Quốc nạn Hoàng Sa-Trường Sa Trách nhiệm thuộc về những ai ?
Bùi Tín
Đăng bởi tinletrai on 05/24/2010
Quốc nạn Hoàng Sa – Trường Sa đang diễn ra. Trong nước, ngoài nước cùng thức tỉnh. Vì sao ra nông nỗi này ? Làm thế nào để thoát nạn, giành lại đất, biển, đảo, tài nguyên, chủ quyền đã mất ?
Nhiều suy nghĩ, lý lẽ, giải pháp được đề xuất. Việc nước không phải của riêng ai. Từ các bậc thức giả, nhà sử học, luật học, văn học đến các nhà báo, nhà bình luận, các bạn trẻ đã vào cuộc. Các cuộc biểu tình và hội luận sôi nổi.
Qua một bài báo trước, tôi đã nêu rõ trách nhiệm của 4 kỳ lãnh đạo của bộ chính trị, từ Đại hội VII (1991) đến Đại hội X và hiện nay, với các tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, và chỉ ra 2 nhân vật nguy hiểm nhất bán mình cho thế lực bành trướng nước lớn và đến nay vẫn còn dùng uy lực chính trị để cưỡng bức đảng cộng sản theo con đường phụ thuộc Bắc Kinh, là cựu tổng bí thư Đỗ Mười và cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Theo tôi đó là chìa khóa để hiểu cặn kẽ nguồn gốc của tình hình, hiểu sâu mọi diễn biến cụ thể thường bị che dấu kỹ, tránh sự hiểu biết đại khái chung chung, từ đó nhận ra những ai chịu trách nhiệm, lâp luận được vững chắc.
.
Một tư liệu có giá trị: Xin giới thiệu với các bạn một tài liệu chúng ta cần đọc kỹ nói riêng về quan hệ giữa đảng Cộng sản Việt Nam và đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1975 đến 1995, từ mối quan hệ chí cốt, đến rạn nứt và đối kháng và chiến tranh tháng 2-1979 dọc 6 tỉnh biên giới phía Bắc, gắn liền với cuộc chiến tranh biên giới phía Nam, Việt Nam – Cam-Bốt, thực tế cũng là cuộc chiến tranh Việt – Trung nữa thông qua lính Khơme Đỏ được Bắc Kinh nuôi dưỡng và chỉ huy.
Tài liệu này mang tên ”Hồi Ức và Suy Nghĩ” ‘(bấm) của Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Trần Quang Cơ, người cộng tác tin cẩn nhất của bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người sau đại hội VII được cử làm bộ trưởng ngoại giao, nhưng đã từ chối chức vụ ấy, trả lại luôn cả chức uỷ viên trung ương đảng, cũng như chức uỷ viên bộ chính trị được tổng bí thư Đỗ Mười hứa hẹn (!), vì không đồng tình sâu sắc với đường lối đối ngoại phụ thuộc Bắc Kinh.
Ông Cơ từng làm đại sứ ở Bangkok, tham dự từ đầu các cuộc đàm phán với phía Mỹ ở Paris, cầm đầu cơ quan CP87 của Bộ Ngoại Giao chuyên nghiên cứu về Cam-Bốt. Ông được giao nghiên cứu về đường lối đối ngoại và đặc biệt là về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ sau Đại hội VI (1986) đến Đại hội VII (1991) và sau Đại hội VII, đặc biệt là về bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Sau khi tự nguyện rút khỏi trung ương treo ấn từ quan tháng 11-1993, ông nằm nhà cạnh Hồ Tây viết hồi ký và ngẫm nghĩ sự đời.
.
Bảy năm sau, Trần Quang Cơ hoàn thành xong tập hồi ký, ông công bố tập ”Hồi Ức và Suy Nghĩ” vào dịp đầu thế kỷ, ngày 23-1-2001; hơn 2 năm sau, ông lại bổ xung và hoàn chỉnh, công bố ngày 22-5-2003 cùng với Phụ lục 7 trang và Bảng niên đại 12 trang nữa.
.
Tập hồi ký dài hơn 60 trang, chia ra 20 đoạn, những đoạn lý thú nhất là :
”Từ chống diệt chủng đến “giải pháp đỏ” ”, ”Thuốc đắng nhưng không dã được tật”; ”Một sự lựa chọn thiếu khôn ngoan”; ”Thành Đô là thắng lợi hay thất bại?”; ”Món nợ Thành Đô”; ”Đại hội VII và cái giá phải trả cho bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”; ”Kết thúc một chặng đường nhưng lịch sử chưa sang trang”. [Trên mạng ''Đối thoại '' hiện có lưu giữ toàn bộ hồi ký này; ở hải ngoại, tạp chí ''Truyền Thông'' ở Canada do ông Trần Giao Thủy chủ biên cũng in toàn bộ Hồi ký này trong số Xuân 2005]. (http://www.doithoaionline.org/tailieu/tranquangco01.html)
.
Những kẻ mắc ” lỡm ”: Trong tập Hồi ký, Trần Quang Cơ nhiều lần nhận xét và phê phán những người lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Việt nam non nớt về chính trị, nhẹ dạ cả tin đối với những kẻ nuôi đầy tham vọng bành trướng với đất nước ta, ”mắc lỡm” những tay bợm già Bắc Kinh. Với thái độ thẳng thắn ngay thật, ông chỉ rõ Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sao mà nhẹ dạ một cách lạ kỳ đến thế, vừa đến Thành Đô, Giang Trạch Dân vừa đưa ra công thức cho Hội đồng Dân tộc Tối cao ở Cambốt là 6+2+2+2+1, ông Linh đã vội xum xoe nhanh nhẩu : ”Vâng, cũng được, chúng tôi thấy thế là được !”. 6 là của phía Hun Xen, 2 là của phe Xihanúc, 2 là của phe Son San, 2 là của phe Khơme Đỏ, còn 1 là Xihanúc, đóng vai chủ tọa. Mới 2 tháng trước khi trợ lý bộ trưởng ngoại giao Từ Đôn Tín đưa ra công thức này ở Hà Nội đã bị Trần Quang Cơ bác bỏ và yêu cầu giữ công thức 6+2+2+2 như HunXen đã thỏa thuận, đây là công thức 6 +6, cân bằng cho 2 bên, Việt Nam ủng hộ nhóm 6 người của Hun Xen, Trung Quốc ủng hộ nhóm 2+2+2 của Xihanúc, Son San và Khơme Đỏ.
Phía Trung Quốc chỉ chờ có thế. Họ ghi âm lời Nguyễn Văn Linh và in ra gửi rộng rãi đi khắp nơi, đến Pnom Penh, Vientiane, Bangkok… mặc dù trước đó họ cam kết đây là cuộc họp tuyệt mật, xa Bắc Kinh, ở Thành Đô (Tứ Xuyên). Để nhử Phạm Văn Đồng đến Thành Đô, đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội Trương Đức Duy còn nói nửa úp nửa mở rằng ”đồng chí Đặng Tiểu Bình chúng tôi cũng có ý muốn gặp đồng chí Phạm Văn Đồng vào dịp này”. Khi ông Đồng đến Thành Đô rồi, họ lờ tịt chuyện này. Họ nhử mồi vậy đó.
.
Một điều xấc xược nữa là họ không nhắc gì đến ngọai trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ủy viên bộ chính trị phụ trách đối ngoại, trong lời mời đến Thành Đô, cho rằng với cam kết của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng là quá đủ. Họ cũng nghĩ rằng 3 vị này của Việt Nam mà đồng ý thì tất Hun Xen phải đồng ý, không ngờ rằng sau vụ Thành Đô, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh đều vấp phải thái độ cứng cỏi của Hun Xen, không cho phép ai mặc cả sau lưng mình.
Theo Trần Quang Cơ, tại Thành Đô, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bị ăn quả lừa to tướng, bị dụ vào xiếc, bị mắc lỡm to, bị hớ, bị thua thiệt đủ đường.
.
Cái nhục của giải pháp đỏ: ” Giải pháp đỏ ” là gì? Là sáng kiến của 3 vị: Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Nguyễn Văn Linh. Đỗ Mười và Lê Đức Anh là do tính toán, do mưu đồ liên kết mọi thế lực cộng sản, dù có ít nhiều hơi hướng cộng sản, để trụ lại và tồn tại trong phong ba bão táp. Nguyễn Văn Linh thì do giản đơn, ấu trĩ. Ông ta như người trên trời rơi xuống, ít bản lĩnh, ngả ngiêng, khi được ông Trần Độ tán và thuyết phục, liền hăng máu vịt: ”Văn nghệ sỹ, hãy tự cứu, chớ bẻ cong ngòi bút, hãy tự giành lại tự do!” ; nhưng khi thấy chính quyền cộng sản Ba Lan rung rinh, tường Berlin sập, ông liền hô hoán : đa nguyên là nguy khốn. Đỗ Mười và Lê Đức Anh được Nguyễn Đức Bình và Đào Duy Tùng làm quân sư quạt mo, chủ trương tập họp thật chặt, thật gấp mọi thế lực cộng sản, dù là Khơme đỏ, dưới lá cờ lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc đông đảo có 60 triệu người.
.
Chính Lê Đức Anh là kẻ mặn mà nhất trong đề xướng và truyền bá ”giải pháp đỏ”. Trong bộ chính trị, có lần Lê Đức Anh nói: ”Mọi lực lượng cộng sản, dù là đỏ, hay hồng, hay cả xanh đi nữa, miễn là cộng sản, đều cần đoàn kết lại ”. Ngày 6-6-1990, Lê Đức Anh mời cơm thân mật đại sứ Trương Đức Duy, không có phiên dịch, nhưng phía Trung Quốc ghi âm lén hết, lưu ở biên bản lời nói như sau: ”Ở Cambốt Xihanúc chỉ đóng vai trò tượng trưng, còn lực lượng chủ chốt của 2 bên là lực lượng Heng Somrin và lực lượng Polpot. Trung Quốc và Việt Nam sẽ bàn với bạn Campuchia của mình, và thu xếp để 2 bên gặp nhau giải quyết vấn đề. Đây là gặp nhau bên trong, còn bên ngoài hoạt động ngoại giao vẫn bình thường. Ngày xưa Polpot là bạn chiến đấu của tôi”. Xin ghi kỹ lời nói này.
Chính Lê Đức Anh chỉ thị cho cán bộ ngoại giao và báo chí không dùng 2 chữ ‘’diệt chủng” để chỉ bọn Polpot nữa, lại còn ép Hun Xen chấp nhận, nhưng bị Hun Xen phản ứng dữ dội và bác bỏ dứt khoát. Hun Xen còn dạy lại phía Việt Nam rằng: nếu bỏ tội diệt chủng của Polpot thì việc bộ đội Việt Nam vào Cambốt mất ngay chính nghĩa! Hun Xen cũng bực tức nói rằng ở Thành Đô người ta đã thương lượng sau lưng chúng tôi một cách vô nguyên tắc, vì trước đó các bên đều nhất trí là chuyện nội bộ của Cambốt phải do người Cambốt giải quyết với nhau, không có sự can thiệp của bên ngoài.
.
Bắc kinh cũng quay lưng lại với ”giải pháp đỏ”: Đỗ Mười và Lê Đức Anh tưởng đâu Bắc kinh sẽ vồ vập lấy ”giải pháp đỏ”. Hai vị bị tẽn tò. Giang Trạch Dân ranh khôn, đã lặng lẽ để sang một bên con chủ bài ”giai cấp” tiêu biểu của chủ nghĩa Mác để khoác chiếc áo ”dân tộc”, với ”chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Đặng, Giang và Hồ Cẩm Đào đã quên khẩu hiệu trung tâm của Mác là ”giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Nay họ chủ trương liên minh giai cấp, hợp tác giai cấp, hài hòa giai cấp. Hàng lọat tư bản đỏ, tư sản mới, chủ ngân hàng mới, tỷ phú mới là đảng viên cộng sản, vào đảng cộng sản, còn vào ban chấp hành trung ương nữa.
.
Sau khi Liên Xô tan vỡ, Đảng cộng sản Liên xô cáo chung, cuộc đảo chính chống Góocbachốp tháng 8-1991 ở Moscow thất bại, Đỗ Mười và Lê Đức Anh lại xum xoe van xin đảng cộng sản Trung Quốc đứng ra làm trụ cột cho phong trào cộng sản quốc tế, làm ông Anh Cả thay cho Liên xô. Trung Quốc lại mỉm cười im lặng. Giang Trạch Dân còn dạy khôn cho Đỗ Mười rằng các đảng cộng sản nay đều trưởng thành, tự lập, gắn bó quá với nhau chỉ gây bất lợi, bị các nước phương Tây sẽ e ngại và chống phá.
Cho nên khác với Việt Nam, Trung Quốc không còn tỏ ra gắn bó chí cốt với ”Cuba xã hội chủ nghĩa”, cũng không quá vồ vập với Hugo Chavez – người hùng chống Mỹ ở Tây bán cầu, lại đi cầu thân với các nước độc tài – dầu lửa ở Tây Phi và Trung Đông, mang hàng trăm tỷ Mỹ kim đi đầu tư, giao du thân thiết với các nước độc tài dầu mỏ ở châu Phi và Nam Mỹ.
.
Chiến lược ”đánh lấn”: Trong Hồi ký của mình, Trần Quang Cơ nhiều lần than phiền về thái độ mù mờ, vô nguyên tắc của các quan chức cao nhất trong cung đình Cộng sản ở Hà Nội, bị dụ dỗ, lừa dối hết keo này đến keo khác, hết công thức ”6 – 7” lép vế đến ”sớm bình thường hóa toàn diện”, ”sớm trở lại hợp tác anh em”, và đặc biệt là ”sớm ký kết những hiệp định về biên giới và lãnh thổ”.
Từ 1996 đến 2000 khi thương lượng về biên giới Việt – Trung, phía Việt Nam bị lép vế, xỏ mũi, lừa bịp, dụ dỗ, mua chuộc không biết bao nhiêu mà kể.
Những người xưa kia từng khoe khoang hợm hĩnh là có nền ngoại giao tài giỏi, đương đầu trên bàn đàm phán với Pháp, với Mỹ cứng cỏi, khôn khéo, thì trong hơn 4 năm đàm phán với Bắc Kinh lại chỉ phơi bày thái độ bạc nhược, co thủ, hèn kém. Trước hết họ bị Bắc Kinh dở trò ”đánh lấn”, ngoạm từng miếng một. Bắc Kinh đề ra tách việc bàn biên giới trên bộ trước, trên biển tiếp theo, trên đảo sau cùng. Phía Việt Nam vâng dạ ngay. Họ ngoạm được chừng 800 cây số vuông trên bộ ngon ơ, gồm cả vùng Ải Nam Quan, thác Bản Dốc, núi Mã Sơn, và hơn 30 điểm khác đều có xê dịch cột mốc từ thời có chiến sự… Sau đó họ ngoạm miếng thứ 2 to hơn nhiều : hơn 10 ngàn cây số vuông trên biển. Từ bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm rồi Nguyễn Dy Niên cho đến thứ trưởng Lê Công Phụng nắm trong tay hồ sơ đàm phán, đều nhận chỉ thị của Đỗ Mười, Lê Đức Anh, rồi Trần Đức Lương là thương lượng nhanh gọn, vì đã chót hứa hẹn với Giang Trạch Dân là ký xong hiệp định trên bộ trong năm 1999 và hiệp định trên biển trong năm 2000. Có đời thủơ nhà ai lại đi cam kết trước về mốc thời gian chứ không phải về nội dung thương lượng! Cho nên cả 2 hiệp định đều ký vội vã, chớp nhoáng đảo nhoàng vào những ngày cuối năm, ngày 30 -12-1999 và ngày 25-12-2000 cho đúng hạn đã chót hứa, chỉ còn 1 ngày và 6 ngày là hết năm. Họ ép từng ngày như vậy đó.
.
Cách thức thương lượng do Bắc Kinh quy định. Nội bộ bàn với nhau ”trên tình anh em”. Không công bố nội dung từng phiên thương lượng. Nghĩa là bàn lén, là đi đêm, sau lưng nhân dân và quân đội 2 nước, sau lưng quốc hội 2 nước, sau lưng công luận thế giới. Không dám làm theo kiểu khi thương lượng với Pháp và Mỹ, mỗi phiên đều có thông báo tỷ mỷ nội dung và kết quả. Họ sợ công luận. Họ sợ báo chí quốc tế. Họ sợ các nhà sử học, địa lý, hải dương học tìm hiểu, chất vấn. Họ sợ những ông nghị khui chuyện. Thế là cả một lô nhà ngoại giao và nhà lãnh đạo lại ”mắc lỡm”, chui vào bẫy bợm già bành trướng, nhẹ dạ, biếu không, dâng hiến họ biết bao của quý của quốc gia, mắc không biết bao nhiêu tội nặng đối với quê cha đất tổ, dù có chém chừng 50 cái đầu Bộ chính trị từ khóa VII đến khóa X này cũng không hết tội.
.
Mắc lừa cuối cùng là chuyện tranh giành ở các đảo. Bắc Kinh hẹn bàn chuyện trên bộ cho xong, sau bàn trên biển, sau cùng sẽ bàn về đảo, nhưng cuối cùng họ qụit, họ chạy làng, họ vênh mặt: xong rồi, khỏi phải bàn, là của ta hết, như thứ trưởng ngoại giao và thủ tướng các người long trọng công nhận. Người quân tử chỉ nói một lần. Quân tử nhất ngôn. Xong. Lại bị mắc quả ”lỡm”, há miệng mắc quai.
.
Lối thoát duy nhất: Cuối năm 2007, Bắc Kinh lên cơn kiêu ngạo. Hơn 10 năm phát triển 2 con số hằng năm. Quốc tế tín nhiệm giao cho đăng cai Đại hội Olympic 2008. Nam bang cộng sản triều cống đều đều. Trước và sau Đại hội đảng, bộ sậu cung đình Hà Nội đều lên Kinh Bắc thỉnh thị và mật tâu mọi sự, từ đường lối đến nhân sự. Chủ tịch nước định đến thủ đô Washington trước Bắc Kinh, thấy đàn anh nhăn mặt, đã vội thay đổi lộ trình.
Trưởng ban tuyên huấn Tô Huy Rứa và bộ trưởng thông tin – viễn thông Lê Doãn Hợp tỏ ra mặn mà đặc biệt với những kinh nghiệm và chỉ dẫn của các bậc đàn anh. Xong kỳ họp quốc hội, phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng bay ngay lên phương Bắc mật báo mọi sự.
.
Bắc Kinh hiểu rõ nhóm lãnh đạo Nam bang đã chịu tự nguyện thắt chặt mình với cỗ xe của Thiên triều bằng 16 chữ vàng chóe do họ nhử : ”Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”; lại còn thêm 4 điều răn ”4 tốt” như cho học trò mẫu giáo : ”Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Và những ngày cuối năm, họ chơi bài ngửa : ”Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc trọn về ta”. Cấm cãi !
.
Lòng yêu nước của 84 triệu con em đất Việt đang được thử thách.
Hãy biến Quốc nạn thành dịp may hiếm có.
Biểu tình liên tiếp, bền gan, ngày càng lớn hơn trước sứ quán và lãnh sự quán Trung Hoa. Lôi cuốn ngày càng đông. Và cả trước nhà các lãnh đạo chính của cung đình cộng sản suy tôn bành trướng là thày.
Nhưng gấp hơn, mạnh hơn là buộc nhóm lãnh đạo bộ chính trị phải giải trình rõ ràng tỷ mỷ 2 hiệp định bất bình đẳng trên bộ và trên biển, chịu sự chất vấn và phản biện của nhân dân, đúng theo phương châm do chính họ đề ra: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Họ phải giải trình sớm trước một phiên họp quốc hội công khai, được nhân dân theo dõi chặt và giám sát. Họ phải công bố công khai những tập bản đồ phân định biên giới trên bộ và trên biển, đến nay vẫn giữ kín.
.
Ngay từ đầu năm 2008, mối quan hệ Việt – Trung phải là chủ đề quan trọng hàng đầu mà lãnh đạo của đảng cộng sản phải trả lời rõ ràng, minh bạch cho nhân dân trong và ngoài nước. Trong việc bàn luận, người Việt Nam ta cần đi đến kết luận là giới lãnh đạo phương Bắc là ”anh em, là đồng chí thân thiết của nhân dân Việt Nam, là những người cách mạng chân chính” như bộ chính trị cộng sản thêu dệt, hay họ tỏ ra là những con người mang bản chất bành trướng nước lớn tệ hại. Chính đây là đề tài mà ông Trần Quang Cơ đã nghiền ngẫm suốt hơn 20 năm trời quan hệ và làm việc với họ để đi đến kết luận là mặt chính bản chất của họ là tham lam vô độ, lừa lọc, hiếp đáp và bành trướng, cảnh giác bao nhiêu với họ cũng không vừa.
Con đường giữ gìn an ninh, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ Quốc chỉ có thể là con đường trả lại tự do trọn vẹn cho nhân dân, trả lại toàn dân ngay lúc này quyền tự do báo chí, lập hội và bầu cử trong trật tự và luật pháp, hội nhập trọn vẹn với thế giới dân chủ văn minh, thoát nhanh khỏi những thứ hạng thấp kém, dưới hơn một trăm nước về mọi chỉ tiêu cơ bản của thế giới.
Cái đích toàn dân Việt ta sẽ đạt tới trong năm nay là: từ bỏ dứt khoát một lần cho tất cả cái mô hình tệ hại độc quyền đảng trị kiểu Trung Quốc, đàn áp dân mình và hiếp đáp các nước láng giếng bé nhỏ hơn mình.
Bùi Tín
@tq.net
.
.
.
No comments:
Post a Comment