Sunday, May 23, 2010

TÔI LÀ ĐỨA CON LAI MỸ

Tôi Là Đứa Con Gái Lai Mỹ

Mỹ Linh

May 23, '10 2:11 AM

http://mylinhng.multiply.com/journal/item/914

Vào tháng 4 năm 1975, lúc đó tôi được 4 tuổi, có hiểu gì đâu cuộc chiến tranh tàn khốc, và cũng chẳng hiểu những sự đổi đời sắp đến đối với những đứa con lai như tôi. Tôi chỉ nhớ, mỗi khi có người lạ đến nhà, mẹ và mấy anh chị bắt tôi phải lên giường trùm mền, gỉa như bị bệnh, mặc dù tôi chẳng có bịnh gì. Tôi chẳng hiểu người lính Mỹ và người lính Việt Nam Cộng Hòa ra sao, cũng chẳng nhìn thấy chiếc xe tăng. Có lẽ tôi chỉ biết được những chú công an, kể cả người lính bộ đội cầm súng ra sao, tôi cũng chẳng biết. Bởi lẽ đơn giản, thân thể tôi khác biệt hơn tất cả mọi người chung quanh, vì nó đã mang hai giòng máu Mỹ Việt.

Tôi có lỗ mũi tẹt của người Việt Nam, nhưng những thứ khác như nước da trắng trẻo, tóc màu vàng nâu để đến vai, đôi mắt tôi to, tròn, màu nâu, đó là những thứ khác biệt nhất để mọi người có thể nhận diện được tôi là một đứa con gái lai Mỹ. Vì những sự khác biệt này, tôi bị cấm đoán, không cho ra ngoài đường. Trẻ nít như tôi có tội tình gì, nhưng vào thời điểm đó, tui cứ nghĩ mình là một tội nhân vì những sự khác biệt đó. Tôi là một đứa bé rất ngoan, rất biết vâng lời mẹ, nhưng khổ nỗi tôi mê để tóc dài, để được giống như những đứa bạn cùng lứa. Ấy thế mà đau đớn thay, mẹ lại ép tôi phải cắt tóc ngắn, rồi lấy thun tém lại. Có lẽ nhờ thế mà tóc tôi nâu đậm, nhưng vẫn là cái đầu dễ nhận diện ra ngay giữa những cái đầu đen.

Ngày tháng trôi qua, tôi bắt đầu nhập học lớp một. Cô giáo phát cho tấm giấy ghi danh, có phần đề tên cha, tôi bỏ trống, để đem về hỏi anh tôi. Lúc này, tôi cũng không biết mình là một đứa con gái lai Mỹ và cũng không biết một con người phải được sinh ra bởi cha và mẹ. Hồi nhỏ tôi hay thắc mắc đủ điều. Tôi có tất cả 9 anh chị cùng mẹ khác cha. Gia đình tôi rất khá gỉa, 9 anh chị tôi đều được đi học đàng hoàng. Kể từ khi cha của mấy anh chị tôi qua đời, gia đình tôi lâm vào cảnh túng thiếu. Một gà mái nuôi 9 đứa con, thật là khó khăn, vất vả vô cùng. Vì lý do đó, má tôi đã bước thêm bước nữa, lập gia đình với ba tôi. Hiện tại, tôi chẳng biết nhiều về ba, kể cả hình ảnh cũng không, chỉ nghe mẹ kể lại, ba tôi tên là Dan. Tôi chỉ biết ba tôi là một người Mỹ, chuyên về sửa chữa máy bay, ông rất thương mẹ tôi, khi biết mẹ có bầu 2 tháng. Rồi đau đớn thay, súng đạn vô tình đã cướp đi người cha yêu qúy của tôi. Chỉ biết từ lúc nhỏ cho tới khi khôn lớn, tôi rất thèm gọi lên hai tiếng “Ba Ơi”. Không biết sao, mỗi lần ai nhắc tới ba, những giọt nước mắt cứ lăn tròn trên má. Mẹ tôi khi sanh ra, không có cha bên cạnh, tôi phải mang họ mẹ. Đó là điều rắc rồi về thân thế của tôi khi nhập học. 9 anh chị tôi mang họ cha, riêng tôi mang họ mẹ, tôi thắc mắc với anh tư:

- Anh tư ơi, ba của em tên gì?

- Anh không biết, em cứ đề tên ba của anh.

- Tại sao em và mẹ cùng họ, mà các anh chị lại khác họ?

Hồi còn nhỏ, tôi thắc mắc đủ điều, đến nỗi mẹ tôi vì trả lời không được cũng đã nói dối với tôi:

- Con mang họ mẹ vì mẹ thương con nhất nhà, và vì con là út mà.

- Tại sao mấy anh chị con lại mang họ ba?

- Tại vì ba thương mấy anh chị con.

Sau này khi học đến lớp 3 lớp 4, tụi bạn cùng lớp nó chọc là Mỹ Lai, lúc đó tôi mới nhận biết trong thân thể tôi có mang 2 dòng máu Mỹ Việt. Và bắt đầu thấm thía khi nghe được những câu châm chọc: “Mỹ lai, Mỹ lai, mười hai lỗ đít”. Tuy tôi có nhiều anh chị, mọi người đều yêu qúy tôi, xem tôi như cục vàng, nhưng không hiểu sao, tâm trạng của tôi lúc nào cũng thấy cô đơn. Có lẽ vì sự khác biệt với mọi người. Cũng có lẽ tôi bị kỳ thị một cách bất công và vô lý khi sống trong môi trường bạo lực, hận thù của nước CHXHCNVN. Những tên công an thường hay đến nhà tôi, mỗi khi mẹ tôi nhận qùa từ 2 bà chị đang ở Mỹ. Chủ tâm của họ là đến để kiếm chút cháo, vì họ biết gia đình tôi có một cô con gái lai Mỹ. Làm như rằng, gia đình của tôi phải mang tội vì nuôi một đứa con lai.

Khi tôi bắt đầu có sự hiểu biết, hôm đó, tôi mang một bộ đồ, giống như màu xanh lá cây đậm của áo bộ đội. Ông hàng xóm của tôi, gọi là ông Tư, cũng đã lớn tuổi, đa phần là những cán bộ đảng viên của ĐCSVN, bất chợt nắm chặt lấy tay, tôi lễ phép:

- Chào bác Tư, con đi học mới về.

- Ê, mày là con Mỹ, tại sao mày lại bận đồ bộ đội?

Cái mặt ông Tư vừa như giận dữ, vừa soi mói, dường như ông ta đã uống rượu. Bình thường ông Tư rất thương, và hay nựng tôi, nhưng qua câu hỏi này đã làm cho tôi lo sợ vô cùng, và hiểu rằng làm con lai Mỹ là có tội. Tôi tường thuật lại cho mẹ và tôi không thích bận bộ quần áo đó nữa. Phải nói, càng lớn lên, các nét lai càng rõ. Da tôi dầu đi nắng cách mấy cũng không ăn nắng, nó vẫn trắng trẻo, cùng lắm là ửng hồng thôi. Những điều này làm mẹ tôi vô cùng sợ hãi, buộc phải cạo đầu tôi trọc lóc. Tôi là một cô gái xí xọn, lúc đó cũng đang xỏ 2 lỗ tai, với 2 cọng chỉ. Đã xỏ xong 2, 3 ngày chưa lành, ấy thế mà tôi giận qúa, khóc lóc bù lu và giật luôn 2 cọng chỉ, làm máu rớt xuống từng giọt ở 2 lỗ tai. Đơn giản, tôi nghĩ, đầu trọc thì đeo bông tai làm gì. Về sau, mẹ chìu ý của tôi, không còn cạo đầu nữa, cho tôi để ngắn, nhưng tóc phải tém lại, dài tới cổ là cùng lắm. Thành ra tôi trở thành nữ hoàng tóc tém, nếu tóc bị bung ra, màu nâu vàng sẽ thể hiện rõ ràng, tôi là một đứa con gái lai Mỹ. Coi như đó là điều cấm kỵ ở nước CHXHCNVN.

Thế rồi, thời gian sau này, mọi việc đổi ngược trở lại, con lai được qúy như vàng, người ta mua bán cả con lai để có thể được đi định cư bên Mỹ. Thế là tôi và mẹ được đi Mỹ. Có một điều kỳ diệu xảy ra đối với tôi, sẵn đây muốn kể luôn cho qúy vị nghe. Dù rằng tôi chẳng biết mặt ba, chẳng thấy hình, nhưng có lẽ ba tôi lúc nào cũng ở cạnh tôi. Ông linh lắm, mỗi khi tôi có vấn đề, ông điều giải quyết hết mọi việc cho tôi. Có thể nói, trong suốt cuộc đời của tôi, đều toàn gặp những điều may mắn. Tôi hãnh diện về đời sống của tôi. Qua Mỹ tôi học trung học, rồi lên đại học, giờ đã ra trường và có việc làm vững chắc cho cuộc sống. Sống qua đời sống bên Mỹ, tôi thấy thương vô cùng nhũng anh em cùng chung số phận 2 dòng máu như tôi. Một xã hội vô cùng tráo trở, mới hôm qua con lai là những kẻ có tội, hôm nay lại biến thành cục vàng. Chẳng biết chừng nào sẽ biến trở lại thành kẻ có tội. Có lẽ người Việt hải ngoại cũng cùng tình cảnh này, khi vượt biên vượt biển ra đi, bị gọi là thành phần cặn bã xã hội, bọn đĩ điếm, bọn phản bội tổ quốc, rồi hôm nay mang ít tiền trở về, lại được gọi là “Việt kiều yêu nước”, “khúc ruột ngàn dậm”.

Trên là một câu truyện hoàn toàn có thật, được viết ra theo lời kể chuyện của một người con gái Việt lai Mỹ tên V.

Ngày 23 tháng 5 năm 2010

Mylinhng@aol.com

http://mylinhng.multiply.com

.

.

.

No comments: