Thursday, May 20, 2010

NHỮNG CÁI BẤT CẬP TỪ CẦU CẦN THƠ

Những cái bất cập từ cầu Cần Thơ

Tạ Phong Tần
Wednesday, May 19, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113137&z=2

Chiếc cầu dây văng được gọi là “dài nhất Ðông Nam Á” khánh thành, người dân miền Tây Nam bộ tưởng đã thờ phào trút được gánh nặng “qua sông thì phải lụy... phà.” Sau những hồ hởi, vui mừng ban đầu, người dân giờ đây lại phải đối mặt với những bất cập mới phát sinh từ chiếc cầu “sản phẩm của trí tuệ và sức người mà còn là một tuyệt tác của giao thông ở Việt Nam nói chung, ÐBSCL nói riêng,” như báo chi thi nhau ca tụng ngày cầu Cần Thơ được khánh thành.

Thiếu biển báo gây nên tình trạng hỗn loạn

Trước hết là hệ thống biển báo giao thông loạn xà ngầu. Cầu mới, đường dẫn mới, hướng đi mới nhưng ngành giao thông vẫn dùng cái biển báo giao thông cũ, làm cho người tham gia giao thông chẳng biết đường nào mà đi. Kết quả là nhiều người đã bị “đậu phộng đường,” mạnh ai nấy chạy gây ra tình trạng ùn tắc hết sức nguy hiểm.

Theo báo Người Lao Ðộng, “Quốc lộ 91C (rộng lớn, có dải phân cách ở giữa) qua cầu Hưng Lợi, giao cắt với đường 30-4, đường 3-2, kết nối với Quốc lộ 91B, ngang qua trung tâm TP Cần Thơ thì biển báo ngay nút IC3 lại chỉ dẫn lên ‘sân bay Trà Nóc 12 km.’ Ðiều này khiến cho cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra ở nút giao IC3 vì mọi người lầm tưởng đường này chỉ đi lên sân bay. Trong khi thực tế, đây là đoạn đường rất quan trọng giúp điều tiết giao thông đi các tỉnh An Giang, Kiên Giang và đi các nơi khác. Cũng tại nút giao này, biển hướng dẫn chỉ đi cảng Cái Cui nhưng các cơ quan chức năng lại ‘quên’ rằng cặp cảng Cái Cui là đường Nam Sông Hậu đã hoàn thành góp phần không nhỏ trong việc giải quyết lưu thông.”

“Ông Phan Quang Dự, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản Lý Khai Thác Cầu Cần Thơ, thừa nhận hiện nay hệ thống biển báo, hướng dẫn qua lại cầu Cần Thơ còn thiếu và chưa hoàn chỉnh, gây khó khăn cho người dân khi lưu thông.”

.

Không có điểm quay xe và đường dân sinh

Cũng theo NLÐ, “đường dẫn phía Cần Thơ dài hơn 7,6 km nhưng từ nút giao IC3 đến nút giao với Quốc lộ 1A (giáp Ba Láng, quận Cái Răng) dài khoảng 5 km hoàn toàn không có điểm quay xe, gây khó khăn cho hàng chục hộ dân có nhà nằm ở khu vực này. Mặc dù nhà nằm cách nút giao IC3 chỉ hơn 1 km nhưng muốn vào nhà, người dân phải đi gần 4 km mới có chỗ quay xe và đi ngược lại để về.”

Tính đến thời điểm sáng 17 tháng 5, 2010, dọc theo đoạn đường dẫn cầu Cần Thơ phía Vĩnh Long dài 5,41 km và đoạn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km, đã có gần 100 vị trí rào chắn của đoạn giao thông này bị người dân tự ý tháo bỏ để mở lối đi. Việc tự ý tháo dỡ rào chắn là do người dân ở đây không thấy cơ quan chức năng khởi công dự án làm đường dân sinh như kế hoạch, dù cầu Cần Thơ đã thông xe gần một tháng.

Ông Nguyễn Văn Tư, một người dân có nhà ở ven đường dẫn cầu Cần Thơ giải thích: “Ðất của gia đình tôi bị giải tỏa để xây dựng cầu Cần Thơ. Vì vậy, thời gian qua, cuộc sống của gia đình tôi chỉ biết dựa vào thu nhập từ bán nước giải khát ven đường dẫn. Khi công trình này hoàn thành, đường dẫn bị rào chắn, đường dân sinh lại không mở như chính quyền các cấp đã hứa, con đường làm ăn của gia đình tôi bị bít lối, buộc lòng phải tháo bỏ rào chắn.”

Cũng vì không có đường dân sinh, mà rào chắn hai bên đường dẫn quá dài, muốn vận chuyển hàng hóa ra đường chính phải đánh đường vòng đi lên rồi đi xuống hàng mấy cây số, nên dù không phải cư ngụ gần đường dẫn, nông dân cũng phá rào chắn để vận chuyển nông sản theo đường thẳng từ rẫy lên mặt đường dẫn để qua cầu.

Anh nông dân Tám Phúc (ngụ khu vực 4, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) nói với báo NLÐ rằng: “Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy. Nay rào chắn bít lối đi nên chúng tôi phải ‘xé rào’ để vận chuyển nông sản.”

Không chỉ riêng người dân tự ý tháo dỡ rào chắn, những trụ sở của một số cơ quan Nhà nước ở khu vực này cũng tự ý “cùng nhau mở đường.”

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dự án mở đường dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở đây, đơn vị thiết kế đang hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật. Ðến khoảng cuối tháng 5, dự án này sẽ trình UBND TP Cần Thơ và có thể khởi công sau đó. Dự kiến, tổng số vốn của dự án này lên đến hàng trăm tỉ đồng.”

Cầu đã thông gần một tháng rồi, mà dự án mở đường dân sinh vẫn còn nằm trên giấy và chưa hoàn chỉnh. Còn khi nào có vốn và khi nào khởi công thì... chưa biết (?!).

Ông Nguyễn Thanh Sơn chống chế: “Do chưa có đường dân sinh nên địa phương tạm thời cho người dân tháo rào chắn để mở đường đi tạm. Tuy nhiên, việc làm này phải trong phạm vi cho phép.” Chỉ cần nhìn sơ qua cũng biết để hoàn thành các đoạn rào chắn ấy thì phải tốn vật tư, vật liệu, vận chuyển, công lao động tính ra tiền không phải là ít. Lắp vào rồi không sử dụng được, gây khó khăn cho người dân, rồi lại “cho phép” tháo ra thì việc hư hỏng đường, mất mát rào chắn ai là người chịu trách nhiệm bồi thường? Thật tình từ trước đến giờ tôi mới nghe thấy hiện tượng đường dẫn cầu mới vừa làm xong cái độp lại tháo ra mà lại là “trong phạm vi cho phép.” Không rõ cái “phạm vi cho phép” ông phó chủ tịch nói được quy định tại đâu?

Ngập nước và quá tải

Sau cơn mưa không lớn chiều ngày 4 tháng 5, 2010, một phần đường dẫn cầu Cần Thơ phía bờ Bình Minh-Vĩnh Long đã ứ đọng nước thành vũng kéo dài không lối thoát, gây nhiều khó khăn, nguy hiểm cho người đi vì khi lên dốc hay xuống dốc cầu đều sợ trượt bánh xe.

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, kể từ 18 giờ ngày 28 tháng 4, 2010, phà Hậu Giang ngừng hoạt động vì đã có cầu Cần Thơ thay thế. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, cầu Cần Thơ đã bị quá tải, gây nên kẹt xe nghiêm trọng, kéo dài. Vì vậy, ông Lê Tấn Học - Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải thành phố Cần Thơ nói với báo Tuổi Trẻ rằng: “Sở đang chuẩn bị trình UBND TP đề nghị Bộ GTVT sớm bàn giao cụm phà Hậu Giang để TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long chủ động lựa chọn đơn vị có chức năng, trang bị phương tiện đưa đón khách qua sông.”

Việc người dân tự ý tháo rào chắn đường dẫn cầu, họ biết làm vậy là sai những vẫn cứ làm. Người dân bị đẩy vào tình trạng bắt buộc phải làm sai và không thể không làm sai, vì chính phía thiết kế, đầu tư gây khó khăn cho cuộc sống của họ, cản trở sản xuất. Về chính quyền thành phố Cần Thơ cũng bị đẩy vào tình trạng thấy dân làm sai không dám xử lý ai, mà phải “năn nỉ” dân làm vừa vừa phải phải “trong phạm vi cho phép” thôi, vì chính quyền cũng hiểu và thông cảm với nỗi khổ của người dân sống ven cầu. Từ đó dẫn đến hiện tượng luật pháp không nghiêm.

Hoặc tình trạng biển báo giao thông thiếu, lộn xộn hay mặt đường dẫn cầu đọng nước, nếu có tai nạn xảy ra thế nào các bên cũng tha hồ đổ lỗi qua lại cho nhau, nhùng nhằng không giải quyết được dứt điểm, cuối cùng chỉ có người dân là thiệt hại.

Hồi xưa, ông bà ta thường nói: “Nước đến chân mới nhảy,” “Mất bò mới lo làm chuồng” chỉ những người tính tình “tâm hơ tâm hất,” không biết lo trước lo sau cho chu đáo, để xảy ra hậu quả rồi mới vội vàng nháo nhào lên tìm biện pháp “chữa cháy.” Thời bây giờ, người ta không dùng mấy câu ca dao, tục ngữ “lạc hậu” đó nữa, người ta dùng từ “triết học,” “bác học” hơn là: “Thiếu tầm nhìn,” còn phải “nhìn” đến bao nhiêu mới gọi là “đủ” thì chưa biết. Tôi không có trình độ triết học hay bác học, tôi gọi đơn giản, cụ thể hơn là: “Tầm nhìn không quá cái cầu.”

.

.

.

No comments: