Thursday, May 20, 2010

XÓM BA BÈO (ký sự của Nguyễn Huỳnh Thái)

Xóm Ba Bèo

Nguyễn Huỳnh Thái

21/05/2010 1:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=20498

Xóm Ba Bèo nằm trong thành phố CW, thuộc một tỉnh miền Tây. Bắt đầu từ dưới dạ cầu bắc qua con sông nhỏ thó miệng đen ngòm nhầy nhụa rác, đi qua vài con hẻm ngoằn nghèo khuất lấp, đi mãi cho đến khi không còn đường để đi, ta thấy. Một am tự nhỏ nằm lặng lẽ sau những ngôi mộ gần như chỉ còn là mô đất nhấp nhô, ta chỉ nhận ra qua mấy tấm bia nằm ngả nghiêng tróc lở, những con chữ viết tay với đường nét run rẩy đã bị thời gian bào mòn mục rữa. Nghe người dân kể lại, sau chiến dịch Mậu Thân 1968, những người lính cả hai bên chết trận đều được đưa vào đây chôn cất; có khi là hố chôn tập thể, có khi là mồ chôn cá nhân, có khi là xác người chưa kịp đưa vào lòng đất mãi nằm gọn dưới đáy ao. Ao cá nằm phía sau am tự, những dây rau muống bò leo chằng chịt xanh lặc lìa, những mảng bèo nổi lõng bõng trên mặt nước thẳm màu rêu, bầy cá sặt kéo nhau lội dửng dưng đùa giỡn. Sau giải phóng không lâu lắm, những cư dân tha phương cầu thực không chỗ an cư đã dừng lại đây dựng lên những căn chòi được ráp nối bằng những bao ny-lông mót máy; qua mấy chục năm dần khá hơn. Hai bên lối đi là những ngôi nhà bằng tole thấp bé, rách toang, dúm dó mọc lổm chổm như những ngón tay không thẳng hàng; nền nhà sốc lên mùi ẩm mốc, mùi âm khí ngột ngạt phảng phất.

Xóm Ba Bèo có vài mươi nóc nhà, hầu hết đều nghèo như cái tên của nó, nghèo đến tuột quần, duy chỉ có ba hộ “giàu” hơn, không còn quần để tuột; vì lẽ đó, người ta gọi chết danh là Ba Bèo. Họ nghèo từ khi nơi đây còn là một thị tứ bé tẹo, cho đến thị xã to hơn và rồi đến ngày nó trở thành thành phố cấp tỉnh, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Dường như đối lập với xã hội kinh tế thị trường đang sôi lên ùng ục trên những con phố ngoài kia; thì Ba Bèo vẫn chầm chậm, khờ khạo với dáng dấp của gã nửa quê nửa tỉnh; thèm ngả đầu trên đất nghe tiếng dế kêu hơn là mơ màng với tiếng còi xe liên tu bất tận.

Nhưng không được lâu, hơi thở thành phố nóng rát đã phà vào gáy dân cư xóm Bèo. Họ hụt hơi chạy theo vật giá, theo tiêu chuẩn cư dân thành phố, theo lối ứng xử văn minh đô thị, theo quy định phương tiện tối thiểu được phép lưu thông trên đường, theo những điều mà người nghèo đành ngồi bó gối nghĩ mơn man, thành phố này đâu có chỗ nào dành cho chúng ta? Như chuyện hai người giàu nhất xóm Bèo có chiếc xe ba gác chuyên chở đồ thuê trong chợ, nhưng rồi vì văn minh thành phố họ phải bỏ nghề; họ rã thùng, lấy chiếc Honda 67 làm phương tiện đi lại và rồi phương tiện đó cũng không được phép lưu thông… hay như chú Tư Hia chạy xích lô nuôi cả gia đình rồi cũng phải ngồi nhà vì lệnh cấm. Vào những buổi chiều, cư dân Ba Bèo ngồi trên chiếc xe đạp sứt mẻ kêu lè xè dạo trên những con đường Đèn Vàng thoáng rộng, lướt qua hai quán bar xập xình chuẩn bị đón khách, những quán nhậu sân vườn ồn ào hỉ hả, những quán bia rượu đế ôm bình dân mọc kéo dài gần ba cây số, những dịch vụ massage xông hơi, những quán cà phê kèm dịch vụ lạ lùng nôn nao đợi màn đêm kéo xuống… thành phố ta thật lả lơi ẻo lả, đấy mới chính là văn minh của chốn thiên đường.

Nơi của đàn ông xóm Ba Bèo là khu chợ, bắt đầu từ chập tối. Lúc thiên hạ đang mải mê với những bộ phim tình bẽ bàng bi luỵ, những kẻ ác nhơ rung đùi khề khà hả hê, những anh hùng cứu đời dựng đạo rào rạt vung gươm trên tivi… thì họ đang oằn vai vác những cần xé rau trái cá, nhễ nhại mồ hôi. Trong vựa, vài người phụ nữ già ngồi xé lẻ cần xé rau, thùng trái cây, phân chia từng gói năm mười ký, nhao nhác nói cười. Trời dần sáng, sương đêm giăng tù mù lạnh teo, lớp sương dần len lỏi thấm vào áo, vào da thịt những nhân công, vài người rùng mình khoanh tay giữ ấm. Dưới nóc chợ, những con chim đi xa mỏi mòn đậu lại, rúc đầu vào cánh gật gà, mơ màng trong giấc ngủ.

Vào lúc đó, đàn bà xóm Ba Bèo đang lục đục chuẩn bị cho ngày mới, ngày phơi mình giữa chợ trời nắng gió. Họ đi te te đến vựa rau trái cá sỉ hàng mỗi thứ vài ký, tất cả đặt trong những sàng sịa thúng mủng, rồi lúi húi bưng đi tìm chỗ đặt hàng, “mở cửa” đón khách. Đứng bán ở rìa chợ bao giờ cũng là những phụ nữ nhanh chân, đồ đạc phải gọn nhẹ, đặng thủ thế, đặng chạy khi dân phòng rượt đuổi. Nếu chẳng may bị bắt, họ quyết bỏ người lấy của vì chỉ ngần ấy tôm cá, rau cải kia cũng là cả gia tài.

Dưới bến đò, những chiếc xuồng chiếc võ cập bến, người chủ ngã giá với chủ vựa những lồng gà vịt mới vừa chở tới; những cô cậu cá rô, cá phi nằm thở thoi thóp trong những chiếc thau nhựa lớn dềnh dàng. Từ đằng xa, ông lão tóc bới hoa râm mặc chiếc áo bà ba màu nâu, chèo xuồng chở đứa cháu nhẹ nhàng cập bến; đứa cháu rột rẹt cột sợi dây mũi xuồng vào thân cây nằm chỏng chơ ngay bến chợ. Ông già men theo lối đi lên, tay cầm hai xâu cá lóc xỏ bằng dây dừa nước chừng mười con, dừng lại chỗ ngồi bán cá của người đàn bà xóm Ba Bèo dọ giá, cá bữa nay một ký bao nhiêu cô? hai chục ngàn, cô chủ sạp trả lời gọn lỏn; cho thêm vài ngàn nữa đi cô, coi như cho ông cháu tui uống cà phê.

Cũng từ giữa khuya người ta nghe tiếng ly lóc cóc chạm nhau từ quán cà phê vỉa hè Ba Bèo, đến khi ánh bình minh đo đỏ non nớt rớt những tia đầu tiên thì quán dần đông khách. Cà phê vỉa hè nên khách phần nhiều là dân bốc vác, chạy chợ… Các vị khách nhâm nhi cà phê, xôn xao với những lời than thân trách phận, những câu chuyện lượm nhặt, những tiếng cười giòn tan, những đôi mắt đăm chiêu nhìn lơ đãng. Bà chủ quán gầy khô bắc ghế ngồi kế bên kệ ly bằng nhựa, chốc chốc đưa mắt nhìn những vị khách, lóng tai nghe họ trò chuyện rồi tủm tỉm cười.

Bên trong xóm Ba Bèo, những phụ nữ và đứa trẻ còn lại săm soi sấp vé số bán còn lại từ chiều hôm qua, chuẩn bị cho một ngày rong ruổi theo những con đường trong thành phố. Những đứa trẻ chỉ mới sáu bảy tuổi đã lăn lộn ngoài đường vài năm, rành rẽ những mánh khoé vỉa hè; đứa nào cũng đẹt ngắt, kham khổ. Dẫn đầu là một phụ nữ bụng bầu chừng mười chín hai mươi, quần áo thẫm màu đen bùn đất, chân mang đôi dép nhựa màu hồng sứt quai được cột lại bằng sợi chỉ nylonvụng về. Cả đoàn lục tục bước ra ngoài đường lớn, dặn dò nhau rồi túa đi theo năm đường bảy ngã.

Trời sáng trắng, cũng là lúc đám đàn ông bốc vác hì hụi kéo nhau về. Vài người ngồi tập trung trên bộ ván lót ngoài mái che của một ngôi nhà đầu hẻm, giữa ván là chai rượu trong vắt, ba trái khế, một dĩa muối ớt, một dĩa ốc biêu vàng luộc còn liu riu hơi nóng. Ly rượu chuyền tay nhau, những tiếng vỗ đùi, những cái mặt ngửa lên trần nhà, những tiếng khề khà thưởng thức… Những thân hình cởi trần lực lưỡng khoe những hình xăm kỳ lạ, những vết cắt vào da thịt, những câu nói đệm theo tiếng chửi thề. Nhưng ẩn đằng sau là cái tâm uất ức, thổn thức với bản ngã bị thiên hạ chà đạp, với những bế tắc của cuộc đời mình; tất cả như muốn thổ lộ rằng, ta hận cuộc đời này lắm lắm? Họ sẵng sàng tung nắm đấm vào những kẻ muốn trợn trạo với mình, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn kia họ vẫn còn thứ đạo nghĩa giang hồ, ân đền oán trả, không hiếp đáp người già, phụ nữ; không ra tay với kẻ thất thế và nghèo như họ. Nắm đấm kia rồi cũng chỉ làm tươi lên chút cỗi cằn tâm hồn, còn sau đó họ vẫn lại rơi vào thế giới nội tâm của người nghèo, cái cảm giác côi cút ở chốn bàn dân thiên hạ, cái bất lực của một con người như khi đói mà không thể ăn, khát mà không thể uống.

Cách nơi tụ tập của những gã đàn ông hai căn nhà, người đàn bà nằm trên giường mắc phải căn bệnh đái tháo đường mà không đủ tiền chữa trị. Chân phải của bà ta hoại thư mất một bàn chân, chân trái hoại thư đến tận đầu gối. Chỗ vết thương nhầy nhụa lớp mủ vàng đỏ xanh, những bọt khí li ti sôi dường như có lớp vi trùng nào đó bên trong hùng hục cựa quậy, bầy ruồi xanh to bằng hạt đậu nhăn nhở kéo nhau bay đầy nhà, bu lên những vết thương… Cũng may, vết thương kia không gây đớn đau nhưng mỗi buổi sáng thức dậy nhìn da thịt mình rơi rụng trên giường, đôi chân mình mất dần chút ít da thịt, bà lại thấy bần thần.

Chồng bà trước đây nuôi cả nhà với nghề đạp xích lô, vì lệnh cấm, ông phải chuyển sang làm phụ hồ; tuổi già sức yếu không kham nổi công việc nặng nhọc và rồi ông đã chết vì lao lực. Đứa con gái duy nhất vừa hơn hai mươi hai tuổi, ban đầu còn nhẫn nại bên những xịa rau cá kề mé chợ, nhưng những đồng lời chưa tới ba mươi nghìn mỗi ngày, không đủ cho mỗi đơn thuốc lên đến cả triệu đồng buộc nó phải nghĩ khác. Điều ngặt nghèo của số mệnh đã bóp chết những mộng mơ, thẹn thò con gái; bắt nó phải lãng quên chút bịn rịn đầu đời của thiếu nữ vừa mới lớn. “Chữ mệnh” trói tay chân, ném nó vào quán bia lẫn phục vụ khách của một vị quan trong ngành Quản lý thị trường. Mức lương nó nhận được là mỗi ngày hai bữa cơm, hai nghìn đồng hoa hồng trên mỗi chai bia khách uống và tiền tip nhận được tuỳ độ hài lòng của kẻ chơi bời. Số tiền li ti đó không đủ đổi cho những viên thuốc kéo dài sự hủy hoại cơ thể của người mẹ không thể đứng ngồi. Như kẻ đang phải đứng giữa bãi sình lầy, sức nặng của cơ thể dần đẩy đôi chân ngày càng lún, lún sâu cả thân thể, sâu đến đến không có cơ may nào vùng vẫy.

Để kiếm đủ số tiền cần thiết, ban ngày nó phục vụ “tàu nhanh” ở hẻm Tám Mươi – vì mỗi lần đi khách có giá tám mươi nghìn đồng nên hẻm được đặt tên là Tám Mươi – với giá đó, số tiền nó được chia là năm mươi nghìn đồng. Nơi phục vụ khách là căn nhà tối nằm sâu trong hẻm, nhà được ngăn nhiều ngách phục vụ khách với bức rèm bằng vải chắn ngang, bên trong chỉ có chút ánh sáng lờ mờ hắt ra từ bóng đèn ngủ xanh lơ, chỗ “bán mua” là chiếc chiếu trải lên sàn nhà tráng xi măng mốc ẩm. Tối về, nơi làm việc của nó là quán massage trên con đường lớn của trung tâm thành phố; việc làm cũng không lương, thu nhập nhận được từ tiền tip phục vụ khách, đôi khi gặp những vị khách khó chìu lòng nó đành phải bỏ công không. Công việc được lần lượt chia tua cho từng cô tiếp viên, vào lúc ít khách, nó nhẫn nại chờ đợi bóng người cuối cùng đến những hai giờ khuya.

Đêm khuya, đường phố loáng thoáng bóng người trên mấy chiếc Honda. Chầm chậm đạp xe rong ruổi về nhà trên con đường rành nhẵn mặt, lướt qua dãy phố ngã mình yên lành, say sưa trong giấc ngủ, đâu đó nghe tiếng con tắc kè bông trở mình khắc khoải. Trên bầu trời thẳm màu sương, những vì sao phản chiếu ánh sáng loè nhoè chấp chới; gió cuộn tròn, cất tiếng vi vu mà nghe như dàn hợp ca của đoàn thiên nhân đang vỗ về an ủi một tấm lòng đau:

Ngao du tuế nguyệt thập thành

Nắng mưa chìm nỗi đã đành lâm ly

Hoàng hôn vĩnh dạ thuận tùy

Bình minh tái tặng nhu mỳ cho em.[1]

© 2010 Nguyễn Huỳnh Thái

© 2010 talawas


[1] Bài “Rong chơi” của nhà thơ Bùi Giáng.

.

.

.

No comments: