Tuesday, May 11, 2010

PHẢN ỨNG SAU PHIÊN TÒA PHÚC THẨM CÁC NHÀ DÂN CHỦ SÀI GÒN

Phản ứng sau phiên tòa phúc thẩm các nhà dân chủ Sài Gòn

Thanh Quang, phóng viên RFA Bangkok

2010-05-11

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Harsh-sentences-for-peaceful-dissidents-TQuang-05112010103144.html

Tòa phúc thẩm TPHCM hôm thứ Ba 11-5-2010 đã ra phán quyết y án tổng cộng hàng chục năm tù đối với các nhà dân dân chủ Lê Công Định, Trần Hùynh Duy Thức và Lê Thăng Long.

Bất chấp những lời kêu gọi của công luận Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, Tòa phúc vẫn tuyên giữ 16 năm tù và 5 năm quản chế đối với nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức, y án 5 năm tù và 3 năm quản chế đối với LS Lê Công Định và giảm còn 3 năm 6 tháng tù cùng 3 năm quản chế dành cho ông Lê Thăng Long vốn bị án sơ thẩm 5 năm trước đó.

.

Diễn biến phiên xử

Cũng giống như bao nhiêu phiên tòa khác xét xữ những nhà bất đồng chính kiến trong nước, phiên phúc thẩm tại Saigon hôm nay dành cho những nhà bất đồng chính kiến, gồm LS Lê Công Định, ông Trần Huỳnh Duy Thức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần “Một kết Nối”, ông Lê Thăng Long, sáng lập viên nhóm “Nghiên cứu Chấn” đã diễn ra trong không khí căng thẳng, canh phòng nghiêm nhặt của công an, cảnh sát trong khi các nhà ngoại giao và ký giả nước ngoài không được tham dự phiên xử.

.

Thân nhân của nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức, là Trần Huỳnh Duy Tân có tham dự phiên tòa mô tả lại diễn biến phiên xử như sau:

“Phiên tòa này, tôi thấy có một điều là cho các bị cáo cũng như các luật sư của bị cáo, trước hết về phần anh Trần Huỳnh Duy Thức, thì luật sư Triệu Quốc Mạnh có được dành cho thời gian đầy đủ để trình bày quan điểm của mình. Do đó LS Mạnh giúp bào chữa và anh Thức cũng tự bào chữa cho mình.

Tôi thấy điều nầy là tốt. Tuy nhiên bản án cuối cùng thì Hội đồng xét xữ không xem xét tới phần bào chữa đó của anh Thức cũng như LS. Mặc dù anh Thức có yêu cầu đưa ra bằng chứng để buộc tội anh ấy, nhưng Tòa án không đáp ứng, nên cuối cùng vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm (là 16 năm tù và 5 năm quản chế). Tôi cho rằng như vậy là bản án này không công bằng, quá nặng.”

Thang Quang: Thế còn những bị can khác, nhất là LS Lê Công Định có được tự bào chữa hay thế nào không, thưa anh?

Ô. T.H.D.Tân: LS Lê Công Định cũng tự bào chữa. Theo dự kiến lúc đầu thì Tòa LS bào chữa cho anh Định, nhưng anh Định nói là tự bào chữa được nên Tòa mời LS đó về. Thành ra anh Định có tự bào chữa cho mình, qua đó, anh Định xin xem xét để giảm án, nhưng không được đáp ứng.

Thanh Quang: Còn nhà bất đồng chính kiến Lê Thăng Long thì sao, thưa anh?

Ô. T.H.D.Tân: Anh Long cũng tự bào chữa. Nhưng phần bào chữa của LS của anh Long, là ông Nguyễn Minh Tâm, xác nhận anh Long có tội và xin được khoan hồng. Tòa hòi anh Long thì anh Long cũng đồng ý với phần bào chữa đó của LS. Như vậy HĐXX xem anh Long đồng ý nhận tội và xin khoan hồng.

.

Phản ứng sau phiên tòa

Cùng bị kết tội trong vụ án được công an Việt Nam gọi là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”, với các nàh dân chủ kế trên nhưng Thạc sĩ công nghệ thông tin đã quyết định không kháng án. Nhân dịp nầy, mẹ của nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung đã bị án tù 7 năm, là bà Lê thị Minh Tâm nhận xét về phiên phúc thẩm hôm nay:

Bà Lê thị Minh Tâm: Phiên phúc thẩm thì gia đình chúng tôi không được tham dự nên không biết. Nhưng vừa rồi chị Ngọc Khánh, vợ LS Lê Công Định, có nhắm tin, cho biết diễn biến trong phiên tòa cũng vẫn câu hỏi cũ, cũng vẫn những vấn đề như cũ, không có gì thay đổi cả. Nên không thể có hy vọng được.

.

Trong khi đó mẹ của LS Lê Công Định, bà Nguyễn thị Mai, bày tỏ nỗi niềm của mình:

Bà Nguyễn thị Mai: Ngày hôm qua tôi mới đi thăm con Lê Công Định, đi thăm thì tôi cũng không dám nói gì hết, vì khi mình thăm cũng có “tụi nó” ngồi đó nên không dám nói gì hết. Nhưng thấy Định cũng vui vẻ, phấn khởi. Định nói mẹ đừng có buồn, đừng lo, con sẽ về với mẹ. Nó nói thì tôi hay vậy thôi, chứ tôi biết nó an ủi tôi vậy thôi. Nhưng tới đâu hay đó chớ bây giờ biết làm sao ? Thì bây giờ tôi cũng mong cái ngày của nó...Chớ bây giờ tôi chỉ còn một mình nó (khóc).

Nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn từ trong nước nhận xét về phiên tòa xét xữ những nhà bất đồng chính nầy:

Ô. Nguyễn Khắc Toàn: Đây là một vụ án của những nhà trí thức có tâm huyết, có tấm lòng đối với đất nước, muốn thay đổi thể chế độc đoán và độc tài, lạc hậu hiện nay sang đa nguyên, đa đảng, tức sang một nền chính trị văn minh và tiến bộ hơn, phù hợp với xu thế tiến hóa và văn minh của nhân loại.

Đối với đảng CSVN, họ không dung tha cho bất cứ hành động cũng như khát vọng như vậy. Vì thế họ đã ra tay bắt giam những nhân vật đấu tranh nầy. Nói về mặt bản chất, đây là cuộc đấu tranh chính trị không khoan nhượng giữa nhân dân và thế lực độc tài do đảng CSVN đang nắm giữ.

Tất nhiên họ phải dùng tới công cụ chuyên chế như hệ thống luật pháp độc tài, các bộ máy tư pháp như Viện Kiểm sát, Tòa án, công an để gọi là hợp thức hóa trừng trị những nhà bất đồng chính kiến nầy vi phạm tội hình sự. Nhưng thế giới đều biết những thủ đoạn như vậy đã xưa lắm rồi. Và qua những vụ sơ thẩm trước đây, thì mọi người đều biết chế độ Hà Nội đang quyết tâm rất cao là trừng phạt, đàn áp thẳng tay một cách không thương tiếc những người nêu cao chính nghĩa tự do, dân chủ cho VN.

Với tư cách cá nhân là một nhà báo độc lập, đấu tranh cho tự do,dân chủ trong nước, tôi hoàn toàn phản đối đảng CSVN đã nặng tay trấn áp những tiếng nói lương tâm chân chính của những trí thức nầy. Tôi đòi hỏi đảng và nhà nước VN phải trả tự do ngay lập tức cho những chiến sĩ dân chủ ấy.

.

Quốc tế lên án

Cũng liên quan đến bản án nặng nề mà chính quyền Việt Nam tuyên phạt các nhà tranh đấu dân chủ ôn hòa, hôm thứ Ba 11-5, một trong những tổ chức nhân quyền thế giới nhanh chóng lên tiếng về phiên phúc thẩm vừa nói là tổ chức Human Rights Watch trụ sở tại New York, Hoa Kỳ.

Theo Human Rights Watch thì phiên phúc thẩm ở TPHCM lẽ ra phải hủy bỏ án quyết dành cho các nhà bất đồng chính kiến đó. Human Rights Watch nhấn mạnh rằng mọi quyết định của tòa không đảo ngược những án tù nặng nề dành cho những nạn nhân ấy là một dấu ấn mới thể hiện tình trạng không khoan nhượng về đa nguyên chính trị tại VN.

Ông Brad Adams, Giám đốc Á Châu của Human Rights Watch, lưu ý rằng tiến trình tư pháp dành cho các tù nhân chính trị tại VN thường là con đường không đi tới đâu. Theo ông thì những nhà dân chủ cùng hàng chục người chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa đang bị tù tội oan ức ở VN phải được trả tự do ngay lập tức.

Hiến chương ASEAN, được tất cả 10 nước thành viên chuẩn thuận, kể cả VN hiện đang giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN, nhấn mạnh đến việc cam kết tôn trọng những nguyên tắc dân chủ, bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản khác.

Theo Giám đốc Á Châu Brad Adams của Human Rights Watch thì qua việc tổ chức những phiên xử có tính cách trình diễn và rồi kết án tù dài hạn đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, VN chứng tỏ xem thường những nguyên tắc chủ chốt trong Hiến Chương ASEAN.

Và ông nêu lên câu hỏi rằng làm sao VN cho là quan tâm đến triển vọng của người dân ASEAN trong khi chính VN đưa những công dân dũng cảm của mình vào cảnh tù tội?

Hiện nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới cùng phân tích gia, những nhà ngoại giao báo động về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ tại VN, nơi ít nhất có 20 nhà dân chủ phải lâm cảnh lao lý kể từ tháng 10 năm ngoái.

(Thanh Quang tường thuật từ Bangkok, Thái Lan.)

.

Theo dòng thời sự:

VN chuẩn bị xử các nhà tranh đấu dân chủ

Tòa phúc thẩm y án 3 nhà bất đồng chính kiến

VN xử LS Lê Công Định, TS Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long

Đàn áp không phải là Công lý

Sự tĩnh lặng trước phiên tòa

Đấu tranh cho dân chủ bị tuyên án từ 5 cho đến 16 năm tù

Diễn tiến phiên tòa xử các nhà dân chủ

Phiên toà xử các nhà tranh đấu: bị cáo phản đối hội đồng xét xử

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: