Monday, May 10, 2010

KHI THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM HIỂU LẦM

Khi thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam hiểu nhầm thiện ý đối với quê hương của nghị sĩ Mỹ gốc Việt

Trình Phụng Nguyên

11/05/2010 7:26 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=20120

.

Bức thư đề ngày 29.04.2010 của ông Cao Quang Ánh, dân biểu gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Mỹ, từ chối lời đề nghị của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn không chỉ là sự trục trặc ngoại giao đơn thuần.

.

Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Cao Quang Ánh vào tháng Giêng vừa qua cùng hai nghị sĩ Eni Faleomavaega và Mike Honda, ngoài câu nói: “Có nhiều nguyện vọng của tôi nhiều lúc không đi song với đường hướng của chính phủ Việt Nam“, hầu như ông Cao không đả động gì về mặt chính trị.

.

Lúc đầu đã có một số người trong Cộng đồng Người Việt tại hải ngoại có lời ra tiếng vào về chuyến đi này. Họ e ngại ông nghị sĩ Mỹ gốc Việt chủ trương bắt tay, hòa giải hay thoả hiệp điều gì đó với nhà nước Việt Nam. Nhưng chuyến đi cuối cùng rồi cũng đã diễn ra trong êm xuôi. Từ phía Việt Nam chỉ có vài hàng tin – nhiều phần nói tốt về ông Cao Quang Ánh – với đôi ba hình ảnh nằm trong khuôn khổ ngoại giao được báo chí đăng tải. Ở hải ngoại cũng thế. Từ phía ông Cao Quang Ánh cũng không có đúc kết gì sau chuyến đi. Người ta đã gần như đã quên đi câu chuyện này.

.

Bẵng đi đôi tháng, vào ngày 31.03.2010, từ Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn gửi một bức thư đến Washington đề nghị ông Cao Quang Ánh hỗ trợ cho Bộ Ngoại giao - ở đây là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – gặp gỡ Cộng đồng Người Việt và các tổ chức ở nước ngoài để hội thảo nhằm xóa đi những “ngộ nhận và hiềm khích” của Cộng đồng vì “… còn thiếu thông tin đúng đắn về Việt Nam và vẫn còn mang tư tưởng hận thù cùng những lời nói, việc làm chống lại Nhà nước Việt Nam.

Một tháng sau, nghị sĩ Cao Quang Ánh công bố bức thư phúc đáp của ông (thư đề ngày 29.04.2010) từ chối đề nghị của thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn vì cho rằng: “tiền đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải toả những điều được gọi là ‘THIẾU THÔNG TIN ĐÚNG ĐẮN’ là tiền đề sai lầm và chắc chắn không phải là khởi điểm mang tính cách xây dựng cho việc đối thoại.”

.

Qua bức thư từ Bộ Ngoại giao, ông thứ trưởng muốn dựa vào tình yêu quê hương cùng với “vị trí và uy tín” của ông nghị sĩ để chính thức được chính quyền Mỹ bao bọc, bảo vệ cho những buổi dự định tuyên truyền công khai của nhà nước Việt Nam trên đất Mỹ, rồi đến Canada. Việc này cho đến hôm nay chưa từng xảy ra ở hải ngoại.

Những toan tính này cho thấy ông thứ trưởng đã không có sự khôn ngoan cần thiết. Không khôn ở chỗ, dù trực tiếp tiếp xúc với ông nghị sĩ trong suốt chuyến công du ở Việt Nam, ông thứ trưởng vẫn không nắm và hiểu được ông nghị sĩ thực sự nghĩ gì về nhà nước Việt Nam hiện tại. Và ở chỗ rất liều lĩnh – đến mức độ hồ đồ trơ trẽn – khẳng định rằng ở hải ngoại thiếu thông tin đúng đắn về Việt Nam.

.

Đã có dịp đi trong lòng đất mẹ, ông Cao Quang Ánh “đã tận mắt chứng kiến và thực sự cảm nhận qua chuyến về Việt Nam vừa rồi” (lời của ông Nguyễn Thanh Sơn), hiển nhiên ông có những suy nghĩ thấu đáo cùng những trăn trở cụ thể về hiện tình của đất nước. Trả lời ông thứ trưởng, cùng với căn nguyên của sự từ chối vì sai lầm ngay từ tiền đề, ông nghị sĩ nêu lên những điều “tận mắt chứng kiến” về sự thống trị hà khắc của chính quần Việt Nam hiện tại: những vụ trấn áp tôn giáo, xách nhiễu và giam cầm những người bất đồng chính kiến, chiếm đoạt tài sản tư hữu v.v… Chung qui rất rõ ràng là những vi phạm nhân quyền trầm trọng.

.

Có một số cá nhân cho rằng nên nhân cơ hội này tạo nên những buổi hội thảo rộng rãi nhằm mục đích cải hóa hàng ngũ lãnh đạo của nhà nước Việt Nam. Nhưng ông Cao Quang Ánh không có hy vọng như thế. Ông đã quyết định ngược lại.

.

Ông đã trình bày quan điểm của mình trong chuyến công du như sau: “Mặc dù đôi khi bất đồng ý kiến về một số vấn đề nào đó, nhưng mục đích cuối cùng mà chúng ta cùng hướng đến là càng ngày Việt Nam càng mạnh và người dân được phát triển. Mặc dù bước tiến mà chúng ta đi đến đích nhiều khi không song hành với nhau, ngay cả như tôi và hai người bạn nghị sĩ ở đây nhiều khi không đồng ý, bất đồng với nhau nhưng vẫn cùng nhau làm việc để có thể tìm kiếm sự thống nhất, nhằm có được bước đi tốt đẹp hơn cho nước Mỹ. Vì vậy, tôi hi vọng dù nhiều khi chưa đồng ý về một số vấn đề nào đó, nhưng chúng ta sẽ hợp tác và cùng nói chuyện để nước Việt Nam được phát triển”.

.

Có lẽ ngay từ chuyến công du, ông Cao Quang Ánh cũng đã nhận ra được là ông Nguyễn Thanh Sơn không có thiện chí trong căn bản thảo luận, không muốn lắng nghe ý kiến đối lập mà chỉ muốn tuyên truyền những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lời lẽ trong bức thư của ông Nguyễn Thanh Sơn: “… Những cá nhân, những tổ chức… vẫn còn mang tư tưởng hận thù cùng những lời nói, việc làm chống lại Nhà nước Việt Namcho thấy cách lập luận hoàn toàn cứng nhắc và mang tính đùn đẩy. Như thế sẽ không có đối thoại, mà chỉ là độc thoại một chiều – điều này được gọi là tuyên truyền. Nó sẽ không đem đến kết quả tích cực mà chỉ hao tốn thời gian, thậm chí còn gây ra xung đột.

.

Cuối công văn phúc đáp, ông Cao Quang Ánh nhấn mạnh: Tôi nhất thiết yêu cầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ thiện chí giải quyết những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu tiến trình hàn gắn những vết thương sâu đậm đã chia cắt chúng ta và có những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành trên những vấn đề trọng yếu về lợi ích chung.

Cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo, lời kêu gọi của ông Thứ trưởng đến với cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục không được đón nhận.

Tôi, giống như đa số người Mỹ gốc Việt, mong muốn một Việt Nam giàu mạnh. Chỉ là điều tự nhiên khi người ta có thiện ý đối với quê hương.”

.

Những lời ấy chứng tỏ nghị sĩ Cao Quang Ánh không chỉ yêu Việt Nam, mà ông còn đang rất sẵn lòng với quê hương, nhưng không vì thế mà ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn có thể dụ dỗ.

Nhà nước Việt Nam và báo chí lề phải rồi đây – như thông lệ – sẽ tuyên bố rằng nghị sĩ Cao Quang Ánh thuộc thành phần phản động, là thế lực thù địch ngoan cố, chống lại tiến trình hòa hợp hòa giải dân tộc, không khéo ông nghị sĩ này còn có âm mưu diễn biến hòa bình, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, v.v…

Chẳng lạ gì! Cứ để yên mà coi!

.

© 2010 Trình Phụng Nguyên

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: