Wednesday, May 19, 2010

Tài Tử KIỀU CHINH Được Trao Giải Thưởng "HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO"

Tài tử Kiều Chinh được trao giải thưởng “Hành trình tìm tự do”

Hà Vũ Washington, DC

Thứ Tư, 19 tháng 5 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/in-pursuit-of-liberty-awards-05-19-10-94282904.html

Ngày 18 tháng 5 năm 2010, tại Trung tâm hướng dẫn khách tham quan của Quốc hội Mỹ, Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS tổ chức lễ trao giải thưởng “In Pursuit of Liberty” (Hành trình tìm Tự Do) cho hai nhân vật đã đóng nhiều công sức trong việc giúp đỡ người Việt trong các trại tị nạn Đông Nam Á được định cư tại Hoa Kỳ và các nước khác. Nữ tài tử Kiều Chinh là một trong hai người được trao giải lần này. Mời quý thính giả theo dõi thêm chi tiết qua phần trình bày của Hà Vũ.

Luật sư Daniel Wolf và tài tử Kiều Chinh (giữa) tại lễ trao giải thưởng 'In pursuit of Liberty', 18/5/2010Chia sẻ (Hình: VOA - Ha Vu) http://media.voanews.com/images/480*300/bpsos.JPG

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày người Việt định cư tại Mỹ và 30 năm hoạt động của Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, một buổi lễ trao giải thưởng “In pursuit of Liberty” cho cá nhân đã đóng góp nhiều công sức trong việc giúp người tị nạn Việt Nam định cư tại Mỹ được tổ chức ngày 18 tháng 5 năm 2010 tại Trung tâm hướng dẫn khách tham quan của Quốc hội Mỹ.

Tham dự buổi lễ, ngoài một số đồng bào và đại diện cộng đồng Việt Nam vùng Virginia, Washington D.C và Maryland còn có sự hiện diện của Dân biểu Joseph Cao, bang Louisiana, người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Hạ viện Mỹ và dân biểu Chris Smith, bang New Jersey, là người được cộng đồng Việt Nam biết đến về

những nỗ lực chấm dứt việc bắt buộc hồi hương những người tị nạn trong năm 1995 và tạo cơ hội cho 18.000 người tị nạn tự nguyện trở về Việt Nam được định cư tại Mỹ theo chương trình tái định cư ROVR. Dân biểu Chris Smith còn là người tích cực bênh vực cho nhân quyền tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS giới thiệu thành tích của diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, một trong 2 người được trao giải thưởng ngày hôm nay:

“Chị Kiều Chinh người Việt mình thường biết đến như một nữ minh tinh màn bạc nhưng ít ai biết được rằng chị Kiều Chinh là một nhà tranh đấu cho nhân quyền, cho quyền tị nạn, đặc biệt là đối với thuyền nhân Việt Nam từ thời rất sớm. Từ 1975 chị Kiều Chinh đã tranh đấu và bảo vệ cho những người tị nạn bên Hoa Kỳ định cư, giúp đỡ họ trong đời sống rất nhiều. Và từ năm 1980 ngay từ ngày đầu khi Ủy Ban Cứu người Vượt biển được thành lập, chị Kiều Chinh đã đương nhiên trở thành phát ngôn viên của Ủy ban để gióng lên lời kêu gọi và khẩn cầu quốc tế đến cứu giúp những thuyền nhân đang lênh đênh ngoài biển cả và đang đứng trước nạn hải tặc hoành hành tại biển Đông. Và đến năm 1995, trước khi các trại tị nạn bị đóng cửa thì chị Kiều Chinh và Ủy ban Cứu người Vượt biển đã tham gia các cuộc vận động về chính sách và chính nhờ những cuộc vận động đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực hiện chương trình Cơ hội Định cư cho Thuyền nhân Hồi hương tức là ROVR.”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cũng giới thiệu luật sư Daniel Wolf, người thứ hai được giải thưởng “In pursuit of Liberty” năm nay.

“Anh Daniel Wolf là một luật sư rất trẻ, chúng tôi được dịp gặp khi anh đang ở Hong Kong. Anh tự nguyện sang Hong Kong để phỏng vấn thuyền nhân, can thiệp cho họ. Sau đó anh cùng với chúng tôi sáng lập LAVAS tức là Chương trình Trợ giúp Pháp lý cho Thuyền nhân Việt Nam. Qua chương trình đó, chúng tôi đã cử nhiều luật sư đến các quốc gia khác nhau ở Đông Nam Á và chúng tôi đã lập hai văn phòng luật sư. Văn phòng thứ nhất tại Palawang, Phi Luật Tân năm 1990 và văn phòng thứ hai 6 tháng sau đó tại Hong Kong. Từ đó, các toán luật sư đi đến các trại tị nạn khác nhau để can thiệp cho các thuyền nhân. Luật sư Daniel Wolf cũng kiện luôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề kỳ thị đối với thuyền nhân Việt Nam. Có những người không được xét cho tị nạn nhưng được thân nhân bảo lãnh; tuy nhiên chính phủ Hoa Kỳ lúc đó không chấp nhận cho định cư và bắt phải hồi hương và vụ kiện đó của LAVAS đã lên tận Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Nhờ vụ kiện này mà giải quyết được cho hàng trăm gia đình mặc dù trước đó đã bị phủ quyết quyền tị nạn

một cách bất công.”

Vào sáng ngày 18 tháng 5, trước khi đến Trung tâm hướng dẫn khách tham quan của Quốc hội Mỹ để nhận lãnh giải thưởng diễn viên điện ảnh Kiều Chinh đã đến đặt vòng hoa tại đài Tưởng niệm 100 triệu nạn nhân Cộng Sản tại trung tâm thủ đô Washington D.C.

Bày tỏ cảm tưởng khi nhận được giải “In Pursuit of Liberty” diễn viên điện ảnh Kiều Chinh cho rằng công lao của bà không đáng kể so với những người khác mà bà gọi là những “người hùng trong bóng tối”. Bà Kiều Chinh cho biết thêm về cảm nghĩ của bà khi nhận được giải thưởng này:

“Tuy nhiên tôi cũng vinh dự nhận lãnh Award 'In Pursuit of Liberty' giống như thắp nên một ngọn đuốc và ngọn đuốc đó cứ tiếp tục truyền đi nhiều thế hệ sau này. Cũng là một hình thức, một tinh thần chia sẻ với nhau nhất là chia sẻ trong những lúc khó khăn nhất bởi vì những lúc đó mình đến với nhau cái tình mới thắm thiết.”

Phát biểu lúc nhận giải thưởng, luật sư Daniel Wolf nói là sau một thời gian làm việc với các thuyền nhân trại các trại tị nạn cũng như với các tổ chức giúp đỡ người tị nạn của người Việt Nam, ông có nhận xét như sau về người Việt Nam:

“Người Việt Nam rất tuyệt diệu, họ quyết tâm, thông minh, làm việc cật lực và điều tôi để ý đến nhiều nhất là họ không bao giờ bỏ cuộc."

Dân biểu Joseph Cao đã nhắc đến thời kỳ làm nhân viên tình nguyện cho Ủy ban Cứu người Vượt biển tại Virginia, là lúc ông có dịp gặp dân biểu Chris Smith để vận động cho các thuyền nhân và thấy sự lớn mạnh của cộng đồng cũng như các tổ chức thiện nguyện Việt Nam. Kết thúc bài nói chuyện, dân biểu Joseph Cao bầy tỏ hy vọng với sự giúp đỡ của các bạn đồng viện, những người vẫn thường lưu tâm đến tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, một ngày nào đó, tự do dân chủ sẽ đến với dân tộc Việt Nam.

"Một ngày nào đó với sự giúp đỡ của các dân biểu Chris Smith, Frank World, Zoe Lofgren và các dân biểu khác, niềm mơ ước của chúng ta sẽ trở thành sự thật. Đó là một nước Việt Nam dân chủ."

.

.

.

No comments: