Thursday, May 6, 2010

RỐI LOẠN Ở THÁI LAN và PHONG TRÀO DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM

Rối loạn ở Thái Lan và Phong trào Dân chủ ở Việt Nam

Duy Ái Washington D.C

Thứ Năm, 06 tháng 5 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/thailand-vietnam-05-06-2010-92955624.html

Trong thời gian gần đây, giữa lúc những vụ xuống đường biểu tình của phe Áo Ðỏ ở Bangkok gây ra những vụ xáo trộn lớn cho xã hội Thái Lan, một số người đã nhấn mạnh tới “tình hình chính trị ổn định” của Việt Nam với ngụ ý cho rằng “tranh đấu cho dân chủ có thể dẫn tới hỗn loạn.” Ðể tìm hiểu quan điểm của giới tranh đấu dân chủ Việt Nam về vấn đề này, Ban Việt ngữ VOA đã tiếp xúc với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, người từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù nhiều năm vì đã dịch và phổ biến trên internet bài viết “Thế nào là Dân chủ?” được đăng trên trang nhà của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Mời quí thính giả/độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.

VOA: Hồi gần đây, trước tình hình hỗn loạn ở Thái Lan, một số người nói rằng đây là một diễn tiến bất lợi cho các phong trào dân chủ trên thế giới, đặc biệt là phong trào dân chủ Việt Nam, vì dân chúng có thể sẽ bớt ủng hộ cho phong trào vì không muốn thấy tình trạng rối loạn xảy ra. Là một người từng bị cầm tù và không ngớt bị sách nhiễu vì những hoạt động cổ xướng cho dân chủ Việt Nam, ông nghĩ sao về nhận định vừa kể?

Phạm Hồng Sơn: Để trả lời câu hỏi này của VOA, trước tiên tôi xin được nói sơ qua về nội dung của hai chữ “Dân chủ”.

Thứ nhất, trải qua lịch sử loài người tính từ thời Hy lạp cổ đại (trước CN khoảng 600 năm) đến nay, khái niệm “Dân chủ” trong khoa học chính trị ngày nay không chỉ bó hẹp trong một số cách hiểu rất đơn giản và thiếu hụt là xã hội có đa đảng hay có tổ chức các cuộc bầu cử có cạnh tranh. Mặc dù trong giới khoa học chính trị hiện nay vẫn chưa thống nhất được một bộ tiêu chuẩn cho “dân chủ”, nhưng các bộ tiêu chuẩn cho “dân chủ” hiện có thường xoay quanh năm vấn đề sau đây: 1. Các cơ quan truyền thông độc lập (không bị kiểm soát hoặc không phụ thuộc chính quyền) 2. Đời sống dân sự và các hội đoàn dân sự độc lập (không bị kiểm soát hoặc không phụ thuộc chính quyền) 3. Các tự do cơ bản của con người (nhân quyền) được thực thi. 4. Có cạnh tranh chính trị để chọn ra những người quản lý, lãnh đạo quốc gia. 5. Hệ thống quyền lực nhà nước có ba nhánh độc lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp).

Thứ hai, vì “dân chủ” được xác định bởi môt tập hợp các tiêu chuẩn, do đó các quốc gia khác nhau có thể ở những mức độ “dân chủ” khác nhau. Theo tổ chức nghiên cứu chính trị độc lập Economist Intelligence Unit thì có 4 mức độ dân chủ là: “dân chủ đầy đủ” (full democracy), “dân chủ thiếu hụt” (flawed democracy), “phi dân chủ” (nghĩa là độc tài, độc đoán, authoritarian) và một mức trung gian gọi là “chế độ hỗn hợp” (hybrid regime).

VOA: Thưa ông, dựa vào những tiêu chuẩn đó chúng ta có thể đánh giá ra sao về mức độ dân chủ ở Thái Lan?

Phạm Hồng Sơn: Theo một xếp hạng năm 2009 về dân chủ của tổ chức Freedom House hoặc năm 2008 của Economist Intelligence Unit thì Thái Lan chỉ được đứng giữa trong nhóm các quốc gia “dân chủ thiếu hụt” (flawed democracy) hay còn gọi là nhóm “tự do một phần” (partly free).

Nhìn vào các bảng xếp hạng vừa kể, chúng ta chỉ thấy bạo loạn xảy ra ở các quốc gia “dân chủ thiếu hụt”, “độc tài” hoặc “hỗn hợp”. Ngoài ra, ta có thể thấy trong các quốc gia “dân chủ đầy đủ” cũng có những bất đồng chính trị, thậm chí khủng hoảng chính trị (như đang xảy ra ở Bỉ) hoặc có những cuộc biểu tình lớn phản đối chính phủ (như mới diễn ra ở Hy lạp) nhưng tất cả những khủng hoảng, phản kháng đó đều được giữ trong khuôn khổ ôn hòa và trật tự, những xô xát hay thậm chí thương vong (nếu có) đều ở mức thấp và trong tầm kiểm soát. Nhìn vào các nước “dân chủ đầy đủ”, thậm chí cả một số nước “dân chủ thiếu hụt” (có điểm số cao) như Đài Loan, Israel, Hungary, chúng ta cũng thấy “dân chủ” (đầy đủ) không chỉ giúp xã hội loại bỏ việc sử dụng bạo lực trong giải quyết các bất đồng mà còn là điều kiện để có một môi trường sống (thiên nhiên và xã hội) lành mạnh, một cuộc sống an toàn cho người dân. Trong bảng xếp hạng của Economist Intelligence Unit thì Thụy Điển là quốc gia đứng đầu bảng trong nhóm “dân chủ đầy đủ” và Bắc Triều tiên đứng cuối bảng trong nhóm “phi dân chủ” (độc tài), điều này có thể đi đến một kết luận là nếu chỉ căn cứ vào “bạo loạn” thì một quốc gia không có bạo loạn thì chỉ có thể là quốc gia đó rất tự do (dân chủ đầy đủ) hoặc rất mất tự do (như khi một con người đã bị trói chặt cả chân tay thì làm sao còn khả năng để va chạm với người khác).

Do vậy, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào những hỗn loạn đang xảy ra ở Thái Lan, nhiều người sẽ cảm thấy phân vân với hai chữ “dân chủ” hoặc giảm nhiệt tình ủng hộ “dân chủ hóa”. Đặc biệt là đối với người dân Việt Nam- những người đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong các cuộc xung đột với nhau và với các lực lượng nước ngoài thì tình trạng hỗn loạn, thương vong như đã xảy ra gần đây tại Thái Lan dễ làm cho người dân e sợ, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về tình hình Thái Lan và hiểu đúng và đầy đủ về Dân chủ, chúng ta sẽ thấy nhu cầu “dân chủ hóa” vẫn là một nhu cầu cấp thiết ở cả tầm thế giới và quốc gia. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia như Thụy điển, Na uy trong thế kỷ 19 hoặc Cộng hòa Séc ngay gần đây đều cho thấy các rối loạn, bạo lực là những điều có thể loại bỏ được hoàn toàn hoặc có thể kiểm soát ở mức chấp nhận được trong quá trình dân chủ hóa.

Cuối cùng, tôi xin được nhấn mạnh lại rằng “dân chủ hóa” không phải chỉ là việc đơn giản chấp nhận “đa đảng” hay tổ chức các cuộc “bầu cử có cạnh tranh”, cũng như xây dựng một nền kinh tế thị trường không phải chỉ là việc chấp nhận nền kinh tế đa thành phần theo kiểu hoang dã cách đây mấy trăm năm để chỉ có lợi cho một bộ phận những người có quyền thế và vô lương tâm. Và “dân chủ hóa” theo một lộ trình (nhiều bước) rõ ràng và khoa học khác hoàn toàn với việc lảng tránh, trì hoãn, đối phó hay bóp méo, giấu giếm nội dung đích thực của dân chủ để kéo dài tình trạng phi dân chủ và/hoặc để dọa dẫm người dân.

VOA: Giáo sư Michael Montesano là một chuyên gia về chính trị Thái Lan đang làm việc ở Viện Quốc tế Sự vụ Singapore (SIIA). Trong cuộc phỏng vấn mới đây (27-04-2010) dành cho VOA, ông Montesano nói rằng "các nước trong khu vực cần xem xét tới gốc rễ của vụ khủng hoảng Thái Lan và tự đặt câu hỏi là kinh tế và xã hội của đất nước mình có hay không có những nguyên do có thể đưa tới một vụ khủng hoảng tương tự." Ông có ý kiến gì về đề nghị của ông Montesano, và theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh được tình trạng xáo trộn hay khủng hoảng chính trị?

Phạm Hồng Sơn: Vâng, tôi hoàn toàn chia sẻ với gợi ý của ông Montesano và thực tế là nhiều người Việt Nam cũng rất chú tâm tới tình hình Thái Lan theo hướng tìm hiểu để áp dụng điều tốt hoặc phòng tránh cái xấu.
Nếu nhìn ở bề ngoài, thì nhiều người có thể lo ngại cho Thái Lan hơn Việt Nam. Nhưng nếu nhìn kỹ vào lịch sử và xã hội hiện nay của hai quốc gia thì vấn đề không đơn giản như thế.
Lịch sử của Thái Lan từ thế kỷ XIX cho đến nay khá phẳng lặng, không phải chịu các cuộc xung đột bạo lực lớn và kéo dài như Việt Nam. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng chỉ thể hiện sự bế tắc trong việc giải quyết xung đột quyền lợi giữa hai thành phần chính trong xã hội Thái Lan hiện nay là thành phần thị dân trung lưu gắn bó với Hoàng gia và bên kia là nông dân và các thành phần dân nghèo. Cuộc khủng hoảng hiện nay chính là sự bùng nổ của mối mâu thuẫn đã âm ỉ từ lâu giữa hai thành phần vừa kể trong xã hội Thái Lan, khi tiếng nói và quyền lợi của nông dân và dân nghèo chưa bao giờ được ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc gia cho đến khi ông Thaksin lên nắm quyền vào năm 2001.
Lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XIX cho đến nay, ngược lại, đã phải liên tục trải qua nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ kéo dài hàng chục năm với các tổn thất hàng triệu sinh mạng, do đó tâm lý nói chung của người dân là rất e sợ xung đột, bạo lực. Tuy nhiên xã hội Việt Nam hiện nay lại đang chứa rất nhiều mâu thuẫn lớn, nhỏ đan xen nhau và đặc biệt hơn Thái Lan là Việt Nam còn đang có một yếu tố hết sức nguy hiểm là chủ quyền đất nước đang bị đe dọa.

VOA: Xin ông vui lòng giải thích rõ hơn về những mâu thuẫn đó.

Phạm Hồng Sơn: Theo tôi, có năm mâu thuẫn lớn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện nay:

Mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế:
Từ năm 1986, đặc biệt từ khi Việt nam có Luật Doanh nghiệp (năm 2000), nền kinh tế Việt nam thực chất đã chuyển từ nền kinh tế hoàn toàn do nhà nước độc quyền sang nền kinh tế thừa nhận quyền tự do kinh doanh của mọi người dân (kể cả đảng viên cộng sản) hay còn gọi là kinh tế thị trường. Nhưng hệ thống quyền lực nhà nước (nền chính trị) của Việt nam, từ năm 1986 đến nay, về cơ bản, vẫn không thay đổi, vẫn giữ nguyên tính chất độc quyền (của một nhóm người) với khả năng can thiệp tùy tiện vào mọi vấn đề của xã hội.. Lịch sử đã cho thấy một hệ thống chính trị độc đoán, phi dân chủ chỉ thuận lợi cho nền kinh tế thị trường kiểu hoang dã (cá lớn nuốt cá bé, vô pháp luật, vô trách nhiệm như thời Karl Marx còn sống). Đây là mâu thuẫn cơ bản nhất và là nguyên nhân sinh ra rất nhiều mâu thuẫn khác trong xã hội Việt Nam hiện nay. Mâu thuẫn này đang hiển hiện ra ngoài bằng nhiều vấn nạn như: thu nhập trung bình tăng nhưng chất lượng sống giảm (chất lượng tăng trưởng GDP thấp), khu vực doanh nghiệp nhà nước đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế (dù được hưởng nhiều ưu đãi hơn khu vực phi nhà nước), hiệu quả đầu tư vốn kém, tham nhũng gia tăng, hố phân cách giàu nghèo đang bị khoét sâu…

Mâu thuẫn giữa tuyên truyền của đảng cầm quyền độc nhất (Đảng Cộng sản Việt nam) với thực tế cuộc sống.
Hầu như tất cả những gì mà Đảng Cộng sản đang tuyên truyền hiện nay đều trái với thực tế. Ví dụ Đảng Cộng sản luôn tuyên truyền đảng viên cộng sản là những thành phần ưu tú của đất nước cả về trí tuệ và đạo đức, nhưng các vụ án tham nhũng lớn nhất hay các vụ án xâm phạm đạo đức đồi bại nhất đã bị phát hiện đều có các đảng viên cộng sản là thủ phạm chính hoặc đồng phạm; Đảng Cộng sản vẫn kêu gọi nhân dân đi theo Chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng đời sống kinh tế của đảng viên cộng sản và chính sách kinh tế của Đảng đều trái ngược với nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Marx-Lenin.

Mâu thuẫn giữa một bộ phận nhỏ đảng viên cộng sản (có quyền) với đại bộ phận dân chúng ngoài Đảng Cộng sản.
Sự phân biệt đối xử hết sức vô lý giữa người là đảng viên cộng sản và người không phải là đảng viên cộng sản. Người không phải là đảng viên cộng sản thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể trở thành lãnh đạo trong các cơ quan công quyền. Còn nếu chấp nhận để trở thành đảng viên cộng sản thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận bị mất nhân cách (dù chỉ là tạm thời). Đảng viên cộng sản luôn được hưởng các đặc quyền, ưu đãi hơn những người ngoài Đảng, ngay cả khi cùng phạm một tội giống nhau.

Mâu thuẫn giữa khát khao tự do của giới trí thức và giới trẻ với sự hà khắc của thể chế chính trị.

Sau hơn hai thập niên mở cửa với thế giới, các giá trị văn minh của nhân loại như dân chủ, nhân quyền đang mỗi ngày thấm sâu vào nhận thức của giới trí thức và nhiều bộ phận dân chúng trong xã hội, hình thành một khát khao ngày càng lớn về nhân phẩm, về tự do cá nhân và tự do xã hội. Tuy nhiên khát khao tự do đó đang vấp phải sự dồn ép của thể chế chính trị độc đảng, phi dân chủ.

Mâu thuẫn giữa ngọn cờ truyền thống “độc lập, tự do” của Đảng Cộng sản với thái độ hiện nay của Đảng Cộng sản trước sự xâm lấn của Trung Quốc.

Thái độ nhún nhường trước các hành vi xâm lấn chủ quyền Việt nam của Trung Quốc và hành động cấm đoán, trấn áp những biểu hiện yêu nước của người dân đang xúc phạm ghê gớm đến tinh thần dân tộc, gây thất vọng lớn và bất mãn không chỉ đối với toàn thể nhân dân mà còn gây đau đớn cho đại bộ phận đảng viên cộng sản, đặc biệt những lão thành Cách mạng. Xã hội đang ngày càng xuất hiện nhiều đảng viên cộng sản thức tỉnh, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền dân tộc như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Nhà thơ Bùi Minh Quốc, Nhà báo Tống Văn Công, Nhà văn Phạm Đình Trọng, Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, Trung tá Vũ Minh Trí...

Cùng với tình trạng xuống cấp trầm trọng trong hầu khắp các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, thực thi pháp luật và sự thiếu vắng hoàn toàn các phương tiện chính thống để người dân bày tỏ nỗi oan khuất, bức xúc, có thể nói xã hội Việt Nam đang âm thầm chất chứa rất nhiều mâu thuẫn, đan xen nhau ở nhiều tầng, nhiều lớp.

.

VOA: Triển vọng của việc giải quyết mâu thuẫn ở Việt nam và ở Thái Lan có gì khác nhau không, thưa ông?

Phạm Hồng Sơn: Nếu coi những biểu hiện của Thái Lan hiện nay là hậu quả của phái hữu (phái bảo hoàng, giới tướng lãnh và các nhà tài phiệt thân hoàng gia) còn bảo thủ, đã không nhìn ra hoặc không đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ và bình đẳng xã hội, vẫn cố ỷ vào tâm lý sùng kính Vua Bhumibol Adulyadej của xã hội Thái Lan để duy trì những đặc quyền do nền dân chủ thiếu hụt đem lại, thì Việt Nam, phái tả cực đoan đang cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như không đáp ứng chút nào đối với nhu cầu dân chủ hóa đang ngày càng nóng bỏng tại Việt Nam, họ vẫn cố lợi dụng tâm lý chán chiến tranh, muốn hòa bình, ổn định đời sống của đại bộ phận người dân để duy trì những đặc quyền do chế độc đảng phi dân chủ mang lại, bất chấp cả việc Tổ quốc bị xúc phạm, chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị cướp đoạt.

Bất kỳ xã hội nào cũng có mâu thuẫn, nhưng điều đáng nói ở Thái Lan hiện nay là cách thức giải quyết mâu thuẫn để cân bằng lợi ích giữa các thành phần trong xã hội đang có xu hướng bạo lực hóa nặng hơn (vì các tiêu chuẩn dân chủ còn thiếu hoặc bị phá vỡ). Trong khi đó những mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam lại đang bị tích tụ và dồn nén, bị trấn áp hoàn toàn (vì chưa đạt được một tiêu chuẩn dân chủ cơ bản nào).

Về lý thuyết, khi nghiên cứu các cuộc khủng hoảng (dù là chính trị, kinh tế, tài chính hay môi trường), người ta luôn thấy đằng sau các cuộc khủng hoảng (khi đã nổ ra) đều đã âm ỉ một nhu cầu thay đổi có tính nền tảng và nguyên nhân khiến khủng hoảng nổ ra (không ngăn chặn được khủng hoảng) là do con người đã không nhận biết hoặc không đáp ứng kịp cho nhu cầu thay đổi đó. Nói cách khác, trước khi một khủng hoảng xảy ra thường vẫn luôn có nhiều người và nhiều người có ảnh hưởng (về chuyên môn hoặc quyền lực) khẳng định rằng sẽ không có khủng hoảng. Chính yếu tố này qui định một đặc tính bất biến của khủng hoảng là tính bất ngờ. Vì vậy sẽ là không đơn giản khi thuyết phục những người có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam về những việc phải làm để tránh tình trạng khủng hoảng chính trị, xã hội có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào Thái Lan hiện nay, vẫn có một hy vọng cho cuộc khủng hoảng đang diễn tiến là, vì các bức xúc giữa các bên tại Thái Lan vẫn được thể hiện, không bị trấn áp hoàn toàn, nếu xu hướng căng thẳng bạo lực tiếp tục gia tăng thì cũng chỉ đến một mức độ là có thể được giải tỏa hoặc nhanh chóng bị kìm chế. Trong khi tại Việt nam, cho dù hiện tại xã hội vẫn tỏ ra im lặng, nhưng không ai có thể hình dung được hậu quả khôn lường một khi các mâu thuẫn nhiều tầng, nhiều lớp bị dồn nén, chất chứa lâu ngày đến mức phải tự bung ra. Tình trạng Thái Lan và Việt Nam hiện nay cũng có thể ví như hai chiếc nồi hơi đang bị đun nóng, một chiếc thì có van an toàn (soupape de sûreté), còn chiếc kia không có hoặc chiếc van đã bị bịt kín.

Nhưng chính tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay cũng là cơ hội cho những lãnh đạo, những đảng viên cộng sản thật sự còn có tấm lòng vì dân, vì nước thể hiện được bản lĩnh của mình, quyết tâm ngăn chặn khủng hoảng, chuyển hướng đất nước đi theo con đường dân chủ đích thực. Chỉ có dân chủ hóa mới có thể cứu nguy được đất nước khỏi những hiểm họa hiện nay, may ra còn vớt vát được phần nào những gì đã mất và đang tiếp tục mất vào tay Trung Quốc. Mọi biện pháp có tính đối phó, hình thức hay xoa dịu láu cá không thể giải quyết được vấn đề, chỉ khiến lòng dân thêm chán ngán và giúp kẻ xâm lược thêm táo tợn. Tâm lý chán ghét chiến tranh và e sợ bạo lực của đại bộ phận dân chúng sẽ là một yếu tố thuận lợi cho sự đồng thuận tiến tới những giải pháp ôn hòa, thỏa hiệp từng bước của lộ trình dân chủ hóa đích thực. Có thể nói ý thức độc lập, bảo vệ chủ quyền trước mối họa từ Trung Quốc và nhu cầu dân chủ hóa xã hội Việt Nam đang trở thành hòn đá thử vàng đối với các đảng viên cộng sản: đi với dân tộc thì còn có cơ hội tồn tại, không bị hậu thế nguyền rủa; vì lợi ích của cá nhân hay đảng phái mà phản bội dân tộc thì kết quả cuối cùng sẽ rất thê thảm. Tấm gương tày liếp của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống là những bài học lịch sử, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị.

VOA: Xin cám ơn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn.

.

.

.

No comments: