Các vụ giết người hàng loạt bộc lộ những bất ổn sâu sắc của xã hội Trung Quốc
Chủ nhật 23 Tháng Năm 2010
http://www.viet.rfi.fr/node/20324
Tuần báo Le Courrier International trích dịch bài viết trên một tờ báo địa phương Quảng Châu, mang tựa đề «Khi những con người thấp cổ bé miệng không còn chịu đựng được nữa». Bài báo nhận định nguyên nhân sâu xa của những vụ giết người hàng loạt gần đây: đó là hố sâu bất bình đẳng ngày càng được đào sâu trong xã hội. Một nhà xã hội học đã nhấn mạnh đến nguy cơ lây lan của hiện tượng này.
.
Chỉ trong vòng hơn một tháng, đã có 5 trường học bị tấn công. Có thể kể một vụ điển hình: ngày 23/3, một cựu bác sĩ 42 tuổi đã dùng dao đâm túi bụi vào 13 học sinh chỉ trong 55 giây, làm 8 em bị chết và 5 em bị thương. Người này hiện thất nghiệp, vô gia cư và không có vợ con. Theo lời thú nhận của anh ta, thì động cơ là do quá chán nản vì không tìm được việc làm, thất tình và bị người chung quanh chế nhạo. Thủ phạm đã phải lãnh án tử hình.
.
Chính thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải công nhận, khi trả lời kênh truyền hình Phượng Hoàng của Hongkong : « Xã hội Trung Quốc ẩn chứa những mâu thuẫn sâu sắc đang tăng dần, và là nguồn gốc của loạt thảm sát học sinh. Không chỉ tăng cường các biện pháp an ninh, mà cần phải tấn công vào cội rễ của vấn đề ».
Bài báo dẫn thêm một số trường hợp khác ngoài các vụ tấn công vào trường học. Theo tác giả bài báo, thì thủ phạm là những người ngấm ngầm bất mãn với xã hội. Họ muốn « khẳng định » mình bằng cách sát hại một cách thô bạo những người vô tội, yếu ớt hơn họ, để trả thù đời. Vụ tấn công vào trường học kể trên tuy khủng khiếp, nhưng đáng sợ hơn cả là làn sóng bắt chước sau đó.
.
Chỉ ba ngày sau, tại khoa hồi sức thuộc bệnh viện công cùng địa phương, một phụ nữ trung niên có con gái 8 tuổi bị cưỡng hiếp, đã chất vấn bí thư đảng ủy của địa phương này : « Nếu ông vẫn chưa giải quyết vụ con gái tôi bị xâm hại, thì tôi cũng sẽ giết ai đó cho xem». Vài hôm sau, một người khác ở Vũ Hán vốn đã khiếu nại việc người khác xây dựng bất hợp pháp trên đất nhà mình suốt nửa năm mà không ai giải quyết, đã viết trên internet : « Nếu quyền lợi chính đáng của tôi không ai bảo đảm, tôi chỉ còn cách bắt chước ông bác sĩ đã tấn công vào trường học kia ».
.
Có thể đó chỉ là những lời đe dọa suông, nhưng cùng thời điểm đó đã xảy ra những vụ tấn công vô cớ vào những người vô tội như: một sinh viên bị xô ngã từ lầu 10, một lái xé cố ý tông vào nhiều xe khác…Tất cả đã đưa ra ánh sáng sự bùng nổ những căng thẳng trong xã hội. Sự hiện diện của nhiều người bị bỏ lại ngoài lề « phép lạ kinh tế », và những nhóm người dễ bị tổn thương, là đất hứa cho tội ác nảy mầm. Bạo lực và các hành vi độc ác lan rộng nhanh chóng, mà tác giả bài báo cho là sẽ quá dễ dàng nếu quy cho là những hành động cực đoan của một thiểu số không hòa nhập được với xã hội.
.
Hai trường hợp đe dọa sát nhân vừa nêu trên đây cho thấy sự bất lực của người dân trước một chính quyền đầy quyền năng. Có thể kể thêm những người nông dân bị lấy mất đất, những người bị tịch biên đất đã phải phản đối bằng cách tự hủy hoại thân thể, người đi kiện bị bỏ tù, cho đi cải tạo lao động hay tống vào nhà thương điên…Trong một xã hội mà người công dân không có khả năng tổ chức lại một cách hiệu quả để nói lên tiếng nói, để tranh đấu cho quyền lợi của mình, thì những người thấp cổ bé miệng không chỉ đơn giản là người nghèo hay người sống bên lề xã hội. Theo tác giả, những vụ thảm sát gần đây cho thấy xã hội Trung Quốc đang bệnh hoạn về mặt tâm lý.
.
Bài báo kết luận, nếu không xử lý tích cực vấn đề thì không thể nào tiến đến một « xã hội hài hòa » như Bắc Kinh đã mong muốn, và sẽ còn xảy ra nhiều thảm họa tương tự. Nếu muốn những người dân đen không bị ám ảnh bởi nguy cơ mất đất, mất việc, bị sỉ nhục, bị đẩy ra ngoài lề, những công dân bình thường không phải sống trong nỗi sợ hãi trở thành nạn nhân một vụ chém giết vô cớ, thì tất cả các nhân tố trong xã hội đều phải có cố gắng.
.
.
.
No comments:
Post a Comment