Trong khi đó mỗi tuần tôi phải lên lớp 17 tiết, ngoài giờ lên lớp tôi phải chuẩn bị bài giảng điện tử, chuẩn bị đề thi, chấm thi, v..v.... cũng tốn rất nhiều thời gian ở nhà. Tôi cũng có bạn làm công chức nhà nước ở lĩnh ở sở, lương cũng trần trụi có hơn 2 triệu. Trong khi đó bạn bè cùng lớp phổ thông, làm cho các công ty tư nhân với các tập đoàn, thu nhập trên dưới 15 triệu mỗi tháng. Nếu tính khối lượng công việc theo thời gian phải bỏ ra thì tương đương. Chỉ khác là họ làm 8 tiếng/ngày ở cơ quan, sau giờ làm và ngày nghỉ họ dành toàn thời gian cho gia đình được hoặc học nâng cao. Như vậy nếu so sánh về lao động thì họ được trả lương cao hơn nhiều, tức là sức lao động của họ được trả xứng đáng. Còn chúng tôi, những người làm cho nhà nước thì chỉ nhận được mức lương bèo bọt. Có cảm giác là chúng tôi đang bị bóc lột sức lao động bởi các cơ quan nhà nước. Các vị muốn làm gì, tăng giá cái gì đều so sanh với nước ngoài, nhưng các vị không so sánh ở các nước đó nhà nước họ trả lương gần như các công ty, cơ quan bên ngoài, có thấp hơn 1 chút nhưng phúc lợi cao hơn. Mong các vị nếu học nước ngoài thì học một cách tổng thể, toàn diện, cái cách toàn bộ chính sách,v.v... chứ đừng chỉ học những gì có lợi cho các vị, làm dân khổ đi. Chẳng hạn nước ngoài họ thu tiền điện là 9cent/Kwh nhưng cơ quan nhà nước trả lương cho nhân viên 60000USD/year. Các vị cứ nhìn vào giá điện để đòi tăng tiền điện nhưng các vị phớt lờ tiền lương. Các lĩnh vực khác cũng thế. Rất mong các nhà lãnh đạo cải cách 1 cách tổng thể, toàn diện chứ đừng cải cách một phần mà phần đó làm khổ dân.
_________________________________
Nếu ở Hà Nội, có 3 triệu/tháng mà sống được đã là kỳ tích rồi, nói gì đến tích lũy.
Nguồn: Bình luận tại "Có 3 triệu đồng/tháng chỉ đủ thuê nhà"
----------------------------------
CPI tháng 3 tăng kỷ lục trong gần 3 năm
(VEF.VN) - So với tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng kỷ lục tới 2,17%. Nếu so với tháng 12/2010, mức tăng là 6,12% đã xấp xỉ mục tiêu lạm phát 7% cả năm 2011 của Chính phủ, Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 24/3.
Theo cơ quan này, CPI tháng 3 nếu so với tháng 2 vừa qua thì có mức tăng là 2,17%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ được liệt kê, có tới 6 nhóm có mức tăng trên 1%.
Tăng chóng mặt nhất ở tháng 3 là nhóm giao thông, CPI nhóm này lên tới 6,69%. Kế đến là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 3,67%.
Sự tăng giá mạnh mẽ này vẫn nằm trong tầm dự đoán của các nhà lãnh đạo và chuyên gia kinh tế. Từ đầu năm đến nay, có quá nhiều cú hích đẩy mặt bằng giá cả lên cao, như tỷ giá tăng 9,3%, giá điện tăng 15,28% và giá xăng dầu tăng trên dưới 3000 đồng/lít...
Nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong "rổ" hàng hóa tính CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, cũng tăng cao ở mức 1,98%.
Đáng chú ý là, nhóm bưu chính viễn thông đã có một thời gian nhiều tháng liên tục "âm" về chỉ số tăng giá thì sang tháng 3, cũng đã nhúc nhích lên 0,02%.
Tổng cục thống kê cũng cho biết, so với tháng 2, chỉ số giá vàng và giá USD tháng 3 tăng mạnh lần lượt là 5% và 3,06%.
Có thể nói, quí I năm nay, một mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với năm trước đã hình thành. Theo xu hướng giá dầu thô hiện nay thì e rằng, mặt bằng này sẽ khó giảm.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo CPI quí I đã tăng 6,12% thì thật khó đảm bảo chỉ tiêu lạm phát cả năm nay là 7%, song theo Nghị quyết của Bộ Chính trị vừa ban hành, do chỉ mới 3 tháng trôi qua nên tạm thời, chưa điều chỉnh mục tiêu lạm phát này.
Tác giả: Phạm Huyền
Theo VEF
Theo VEF
.
.
.
No comments:
Post a Comment