Sunday, March 6, 2011

194 NĂM SAU, XUẤT HIỆN TẬP THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG (Người Việt)

Nguyên Huy/Người Việt
Chủ Nhật - 6 Tháng 3, 2011

‘Lưu Hương Ký’

WESTMINSTER (NV) - Một tác phẩm của một nhà thơ lớn Việt Nam, thi sĩ Hồ Xuân Hương, là tập “Lưu Hương Ký” mới được xuất hiện trong văn đàn Việt Nam.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đang thuyết trình về lai lịch tập Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương.

Ðó là nhận định của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích trong một buổi thuyết trình dưới đề tài “Lai lịch tập Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương và vài vấn đề đọc Nôm trong đó” tại Viện Việt Học vào tuần trước.
Trước một cử tọa khá chọn lọc, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã cho biết về lai lịch tập “Lưu Hương Ký” của Hồ Xuân Hương đã được đưa ra ánh sáng sau gần 200 năm được nghe nói tới nhưng không ai biết mặt mũi nó ra sao cả.
Theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích thì vào năm 1957 cụ Cử Tú, một nhà nho tình cờ tìm thấy trong số những văn phẩm từ đời Gia Long năm 1814 thấy có tập Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương. Cụ Cử Tú đã giao cho Viện Văn Sử Ðịa Hà Nội chuyển sang tiếng Quốc ngữ. Sau đó vào năm 1963, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại đã viết ba bài về tập Lưu Hương Ký này trong tạp chí Văn Học. Ðến năm 1986, học giả Hoàng Xuân Hãn ở Pháp đã bỏ công nghiên cứu kỹ hơn, nhưng sự nghiên cứu cũng chỉ trên những bài viết của Trần Thanh Mại chứ không từ chính phẩm. Tiếp đó nhiều nhà nghiên cứu văn học đã tìm về tận Hà Nội để mong sưu khảo được tập Lưu Hương Ký chính gốc, nhưng tất cả đều được trả lời là “không ai biết cả”. Một dư luận đồn đãi trong giới văn học Hà Nội rằng “tập Lưu Hương Ký đã được giao cho ông Ðặng Thái Tôn và rồi chiến tranh loạn lạc, có thể tập Lưu Hương Ký đã không còn nữa”.
Ðùng một cái vào năm 2008, ông Ðặng Thái Tôn xuất hiện và xin một cái quỹ 300 triệu tiền Việt Nam để sưu khảo tập Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương. Nhiều học giả trong viện Hán Nôm Hà Nội nghi ngờ đã chất vấn và cuối cùng ông Ðặng Thái Tôn thú nhận ông đã cố giữ làm của riêng. Tháng 9 năm 2008, ông đã bị buộc phải trả cho thư viện, sau 28 năm ông cất giữ làm của riêng (!)

Sau buổi thuyết trình nhiều tham dự viên vây lấy Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích để hỏi thêm chi tiết.

Theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích thì nghiên cứu trong bản được đưa ra này, lời bạt rất vụng về và nội dung thì có nhiều điều lạ lùng như trong tập có đến 2 trang không dính dấp gì về thơ cả. Bài viết tựa được ghi là của Tuấn Phong lại có thêm phần Viễn Ðông Bác Cổ, phần Phạm Ðình Hổ...
Nhưng về nội dung thì bản được đưa ra này căn bản là những bài thơ tình, những bài Từ viết bằng chữ Hán rất vững vàng (Từ là một thể thơ chữ Hán dựa theo lời của một bản nhạc nổi tiếng nào đó, rất ít thấy trong văn học Việt Nam). Bên cạnh phần thơ, Từ bằng Hán ngữ là những bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương mà so với những bài chúng ta đã được biết thì rất khác nhau về hơi thơ cũng như lời thơ không táo bạo và ít lộ liễu thông tục.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết nhiều người đã nghi ngờ “vậy Hồ Xuân hương của Lưu Hương Ký này với Hồ Xuân Hương mà chúng ta đã được quen thuộc có phải là một không? Thêm vào đó trong lịch sử, thời bấy giờ có tất cả là bốn bà cùng có tên Hồ Xuân Hương được nhiều người biết đến”.

Sau nhiều tra cứu, các nhà nghiên cứu văn học đều cho rằng văn thơ của Hồ Xuân Hương đã có hai thời kỳ tương đối khác nhau. Một là thời kỳ còn trẻ, đầy dục tính đã phát tiết ra những bài thơ nôm mà cái tục cái thanh hòa trộn hai mặt nhuần nhuyễn có một không hai không chỉ trên văn đàn Việt Nam mà cả trên văn đàn thế giới. Thời kỳ thứ hai là khi lớn tuổi, về già thì có hơi khác, chín chắn hơn, đạo mạo hơn nên bớt đi cái tục mà thanh trong thơ của mình.

Với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích thì khác. Ông nghĩ ngược lại. Thời kỳ thơ tục mà thanh là thời kỳ Hồ Xuân Hương đã lớn tuổi, về già đã nhìn ra những cái giả nhân giả nghĩa của người đời nên bà khinh thường dư luận viết ra trắng trợn những sự đời. Vấn đề đối với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích là hai thể loại thơ ấy có liên hệ gì được với nhau không. Nếu nghiên cứu thật kỹ lưỡng thì thấy có những tiếp nối giữa hai thể loại thơ này.

Vẫn theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích thì nhà cầm quyền Hà Nội đã cho phổ biến tập Lưu Hương Ký vào đại học nhưng giáo trình này lại rất “sai quấy có đến 17 chỗ sai so với chính bản”.

Sau khi trình bày nhiều trích đoạn trong tập Lưu Hương Ký chính bản để minh chứng cho lời diễn giải của mình, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích phàn nàn: “Một tác phẩm được tìm thấy mà sau 54 năm trời mới cho mọi người được biết thì quả thật ‘là một sự nhục nhã’ khi với cả trăm người làm việc trong một kho tàng Hán Nôm có khoảng 10 ngàn tác phẩm và tài liệu!”

Trong dịp này, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích cũng còn đề cập đến những tác phẩm của Nguyễn Trãi, nhà văn hóa của thế giới, cũng đã mất tới 426 năm mới thu thập lại được. Và, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích kết luận: “Không phải chỉ những nhà làm văn hóa ở trong nước mới là những người cầm trịch”.

Theo giáo sư, nếu như chúng ta làm việc với một tinh thần độc lập khách quan như những người nghiên cứu văn học Việt Nam âm thầm miệt mài ở hải ngoại thì sẽ tránh được di hại cho muôn đời con cháu mai sau như Khổng Tử đã từng nói.
.
.
.

No comments: