Wednesday, May 19, 2010

THỜI ĐẠI HOÀNH TRÁNG của TRUNG HOA CHƯA ĐẾN

Thời đại hoành tráng của TRung Hoa chưa đến

Joseph Nye
Đăng ngày 19/05/2010 lúc 14:18:06 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4826

Theo những dự kiến cho tương lai, Trung Hoa nổi tiếng trong khuynh hướng tóm thâu quyền lực. Có một số người Trung Hoa trẻ dùng những dự kiến này để đòi hỏi ngay bây giờ việc chia sẻ quyền lực, và có một vài người Hoa Kỳ kêu gọi chuẩn bị một cuộc đối đầu sắp tới tương tự như cuộc xung đột giữa nước Đức và Anh Quốc cách đây một thế kỷ.

Chúng ta phải dè dặt đối với những dự kiến như vậy. Năm 1900, nước Đức vượt hẳn nước Anh trong lãnh vực kỹ nghệ, và vị Kaiser (Quốc Vương Đức) theo đuổi một chính sách ngoại giao liều lĩnh cơ hồ dẫn đến một cuộc xung đột với các cường quốc khác. Trái lại, Trung Hoa vẫn còn thua xa Hoa Kỳ về mặt kinh tế và quân sự, và chính sách của họ đặt trọng tâm trước tiên vào những vùng nội địa và phát triển kinh tế. Trong khi mô hình kinh tế “thị trường Lê-nin-nít” ( cái gọi là “Thỏa Hiệp Bắc Kinh” – “Beijing Consensus”) tạo nên quyền lục tiềm tàng tại các nước chuyên chế, nó lại có tác dụng ngược tại nhiều quốc gia dân chủ.

Cho dù tổng sản lượng của Trung Hoa vượt trội tổng sản lượng của Hoa Kỳ vào năm 2030 ( như Goldman Sachs dự kiến), cả hai nền kinh tế có thể ngang ngửa với nhau về kích thước nhưng lại không cân xứng về mặt cấu trúc. Trung Hoa vẫn còn trở ngại với miền thôn quê rộng lớn kém mở mang và sẽ phải đương đầu với những vấn đề dân số do ảnh hưởng tiệm tiến của chính sách một con của họ. Hơn thế nữa, vì vùng thôn quê đang trên đà phát triển, tỷ lệ tăng trưởng có phần chậm lại. Cứ cho rằng Trung Hoa tăng trưởng 6 phần trăm và Hoa Kỳ chỉ tăng 2 phần trăm sau năm 2030, Trung Hoa sẽ không theo kịp Hoa Kỳ trên lợi tức đầu người cho đến vào khoảng giữa thế kỷ.


Lợi tức đầu người cung cấp cho ta một mực thước đo lường về sự phức tạp của một nền kinh tế. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng đáng nể của Trung hoa kết hợp với chiều rộng của dân số chắc chắn sẽ vượt trội hơn hẳn nền kinh tế của Hoa Kỳ trên bình diện kích thước, nhưng điều này khác với sự bình đẳng. Vì Hoa Kỳ khó có thể dậm chân tại chỗ trong khoảng thời gian đó, Trung Hoa còn lâu mới có thể thách đố Hoa Kỳ theo kiểu áp đặt của Vương Quốc Kaiser của Đức khi ông đến Anh Quốc vào đầu thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Trung Hoa khiến người ta liên tưởng đến lời cảnh cáo của Thucydide cho rằng ý nghĩ không thể nào tránh khỏi xung đột có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra xung đột.

Trong thập niên vừa qua, Trung Hoa tiến từ hạng xuất khẩu thứ chín lớn nhất lên đến hạng nhất thế giới, nhưng mô hình phát triển dựa theo xuất khẩu có lẽ cần phải điều chỉnh vì cán cân mậu dịch và tài chánh toàn cầu gây nên nhiều tranh chấp sau cơn khủng hoàng tài chánh vừa qua. Mặc dù Trung Hoa nắm giữ số tồn trữ ngoại tệ to lớn, họ vẫn tiếp tục gặp khó khăn để thu hồi tỷ phần vốn vay bằng cách cho ngoại quốc vay với chính đồng nhân dân tệ của họ trừ phi họ có được một môi trường thị trường vững chắc và cởi mở theo đó lãi xuất do thị trường ấn định chứ phải do chính phủ.

Khác với Ấn Độ, một nước được thành lập với một hiến pháp dân chủ, Trung Hoa chưa kiếm ra được phương pháp giải quyết những đòi hỏi tham gia chính sự (nếu không muốn nói là dân chủ) thường đi kèm với đà gia tăng lợi tức đầu người. Ý thức hệ chủ nghĩa xã hội đã chấm dứt từ lâu, và tính chính thống của đảng đang cầm quyền tùy thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế và Đại Hán tộc chủ nghĩa. Một số chuyên gia cho rằng hệ thống chính trị của Trung Hoa thiếu tính chất chính thống, có mức độ tham nhũng cao và có nguy cơ xáo trộn chính trị nếu chẳng may kinh tế suy sụp. Dù cho Trung Hoa tìm kiếm được phương thức để quản lý giới trung lưu thành thị đang nảy nở, sự bất binh đẳng nội địa và sự hiềm khích giữa các thiểu số sắc tộc cũng cần phải xem xét. Điểm cốt lõi là không một ai, kể cả các cấp lãnh đạo Trung Hoa, biết được tương lai chính trị của đất nước này sẽ ra sao trong tương lai và nó sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế như thế nào.

Năm 1974, Đặng Tiểu Bình tuyên bố trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc : “ Trung Hoa không phải là một siêu cường quốc và sẽ không bao giờ tìm cách để trở thành như vậy.” Giới lãnh đạo Trung Hoa của thế hệ ngày nay, nhận biết sự tăng trưởng nhanh chóng là giải pháp để ổn định chính trị trong nước, đã đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế và điều họ gọi là môi trường quốc tế “hài hòa” không ngăn trở sự tăng trưởng của họ. Nhưng thế hệ đã thay đổi, quyền lực thường tạo nên sự ngạo mạn và sự thèm thuồng đôi khi lớn mạnh theo sức ăn. Một vài chuyên gia cảnh báo những trung tâm quyền lực đang lên luôn dùng sức mạnh kinh tế vừa mới đạt để dùng vào những mục tiêu chính trị, văn hóa và quân sự rộng lớn hơn.


Cho dù đây là một ước định chính xác về ý đồ của Trung Hoa, chúng ta có quyền nghi ngờ Trung Hoa có đủ khả năng quân sự để thực hiện kịch bản này. Á Đông vốn có một sự quân bình quyền lực trong vùng, và trong bối cảnh này, nhiều quốc gia vui mừng đón nhận sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng. Cấp lãnh đạo Trung Hoa sẽ phải đối đầu với những phản ứng của các quốc gia khác cũng như những ràng buộc gây nên bởi chính mục tiêu phát triển của họ và nhu cầu tìm kiếm thị trường và tài nguyên của nước ngoài. Tư thế quân sự hung hãn có thể tạo nên một liên minh đối nghịch của các nước láng giềng và điều này sẽ làm suy yếu cả hai quyền lực cứng rắn và mềm dẻo. Một cuộc thăm dò của tổ chức Pew gần đây cho thấy 16 quốc gia có thái độ tích cực đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Hoa, nhưng không tán thành mức tăng trưởng sức mạnh quân sự của họ.

Sụ kiện Trung Hoa khó có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ trên bình diện tổng quát không có nghĩa là họ không có thể thách đố Hoa Kỳ tại Châu Á, và nguy cơ xung đột không thể gạt bỏ hoàn toàn. Nhưng ông Bill Clinton rất có lý khi ông nói với Giang Trạch Dân năm 1995 rằng Hoa Kỳ lo sợ một nước Trung Hoa yếu kém hơn là một nước Trung Hoa hùng mạnh. Nhìn vào những thách đố mà Trung Hoa và Hoa Kỳ phải đương đầu trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, họ có lợi nhiều hơn khi cộng tác với nhau. Tuy nhiên lòng ngạo mạn và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của một số người Trung Hoa, và lòng sợ hãi suy thoái vô căn cứ của một vài người Hoa Kỳ đã khiến cho việc bảo đảm tương lại trở nên khó khăn hơn. .

Joseph Nye
Nguồn : Financial Times, 18/5
Nguyễn Gia Thưởng chuyển ngữ

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: