Sunday, May 16, 2010

VĂN HỌC và CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC

Văn học và chiến tranh xâm lược

Nguyễn Mạnh Trinh

PSN - 15.5.2010 Bài cùng tác giả

http://phusaonline.free.fr/ButViet/NMTrinh/230_Van-hoc&chien-tranh.htm

Trước năm 1975, văn học miền Bắc là một nền văn học đầy tiếng súng. Tất cả nỗ lực đều dồn vào chiến tranh và văn học trở thành những cổ võ cho mặt trận. Văn chương là để viết về những anh hùng và trong xã hôi ấy hình như có rất nhiều “anh hùng”, mà hành động của họ dường như chỉ thích hợp với những chuyện phong thần...

Sau năm 1975, chiến tranh vẫn còn âm hưởng nhưng văn học càng về sau thì nhiều đề tài xen kẽ hơn và đến thời đổi mới thì chủ đề ấy xem ra không còn vị trí độc tôn nữa. Ở thời kỳ kinh tế thị trường, những đề tài như tính dục hay bạo lưc xã hôi đen xem ra hấp dẫn hơn những hình tượng anh hùng nhàm chán của thời xa xưa.

Nhưng như vậy không phải là đường tự do, ai muốn đi đâu thì đi, mà vẫn có một con đường được tuyên huấn chỉ định. Tất cả phải đi vào lề bên phải và ai mon men ra khỏi phạm vi ấy thì sẽ bị biện pháp ngay. Có thể bằng biện pháp hành chánh, tịch thu sách, cấm viết trên các tờ báo hoặc nếu trầm trọng thì có thể bị tù đày, giam cứu…

Hiện nay, tình trạng Trung Quốc ức chế Việt Nam trên mọi phương diện, kể cả kinh tế, chính trị lẫn quân sự đã thành bức xúc cho những người còn nghĩ đến tương lai của đất nước dân tộc. Thế mà, cả cái hội nhà văn và cả những đội ngũ trí thức của Đảng cứ câm miệng hến. Tôi đọc một bài viết của Nguyễn Hoàng Văn bàn phiếm về truyện trên mà vừa bật cười vừa buồn bã. ”Tiên sinh tại đào”:

“... Nhà thơ Bùi Minh Quốc thắc mắc tại sao ông Hữu Thỉnh và các nhà văn do ông quản lý vẫn chưa lên tiếng trong vấn đề Hoàng Sa –Trường Sa.

Hẳn nhà thơ Bùi Minh Quốc còn nhớ Hội Nhà Văn của cái thời sôi nổi năm 1999 khi khối NATO oanh tạc Belgrad để buộc Serbia phải rút quân ra khỏi Kosovo. Lúc đó dưới sự chỉ huy của cây sáo trưởng Ban Văn Hóa Tư Tưởng Trung Ương, hội phản đối rất nhịp nhàng, rất bài bản lớp lang và rất quyết liệt, quyết liệt đến độ có nhiều hôi viên đòi thành lập đoàn chí nguyện quân cho họ góp máu với Serbia. Trong đó, tiên sinh “thổi“ hăng nhất tôi nhớ không lầm là nhà thơ Nguyễn Duy.

Hôm nay thì khác, ban hợp xướng “Hướng về Trường Sa- Hoàng Sa” không dấy lên từ những cây sáo trưởng ở những ban bệ thiên đình mà từ những nhà thơ, nhà văn, những nhà báo tự do đơn độc “ ở ngoài xã hôi. Yêu nhân loại theo chỉ thị của hệ thống chính trị cầm quyền khác với yêu nước bằng trái tim đơn độc của mình nên, tới đây, có thể mượn đoạn kết một câu trong chuyện người thổi sáo : Thế là tiên sinh tại đào!...”

Có trường hợp, nhà văn không tại đào nhưng lại phạm… trường quy. Tập truyện ngắn Rồng Đá của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai bị thu hồi vì có truyện ngắn “động chạm” tới cuộc chiến ở biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1979 (“Chú Mìn Phủ và Tôi”) và hai truyện ngắn khác nữa liên quan tới cuộc chiến vừa qua với Hoa Ky (“Âm Bản Chiến Tranh” và “Vị Phồn Thực”). Tác giả truyện ngắn gây ra nông nỗi trên đã giãi bày:

“Truyện ngắn ”Chú Mìn Phủ và Tôi” đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979). Nó là một cuộc chiến phi lý nhất trong thế kỷ XX đối với cả hai dân tộc mà cả ta và phía bên kia đều phải nghiêm túc nhìn ra là cần phải tránh và hoàn toàn có thể tránh được. Những thàm cảnh do cuộc chiến ấy gây ra thì nhiều lắm khốc liệt hơn cả những gì mà tôi mô tả. Giờ ta không thể bình thản coi đó như một vụ va quệt xe trên đường mà phải tỉnh táo và sòng phẳng với lịch sử...”

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng có nhận xét khi trả lời cuộc phỏng vấn về hiện tượng cuốn sách này :

“Đứng ở góc độ tôi là một người đọc và là một người làm phê bình văn học thì tôi thấy đây là một cách viết mà nó tiếp tục thì mạch viết đã được khơi mở trong thời kỳ đổi mới tức là nói về chiến tranh một cách đầy đủ và toàn diện, nói về những cái đau thương mất mát những mặt tối mặt khuất để cho bức tranh hiện thực chiến tranh được sâu rộng hơn toàn diện hơn. Một mặt nữa các nhà văn viết về chiến tranh, viết về thân phận con người. Thì tôi thấy cái đó là cái bình thường thôi không có gì cả. Nhưng sự quy kết và đánh giá đây thì tôi thấy là hơi bất thường...”

Và Phạm Xuân Nguyên nói về cái “bất thường“ ấy: ”một cái nghịch lý là đứng về mặt chủ trương đường lối và những cái khác thì Việt Nam rất đề cao cái sự tự do dân chủ cho người viết đều khuyến khích người viết là khai thác hiện thực và ngay gần đây nhất là nghị quyết 23 của Đảng CSVN về văn học nghệ thuật cũng nói như vậy, nhưng đứng về mặt thực hành và đưa vào thực tế thì lại có những biểu hiện những hành động đi ngược lại...”

Cấm nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh Việt-Hoa ở biên giới năm 1979 nhưng lại cho phổ biến một tác phẩm của một nhà văn Trung Quốc là "Ma Chiến Hữu” của Mạc Ngôn? Đó có phải là sự xâm lăng của văn hóa Tàu hay không? Trong blogger Hải Phòng, Hà Hiền viết:

“đừng nói “Ma Chiến Hữu” chỉ là một tác phẩm văn học mà dễ dãi trong việc lưu hành. Đừng nói là sự kiểm duyệt chỉ có ở các chế độ độc tài. Đừng nói là người dịch chỉ biết đó là tác phẩm văn học thì dịch. Tư cách là người Việt Nam cần phải cao hơn tư cách của một dịch giả trong khi tiếp cận những vấn đề có thể đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc...”

“Ma Chiến Hữu” (nguyên tác Chiến Hữu Trùng Phùng) là một tiểu thuyết của Mạc Ngôn viết về những người lính Trung Quốc trong cuộc chiến xâm lược vào biên giới Việt Nam. Nhân vật chính là Tiền Anh Hào trong đội quân đi chinh phục bọn “man di” ở phương nam. Nghĩa của chữ “man di” cũng đủ nói lên cái tinh thần thực dân xâm lược của tác phẩm này. Mạc Ngôn mở đầu tiểu thuyết với sự hội ngộ giữa Triệu Kim, là tiểu đội phó trong thời chiến tranh và nay là một thượng úy, là người kể chuyện còn sống trên dương thế và Tiền Anh Hào một hồn ma là thượng sĩ của quân giải phóng Trung Quốc bị tử trận tai biên giới Việt Trung. Hai người là bạn thân với nhau từ thuở nhỏ, cùng lớn lên ở một làng quê nghèo ở miền nam Trung Hoa, cùng nhập ngũ và ở chung một đơn vị, thậm chí cùng yêu một cô gái. Hiện tại, hai người một sống một chết đã giở lại những ngày tháng chiến tranh mà ở đó thân phận con người chứa nhiều bi thảm ngậm ngùi. Cái phong cách mơ hồ nửa ảo nửa thực tạo nên một không khí u uẩn tương tự những truyện của Bồ Tùng Linh, khi ma và người cùng chung và chia sẻ với nhau những nỗi niềm. Kẻ thành ma như Tiền Anh Hào thì u uất đã đành nhưng những kẻ còn sống như Triệu Kim thì cô độc buồn chán có lúc như người rồ dại. Hay như Quách Kim Khố, trở về sau chiến tranh, bất đắc chí, say sưa, đánh chửi vợ con, quậy phá xóm làng.

Nhân vật Tiền Anh Hào, là một khuôn mặt đặc biệt của đội quân giải phóng Trung Quốc, khi tập luyện là một chiến sĩ có khả năng tưởng sẽ là một người có tiền đồ quân sự lẫy lừng nhưng đã tử trận ở trân chiến đầu tiên. Mà nguyên nhân cái chết chỉ là sự hèn nhát của viên tiểu đội trưởng chết nhát đã chổng mông lên cao vì sợ nên lộ mục tiêu cho những khẩu pháo tác xạ. Có một chút mỉa mai vì nguyên do này. Mạc Ngôn đã khôi hài hóa sự hy sinh của một chiến hữu của ông ta chăng? Thế mà có một văn nô Việt Nam người biên tập cuốn sách đã cho rằng là một tác phẩm có “một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng”.

Thậm chí, văn nô Đông La trong báo CAND thành phố HCM đã cực lực bênh vực cho sự xuất bản một cuốn sách vong bản này với luận điệu sặc mùi công an và tuyên giáo phải đạo:

“rất tiếc, trong thời gian qua có một số người vì bức xúc về những vấn đề ngoài văn chương đã không đánh giá tác phẩm đúng như nó vốn có, chỉ chú trọng nghĩa đen của vài chi tiết vài đoạn văn mà chúng chỉ là công việc bếp núc của nhà văn nhắm vẽ ra những sinh hoạt của các nhân vật, đã không đánh giá tác phẩm dưới con mắt của nhà phê bình đọc ra được tư tưởng chủ đạo của tác giả nằm sâu dưới bề mặt của các con chữ như đã phân tích trên đây nên đã phê phán dữ dội tác phẩm rồi từ góc nhìn của cá nhân chưa suy xét thấu đáo mọi phương diện khi bàn về lĩnh vực rất nhạy cảm và tối quan trọng là ngoại giao, cái lãnh vực mà mỗi cử chỉ, lời nói và hành động dù nhỏ cũng có khi ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng vạn, hàng triệu người đến hạnh phúc của cả dân tộc.”

Có một nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo đã viết thư cho Mạc Ngôn để đề cập và phê phán về những cái mà văn nô Đông La của báo CAND gọi là “công việc bếp núc” :

“Điều làm chúng tôi kinh ngạc là chính phủ Việt Nam trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt nam giết hại hàng vạn dân lành, phá hủy hàng chục thành phố, thị trấn, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà... đã cho phép nhà xuất bản Văn Học dịch và in cuốn ma Chiến Hữu của ông ca ngợi lính Trung Quốc xâm lăng là những anh hùng. Trong khi đó chỉ vì một truyện ngắn của nhà văn Vũ Ngọc Tiến đề cập đến cuộc chiến Trung-Việt in trong cuốn truyện Rồng Đá (Vũ Ngọc Tiến & Lê Mai) mà nhà xuất bản Đà Nẵng bị tạm đóng cửa, ban lãnh đạo nhà xuất bản này bị cách chức.

Thưa ông Mạc Ngôn, là công dân của một đất nước bị Trung Quốc xâm lược năm 1979 gây vô vàn tội ác với đồng bào tôi mà tôi đã chứng kiến tận mắt, chúng tôi cực lực lên án cuốn sách Ma Chiến Hữu của ông và lên án những ai đã tiếp tay ông phổ biến cuốn sách này trên đất nước Việt Nam. Ông vốn là một nhà văn nước ngoài được tìm đọc nhiều ở nước chúng tôi. Nhưng bằng cuốn Ma Chiến Hữu dường như bút danh dễ mến Mạc Ngôn của ông đang biến thành Nhân Ngôn rồi đó thưa ông”.

Nhân ngôn là một loại thuốc độc. Thế mà những văn nô đã làm thành vị thuốc cho văn học Việt Nam. In cuốn sách của Mạc Ngôn trong đúng dịp kỷ niệm 30 năm cuộc chiến phi nghĩa lý có phải là cả hệ thống văn học ở trong nuơc bị chính trị chi phối để biến quốc gia Việt Nam thành một chư hầu.

Văn nô Đông La của báo CAND chống đỡ bằng cách mang chuyện ngoại giao ra đe dọa những người phản đối. Những hành vi khiếp nhược bán nước nhường đất nhường biển bị ức hiếp mà không hề dám có phản ứng. Bao nhiêu tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ trong lãnh hải của mình bởi hải quân Trung Quốc ngang ngược mà chế độ Cộng sản Việt Nam lặng thinh. Đã vậy còn tôn vinh những tên xâm lược như Hứa Thế Hữu là những thiên tài quân sự và còn mang vòng hoa tưởng niệm đến đài tử sĩ của quân xâm lược để bày tỏ lòng biết ơn về chính sách phá tận giết tuyệt của bọn Hồng quân Trung Hoa gây ra bao nhiêu tội ác chiến tranh cho dân tộc chúng ta. Thế mà người chủ tịch nước Việt Nam còn rêu rao trên thế giới là Cuba và Việt Nam luân phiên thức ngủ để canh chừng hòa bình thế giới. Thật là nhục nhã cho dân tộc Việt Nam với những đấng tiền nhân từng Bình Nguyên Phạt Tống gìn giữ cõi bờ.

Nguyễn Mạnh Trinh

.

.

.

No comments: