Tuesday, March 1, 2011

CÁC CUỘC CÁCH MẠNG TRONG THẾ GIỚI ARAB : HY VỌNG và NHỮNG MỐI HIỂM NGUY (Haaretz)

Xã luận báo Haaretz (Israel, 27/02/2011)
Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/asia/20110228/166914549.html

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 01 tháng 3 năm 2011
  
Làn gió đổi thay đang thổi trên thế giới Arab và thế giới Hồi giáo. Chúng ta đang đứng ở trung tâm cơn cuồng phong chính trị ở Trung Đông, nhưng chúng ta không thể nào biết một cách chính xác trận gió này sẽ mang lại điều gì. Bạo lực kinh hoàng ở Libya, các cuộc biểu tình vẫn còn tiếp diễn ở Yemen, cũng như ở Iran, Bahrain, Jordan, Marocco và Algeria. Nhân dân Tunisia và Ai Cập đã tống cổ được các nhà độc tài, nhưng chế độ mới vẫn chưa được thành lập. 

Không thể đánh giá tất cả các cuộc cách mạng Arab - những cuộc cách mạng đã diễn ra và những cuộc cách mạng còn đang đợi chúng ta ở phía trước - theo cùng một tiêu chuẩn. Nhưng có thể nói một cách tự tin rằng thế giới Arab sẽ không bao giờ còn như trước được nữa.

Dù xấu hay tốt, dù dân chủ hay theo Hồi giáo chính thống - trật tự mới trong thế giới Arab đang được sinh ra ngay trước mắt chúng ta. Thế giới Hồi giáo Arab đang trải qua một thời điểm cực kì lớn lao, chưa từng có trong quá khứ. Không ai có thể dự đoán được điều gì đang chờ đợi thế giới Arab trong tương lai, các sự kiện cách mạng trong mấy tháng vừa qua sẽ đem lại những hậu quả như thế nào.

Thế giới ngỡ ngàng quan sát những chuyện đang diễn ra. Các sự kiện trong các nước Arab được nhìn qua lăng kính của những quyền lợi kinh tế và chính trị hẹp hòi. Thế giới lao vào giúp đỡ những người biểu tình ở Ai Cập, nhưng lại tỏ ra vô tâm trước những thông tin kinh hoàng về vụ tắm máu ở Libya. Saudi Aravia, một trong những chế độ độc tài Arab dã man nhất - nơi chưa thấy những vụ nổi dạy của dân chúng  - lại bị cộng đồng quốc tế lờ đi.

Những điều đang diễn ra là cuộc sát hạch mang tính lịch sử không chỉ đối với các nước Arab mà còn là cuộc sát hạch đối với toàn thế giới. Tất cả đều chết đứng trong trạng thái chờ đợi. Nếu những vụ giết người hàng loạt còn tiếp diễn ở Libya thì thế giới phải can thiệp nhằm chặn đứng một vụ diệt chủng. Nếu phe đối lập ở Ai Cập có thể thành lập được chế độ cai trị dân chủ thì phương Tây phải ra tay giúp đỡ họ.

Trong lịch sử thỉnh thoảng mới có những bước ngoặt, khi mà số phận của một số lượng người đông đến như thế được quyết định trong một giai đoạn tương đối ngắn – đấy là số phận của các dân tộc và các quốc gia, số phận của hàng triệu người đang khát khao tự do và thịnh vượng. Tình hình hiện nay đang chứa trong lòng nó nhiều mối hiểm nguy, nhưng đồng thời cũng nên tin tưởng rằng thế giới Arab có thể hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
.
.
.

No comments: