Tuesday, March 15, 2011

BẠO LOẠN TRONG CÁC NƯỚC ARAB và CÁC CUỘC CÁCH MẠNG MÀU (Open Democracy)

Vicken Cheterian (Open Democracy, Anh, 10/03/2011)

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 14 tháng 3 năm 2011

Các cuộc bạo loạn ở các nước Arab trong năm 2010 – 2011 lan truyền với tốc độ và cường độ rất cao. Chỉ sau ba tháng, vụ phản đối bắt đầu tại thành phố Sidi Bouzid ở Tunisia vào giữa tháng 12 năm 2010 đã trở thành làn sóng bạo loạn nhấn chìm hai vị tổng thống, bao trùm lên một khu vực lãnh thổ từ Morocco đến vùng người Kurd ở Irak; làm sống lại ngọn lửa của phe đối lập Iran và tiếp tục cháy ở Bahrain, Libya, Yemen và nhiều nơi khác nữa.

Hiện tượng đáng chú ý xảy ra ở khu vực này kích thích người ta đi tìm những chuyện tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ. Một số người so sánh nó với làn sóng cách mạng vĩ đại gọi là “mùa xuân của các dân tộc” ở châu Âu hồi năm 1848 và với phong trào giải phóng ở Đông và Trung Âu hồi năm 1989 và những năm sau đó (gọi là “mùa xuân Arab”). Người ta cũng đã viện dẫn kĩ thuật thông tin được những người hoạt động của phong trào sử dụng (gọi là “cách mạng facebook” hay “cách mạng twitter”) để giải thích nó.

Tuy nhiên sự tương đồng và tiểu tiết được mang ra so sánh chỉ có tính chất giới hạn mà thôi. Các sự kiện diễn ra vào năm 1989 ở Đông Âu đặc biệt ở chỗ nó đã quét sạch thành quả của cuộc cách mạng năm 1917 và (trong hai năm sau đó) đã kích hoạt một loạt cuộc cách mạng: sụp đổ hệ thống (kinh tế chỉ huy), sụp đổ đế chế (Hiệp ước Warsaw), tàn lụi một nhà nước (Liên Xô) và sụp đổ hệ tư tưởng mang tính toàn cầu (Chủ nghĩa cộng sản Xô Viết).

Công nghệ mới đóng vai trò nhất định trong ngành báo in vào năm 1848. Chúng đã được sử dụng một cách cực kì hữu hiệu ở Tunisia và Ai Cập và có ảnh hưởng lớn ở cả những nơi khác nữa. Nhưng tập trung chú ý quá mức vào các phương tiện này có thể dẫn đến ý tưởng cho rằng những chuyện xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi là cuộc cách mạng của tầng lớp trung lưu nhằm sửa chữa “trường hợp ngoại lệ mang tính lịch sử” của khu vực và làm cho họ trở thành giống như “chúng ta”.

Mã màu

Muốn tìm hiểu cuộc khởi nghĩa trong thế giới Arab thì kinh nghiệm quá khứ phải được sử dụng với một sự thận trọng nhất định, và phải thấy sự phức tạp (cũng như tính chất chưa trọn vẹn) của các sự kiện. Chỉ có như thế ta mới có thể đánh giá được chiều sâu của chúng và thấy được quĩ đạo của chúng thông qua lăng kính của cái gọi là “những cuộc cách mạng màu” từng tấn công các chế độ ở một số nước châu Âu và Trung Á trong nửa đầu những năm 2000.

Các vụ phản đối và thay đổi chế độ được gọi là “cách mạng màu” (theo màu hoặc hoa mà những người đòi thay đổi dùng làm biểu tượng) bao trùm lên một loạt nước: Serbia (2000), Georgia (2003), Ukraine (2004), Kyrgyzstan (2005). Những cố gắng khác với kết quả tương tự - ở Bạch Nga, ở Azerbaijan, Lebanon (2005) và Miến Điện (2007) đôi khi cũng được coi là một phần của làn sóng đó.

Kinh nghiệm của mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng cũng có những điểm chung.

Thứ nhất, các cuộc cách mạng màu diễn ra sau những cuộc bầu cử gian dối trong các nước nửa-độc tài, với vai trò chủ đạo là những nhóm người trẻ tuổi có tổ chức, biết kết hợp một cách khéo léo các khẩu hiệu thông minh với hành động bất bạo lực đầy sáng tạo nhằm truyền bá thông điệp của mình. Otpor (“phản kháng”) ở Serbia, Kmara (“đủ rồi”) in Georgia, và Pora (“đến lúc rồi”) ở Ukraine là những thành tố nổi bật trong cuộc bạo loạn nhằm chống lại chế độ độc tài ở những nước này. Các phong trào nêu trên là ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành lập phong trào Kefaya (“đủ rồi”) ở Ai Cập vào năm 2004 với mục đích động viên nhân dân, tạo ra những thay đổi chống lại chế độ của Hosni Mubarak.

Thứ hai, mặc dù động viên nhân dân là động lực chủ yếu, nhưng cách mạng màu còn được những người từng giữ những vị trí cao lãnh đạo. Mikheil Saakashvili từng là bộ trưởng tư pháp khi Eduard Shevarnade làm tổng thống Georgia và trước khi trở thành lãnh tụ “cách mạng hoa hồng” chưa đến hai năm còn là đảng viên đảng cầm quyền của nước này; và trước “cách mạng cam” Viktor Yushchenko đã từng là thủ tướng Ukraine; còn Kurmanbek Bakiyev từng là thủ tướng Kyrgyzstan.

Theo ý nghĩa đó, những cuộc cách mạng này còn chứa trong lòng nó yếu tố cạnh tranh trong nội bộ giới tinh hoa: phe cấp tiến nhận thức được rằng bầu cử không thể chuyển hóa được quyền lực, và muốn có những thay đổi cần thiết thì phải động viên được dân chúng ra những quảng trường chính của đất nước.

Thứ ba, khác với những cuộc cách mạng “cổ điển” ở Pháp và Nga, cách mạng màu là cách mạng phi bạo lực. Đấy là lí tưởng của phe đối lập nhằm chống lại chế độ chính trị hủ bại nhưng vẫn quyết tâm bám víu vào quyền lực (bằng những cuộc bầu cử gian dối và sẵn sàng sử dụng bạo lực); nhưng nó cũng còn liên quan tới xu hướng của các “nhà cách mạng” là thực hiện các cuộc cải cách chính trị (mà một số tiền bối của họ đã tuyên bố nhưng không thực hiện được): dân chủ hóa, cải tạo theo hướng thị trường, liên kết mật thiết hơn với phương Tây.

Thứ tư, các cuộc cách mạng màu chứng tỏ rằng nhà nước độc tài không thể chặn đứng được cuộc bạo loạn của dân chúng. Khi mười ngàn người đổ ra đường và trong lực lượng an ninh sự ngờ vực đã lấn át lòng trung thành (thí dụ như khi người ta đưa quân đội tới nhưng binh sĩ không chịu nổ súng), cán cân nhanh chóng nghiêng về phía người biểu tình. Điều đó đã diễn ra ở Serbia vào tháng 10 năm 2000, khi lực lượng cảnh sát đặc biệt, gọi là “mũ nồi đỏ” không chịu bắn vào người biểu tình ở Belgrade và Slobodan Milosevic không còn được ai bảo vệ nữa.

Nhưng khi nhà nước sử dụng bạo lực thì đấy cùng có thể là biệu hiện của sự yếu đuối và chuẩn bị sụp đổ. Ở Kyrgyzstan vào tháng 4 năm 2010, Kurmanbek Bakiyev (người đã giành được quyền lực trong cuộc nổi dậy của nhân dân vào năm 2005) ra lệnh cho cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình hơn 10.000 người tại thủ đô Bishkek. 86 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương chỉ là cho dân chúng giận dữ thêm, phủ tổng thống bị tấn công và Bakiyev phải chuồn sau đó một ngày.

Khác biệt

Dấu vết của các sự kiện trong trận cuồng phong ở Tunisia và Ai Cập còn rất rõ, ít nhất đấy không chỉ là áp bức không thể ngăn chặn được thủy triều, và các binh sĩ không còn trung thành với những nhà độc tài già nua sống biệt lập trong những lâu đài của họ mà chuyển sang ủng hộ những người biểu tình trẻ tuổi, họ không còn dùng dùi cui và còng số tám để đánh đập, bắt bớ người nữa.

Nhưng sự khác biệt giữa các cuộc cách mạng màu và các cuộc nổi dậy ở các nước Arab có thể sâu sắc hơn thế.

Thứ nhất, không nên đề cao quá mức vai trò của những người trẻ tuổi có học, động lực của những cuộc nổi dậy gần đây là sự tức giận của thanh niên trước những điều kiện xã hội tuyệt vọng và không có cơ hội tìm việc làm – khó có thể coi là giống nhau.

Thứ hai, giới tinh hoa đối lập sau nhiều năm bị đè nén thường đứng bên lề, bị đẩy khỏi sân khấu chính trị và đã ngạc nhiên trước sự vùng lên của quần chúng.

Thứ ba, có khác biệt trong đề tài của các cuộc phản kháng. Ở Georgia và Ukraine, nhân dân đứng lên chống lại những tàn dư chính trị từ thời Xô Viết: những nhà cầm quyền già nua không có khả năng cải cách hệ thống chính trị và hiện đại hóa nền kinh tế. Ở Nam Tư, thanh niên được hưởng nhiều quyền tự do hơn là tại các nước bị cộng sản Liên Xô khống chế. Đến năm 2000, tức là hai thập kỉ sau khi Tito chết và một thập kỉ sau khi đất nước tan rã, thế hệ trẻ tiếp theo ở Serbia nhìn thấy Ba Lan và Hungragy vượt lên để trở thành một phần của EU.

Những người bạn của họ ở Georgia và Ukraine cũng có quan niệm tương tự như thế với các nước cộng hòa hậu-Xô Viết là Estonia, Latvia hay Lithuania, trong khi họ hầu như mới chỉ bắt đầu “chuyển sang” nền kinh tế thị trường và nền dân chủ theo kiểu phương Tây mà thôi. Cuộc cách mạng hòa bình là con đường nhằm đoạn tuyệt với thế hệ cũ vì thế hệ này đã không thể “hiện đại” và “tây hóa”.

Khác với các nước đó, tình cảnh tuyệt vọng vì không có bất kì tương lai nào cho sự thay đổi đã khởi động phong trào trong thế giới Arab. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng harraga ở Algeria hay Tunisia (ước mơ đến được bến bờ châu Âu của những người dự định di cư trên những con thuyền nhỏ). Có vẻ như việc lật đổ Zine El Abidine Ben Ali cũng chưa đánh dấu chấm hết cho những chuyến tha hương đầy tuyệt vọng của thanh niên Tunisia.

Thứ tư, sự có mặt cũng như vắng mặt của khía cạnh quốc tế cũng rất đáng lưu ý. Những người tham gia các cuộc cách mạng màu nổi lên chống lại những tàn dư của đế chế đã sụp đổ (Liên Xô) và muốn tham gia vào trật tự phương Tây. Phương Tây khuyến khích, giúp đỡ và trong một số trường hợp còn trợ giúp về tài chính như cuộc khởi nghĩa ở Serbia, Georgia và Ukraine cũng được giúp đỡ một cách hạn chế hơn.

Phương Tây không có vai trò gì trong cuộc khởi nghĩa Arab. Sự hợp tác một cách rộng rãi về mặt an ninh giữa các nước phương Tây với các chế độ Arab là một phần của lời giải thích, nhưng đây chỉ là một phần của chính sách hậu thuộc địa, kéo theo nền kinh tế dựa trên dầu hỏa hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống kinh tế của phương Tây, nạn tham nhũng về mặt tài chính, và chính sách đối với Palestine mà không quốc gia dân chủ Arab nào ủng hộ. Trên khía cạnh này, các nước phương Tây (đặc biệt là châu Âu) nên có cách tiếp cận mới dựa trên sự ủng hộ mang tính nguyên tắc với nền dân chủ Arab.

Những bài học

Kết quả của các cuộc cách mạng màu có thể đem đến những bài học cho các cuộc nổi dậy trong thế giới Arab; nơi mà người ta đang phải đối mặt với những vấn đề chính trị-xã hội còn sâu sắc hơn, đấy là nói khi so sánh với Serbia hay Ukraine.

Thứ nhất, lật đổ nhà độc tài già nua chưa phải là sự thay đổi hệ thống. Có hai mô hình. Ở Ukraine, Viktor Yushchenko, tổng thống hậu-cách-mạng-cam không mang lại nhiều thay đổi, ngoại trừ việc tôn trọng các cuộc bầu tự do. Kết quả là Viktor Yanukovich, đối thủ của ông ta, đã trở lại cầm quyền vào tháng 2 năm 2010 và những vụ đàn áp nhân quyền diễn ra sau đó; còn Mikheil Saakashvili, tổng thống hậu-cách-mạng-hoa-hồng ở Georgia thì thiết lập chính phủ trung ương tập quyền với một quốc hội nằm hoàn toàn trong tay đảng cầm quyền, còn các phương tiện thông tin đại chúng thì có ít tự do hơn là trước đây. Nói cách khác, kết quả chung cuộc của cuộc cách mạng hoa hồng ở Georgia rất giống với điểm bắt đầu của cuộc nổi dậy trong thế giới Arab.

Thứ hai, các lực lượng ủng hộ thay đổi ở Tunisia và Ai Cập – cũng như ở những nước muốn thay đổi chính phủ - cần phải đi tiếp nhằm biến bạo loạn thành cách mạng. Điều đó sẽ quyết định những hành động có diễn ra nữa hay sẽ dừng lại. Các phong trào của thanh niên như Kmara (“đủ rồi”) hay Pora (“đến lúc rồi”) cuối cùng đã không tạo ra lực lượng chính trị mới; Kmara đã hòa tan vào đảng cầm quyền ở Georgia, còn Pora – ban đầu đã liên kết với đảng của Yushchenko nhằm phản đối kết quả cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2006, nhưng không có kết quả.

Thành phần xã hội của cuộc nổi dậy ở Arab làm cho nó có thể trở thành cấp tiến hơn là cách mạng màu. Nhưng vẫn còn rất nhiều điều chưa chắc chắn, một số có liên quan đến việc thiếu vắng lãnh đạo. Thanh niên Arab có tiếp tục lật đổ các nhà độc tài, tạo điều kiện cho những người khác thủ lợi từ chân không quyền lực hay họ sẽ đi tiếp nhằm tạo ra những định chế mới và một nền văn hóa chính trị mới? Bất kì việc so sánh lịch sử nào cũng phải dừng lại ở đây. Tương lai không thể dự đoán, nó sẽ được hình thành trên đường phố của Cairo, Tunis, Benghazi và Sana.

Vicken Cheterian là phóng viên và nhà phân tích chính trị đang làm việc cho tổ chưa NGO gọi là CIMERA ở Geneva. Ông đã xuất bản các tác phẩm War and Peace in the Caucasus: Russia’s Troubled Frontier (C Hurst / Columbia University Press, 2009) và From Perestroika to Rainbow Revolutions: Reform and Revolution After Socialism (C Hurst, 2011).
.
.
.

No comments: