Wednesday, March 9, 2011

BLOGGER VIỆT NAM MONG ĐƯỢC TỰ DO NGÔN LUẬN (Trà Mi, VOA)

Trà Mi-VOA | Washington DC
Thứ Tư, 09 tháng 3 2011

Trong các buổi tranh luận sôi nổi trên Tạp chí Thanh Niên vừa qua, 4 blogger trong nước đã mạnh mẽ lên án chiến dịch trấn áp mới của nhà nước đối với giới blogger là vi phạm quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do ngôn luận được Hiến pháp công nhận. Các bạn cũng phản biện những luận điểm chính quyền đưa ra để quản lý blog. Blogger trẻ tại Việt Nam mong đợi gì ở giới hữu trách và họ có thể làm gì để góp phần tạo ra những chuyến biến như trông đợi? Mời quý vị và các bạn cùng chia sẻ trước khi chúng ta chia tay các vị khách tham gia thảo luận đề tài “Cảm nghĩ của blogger về tình hình sinh hoạt blog hiện nay”. Đó là các blogger Hùng, Quỳnh (tức Mẹ Nấm), Linh (chủ trang blog Bút Thép), và Bảo (bút hiệu LB).

Quỳnh: Theo mình, ai cũng có quyền bày tỏ. Bày tỏ và góp ý thì khác với chửi bới, xúc phạm, hay lăng mạ. Cho nên, blogger nên kiểm soát mức độ ngôn từ trong chừng mực.

Trà Mi: Mời Hùng và Bảo.

Bảo: Về khía cạnh bày tỏ quân điểm cá nhân. Trước đây, chị Mẹ Nấm cũng bày tỏ quan điểm cá nhân bằng cách mặc áo ghi chữ “bauxite” hay “Hoàng Sa-Trường Sa”. Đây hoàn toàn là việc bày tỏ quan điểm cá nhân, chẳng liên can gì tới “an ninh tổ quốc” như họ quy chụp. Như vậy, khái niệm blogger có thể tự bảo vệ mình hơi mù mờ. Ở buổi trước, anh Linh nói blogger nên viết về người thật, việc thật, với bằng chứng cụ thể. Mình đơn cử ví dụ về blogger Tô Hải. Ông từng “ở trong chăn” nên biết “những con rận” như thế nào. Ông đưa lên blog những câu chuyện về người thật, việc thật, được rất nhiều người ủng hộ, tán thành. Thế mà giờ blog của ông cũng bị hack. Hay trường hợp của blog Anh Ba Sàm. Đây chẳng qua chỉ là một trang điểm tin, vậy mà cũng bị tấn công.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của anh Hùng. Theo anh, làm sao có thể thực hiện nguyện vọng tự do bày tỏ quan điểm mà không bị rắc rối với chính quyền?

Hùng: Theo mình, blogger tại Việt Nam không có cách gì tự bảo vệ mình đơn giản vì kiểu gì thì họ cũng có cách phá hoặc trấn áp. Bây giờ, nếu họ áp dụng luật được thì họ sẽ ép vào những cái tội rất là vớ vẩn. Còn không áp dụng luật được thì họ hack. Nói chung, blogger thế nào cũng thiệt thân. Sống trong xã hội Việt Nam làm sao có thể bảo vệ được mình khi phải đối đầu với cả một khối bộ máy chính quyền nắm pháp luật, nắm tất cả như vậy.

Trà Mi: Ở các nước khác cũng có một chính quyền nắm tất cả các thứ như vậy, đâu chỉ riêng ở Việt Nam, thưa anh?

Hùng: Vấn đề là chính quyền ở Việt Nam là chính quyền gì, là chính quyền của họ hay do bầu lên? Chính quyền ở các nước ít nhất họ dựa trên luật pháp, hành pháp. Còn ở Việt Nam có được như vậy đâu mà blogger có thể tự bảo vệ mình. Đâu có tối cao pháp viện để xét xem hiến pháp đúng hay sai. Bây giờ mình tới các cấp chính quyền, dù là cấp phường, họ cũng chỉ dùng luật miệng thôi. Miệng họ là luật. Nói thẳng ra là vậy chứ quanh co chi cho mệt. Bất cứ điều gì để bày tỏ quan điểm cá nhân đều bị cho là đụng chạm đến chính trị, mà đã dính tới chính trị thì bị cho là “phản động”. Đó là cái vòng kim cô, blogger rất khó tự bảo vệ mình.

Linh: Cho nên những người blogger phải chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng đi.

Hùng: Mình đã nói từ đầu rằng nếu đã dám dấn thân chơi thì đừng sợ, mà sợ thì đừng chơi. Cách bảo vệ mình tốt nhất là im lặng.

Quỳnh: Hoặc là viết hoặc là không, blogger muốn yên thân thì đừng viết. Chính quyền lập luận rằng phải chịu trách nhiệm về những gì đã viết. Tại sao mình không đặt câu hỏi rằng nhà nước luôn tuyên bố có tự do thông tin, tự do ngôn luận vậy tại sao lại buộc người ta không được nói, không được viết những điều suy nghĩ. Đã đến lúc phải diệt cái gọi là “tự do thông tin, tự do ngôn luận” đi nếu không công nhận quyền được nói và viết của người khác. Họ cũng khuyên mình rằng có kiến thức, có công ăn việc làm sao không chọn con đường nhẹ nhàng hơn mà chọn con đường viết lách đầy gai góc. Họ hỏi mình như vậy mình cũng hỏi ngược lại họ rằng anh tuyên bố anh có tự do thông tin, tự do ngôn luận. Giờ anh bảo tôi đừng nói, đừng viết. Vậy anh có phải xem lại cái tuyên bố của anh hay không? Mình nghĩ đã đến lúc blogger phải đặt lại câu hỏi với nhà nước như vậy chứ.

Bảo: Khi chị đặt câu hỏi đó, mấy ảnh trả lời chị sao hả chị?

Quỳnh: Họ nói rằng “Tự do nó có khuôn khổ em ơi!”

Bảo: Hiện mình đang làm trong lĩnh vực kinh tế, chuyên về chứng khoán. Trong các diễn đàn lớn về chứng khoán hiện nay đều có một đường line đỏ cấm mọi ý kiến đụng chạm tới chính sách của Đảng và nhà nước hay đích danh bất kỳ một cán bộ cấp cao nào trong đảng và chính phủ. Ngay cả trong các diễn đàn kinh tế như thế mà họ còn tạo một cái “lồng” cho họ thì mình đủ hiểu. “Tự do trong khuôn khổ” không chỉ trong các vấn đề về dân chủ hay xã hội đâu.

Hùng: Bất cứ chuyện gì dính tới kinh tế hay xã hội đều dính tới chính trị. Kiểu gì mình cũng bị cho là vi phạm hết đó.

Trà Mi: Theo ý kiến của các bạn, lợi-hại của “tự do trong khuôn khổ” ra sao?

Bảo: Phải công nhận là trong bất kỳ xã hội nào cũng cần có một khuôn khổ, nhưng khuôn khổ của mình nhỏ và bó buộc quá. Người dân không được nói những gì liên quan đến chính sách, ảnh hưởng tới cơ quan cấp cao của đảng. Như thế thì dân khó mà bày mong muốn của họ. Ví dụ hôm nay mình phát biểu ý kiến với Trà Mi và VOA cũng có thể ngày mai LB cũng sẽ bị dính oan ngay cái tội “chống đối”, “trả lời đài địch”, “ảo tưởng”, hay “ngông cuồng” giống như ông Cù Huy Hà Vũ. Đất nước nào cũng cần có khuôn khổ, nhưng chủ yếu là cái khuôn khổ ấy như thế nào.

Quỳnh: Lúc mình tranh luận với cơ quan an ninh về “tự do có khuôn khổ”, mình có đồng ý là xã hội phải có kỹ cương, có khuôn khổ để phát triển ổn định, nhưng những giá trị, chuẩn mực căn bản là quyền của con người thì không thể nào có khuôn khổ được, nhất là quyền tự do. Con người là sản phẩm của tạo hóa. Đã là sản phẩm của tạo hóa thì ở bất kỳ đâu người ta cũng phải đều như nhau. Cho nên, việc dùng cái gọi là “tự do trong khuôn khổ” để hạn chế quyền tự do, quyền phát biểu của người ta là kìm hãm sự phát triển của xã hội. Thực chất việc này phục vụ cho quyền lợi của đảng cầm quyền chứ không phải lợi ích của cả dân tộc. Phải phản đối cái “tự do trong khuôn khổ” đó thôi.

Trà Mi: So sánh giữa các nước bị mang tiếng là kiểm duyệt internet gắt gao như Việt Nam, Trung Quốc chẳng hạn, với những nước khác, các bạn nhận ra những khác biệt, những điểm ưu-khuyết chính nào? Mời anh Bút Thép.

Linh: Việt Nam họ đâu có sợ gì khi bị phê phán là nước hạn chế tự do thông tin hay là nước nằm trong danh sách đen đối với các blogger, trấn áp blogger và tự do báo chí? Cho nên giờ có nói cỡ nào đi nữa đối với họ cũng thường thôi. Ở các nước khác thì nên so sánh chứ ở Việt Nam chắc cũng khỏi cần phải so sánh. Họ đâu có sợ đâu. Tiếng nói của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, của tổ chức này tổ chức kia, họ đâu có quan tâm.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của LB hay Hùng.

Bảo: Theo mình, “tự do trong khuôn khổ” cũng có những cái lợi ví dụ như các cuộc biểu tình hàng loạt rầm rộ ở Thái Lan. Nhà nước mình chộp lấy ngay vấn đề này lên báo chí nói hàng ngày cho mình thấy rằng đấy “tự do trong khuôn khổ” có lợi hơn rất nhiều. Thì đúng là cũng có lợi nhưng xét về lâu dài nó hoàn toàn gây ra những bước cản cho cả một hệ thống không chỉ về chính trị mà còn về kinh tế nữa. Chẳng hạn như bây giờ tham nhũng, thất thoát, nợ, lỗ…v..v...nếu không cho người ta nói thì mấy ảnh cứ tiếp tục làm, sau này không thể cứu vãn được. Còn về mặt chính trị, riết rồi nó thành lập nguyên một hệ thống trong đó ăn rơ với nhau, không thể nào thay đổi được. Xét về lâu dài vì dân tộc, điều đấy hoàn toàn có hại.

Hùng: “Tự do trong khuôn khổ” ở Việt Nam họ chỉ đứng trên quan điểm của chính quyền, bảo vệ nhóm lợi ích của đảng. Khi đụng chạm tới họ, nhà báo còn bị chứ đừng nói là blogger. Việt Nam mình là một đất nước độc tài. Đã độc tài thì làm gì có tự do. Trong khi ở nước ngoài những chuyện như phản đối chính quyền là chuyện bình thường. Người dân tổ chức biểu tình phản đối chính sách này, chính sách kia chứ ở Việt Nam không có.

Trà Mi: Nếu có cơ hội đề đạt với giới hữu trách, chị Quỳnh sẽ nói gì?

Quỳnh: Đã xem blog là một sân chơi, là một blogger mình chấp nhận có những quy định, chế tài đối với blog, nhưng những quy định đó phải dựa trên những lợi ích của toàn xã hội chứ không phải là lợi ích của nhóm người nào. Những quy định đó phải cụ thể, phải được công bố, bàn bạc trước khi đi đến kết luận chứ không thể là một bản công bố của Bộ Văn hóa Thông tin buộc mọi người phải tuân theo. Đã là một blogger ở Việt Nam, tôi chấp nhận mọi rủi ro đối với mình và những quy định, nhưng phải là những quy định đúng với tiến trình phát triển và tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người.

Trà Mi: Blogger Bút Thép và blogger LB, các anh mong mỏi điều gì ở giới hữu trách?

Bảo: Internet là bước tiến của nhân loại. Tôi mong mỏi các điều luật phải công khai. Các khoản mục cấm xâm phạm lợi ích quốc gia là những khoản mục gì, như thế nào, cần phải được bàn bạc cụ thể. Rõ ràng trong thời đại này, việc “một tay vá trời” muốn chặn đứng luồng thông tin của thế giới là một việc làm không tưởng.

Linh: Đối với nhà cầm quyền Việt Nam, tôi cũng chẳng có hy vọng gì để gửi gắm hay góp ý. Chúng tôi không thể nào góp ý được gì với họ.

Trà Mi: Anh không thể góp ý nhưng anh có mong mỏi gì nếu như có dịp thể hiện?

Linh: Không, tôi không mong mỏi gì nữa vì một nền chính trị bị quản lý bởi một đảng duy nhất thì không có gì mong mỏi ở họ được nữa. Rõ ràng một điều là mình không nên trông mong gì ở họ cả.

Quỳnh: Nước đổ lá môn, nước đổ đầu vịt thôi. Mình nói mà họ không nghe thì mình không trông mong nữa.

Linh: Không nên trông mong gì. Cứ để họ ra quy định, ra điều nào mình nhảy điều đó thôi.

Quỳnh: Họ ra thì mình lách.

Bảo: Mình thấy cái hại lớn nhất là những blogger như anh Linh hay anh Hùng không còn mong mỏi gì tới nữa. Đó là một vấn đề cho đảng đấy.

Hùng: Bạn muốn gì, cần gì, bạn phải đòi chứ đừng xin nữa. Xin họ cũng đâu có cho. Đừng nói tới mình, chính mấy ông lão thành cách mạng góp ý họ cũng đâu có nghe đâu mà tới mình. Trông đợi cũng bằng không. Mình không hề trông đợi, mình cứ đòi thôi, chứ không có chuyện trông đợi nữa.

Trà Mi: Các bạn không trông đợi có sự thay đổi tích cực ở phía chính quyền từ những ý kiến đóng góp của người dân, nhưng là người trẻ, nguồn lực chính đóng góp cho xã hội, mình phải có cách nào đó giúp cho xã hội phát triển, tiếp tục đi lên phải không? Thế thì các bạn sẽ làm gì để góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực cho Việt Nam?

Bảo: Mặc dù mình không trông đợi gì, mình không thèm xin xỏ nữa, nhưng mình phải đòi. Đó là ý kiến của đa số giới trẻ hiện tại. Phải đòi nhà nước phải làm, không xin xỏ gì nữa hết.

Trà Mi: Và “đòi” bằng cách nào cho hiệu quả, cho có lợi vì mục đích chung đòi hỏi các blogger ở Việt Nam phải cân nhắc kỹ trước khi đặt bút viết lên những gì mà mình muốn phản ánh với xã hội, phải không? Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.

Vừa rồi là ý kiến của một số blogger trẻ trong nước. Quan điểm của các bạn nghe đài thì sao? Xin mời các bạn vào phần Ý kiến ở cuối bài trong mục Tạp chí Thanh Niên của đài VOA trên trang www.voatiengviet.com để bình luận và trao đổi với độc giả khắp nơi. Nếu trở ngại truy cập vào trang web VOA, các bạn nhớ ghé qua trang Facebook, hoặc Yahoo 360 độ plus của VOA để nghe và xem lại các câu chuyện liên quan đến giới trẻ trên Tạp chí Thanh Niên, các bạn nhé.

Đến đây Trà Mi xin chia tay với quý vị và các bạn. Hẹn gặp lại trong một câu chuyện mới trên Tạp chí Thanh Niên tối thứ ba tuần sau.

----------------------
Tin liên h
.
.
.

No comments: