Thursday, May 27, 2010

NGỘ và DẠI (về vụ thầy giáo ĐỖ VIỆT KHOA)

Ngộ và dại

Hà Hiển

27/05/2010 7:00 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=20732

.

Sự kiện thầy giáo Đỗ Việt Khoa nổi tiếng chống tiêu cực một thời vừa xin thôi việc đang trở thành chủ đề nóng trên cả báo chí và các trang web cá nhân.

.

Có hai bài viết về chủ đề này đang thu hút nhiều người tham gia bình luận.

Bài thứ nhất là của nhà báo Trương Duy Nhất đăng trên blog của mình. Trang blog của ông khá nổi tiếng, số lượng người truy cập lớn, có lời quảng bá rất ấn tượng: “Có thể không mới, chưa hẳn đã hay, nhưng là một góc nhìn khác!”.

Bài thứ hai là bài trả lời phỏng vấn của phó giáo sư Văn Như Cương danh tiếng, hiệu trưởng một trường tư thục nổi tiếng tại Hà Nội, đăng trên VietNamNet.

.

Ngộ

Phải thừa nhận rằng trong bài viết của mình, nhà báo Trương Duy Nhất đã đưa ra nhiều ý kiến không phải là không có lý như: “trong một xã hội toàn người câm thì việc dám nói của thầy Khoa quả là một của hiếm để tuyên truyền”, “bi kịch của thầy Khoa phần lớn do sự thổi dựng của báo chí. Hệ quả tất yếu của một kiểu lối dựng anh hùng trong thời buổi khan hiếm những tấm gương”, “Chuyện thầy Khoa ngay từ lúc đầu đã được nhân điển hình để dồn phiếu cho một chuyện khác, một phong trào khác”, rằng để chống được tiêu cực thì “chỉ có lòng tốt, sự thật thà và dũng cảm (là) chưa đủ”…

Nhưng điều “đặc sắc” nhất thể hiện trong bài viết của ông Trương Duy Nhất, tiếc thay, là việc tác giả thiếu một tấm lòng mà lẽ ra một nhà báo đã trở thành người của công chúng như ông (hàng triệu người đã truy cập vào blog của ông) cần phải có hơn ai hết, trong khi lại có thừa sự ác ý và nhẫn tâm dành cho một con người đơn độc đến đáng thương là thầy Khoa.

Trong bài viết của mình, nhà báo Trương Duy Nhất đã chọn những từ, những chữ đầy mỉa mai để nói về thầy Khoa như: “giật mình khi nghe những phát biểu của thầy trên truyền hình”, “bật cười khi nghe tin thầy ứng cử Đại biểu Quốc hội”, rồi “một mình ngáng gậy… làm om cả nước”, hoặc dẫn lời người khác “cười khỉa thầy là ‘thằng điếc’”.

Cứ cho rằng thầy Khoa ngu ngốc, như ông nhà báo viết rằng thầy đã “không ngộ ra” điều này điều kia, thì cái sự không “ngộ” ra ấy của thầy Khoa là đáng thương hay là đáng để nhà báo của chúng ta nhạo báng?

Khi bình luận rằng “chỉ có lòng tốt, sự thật thà và dũng cảm chưa đủ” để nói về chuyện chống tiêu cực “đội đá vá trời” của thầy Khoa, hẳn là ông nhà báo muốn nói rằng thầy Khoa còn thiếu sự khôn ngoan cần thiết. Nhưng với câu này, có thể hiểu tác giả đã gián tiếp thừa nhận lòng tốt, sự thật thà và dũng cảm của thầy Khoa. Với lòng tốt, sự thật thà và dũng cảm ấy, dù còn thiếu sự khôn ngoan đi nữa mà lại ở trong một tình cảnh như “trứng chọi đá” như thế thì thầy Khoa càng nên được quý trọng, càng rất cần được cảm thông, chứ sao lại có thể bị chế giễu bằng những ngôn từ chua cay như vậy?

Và không dừng lại ở đó, sau khi buông ra những lời giễu cợt, ông nhà báo đã cho thầy Khoa một “đập” cuối cùng khi viết rằng nếu là hiệu trưởng như thầy Văn Như Cương, ông cũng “lắc đầu nói không với thầy Khoa”.

Có thể nhận thấy một thái độ ngạo mạn, dậy khôn, coi thường người khác của tác giả khi ông viết rằng “báo chí không ngộ ra, thầy Khoa không ngộ ra, và cả một đội ngũ đông đảo những người ủng hộ thầy Khoa cũng không ngộ ra” cái điều mà có vẻ chỉ riêng nhà báo Trương Duy Nhất mới “ngộ ra”: sự thiếu khôn ngoan của thầy Khoa!

Tôi nghĩ trong số những người ủng hộ thầy Khoa, không ít người cũng nghĩ như ông Trương Duy Nhất rằng thầy Khoa rồi sẽ thất bại thôi, rằng người ta đã lợi dụng thầy, rằng thầy Khoa chống tiêu cực chỉ như trứng chọi đá. Chỉ có điều là những người đó không vô cảm, không tàn nhẫn như ông nhà báo nổi tiếng, và nếu không thể làm gì được cho thầy Khoa thì ít nhất họ cũng im lặng mà thương cảm cho thầy đã chiến đấu đơn độc trong một thế trận không cân sức.

Cái sự im lặng ấy có thể cũng do cái sự hèn mà ra. Trong số những người hèn như thế, có cả tôi. Nhưng giữa sự im lặng với việc mỉa mai đầy ác ý, mục hạ vô nhân, nhằm vào một con người đang đơn độc và thất thế thì điều gì hèn hạ hơn?

Văn hay chữ tốt cũng có thể trở thành một thứ vũ khí sắc bén, giết người không dao, nhưng nên được dùng để “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” hơn là đem sử dụng với những người lương thiện không có vũ khí trong tay. Những người hay chữ như ông Trương Duy Nhất lẽ ra phải NGỘ ra điều này từ lâu rồi, chí ít cũng ngay từ khi mới bước chân vào nghề viết thì mới là phải chứ nhỉ?

.

Dại

Bây giờ xin được nói một chút về bài trả lời phỏng vấn của PGS Văn Như Cương trên VietNamNet.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu ông có còn giữ lời hứa cách đây 3 năm rằng sẽ nhận thầy Khoa về làm việc hay không, PGS Văn Như Cương nói rằng bây giờ thì ông không nhận nữa, bởi “nhận thức của tôi cũng đã thay đổi”.

Ông giải thích cho sự thất hứa của mình là do bây giờ ông nghĩ thầy Khoa là người “không bình thường”. Và một trong những lý do khiến ông cho rằng thầy Khoa “không bình thường” là việc thầy ứng cử Đại biểu Quốc hội.

PGS Văn Như Cương, vốn nổi tiếng là có những lập luận chặt chẽ, khách quan, khoa học, thì trong trường hợp này lại đưa ra những suy diễn rất cảm tính như: “có thể, thầy Khoa nghĩ sau vụ chống tiêu cực thi cử được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến nhà thăm và tặng bằng khen, được VTV làm chương trình ‘Người đương thời’… nên đã đề cao mình quá?”.

Hãy nghe ông phát biểu:

“Tôi không hiểu nội tình cụ thể, nhưng ông Hiệu trưởng của Trường THPT Vân Tảo đã thay mới thì tôi nghĩ một người nhận nhiệm vụ mới chắc chắn không theo vết xe cũ là trù dập nhân viên, nếu trước đó có hiện tượng trù dập.”

Và:

“Tôi nghĩ Hội đồng trường đó, ông hiệu trưởng ấy có xác định thái độ làm việc sẽ khác, nhưng tại sao vấn đề diễn ra vẫn phức tạp, căng thẳng vẫn xảy ra? Tôi chưa biết nguyên nhân do đâu nhưng theo tôi nghĩ từ phía thầy Khoa nhiều hơn.”

Những người từng ngưỡng mộ PGS Văn Như Cương khó có thể thể chia sẻ được cách “lập luận” kiểu “tôi nghĩ” mặc dù “không hiểu nội tình cụ thể”, “chưa biết nguyên nhân do đâu” như thế.

PGS Văn Như Cương nổi danh với lời đồn của thiên hạ “Văn như Cương, Toán cũng như Cương”, nổi tiếng thâm thúy, nghe đâu là tác giả của câu đối mừng Xuân năm nào mà tôi rất thích: Năm hết, Tết đến, to ăn to, nhỏ ăn nhỏ, to nhỏ đều ăn/ Thu qua, Đông về, mới mặc mới, cũ mặc cũ, mới cũ cũng mặc.

Một người như thế mà bây giờ lại “lập luận” như vậy sao?

“Ở trường tôi, các thầy không ủng hộ cách làm của ông Khoa. Nhiều người cho rằng thầy Khoa dại” – Đó cũng là câu PGS Văn Như Cương dẫn lời các thầy giáo đang dạy ở trường ông.

Tôi thì không nghĩ thầy Khoa dại, đơn giản là vì thầy không đặt ra cái sự khôn dại, được gì mất gì cho bản thân ngay từ khi thầy mới bước vào cuộc chiến chống tiêu cực.

Tôi lại nghĩ là PGS Văn Như Cương dại khi đưa ra lời hứa với thầy Khoa cách đây 3 năm để bây giờ phải thất hứa vì những lý do rất thiếu thuyết phục, mang tiếng là “quân tử” mà không “nhất ngôn”, rất không xứng với danh tiếng của mình như thế.

Không những dại mà còn hơi vô duyên. Vì thầy Khoa đã bao giờ có nguyện vọng xin về làm việc ở trường của PGS Văn Như Cương đâu mà nhận với chẳng không nhận!

.

© 2010 Hà Hiển

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: