Sunday, May 16, 2010

THEO DÕI BƯỚC CHÂN KẺ BỊ TRỤC XUẤT

Theo dõi bước chân của kẻ bị trục xuất
Nguyễn Văn Lục

16-05-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7437

Thế là xong. Kịch bản đã diễn ra như là nó phải như vậy, không thể khác được. Hơn hai năm trời tranh đấu nay tay trắng ra đi. Les jeux sont faits. Và nếu nói theo ngôn ngữ của một người theo đạo thuần thành thì mọi chuyện xảy ra đúng như ý Chúa định.

Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt rời Việt Nam, vội vã lên đường ra khỏi Việt Nam.

Theo thông cáo của linh mục thư ký tòa Tổng Giám Mục thì Gm Kiệt rời Hà Nội “tiếp tục chương trình chữa bệnh” vì gần đây sức khỏe của ông lại đột ngột ngột suy yếu.

Ông linh mục thư ký ơi. Tôi hiểu cái vai trò thư ký của ông. Thằng bồi thì diễn đúng cái cung cách cử chỉ của một thằng bồi. Ông chủ thì xuất hiện thế nào cho oai phong như một ông chủ. Đó là điều mà triết gia Jean Paul Sartre chúa ghét vì ông cho là kịch cỡm, đóng kịch. Phần ông, đóng vai thư ký tòa Tổng giám mục, ông bắt buộc phải xử dụng thứ “ngôn ngữ Pharisiêu” như thế. Nhưng tôi nghe không lọt tai chút nào.

Trong đời sống, có những lúc phải dám nói sự thật. Đó là một bổn phận tinh thần, một thử thách đạo đức và một sự can đảm đức tin tôn giáo ông ạ. Tôi không nghĩ ông là một linh mục tốt lành. Nhưng biết đâu trong một xã hội nhố nhăng như thế với người chủ mới trong bối cảnh ở Việt Nam, ông tỏ ra thích hợp và có nhiều cơ may trở thành giám mục không biết chừng.

Chỉ khổ cho giáo dân thật thà thôi ông ạ.

Có thể nào để tránh phải đụng chạm với sự thật, ông không ra thông cáo được không?

Tôi đủ tư cách trí thức để cho ông biết sự thật mà đáng lẽ không cần phải nhiều lời. Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt không đi chữa bệnh mà đã bị nhà cầm quyền Hà Nội trục xuất ra khỏi Việt Nam ông ạ. Tôi khẳng định như thế. Số phận ông cũng giống như tình cảnh Hồng y Nguyễn Văn Thuận trước đây mà thôi.

Này nhé, theo tin của nuvuongcongly.net ngày 9-5, ông còn vào Vinh chúc mừng Kim khánh giám mục Cao Đình Thuyên, một người cùng đồng hành chia sẻ những nỗi lo toan chung của Giáo Hội Thiên Chúa giáo. Sáng 10-5, ông còn làm lễ tại dòng Mến Thánh giá Xã Đoài. Sau đó ông quay về Đan Viện Xi-Tô Châu Sơn tại Ninh Bình, nơi mà ông đã định gửi tấm thân cho những ngày còn lại của đời ông. Nhưng ngày 12-5 thì vị Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn đã từ Hà Nội xuống Ninh Bình đề nghị giám mục Ngô Quang Kiệt về Hà Nội để “có việc gấp”.

Và ngay trong đêm 12-5, ông khăn gói quả mướp rời khỏi Việt Nam.

Điều mà ông không mang theo được và ông đã để lại cho giáo dân và mọi người Việt Nam là cái tinh thần Ngô Quang Kiệt.

Điều mà ông mang theo trong đám hành lý cân nặng nhất của ông là 15.000 chữ ký thiết tha mời gọi ông ở lại với đàn chiên. 15.000 chữ ký ấy phải nhân lên 100 lần thành 1.500.000 mới đúng. Kể từ nay, Ngô Quang Kiệt nằm trong số những người lãnh đạo kiệt xuất trong danh sách những người tiền nhiệm như Trịnh Như Khuê, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Kim Điền, Phao lồ Lê Đắc Trọng và tôi cũng quý mến tất cả các giám mục đã công khai hỗ trợ tổng giám mục Kiệt trong những giai đoạn tranh đấu cho quyền lợi giáo hội và nay trên bước đường luu vong của ông. Đó là các giám mục Kontum, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh như Nguyễn Đức Tuyên đã viết.

Tất cả thủ tục giấy tờ xuất cảnh nhà nước đã lo chu đáo nhanh chóng có thể chỉ nội trong một ngày. Kể cũng buồn cười, có những việc họ làm rất nhanh lại có những việc họ làm chậm như rùa.

Lý do duy nhất người ta trục xuất ông khỏi Việt Nam chỉ vì người ta sợ ông.

Như lời một vị trong Mặt trân tổ quốc tiết lộ, để ông Kiệt nghỉ hưu ở đâu thì ảnh hưởng của ông trên giáo dân vẫn còn đó nên buộc phải cho ông đi ra nước ngoài.

Đây là công đầu tiên trong vai trò tay sai của Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn. Ông đã làm một cách xuất sắc. Ai đã sai ông vào Ninh Bình để mời gọi giám mục Kiệt phải về Hà Nội gấp? Phải chăng đó là nhiệm vụ của một Tổng giám mục mới?

Ông Nhơn học trên Giáo Hoang Học viện Piô 10 thì hẳn không quên được những sắc chỉ của giáo hoàng Piô 12 vào năm 1948 đối với chế độ cộng sản. Cụ thể là những thư chung của hàng giám mục Việt Nam năm 1952 có đoạn:

“Chủ nghĩa cộng sản bác bỏ tất cả quyền lợi của nhân vị và gia đình. Chủ nghĩa cộng sản xung khắc tuyệt đối với công giáo. Chủ nghĩa cộng sản bác bỏ Thiên Chúa, bác bỏ mọi tôn giáo, bác bỏ thuyết linh hồn hằng sống đến nỗi Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng: không bao giờ có thể vừa theo cộng sản vừa theo công giáo được và người công giáo nào gia nhập đảng cộng sản thì lập tức bị khai trừ khỏi giáo hội.”

Thư chung của giám mục miền Nam vào năm 1960 cũng nhắc lại cái tinh thần ấy.

Cái tinh thần ấy đã có những nạn nhân làm vật hy sinh tế thần ở Hà Nội như các linh mục Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Ngọc Oánh, Phạm Hân Quynh và Nguyễn Văn Thông.

Nay thì tình thế đã đổi khác. Gió đã đổi chiều, người ta nói đến hòa hợp hòa giải? Nhưng hòa giải với ai? Và hòa giải về cái gì?

Thực tế mà nói, công việc của ông Nhơn tại giáo phận Hà Nội sẽ thuận buồm xuôi gió theo tinh thần chủ bảo tớ nghe, răm rắp đâu vào đó bất kể dân theo đạo nghĩ gì, mong muốn gì.

Nhưng cái nỗi khổ cho ông giám mục Nhơn là từ nay nếu gặp giáo dân thì phải cúi mặt xuống. Vừa rồi người ta đã có nhận xét, ông Nhơn đi giữa hai hàng giáo dân mà mặt nhìn thẳng, không vẫy tay chào lại.

Ông làm sao phủ lấp được bóng dáng Ngô Quang Kiệt? Ông làm sao thay thế chỗ trống Ngô Quang Kiệt trong tim mỗi người giáo dân? Ông sẽ trở thành kẻ xa lạ giữa hơn 300.000 ngàn giáo dân Hà Nội dưới quyền ông.

Dám ông trở thành thứ mục tử lạc loài, chăn chiên mà không có chiên để chăn?

Và vì thế, ông giảng ông nghe. Cùng lắm quanh ông vài kẻ theo đóm ăn tàn. Cái đó thì thời nào chả có. Phần tôi sẽ không liên lạc, điện thoại, không chơi với Paul Deslierres, không rủ ông đi ăn Phở, không mời ông ăn chả giò, những món ăn Việt Nam mà ông ưa chuộng nữa vì ông đã không biết dạy học trò.

Tôi cũng đã đọc tất cả những thư từ của giáo dân chia sẻ về sự ra đi của Giám mục Kiệt mà tôi có được. Tôi cũng nhìn và quan sát cái cảnh ngày lễ nhậm chức của giám mục Nguyễn Văn Nhơn. Một cái cảnh mà trong đời tôi chưa hề nhìn thấy cái cảnh đó bao giờ.

Cái cảnh đó là dấu hiệu của sự trưởng thành, của tinh thần dân chủ hay dấu hiệu của sự bất tín nhiệm?

Có hàng triệu người buồn hoặc thất vọng. Có nhiều người xúc động không cầm được nước mắt. Tôi xin được đứng trong danh sách những người ấy mặc dù danh sách cũng được gửi đến, nhưng tôi đã không ghi danh vào đó làm gì. Vì tôi biết trước đó chỉ là một cách cụ thể hóa một biểu lộ hơn là một thực tế đòi hỏi.

Nay Người đã đi rồi. Thế là hết. Hết tất cả.

Nỗi lo sợ chính của tôi là nay danh hiệu Quốc doanh có thể được nâng cấp lên hàng giám mục như trong một bài viết trước. Lm Đỗ Xuân Quế đã viết một bài cảnh báo về nạn giám mục quốc doanh xâm nhập cả vào tổ chức của Vatican.

Nhưng trước mắt, việc thay thế hai giám mục Kiệt và Thuyên bằng giám mục Nhơn và linh mục Nguyễn Thái Hợp làm chúng ta lo ngại.

Ông Nguyễn Thái Hợp được biết giao du với bọn Tứ nhân Bang và Nguyễn Đình Đầu, thường viết bài cho Công giáo và dân tộc. Tôi có một bài viết của ông qua một người bạn trong nước gửi ra là bài Thử nhân diện con người Việt Nam. Bài viết thuộc loại bài bản, khuôn mẫu như có đoạn,
“Chúng ta từng làm nên Điện Biên Phủ, mùa xuân đại thắng 1975, vậy mà 30 năm qua hòa bình độc lập ta làm được gì để không hổ thẹn với cha ông?”

Giáo hội quốc doanh thông qua những việc bổ nhiệm mới đây, phải chăng đó là mục tiêu của chính quyền đề ra trong lúc này?

© DCVOnline

.

Phó chủ tịch HĐGMVN lên tiếng về sự kiện TGM Ngô Quang Kiệt từ chức (RFA)

.

.

.

No comments: