Saturday, March 26, 2011

BẤT TỬ [1 & 2] (truyện ngắn, Lý Dực Vân)

Lý Dực Vân
Wednesday, March 23, 2011

LTS. Lý Dực Vân, tác giả truyện ngắn này, là một người Trung Quốc hiện sống tại California nước Mỹ. Truyện Bất Tử trích từ một tập truyện của ông được dịch và xuất bản tại Việt Nam gần đây, và đang gây xôn xao trong dư luận.

Tiểu sử của anh ta cũng như của mỗi người chúng tôi, bắt đầu từ trước khi chúng tôi ra đời rất lâu. Suốt nhiều triều đại, thị trấn chúng tôi cung cấp cho hoàng gia những người hầu đáng tin cậy nhất. Họ là các thái giám, và vì kính trọng, chúng tôi gọi họ là Cố. Không ai trong số chúng tôi là hậu duệ trực tiếp của Cố, nhưng đi ngược dòng huyết thống, chúng tôi tìm thấy nhiều chú bác, anh em, anh em họ đã từ bỏ nam tính để tên tuổi họ không biến mất trong lịch sử. Nhiều thế hệ con trai lên bảy hoặc tám tuổi được chọn và đem hoạn - chúng tôi gọi là tịnh thân ¬- rồi gửi đến hoàng cung tập sự, học là người hầu phục vụ hoàng đế và hoàng gia. Mười ba hoặc mười bốn tuổi bắt đầu được trợ cấp, họ dành dụm tiền gửi về cho cha mẹ. Những đồng bạc ấy được cất kỹ trong rương cùng một túi nhỏ bằng lụa, đựng của quý đã bị cắt rời, được bảo quản bằng nhiều loại dược thảo. Khi anh em của Cố đến tuổi lấy vợ, cha mẹ họ mở rương, lấy ra những đồng bạc. Tiền nong cho phép những người anh em cưới vợ; vợ họ sinh con trai; những đứa con ấy lớn lên tiếp tục truyền thống của dòng họ, hoặc sinh thêm nhiều con trai nữa hoặc tịnh thân để tiến cung. Nhiều năm trôi qua. Khi các Cố quá già không thể phục vụ các chủ nhân trong hoàng cung được nữa, họ được cho về nghỉ và thay bằng cháu trai của họ. Chẳng còn việc gì để lo nghĩ, họ ngồi suốt ngày dưới nắng, vuốt ve những con mèo họ mang từ hoàng cung về nhà, béo tốt và chậm chạp y như họ, quan sát chó đực đuổi theo chó cái trong ngõ. Rồi đến lúc cái chết đến với họ. Đám tang của họ là những sự kiện lạ mắt trong thị trấn chúng tôi: sáu mươi tư nhà sư mặc áo choàng vàng rực và đỏ thắm tụng kinh suốt bốn chín ngày, đưa linh hồn các Cố lên thiên đường; sáu mươi tư thày tế khoác áo xanh lơ và xám nhảy múa suốt bốn chín ngày xua đuổi ma quỷ dám tấn công thân xác họ. Cuối ngày thứ bốn mươi chín, thời khắc thiêng liêng đã đến, cái túi lụa đựng của quý bị cắt rời của Cố được đặt vào quan tài. Giờ thì bộ phận bị thiến đã trở lại thân xác họ, linh hồn có thể ra đi, đến nơi khác tốt đẹp hơn thị trấn của chúng tôi mà không tiếc nuối.

Đây là câu chuyện của một trong các Cố của chúng tôi. Trong nhiều triều đại, họ là những thành viên tin cậy nhất của hoàng gia. Họ hầu hạ các bà hoàng, phi tần, đích thân làm những việc riêng tư nhất mà không làm uế tạp dòng máu quý tộc vì những thèm muốn thấp hèn và bẩn thỉu của đàn ông; họ phục vụ hoàng đế và các hoàng tử rất khéo léo, song không giống các thị nữ hay mơ cám dỗ hoàng đế và các hoàng tử bằng nhan sắc trần tục, các Cố không phải là mối đe dọa cho những phi tần trong hoàng gia. Tuy vậy, có nhiều tin đồn vu vơ rằng họ là đồ chơi của các hoàng tử trước khi đến tuổi được phép nạp thiếp, và nhiều người xì xào về các Cố đã bị dìm chết, bị thiêu sống, bị đánh đến chết hoặc bị chặt đầu vì những lỗi nhỏ nhất, nhưng theo chúng tôi biết, những chuyện đó được bịa ra để xúc phạm thanh danh thị trấn của chúng tôi. Chúng tôi tin vào thứ nhìn thấy - những tấm bia mộ khắc chạm tinh tế trong nghĩa trang, những bức chân dung thêu tao nhã trong các cuốn sách của gia tộc. Các Cố rót đầy trái tim chúng tôi sự tự hào và biết ơn. Nếu không có họ thì chúng tôi - những con người tầm thường sinh ra trong thị trấn không tên tuổi này - là ai kia chứ?

Vinh quang của thị trấn chúng tôi phai mờ dần trong thế kỷ vừa qua. Nhưng tôi có thể kể cho các bạn câu chuyện của một chàng trai trước khi nói đến sự tàn tạ của các Cố trong lịch sử được không? Theo truyền thống, các cậu bé đưa vào cung không phải là con một, những cậu này phải giữ lại để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là duy trì nòi giống. Nhưng ông Cố vĩ đại nhất trong gia tộc chúng tôi lại là con trai duy nhất trong gia đình. Cha của ông cũng là con trai một, chết lúc rất trẻ chưa kịp gieo thêm mầm vào bụng vợ. Không có chú bác hoặc anh em gửi tiền từ hoàng cung về cho, hai mẹ con phải sống trong cảnh nghèo khổ. Lên mười, sau một trận đánh nhau với bọn trẻ con hàng xóm khoe anh trai chúng được nhận những thỏi vàng từ tay hoàng đế, cậu bé vào chuồng bò và tự thiến bằng một sợi dây và cái liềm. Huyền thoại kể rằng, cậu đi qua thị trấn, một tay cầm cái của quý máu chảy ròng ròng, và kêu to với dân chúng đang xót thương nhìn cậu: “Hãy đợi cho đến khi tôi thành người hầu thân cận nhất của Đức Vua!”. Không chịu nổi nỗi nhục và tuyệt vọng phải sống dưới mái nhà không con không cháu, mẹ cậu gieo mình xuống giếng. Hai chục năm sau, người con trai ấy trở thành trưởng thái giám trong hoàng cung, cai quản hai ngàn tám trăm thái giám và ba ngàn hai trăm thị nữ. Không còn anh em trai để gửi tiền, ông ta dành dụm từng đồng và khi về hưu, trở thành người giàu có nhất vùng. Ông ta thuê người đào quan tài người mẹ tội nghiệp lên và tổ chức đám tang thứ hai cho bà cụ, một đám tang xa hoa nhất chưa từng có trong thị trấn. Đó là tháng Chín năm 1904, những người già cả không ngừng kể tỉ mỉ các chi tiết trong tang lễ: chiếc quan tài đồ sộ đục từ thân một cây gỗ đàn hương, nhiều đống vàng thoi, nhiều rương đựng quần áo lụa, những hòm bát đĩa bằng ngọc bích cho bà cụ dùng ở kiếp sau. Ấn tượng nhất là viên cựu thái giám đã mua bốn cô bé mười hai tuổi của các gia đình nông dân nghèo trên núi. Chúng được mặc những bộ quần áo bằng sa tanh mà chẳng bao giờ chúng dám mơ và mỗi bé phải uống một chén thủy ngân. Thủy ngân giết chết các em ngay lập tức, nên nước da mơn mởn đào tơ của các em vẫn giữ nguyên khi các em ngồi trên ghế kiệu diễu trước quan tài. Nén hương đang cháy cắm trong những ngón tay co lại, bốn bé gái là những cô hầu trung thành hộ tống bà cụ sang thế giới bên kia.

Chuyện về ông Cố này là trang rực rỡ nhất trong lịch sử của chúng tôi, giống như dải pháo hoa lộng lẫy bắn lên bầu trời trước khi bóng tối tràn ngập. Triều đại cuối cùng bị những người cộng hòa lật đổ. Hoàng đế và những người hầu trung thành nhất, thế hệ thái giám cuối cùng bị đưa ra khỏi Tử Cấm thành. Vào những năm 1930, phần lớn bọn họ sống nghèo khổ trong các ngôi đền, miếu quanh Tử Cấm thành. Chỉ những người khôn ngoan nhất sống khấm khá, ngoài việc trả lời phỏng vấn, họ còn kiếm thêm tiền bằng cách phô bày thân xác cho các phóng viên và du khách phương Tây xem, thậm chí còn để cho họ chụp ảnh.

Sau đó, chúng tôi có một thập niên ngắn ngủi của nước cộng hòa, của các chỉ huy quân sự, trong cả hai cuộc thế chiến chúng tôi đã chiến đấu cho phe thắng song vẫn chẳng được gì, rồi cuộc nội chiến và cuối cùng là chúng tôi được chứng kiến buổi bình minh của chủ nghĩa cộng sản. Đúng ngày người có quyền hành tuyệt đối khẳng định thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản ở đất nước chúng tôi, một người thợ mộc trẻ trong thị trấn về nhà với người vợ mới cưới.

- Nghe nói từ nay trở đi, chúng ta sẽ có một cuộc sống mới, - người vợ trẻ nói với chồng và chỉ vào chiếc loa phóng thanh gắn trên mái nhà.
- Cũ hay mới thì cuộc sống vẫn thế thôi, - người chồng trả lời. Anh đưa vợ lên giường và làm tình với vợ, mắt anh khép nửa chừng, đê mê trong lúc loa phóng thanh truyền một bài hát mới, cả nam lẫn nữ lặp đi lặp lại mãi lời ca.

Đứa con trai được thụ thai như thế đấy, trong bản đồng ca Chủ nghĩa cộng sản vĩ đại, vĩ đại, vĩ vĩ đại. Bài hát ấy truyền hết ngày này sang ngày khác, người mẹ trẻ vừa ngân nga, ậm ừ hát theo vừa sờ cái bụng đang lớn dần, chị cẩn thận cắt rời những bức chân dung vị lãnh tụ tối cao trên báo. Chúng tôi tôn vinh Người là Cha của chúng ta, Cứu tinh của chúng ta, Ngôi sao Bắc đẩu trong đời chúng ta, Mặt trời không bao giờ lặn trong thời đại chúng ta. Người mẹ mù chữ, giống phần lớn dân chúng trong thế hệ chị. Không giống những người khác, chị thích xem báo, và chị dán ảnh của lãnh tụ tối cao vào một cuốn sổ dày.

Chị chẳng phải là người phụ nữ khôn ngoan nhất thị trấn chúng tôi đó sao? Những người phụ nữ khác chưa từng nghĩ đến việc ngắm ảnh của lãnh tụ trong lúc có thai con trai. Đương nhiên họ vẫn nghe nói rằng phụ nữ có thai càng ngắm kỹ một gương mặt, thì đứa trẻ càng có nhiều khả năng giống người đó. Nhiều năm trước, những người mẹ trẻ trong thị trấn thích ngắm một loại búp bê nhập khẩu có cái tên nước ngoài là Shirley Temple[1]. Những thập kỷ sau, các bà mẹ mang thai ngắm nghía kỹ lưỡng các ngôi sao điện ảnh. Nhưng thời gian này, lãnh tụ tối cao là siêu sao duy nhất trên các phương tiện truyền thông, vì thế người mẹ trẻ chăm chú chiêm ngưỡng dung nhan Người suốt mười tháng liền trước khi sinh con.

Đứa con trai sinh ra có khuôn mặt của vị lãnh tụ tối cao, một phép màu mà ban đầu chúng tôi không để ý tới. Mười năm tiếp theo, chúng tôi tránh nhìn cậu bé vì sợ nhìn thấy hình ảnh người cha đã chết trên mặt nó. Cha cậu là người làm ăn chăm chỉ, chu đáo, tốt bụng với xóm giềng và yêu thương vợ. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng anh ta lại là kẻ thù của đất nước cộng sản non trẻ này. Song có nhiều nhân chứng, không chỉ một mà toàn bộ những kẻ say rượu tối hôm đó trong quán.

Lời bình về anh hùng và lợn nái đã dẫn anh ta đến cái chết.

Hồi này, chúng tôi khâm phục sức mạnh của người anh lớn cộng sản ở phía trên đất nước chúng tôi. Nghe nói ở đất nước anh cả Liên Xô, phụ nữ được khuyến khích sinh nhiều con cho sự nghiệp cộng sản, những người sinh nhiều con nhất sẽ được tặng danh hiệu người mẹ anh hùng.
Hiện giờ chúng tôi đang trên cùng con đường tiến tới một nơi hạnh phúc như nhau, lãnh tụ tối cao bèn quyết định áp dụng cùng chính sách ấy.
Anh thợ mộc trẻ tuổi ngà ngà say nói đùa thật to với các bạn rượu:
- Người mẹ anh hùng hả? Mẹ sề nhà tôi sẽ đẻ một lứa mười đứa liền.

Liệu mụ có được danh hiệu ấy không?
Thế đấy, một lời công kích hiểm độc vào chính sách dân số của lãnh tụ tối cao. Anh thợ mộc bị hành hình sau một phiên xử công khai. Tất cả những người tham gia cuộc họp - trừ vợ anh -, từng người trong chúng tôi đều giơ cao nắm đấm chào mừng thắng lợi của Nhân dân, tiếng hô nhất trí của chúng tôi át tiếng rên rỉ của vợ anh trên giường. Chúng tôi hô vang khẩu hiệu lúc viên đạn xuyên qua đầu người thanh niên. Chúng tôi hát những bài ca cách mạng lúc xác anh bị diễu đi trên phố. Cuối cùng, khi đã khản giọng vì kiệt sức, chúng tôi nghe thấy tiếng khóc đầu tiên của đứa trẻ, to và đau đớn, và trong chốc lát chúng tôi khó mà nhìn vào mắt nhau. Chúng tôi đã làm gì với người mẹ và đứa trẻ sơ sinh? Người thanh niên đã chết kia chẳng phải là một người anh em của chúng tôi sao?

Điều chúng tôi không biết là một nhà nghiên cứu ở thủ đô đã bị ném vào tù, bị tra tấn đến chết vì đã dự báo sự bùng nổ dân số và đề nghị lãnh tụ tối cao thay đổi chính sách. Chúng tôi cũng không hề biết rằng trong một cuộc họp với lãnh đạo của đất nước anh cả tại Moscow, lãnh tụ tối cao đã nói chúng tôi không sợ một cuộc thế chiến nữa hoặc các vũ khí hạt nhân: Giả dụ bọn Mỹ thả bom nguyên tử lên đầu chúng tôi. Nước tôi có năm trăm triệu dân. Dù chúng tôi có bị chết một nửa, chúng tôi vẫn còn hai trăm năm mươi triệu, và hai trăm năm mươi triệu người này sẽ sản sinh ra hai trăm năm mươi triệu người khác ngay lập tức.

Sau đó, khi đọc những lời của Người trên báo, máu chúng tôi sôi lên. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ sống, mắt nhìn lên trời đợi bom Mỹ rơi như mưa xuống đầu, để chứng tỏ lòng can đảm và sự trung thành tuyệt đối của chúng tôi với lãnh tụ.

Cậu bé lớn nhanh như thổi. Người mẹ thì càng ngày càng già nhanh hơn. Sau cái chết của người thợ mộc, theo thỉnh cầu của chị, Ủy ban Cách mạng thị trấn giao cho chị việc quét đường. Cứ rạng đông, chúng tôi nằm trên giường và lắng nghe tiếng chổi tre hối hả của chị.

Chị góa chồng ở tuổi mười tám, đẹp như một góa phụ trẻ có thể đẹp, và cố nhiên một số anh chàng độc thân không thể đừng những ý nghĩ mơ tưởng đến chị trên chiếc giường lẻ loi. Song không một thanh niên nào dám ngỏ lời với chị. Ai dám cưới vợ góa của tên phản cách mạng và suốt phần đời còn lại lo ngay ngáy bị quy là có cảm tình với kẻ xấu? Ngoài ra, ở nước chúng tôi dù lãnh tụ có nói nam nữ bình đẳng, chúng tôi vẫn nghĩ một góa phụ muốn có người đàn ông khác là một con đĩ ngầm. Niềm tin của chúng tôi càng được củng cố khi đọc trên báo lời nhận xét của lãnh tụ về một trong những môn đệ thân cận nhất của Người đã trở thành kẻ thù của đất nước: Một gã đàn ông không thể che đậy bản chất phản động mãi mãi, giống như một mụ góa không thể che giấu sự thèm khát được giao cấu.

Vì thế người mẹ trẻ héo mòn đi trong mắt chúng tôi. Mỗi ngày, bộ mặt chị càng xanh xao hơn, mắt chị ráo hoảnh hơn. Khi đứa trẻ lên mười, mẹ nó trông đã như bà lão sáu mươi. Không một anh chàng độc
thân nào còn để mắt đến chị nữa.

Cậu bé sắp mười tuổi thì nạn đói bắt đầu. Trước nạn đói, suốt ba năm, chúng tôi chẳng làm gì ngoài việc ca hát về thiên đường của chủ nghĩa cộng sản và thề giải phóng giai cấp lao động đau khổ trên toàn thế giới. Nông dân và công nhân ngừng làm việc, ngày của họ trôi qua trong nỗi khó nhọc và niềm vui sáng tác thêm một bài thơ nữa, ganh đua để trở thành nhà thơ vô sản hữu ích nhất. Ngày nào chúng tôi cũng đến trung tâm thị trấn, thảo luận chiến lược chinh phục thế giới dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ tối cao. Khi nạn đói xảy ra, chúng tôi không hề chuẩn bị trước, chúng tôi lắng nghe những lời cổ vũ của lãnh tụ trên loa phóng thanh. Người kêu gọi chúng tôi thắt chặt thêm một nấc thắt lưng vì tương lai của chủ nghĩa cộng sản, và chúng tôi vui sướng đục thêm nhiều lỗ trên thắt lưng. Năm đói thứ hai, lãnh tụ nói trên loa: Hãy xua đuổi chim sẻ và chuột; chúng là bọn kẻ cắp đã cướp lương thực của chúng ta và mang nạn đói đến cho chúng ta.

Giết chim sẻ là sự kiện vui vẻ nhất trong suốt ba năm đói kém. Sau nhiều tháng uống cháo loãng và ăn rễ cỏ, cứ buổi sáng ngày diệt chim sẻ, chúng tôi được phát hai cái bánh bao nhỏ nóng hôi hổi trong phòng ăn thị xã. Sau bữa sáng, chúng tôi trèo lên mái nhà, gõ chiêng trống theo hiệu lệnh của Ủy ban Cách mạng. Từ mái nhà này sang mái nhà khác, từng đợt, từng đợt âm thanh loạn xạ xua lũ chim sẻ bay lên trời. Chia thành nhiều ca khác nhau, chúng tôi gõ suốt sáng và chiều, và mỗi khi một con chim sẻ định đậu lên ngọn cây, chúng tôi xua nó bằng những sào tre dài buộc nhiều lá cờ sặc sỡ. Đến tối, chim sẻ chết vì hoảng sợ và kiệt sức, rơi như mưa xuống chúng tôi như những quả bom nhỏ. Bọn trẻ con trang trí như những bù nhìn chạy quanh, nhặt chim chết cho chúng tôi làm bữa tối.

Cậu bé đang cố nhét một con sẻ vào ống tay áo thì một đứa lớn hơn chộp bàn tay nó:
- Nó đang ăn cắp tài sản của nhân dân, - thằng lớn gào to với cả thị trấn.
- Mẹ tôi ốm. Bà ấy cần ăn gì đó, - cậu bé nói.
- Này thằng ranh, thứ mẹ mày cần ăn không phải loại chim này, - một gã đàn ông nói và chúng tôi cười ồ. Bánh bao trong dạ dày và chim sẻ trong giỏ làm chúng tôi phấn chấn.

Cậu bé nhìn gã đàn ông trừng trừng giây lát rồi húc mạnh đầu vào gã.

- Thằng chó đẻ, - gã nói, cong gập người và che bàn tay lên đũng quần.
- Đánh chết thằng nhãi phản cách mạng đi, - có ai đó nói và cả đám chúng tôi xông đến đấm, đá thằng bé. Đói khát làm chúng tôi mỗi ngày một thêm hung hãn, chúng tôi khuây khỏa khi tìm được một người để trút
cơn thịnh nộ không tên của mình.

Người mẹ lao vào đám đông và cố gạt chúng tôi ra. Sự có mặt của bà làm chúng tôi càng đánh tợn hơn. Có người nhặt cả gạch và đá, lăm le đánh nó quỵ. Vài kẻ nhe răng, sẵn sàng ăn tươi thằng bé.
- Các người nhìn mặt nó xem. Đứa nào dám đụng vào nó lần nữa, tôi sẽ kiện vì tội bất kính lãnh tụ vĩ đại nhất của chúng ta, - người mẹ gào lên, chỉ vào chúng tôi như một mụ điên.

Người chúng tôi lạnh cứng. Chúng tôi nhìn mặt thằng bé. Dẫu mặt nó sưng phồng và mắt đen, chúng tôi chẳng khó gì khi nói rằng nó có bộ mặt của lãnh tụ, trẻ trung và chống đối, như các minh họa thời thơ ấu anh hùng của lãnh tụ tối cao. Thằng bé đứng dậy và lê đến với mẹ. Chúng tôi kính sợ nhìn mặt nó, không dám nhúc nhích khi nó nhổ nước dãi đầy máu vào chân chúng tôi.
- Nhớ lấy bộ mặt này, - thằng bé nói. - Các người sẽ phải trả giá cho ngày hôm nay. - Nó nhặt một đôi chim sẻ và bước đi cùng mẹ nó. Chúng tôi nhìn hai người dìu đỡ nhau như vợ và chồng.

Suốt nhiều năm, chúng tôi không biết cậu bé có bộ mặt của vị lãnh tụ sống giữa chúng tôi là phúc lành hay tai họa. Chúng tôi đối xử với nó và mẹ nó như báu vật mỏng manh và quý giá nhất, không bao giờ dám hé một lời về họ với người ngoài.
- Chẳng hay hớm gì đâu, - những người già cả đe chúng tôi và kể câu chuyện về một trong các Cố của chúng tôi, tình cờ có biệt hiệu giống hoàng đế và bị ném xuống giếng cho chết. - Có nhiều thứ giống hệt
không được phép tồn tại, - những người già nói.

Còn chúng tôi, không ai dám hé răng nói một lời bất kính về bộ mặt cậu trai. Càng lớn, cậu càng giống vị lãnh tụ. Thỉnh thoảng đi ngang qua cậu trên phố, trong lòng chúng tôi trào dâng tình cảm ấm áp dường như chính lãnh tụ ở đấy cùng chúng tôi. Đó là thời ở đất nước tôi, lãnh tụ còn lớn hơn cả vũ trụ. Các bà nội trợ mù chữ bị hành hình vì dùng báo cũ làm giấy dán tường và đương nhiên bị quy tội xúc phạm tên tuổi lãnh tụ. Cha mẹ những đứa bé học lớp một viết sai tên lãnh tụ bị đưa đi trại lao động. Với cậu trai sống giữa chúng tôi, chúng tôi như không ngừng bước trên lớp băng mỏng trên làn nước sâu. Chúng tôi lo không tôn trọng đúng mức gương mặt ấy sẽ là biểu hiện căm ghét lãnh tụ ngấm ngầm. Chúng tôi lo quá tôn trọng sẽ bị coi là giả dối, thờ phụng nhầm thần tượng. Trong trường, các giáo viên chưa bao giờ nói nặng lời với cậu. Bất cứ trò chơi nào của học sinh, phe nào không có cậu sẵn sàng chịu thua. Khi cậu học xong trung học, Ủy ban Cách mạng họp nhiều tuần thảo luận tìm công việc thích đáng cho cậu thanh niên có bộ mặt giống Người. Trong thị trấn chúng tôi, không có việc gì đủ an toàn cho cậu. Cuối cùng, chúng tôi đi đến giải pháp tối ưu: bầu cậu làm chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Ủy ban Cách mạng.

Chàng thanh niên đang phát đạt. Không có việc gì làm, và không thích giết thời gian với các thành viên già của hội đồng, ngày nào cậu cũng la cà khắp thị trấn, trò chuyện với những người hãnh diện được cậu chào hỏi và ngắm các cô gái bán hàng đỏ mặt vì được cậu nhìn ngắm. Hình dáng mẹ cậu giờ đã khá hơn nhiều, nước da hồng hào. Chỉ có điều bất tiện là không cô gái nào hẹn hò với cậu. Chúng tôi đe bọn con gái rằng lấy cậu hoặc là may mắn nhất hoặc là bất hạnh nhất. Sinh trưởng trong một thị trấn mà hành động mạo hiểm bị chê trách thực sự, không người nào trong chúng tôi muốn gả con gái cho một thanh niên như cậu.

Ngày lãnh tụ qua đời, chúng tôi tụ họp ở trung tâm thị trấn và khóc lóc như những đứa trẻ mồ côi. Chúng tôi thấy cả nước gào khóc cùng chúng tôi trên chiếc tivi duy nhất của thị trấn. Chúng tôi đeo băng tang đen suốt ba tháng, lúc làm việc cũng như lúc ngủ. Mọi trò giải trí bị cấm trong sáu tháng. Thậm chí một hoặc hai năm sau khi Người từ trần, chúng tôi vẫn tránh nhìn những người phụ nữ bụng to, biết rằng họ không thành tâm trong lúc để tang. Cha của những đứa trẻ này không bao giờ được chúng tôi tôn trọng nữa.

Đây là thời gian khó khăn cho chàng thanh niên. Nhìn thấy mặt anh, một số người bật khóc không kìm được, và anh ta cũng khóc cùng chúng tôi trong nhiều giờ. Việc đó làm anh mệt mỏi. Anh ở lì trong phòng riêng suốt một năm, và lần sau chúng tôi nhìn thấy, anh đang đi thẳng tới trung tâm thị trấn, xách chiếc va li nhỏ, trông anh già hơn tuổi hai mươi tám nhiều.

- Có chuyện không hay sao? - Chúng tôi lo lắng chào anh. - Đừng để nỗi tiếc thương quá lớn làm anh suy sụp.
- Cảm ơn, nhưng tôi không sao, - anh đáp.
- Anh định đi đâu chắc?
- Vâng, tôi đi đây.
- Đi đâu? - Chúng tôi hoảng hốt. Mất anh lúc này dường như không thể chịu đựng nổi, y như mất vị lãnh tụ một năm trước.
- Đây là một nhiệm vụ chính trị, - anh nói và mỉm cười bí ẩn. - Tôi được phân công.

Chỉ sau khi anh được đưa đi trong chiếc ôtô sang trọng, rèm che kín (cái ôtô duy nhất, phần lớn chúng tôi nhìn thấy trong đời), chúng tôi mới biết tin anh đến thủ đô thử giọng để đóng vai vị lãnh tụ. Chúng tôi bàn tán nhiều ngày, hình dung “thử giọng” và “đóng vai” nghĩa là gì. Cuối cùng, chúng tôi đi đến kết luận anh sẽ là người xuất sắc nhất.
Giờ đây khi anh đã biến khỏi tầm mắt chúng tôi, mẹ anh là nguồn duy nhất của các chuyện về anh. Một bà mẹ tự hào, mỗi lần chúng tôi hỏi thăm tin tức, bà nhắc lại câu chuyện bà chăm chú ngắm bộ mặt của cố lãnh tụ suốt ngày đêm, khi đứa con trai lớn lên trong bụng bà.

- Các vị biết đấy, giống như nó là con trai vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta vậy, - bà nói.
- Đúng, tất cả chúng ta đều là con em của lãnh tụ vĩ đại, - chúng tôi gật gù và nói. - Nhưng chắc chắn cậu ấy là người con ưu tú nhất.

Bà mẹ thở dài, vô cùng mãn nguyện. Bà nhớ lại những năm đầu tiên sau khi con trai bà ra đời, phụ nữ trạc tuổi bà sinh hết đứa này đến đứa khác, họ đóng khung giấy chứng nhận người mẹ anh hùng, treo lên tường và đi lướt qua bà, vểnh mặt nhìn lên trời. Hãy để thời gian chứng minh ai mới là anh hùng thực sự, bà nghĩ và cười thầm.
Sau đó bà kể cho chúng tôi nghe về con trai, từng mẩu tin tức là một cánh cửa mới ra thế giới. Anh được một chiếc ôtô hạng nhất đưa đến thủ đô, ở đó anh và các ứng viên khác ở trong một khách sạn sang trọng, hàng ngày được đưa đến bảo tàng tưởng niệm lãnh tụ, họ học để thi đấu.

- Có các ứng viên khác sao? - Chúng tôi há hốc miệng, sửng sốt vì mẹ anh không phải là người duy nhất ngắm nghía bộ mặt của lãnh tụ trong lúc mang thai.
- Tôi chắc nó là người duy nhất họ muốn, - người mẹ nói. - Nó nói khi ngắm nhìn bộ mặt của lãnh tụ, nó rất tin sẽ được chọn.

( Xem tiếp 3 & 4 )
.
.
.

No comments: