Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Sáu, 25 tháng 3 2011
Lời tác giả: Trong bài này, tôi chỉ dừng lại ở thời điểm 1990. Mọi diễn biến sau đó sẽ không được bàn đến. NHQ
---------------------
Bất cứ người cầm bút nào dưới chế độ cộng sản cũng đều lệ thuộc vào ba tổ chức: một tổ chức đảng, một tổ chức nhà nước và một tổ chức quần chúng.
Tổ chức đảng có nhiệm vụ lãnh đạo. Đó là Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương trước đây, tức Ban Tư tưởng - Văn hoá hiện nay. Lãnh đạo ở ba phương diện: tư tưởng, nghệ thuật và sinh hoạt.
Tổ chức nhà nước có nhiệm vụ quản lý. Đó là Bộ Văn hoá đối với các ngành nghệ thuật tạo hình (hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc), nghệ thuật biểu diễn (ca, nhạc, kịch, điện ảnh) và Bộ Thông tin đối với văn học và báo chí. Có ba lãnh vực được quản lý: ngân sách, nhân sự và cơ sở. Có ba loại cơ sở: nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành.
Tổ chức quần chúng của giới cầm bút là Hội Nhà văn và rộng hơn Hội Nhà văn là Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật.
Vấn đề là: tổ chức nào có quyền hạn kiểm duyệt văn nghệ?
Dĩ nhiên không phải là Hội Nhà văn hay Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đó chỉ là những tổ chức có tính chất “mặt trận”, chức năng chủ yếu là tập họp lực lượng để nhà nước dễ quản lý và đảng dễ lãnh đạo. Thế thôi. Ngay cả Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký Hội Nhà văn, đến đầu năm 1989, cũng có đến sáu vở kịch bị cấm xuất bản (1).
Cũng không phải Bộ Thông tin. Trong Bộ Thông tin có Cục xuất bản, nhưng La Thăng, Cục trưởng Cục xuất bản lại xác định nhiệm vụ của Cục chỉ là “tổng hợp, cân đối, kiểm tra các kế hoạch, đề tài hàng năm và ký xác nhận vào các bản kế hoạch (kể cả các kế hoạch bổ sung), đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của từng nhà xuất bản”.
La Thăng lại nhấn mạnh:
“Cục xuất bản không có chức năng xét duyệt nội dung từng tên sách” (2).
La Thăng không nói dối. Trong Bộ Thông tin hoặc trong Cục xuất bản không có một cơ quan nào chuyên trách về vấn đề kiểm duyệt nội dung sách báo, dù ẩn nấp dưới bất cứ hình thức hay danh nghĩa gì. Và Bộ Thông tin cộng sản, từ xưa đến nay, chưa bao giờ lệnh cấm hay thu hồi một tác phẩm nào cả; (3) cũng chưa bao giờ truy tố hay trừng phạt một tác giả nào cả (trừ trường hợp sách, báo xuất bản “chui”). Trước đây cộng sản đã không ngừng khai thác tính chất “hiền lành” và “vô hại” ấy của Bộ Thông tin để tuyên truyền cho sự tự do sáng tác và tự do sáng tạo dưới chế độ của mình.
Theo dõi tất cả những vụ án văn nghệ dưới chế độ cộng sản, người ta luôn luôn bắt gặp một thủ phạm duy nhất: đảng. Luôn luôn là đảng. Không phải Ban Tuyên huấn thì là Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương của đảng. Không có ai khác. Người tự nhận nắm vai trò lãnh đạo văn nghệ cũng đồng thời là người thực hiện việc kiểm duyệt văn nghệ.
Cũng La Thăng, Cục trưởng Cục xuất bản thuộc Bộ Thông tin cho biết:
“Các sách của các nhà xuất bản chuyên nghiệp, theo nguyên tắc, phải được ghi trong kế hoạch hằng năm của nhà xuất bản, được cấp lãnh đạo các bộ, các ngành, các đoàn thể xét duyệt (đối với các nhà xuất bản ở trung ương), hoặc được hội đồng xuất bản xem xét, và Ban Tuyên huấn tỉnh, thành xét duyệt (đối với các nhà xuất bản địa phương). (4)”
Đối với các nhà xuất bản địa phương, ý của La Thăng đã rõ: nhiệm vụ kiểm duyệt (ông gọi là xét duyệt) nằm trong tay Ban Tuyên huấn thuộc tỉnh ủy hoặc thành ủy. Nhưng đối với các nhà xuất bản ở trung ương, cách diễn tả ở trên có phần hơi mơ hồ. Cơ quan chủ quản của nhà xuất bản là ai? Ví dụ, cơ quan chủ quản của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới là Hội Nhà văn. Nhưng Hội Nhà văn lại không có quyền hạn kiểm duyệt các ấn phẩm của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới. Nhớ lại lời phát biểu của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh: “Sách, báo, bài vở của hội viên do những nơi nào duyệt kia, chứ Hội không được “ý kiến” vào đấy” (5).
Vậy ở đây phải hiểu là cơ quan chủ quản cao nhất chứ không phải là cơ quan chủ quản trực tiếp. Cơ quan chủ quản trực tiếp của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới là Hội Nhà văn. Cơ quan chủ quản cao nhất của nó lại là Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ.
Trong Lời giới thiệu quyển Từ điển Việt Anh của Bùi Phụng, do trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tái bản năm 1986, Phan Hữu Dật viết:
“… cuốn Từ điển Việt Anh của đồng chí Bùi Phụng sau khi được xuất bản, đã được đông đảo người đọc trong và ngoài nước, nhất là các nhà khoa học, sinh viên và học sinh sử dụng rộng rãi và hoan nghênh… Trong tám năm qua, kể từ khi cuốn Từ điển được xuất bản, trường chúng tôi đã nhận được yêu cầu của nhiều cơ quan và cá nhân trong và ngoài nước đặt mua, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được vì sách đã bán hết.
Lần này, được phép của Ban Tuyên huấn trung ương đảng, Bộ Văn hoá và Thông tin, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tái bản cuốn Từ điển Việt Anh của đồng chí Bùi Phụng”.
Hai cơ quan cấp giấy phép để tái bản quyển Từ điển Việt Anh, theo lời Phan Hữu Dật, hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là Ban Tuyên huấn và Bộ Văn hoá và Thông tin (sau này tách đôi thành Bộ Văn hoá và Bộ Thông tin).
Cũng cùng một vấn đề như vậy, nhưng Thuận Trung, trên tạp chí Cộng sản tháng 6 năm 1989 viết rõ hơn, chi tiết hơn:
“… Nhà xuất bản Đại học được Vụ xuất bản Ban tuyên huấn trung ương và Cục xuất bản Bộ Thông tin cho phép in lại một số tác phẩm của Tự Lực văn đoàn (có kèm theo lời giới thiệu, đánh giá và hướng dẫn nghiên cứu) trong ‘Tủ sách nhà trường’ dành cho sinh viên” (trang 62).
Như vậy, hai cơ quan trực tiếp đảm nhận việc kiểm duyệt là Vụ xuất bản thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương và Cục xuất bản thuộc Bộ Thông tin.
Ở trên, La Thăng, Cục trưởng Cục xuất bản đã cho biết là Cục này chỉ có nhiệm vụ “tổng hợp, cân đối, kiểm tra kế hoạch đề tài hằng năm” chứ “không có chức năng xét duyệt nội dung từng tên sách”.
Dùng phép loại trừ, chúng ta có thể kết luận: đảm nhận việc kiểm duyệt sách dưới chế độ cộng sản là Vụ xuất bản trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương.
Kiểm duyệt báo lại có một cơ quan khác cũng trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương: Vụ báo chí.
Có thể nêu lên một đặc điểm lớn đầu tiên của hệ thống kiểm duyệt văn nghệ dưới chế độ cộng sản: hệ thống kiểm duyệt ấy nằm trong tay đảng chứ không phải nằm trong tay nhà nước. Tổ chức đảng đặc trách vấn đề kiểm duyệt là Ban Tuyên huấn, hoặc nói cụ thể hơn, là Vụ xuất bản và Vụ báo chí thuộc Ban Tuyên huấn.
Đặc điểm thứ hai: Vụ xuất bản và Vụ báo chí thuộc Ban Tuyên huấn không có văn phòng cố định để mọi người có thể đến đó nộp bản thảo chờ kiểm duyệt.
Phương thức làm việc của Vụ xuất bản và Vụ báo chí là phân tán nhân sự và quyền hành xuống các cơ sở. Ban Tuyên huấn chỉ là kẻ quyết định cuối cùng trước khi in. Với phương thức tổ chức như thế, hệ thống kiểm duyệt dưới chế độ cộng sản được phân chia thành nhiều đợt qua nhiều cấp khác nhau:
Đối với báo chí, có ba cấp:
1. Ban biên tập.
2. Ban giám đốc.
3. Ban tuyên huấn (nếu là báo chuyên về văn nghệ thì có sự cộng tác của Ban Văn hoá Văn nghệ).
Đối với sách cũng có ba cấp:
1. Ban biên tập.
2. Hội đồng nghệ thuật của nhà xuất bản.
3. Hội đồng xuất bản trung ương hoặc địa phương (do Ban Tuyên huấn chủ trì).
Trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29-4-1989, Phạm Đức tóm lược những “con đường đau khổ” mà một tác phẩm văn học phải trải qua để đến được với quần chúng: “Trong cách thức xuất bản hiện nay… mỗi quyển sách được ra đời đều đã qua khá nhiều ‘cửa ải’ (Người biên tập các cấp, tổng biên tập và giám đốc Cục, Vụ duyệt đề tài).”
(Trích từ cuốn Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản, Văn Nghệ xuất bản lần đầu tại California, 1991)
***
Chú thích:
1. Văn Nghệ, Hà Nội, 11.3.1989.
2. Nhân Dân, Hà Nội, 24.4.1989.
3. Đây là nói chuyện trước năm 1990. Sau đó thì khác. Có khá nhiều tác phẩm bị cấm và/hoặc thu hồi.
4. Văn Nghệ, Hà Nội, 24.9.1989.
5. Văn Nghệ, 5.9.1987.
2. Nhân Dân, Hà Nội, 24.4.1989.
3. Đây là nói chuyện trước năm 1990. Sau đó thì khác. Có khá nhiều tác phẩm bị cấm và/hoặc thu hồi.
4. Văn Nghệ, Hà Nội, 24.9.1989.
5. Văn Nghệ, 5.9.1987.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
---------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment