Thursday, March 3, 2011

Bán Nguyệt San TỰ DO NGÔN LUẬN - Số 118 - Ngày 1-3-2011

Luận bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 118 (01-03-2011)
.

.
1- Phấn khởi vì thành công cách mạng

Các cuộc cách mạng dân chủ đã mau chóng tống cổ khỏi ngai vàng hoặc đang dồn vào chân tường những lãnh đạo độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông quả mang lại ngạc nhiên cho toàn thế giới, hân hoan cho các nước dân chủ, lo sợ cho những chế độ chuyên chế và hy vọng cho các dân tộc bị trị. Phấn khởi và hy vọng nhất có lẽ là dân tộc Trung Hoa và Việt Nam, vốn đã gánh chịu không những một cá nhân mà là một tập thể độc tài, không những một chế độ chuyên quyền về mặt chính trị hay kinh tế mà còn về mặt triết lý, văn hóa, tư tưởng, nghĩa là một chế độ cực quyền toàn trị.
Ngay khi Cuộc cách mạng vừa thành công tại Tunisia (ngày 14-01-2011) và sắp thành công tại Ai Cập (ngày 11-02-2011), thì trong dịp Tết Tân Mão (03-02-2011), người ta đã thấy có gần 30 nhân vật đấu tranh người Việt nổi bật tại hải ngoại gởi thư chúc tết quốc nội với lời nhắn nhủ và niềm hy vọng hoa lài sẽ nở rộ sau hoa mai trên quê mẹ. Tiếp đó, ngay trong nước, xuất hiện nhiều lời kêu gọi khác, cá nhân có tập thể có. Nhưng xem ra 3 lời kêu gọi sau đây là nổi bật hơn cả:
- Lời Kêu gọi của Khối 8406 ngày 21-02-2011. Sau khi đưa ra 5 nhận định về các biến động ở Bắc Phi và Trung Đông, Khối đã ngỏ lời với 6 thành phần: đồng bào quốc nội, giới trẻ Việt Nam, tầng lớp trí thức đạo đời, lực lượng công an quân đội, lãnh đạo và đảng viên CS, đồng bào hải ngoại và thế giới dân chủ. Kêu gọi mỗi thành phần đóng góp theo cách thức riêng của mình vào một cuộc cách mạng rất cần thiết tại đất Việt, xét vì “hoàn cảnh đất nước Việt Nam còn dưới ách độc tài toàn trị Cộng sản, với vô vàn bất công xã hội, thảm trạng dân sinh, tệ nạn tham nhũng, cường quyền đàn áp gấp nhiều lần các quốc gia Trung Đông lẫn Bắc Phi, và nhất là nguy cơ mất văn hóa, mất đất nước vào tay giặc Tàu”.
- Lời Kêu gọi của Cao trào Nhân bản (mà chủ tịch là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế) ngày 24-02. Với giọng hùng hồn, Bác sĩ Quế vạch ra thảm trạng xã hội: “đầu tư lãng phí, thiếu hiệu quả; thiểu số quan tham quá giầu, đa số dân chúng quá nghèo; sinh họat đắt đỏ leo thang từng ngày; giá điện, nước lên, giá xăng dầu lại vừa tăng vọt; đồng tiền Việt Nam mất giá nặng, trong khi lương không tăng; đầu tắt mặt tối suốt ngày vẫn không đủ sống, nhất là anh chị em lao động !”. Chính vì thế mà toàn dân hãy “xuống đường dứt điểm độc tài nhũng lạm quyền thế: đòi việc làm, đòi cơm áo, đòi nhà ở, đòi được học hành; đòi được chăm sóc y tế; chống áp bức bất công, nông dân chống cướp đất canh tác, công nhân chống bóc lột sức lao động” và đòi những nhân quyền căn bản.

Lời Kêu gọi biểu tình cải cách xã hội VN của Nhóm bạn trẻ Việt Nam ngày 25-02-2011. Cảm hứng từ Bản hiệu triệu Cách mạng Hoa lài Trung Quốc ngày 17-02-2011, Lời Kêu gọi của Nhóm bạn trẻ trước hết nêu ra bức xúc về những thảm trạng quốc gia, bất mãn về những tệ nạn chế độ, quan tâm về những vấn đề đất nước, ước mơ về công bằng xã hội, niềm tin và hy vọng về tương lai dân tộc; để tiếp đó kêu mời đồng bào xuống đường mỗi chiều Chúa nhật tại các địa điểm quan trọng ở mỗi thành phố, với các khẩu hiệu rất ôn hòa, cụ thể và tích cực như: “Chúng tôi muốn công ăn, chỗ ở, việc làm, môi trường trong sạch, an toàn giao thông, luật pháp công minh, tự do báo chí, sửa đổi hiến pháp, chấm dứt chế độ độc đảng, thả các tù nhân chính trị”…
.
2- Thực tế trước hiện tình đất nước.

Trước những thành công mau chóng và vang dội ở bên trời Bắc Phi và Trung Đông, trước những Lời Kêu gọi xuống đường biểu tình vừa nói tại quốc nội (chưa kể tại hải ngoại), rất nhiều người trong lẫn ngoài nước hết sức nôn nóng, muốn thực hiện ngay những hành vi quyết liệt, thậm chí bạo động, để dứt điểm chế độ CS, muốn làm cách mạng bằng mọi giá và tưởng sẽ thành công ngày một ngày hai. Họ quên rằng Việt Nam có thể giống Tunisia, Ai Cập, Lybia, Iran… về mặt xã hội: nghĩa là có nạn tham nhũng nặng nề, thất nghiệp tràn lan, đại khối quần chúng nghèo khổ, hay về mặt chính trị: đảng trị độc tài, báo chí công cụ, bịt miệng đối lập… Thế nhưng, cái chế độ độc tài ở Việt Nam, như tại Liên Xô và Đông Âu trước đây, là độc tài toàn trị: đảng CS nắm hết mọi quyền lực trong nước: từ lập pháp, tư pháp, hành pháp đến công an, quân đội, báo chí và ngay cả tôn giáo (quốc doanh). Nhân dân chẳng những bị cái vòng kim cô là hệ thống đảng, mà còn những vòng kim cô khác: bộ máy công an khổng lồ và Mặt trận Tổ quốc rộng khắp. Đây là 3 mạng lưới theo dõi từng lời nói, hành vi, tư tưởng của con người. Thành ra thiết tưởng nên nhận định như hai nhân vật lão làng từng ở trong lòng chế độ và đang đấu tranh rất mạnh mẽ.
.
Đó là ông Nguyễn Minh Cần, từng làm Thành ủy Hà Nội và từng chứng kiến cuộc hạ bệ chính quyền CS Liên Xô: “Phân tích tình hình của VN ta hiện nay thì chưa có điều kiện chủ quan và khách quan đủ mức độ chín muồi cho một chủ trương như thế (ý nói «một cuộc vùng dậy» như lá thư thúc giục của một số ủng hộ viên rất nhiệt tình ở hải ngoại). Ai mà chủ trương như vậy là cố tình đẩy phong trào dân chủ nước ta đi vào một cuộc phiêu lưu cực kỳ tai hại chỉ có thể dẫn đến thất bại nặng nề. Đó sẽ là một tội ác trước phong trào dân chủ cũng như trước nhân dân Việt Nam. Nên nhớ rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc chuẩn bị mọi điều kiện cho thật đầy đủ để khi thời cơ đến thì phong trào sẵn sàng đón lấy kịp thời… là cần thiết và quan trọng nhất. Phải kiên nhẫn làm việc đó đi, đừng nóng vội. Làm những việc phiêu lưu khi phong trào chưa đủ sức, khi chưa đủ điều kiện, chưa có thời cơ thì chỉ sẽ là hành động tự sát cực kỳ nguy hiểm» (bài “Không được đùa với cách mạng, với nổi dậy”, Moskva 28-02-2011)
.
Thứ đến là nhạc sĩ Tô Hải tại Sài Gòn, qua bài “Phấn đấu kí số 39 – Hương hoa lài làm tôi nhức óc” cũng ngày 28-02-2011: “Lúc này chưa phải là có thời cơ, địa lợi, nhân hòa! Các bạn thanh niên hãy hết sức thận trọng chớ có nghe những lời kêu gọi “xuống đường bằng bất cứ giá nào”, bởi bất cứ ai ! Hãy tự rèn luyện để trở thành một Wael Ghonim Việt Nam, một mình nhờ Facebook mà có thể liên kết được với 400.000 thanh niên Ai Cập cùng nhau xuống đường tống cổ cha con Mubarak bật khỏi ngai vàng… Bằng không, đổ máu, bắt bớ sẽ chắc chắn xảy ra! Nên nhớ Trung Quốc không bao giờ ngồi yên khi thấy “một phần lãnh thổ” của họ có nguy cơ sụp đổ đâu!…”. Ngoài ra, theo cụ Tô Hải, có hai lý do chủ quan quan trọng: “Đó là những thói quen xấu, cần vứt bỏ như : Quen chịu đựng, quen vâng lời, quen với cái đói khổ, mất tự do, thậm chí quen cả với cái chết! Nhất là chưa bao giờ biết biểu tình chống chính phủ là gì!… Thói quen xấu thứ hai là bị cái chữ “SỢ” nó án ngữ trong đầu óc, tim gan! Cái sợ này càng được bành trướng khi bộ máy đàn áp bằng võ lực cũng như đàn áp tư tưởng khổng lồ luôn không nhẹ tay với bất cứ ai, kể cả tuỳ viên chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ…
.
3- Chuẩn bị kỹ càng cho đại cuộc

Nói như trên không phải để cho chúng ta thất vọng, bó tay, bỏ cuộc. Một mảng lớn của chế độ CS từng sụp đổ tan tành chỉ trong 3 năm bên trời Âu vào cuối thế kỷ trước, dù nó có lực lượng vô cùng hùng hậu. Điều cần là hội đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa như cổ nhân đã dạy. Cụ thể là mỗi giới làm phần việc của mình trong đại cuộc:
Giới trí thức yêu nước và các đảng viên phản tỉnh cần tác động không ngừng vào hàng lãnh đạo Cộng sản, vào đường lối cai trị Cộng sản. Cách tiêu cực như tự giải thể tổ chức của mình để khỏi trở thành công cụ (ví dụ Viện Nghiên cứu Phát triển IDS), cách tích cực thì lên tiếng, viết bài, liên kết với nhau để cảnh báo, để tố cáo, để góp ý xây dựng (nhóm BauxitVN với vô vàn kiến nghị và bài viết của họ là trường hợp điển hình). Giới đối kháng dân chủ hay chiến sĩ hòa bình thì kiên trì và can đảm giúp toàn dân thoát khỏi ù lì, sợ hãi, ý thức được những vấn đề xã hội đang gặp, những quyền lợi nhân dân đáng hưởng, những phát triển mà đất nước phải vươn tới; ngoài ra họ còn cần liên kết thành những lực lượng đấu tranh (công khai hay bí mật) để dần dần trở thành đối trọng với nhà cầm quyền (công đoàn Đoàn Kết bên Ba Lan là một ví dụ). Giới lãnh đạo tinh thần cũng nên theo gương các đồng nghiệp bên Đông Âu, vốn đã dấn thân vào đại cuộc giải thể chế độ CS mà chẳng bao giờ mặc cảm “làm chính trị”. Xin họ nhớ rằng cuộc nổi dậy tại Rumani đã khởi đầu từ một linh mục Chính thống, tại Đông Đức từ một mục sư Tin lành và tại Ba Lan từ một linh mục Công giáo. Tình thế Việt Nam sẽ biến chuyển tốt nếu hết mọi lãnh đạo tinh thần đều dấn thân như HT Quảng Độ, TGM Ngô Quang Kiệt, GM Hoàng Đức Oanh, các LM Dòng Chúa Cứu Thế… Giới thanh niên sinh viên học sinh, với óc sáng tạo và lòng dũng cảm, với khả năng về các kỹ thuật truyền thông hiện đại, với nỗ lực tìm tòi các phương pháp đấu tranh bất bạo động, sẽ góp phần xứng đáng như các bạn trẻ bên Ai Cập (chính họ đã đọc tác phẩm của Gene Sharp “Từ độc tài tới dân chủ” bằng đèn pin dưới bóng những chiếc xe tăng tại quảng trường Tahrir mới hôm nào). Giới công an quân đội cũng cần được tác động để trở về với nhân dân, đứng bên cạnh những đoàn người biểu tình đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Những đoàn dân này, khi xuống đường đòi lại đất bị cướp, nhà bị thu, lương bị quỵt, cũng cần được hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất, có khi cần được cố vấn hay hướng dẫn, vì đây là sức mạnh quần chúng chủ yếu, thể hiện “quyền lực của nhân dân”. Ngoài ra, những “cuộc tản bộ Hoa Lài” (kiểu Trung Quốc), những cuộc rỉ tai truyền miệng, những cuộc rải truyền đơn bằng bong bóng… vẫn là điều nên làm liên tục và đều đặn để độc tài không thể ăn yên ngủ yên. Hải ngoại dĩ nhiên cũng đóng vai trò hậu phương quan trọng đối với tiền tuyến quốc nội, đồng thời tác động lên chính giới ngoại quốc, như lời Bs Nguyễn Đan Quế: “Nếu Washington đang mong đợi VN như một đối tác lâu dài vì hòa bình và ổn định trong khu vực, Hoa Kỳ nên hành động hữu hiệu để mọi người có thể nhận ra rằng chỉ có một nước VN tự do và dân chủ mới có thể trở thành một đối tác như thế“ (bài đăng trên Washington Post hôm 26-02).
.
Ban Biên Tập
.
.
.

No comments: