Saturday, May 15, 2010

KHI NÀO TRUNG QUỐC SẼ TRỞ THÀNH MỘT QUỐC GIA TIÊN TIẾN ?

Khi nào Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia tiền tiến ?

Nguyễn Minh
Đăng ngày 15/05/2010 lúc 04:17:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4816

Khai mạc Hội chợ Thượng Hải 2010

Giữa lúc Hy Lạp đang khốn đốn vận động thế giới cho vay tiền để tránh bị khánh tận, tối ngày 30-4-2010 Hội chợ quốc tế Thượng Hải 2010 đã tưng bừng khai mạc trong tiếng nhạc, điệu múa. Hai bờ sông Hoàng Phố rực sáng dưới ánh đèn màu và pháo bông suốt thâu đêm.

Lễ khai mạc tuy chỉ có 8.000 quan khách tham dự, trong đó có hơn 20 nguyên thủ quốc gia, nhưng đã có tới gần 10.000 nhân viên cảnh sát và chừng đó quân đội để bảo vệ an ninh. Tổng cộng hơn 60.000 người đã được huy động để điều hành và bảo vệ an ninh khu hội chợ. Chưa bao giờ một cuộc triển lãm quốc tế có nhiều nhân viên an ninh lộ diện công khai như tại Thượng Hải.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên nhất là khuynh hướng phương Tây hóa của ban tổ chức. Trừ y phục cổ truyền của từng sắc tộc tại Trung Quốc, không một điệu múa cổ truyền nào của Trung Quốc được mang ra trình diễn trên sân khấu như trong Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008. Mở đầu là màn biểu diễn dương cầm bài Dòng Sông Xanh (Beau Danube Bleu, kế đến là màn trình diễn của 155 vũ công ballet và nhiều màn ca vũ nhạc music hall và pop của Mỹ. Tất cả đều được kết hợp với âm thanh, hình ảnh và ánh sáng laser ba chiều chiếu lên trên những màn ảnh lớn dọc hai bờ sông Hoàng Phố. Bài hát chính "Better city, Better life" (thành phố tốt hơn, đời sống tốt hơn), cũng là chủ đề của cuộc triển lãm quốc tế lần này, do những nghệ sĩ nước ngoài trình diễn.

Trên một diện tích rộng 5,28 km2, gần 250 nhà và gian hàng triển lãm của 189 quốc gia cùng lãnh thổ và 57 tổ chức quốc tế được xây dựng lên, với những kiến trúc tân kỳ và độc đáo, để đón tiếp từ 70 đến 100 triệu người đến viếng thăm trong suốt sáu tháng, từ 1-5 đến 31-10-2010. Đây là hội chợ quốc tế rộng và lớn nhất từ trước đến nay, gấp 20 lần hội chợ quốc tế Saragosse trước đó tại Espana năm 2008.
Để có được một diện tích rộng lớn này, chính quyền Thượng Hải đã di dời hơn 60.000 cư dân địa phương và 270 hãng xưởng đi nơi khác, trong đó có một xưởng đóng tàu sử dụng hơn 10.000 nhân công.

Tổng số tiền mà chính quyền Thượng Hải và các quốc gia tham dự đã bỏ ra để tổ chức hội chợ quốc tế này đã lên đến 60 tỷ USD, ngang bằng tổng số tiền mà Hy Lạp cần vay mỗi năm để trả nợ và hơn phân nửa GDP của Việt Nam năm 2009 (92 tỷ USD). Đây cũng là số tiền lớn nhất từ trước đến nay đã được chi ra để tổ chức một hội chợ quốc tế. Bắc Kinh muốn nhân dịp này đánh bóng hình ảnh Trung Quốc, từ một quốc gia chậm tiến đang trở thành một siêu cường về kinh tế. Riêng ngôi Nhà Triển Lãm Trung Quốc, rộng 160.000 m2, cao 63 m, màu đỏ, nhìn từ xa giống một lư hương mà ban tổ chức gọi là chiếc mũ đế vương, đã tốn trên 220 triệu USD.


Số tiền dự trù bỏ ra để tổ chức Hội chợ quốc tế này là 4,2 tỷ USD, nghĩa là đã gấp đội tổng số tiền bỏ ra để tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Nhưng khi đi vào thực tiễn xây dựng, tổng chi phí đã tăng lên gấp bội. Lý do là vì tranh chấp nội bộ, Thượng Hải không muốn chịu thua Bắc Kinh về uy tín và ảnh hưởng quốc tế. Thượng Hải cũng không muốn Bắc Kinh can thiệp vào việc tổ chức nên đã nhân lên gấp 15 lần tổng số tiền dự trù chi ra lúc ban đầu. Thượng Hải muốn nhân dịp này canh tân một cách sâu rộng hệ thống hạ tầng cơ sở của thành phố để xứng đáng được nhìn nhận là một thành phố tiên tiến và sạch sẽ nhất Trung Quốc, ít nhất ngang bằng với thủ đô Seoul của Nam Hàn hay thành phố hải cảng Osaka của Nhật Bản : hai bãi đáp mới tại phi cảng quốc tế Phố Đông, 100 đường xe buýt, 30 xa lộ, 5 bãi đậu xe khổng lồ và 5 tuyến xe điện ngầm hiện đại nhất thế giới.

Về những đóng góp khác, ngoài số tiền 58 tỷ USD mà chính quyền Thượng Hải bỏ ra để tổ chức hội chợ, trị giá những công trình kiến trúc do các quốc gia tham dự xây dựng đã lên tới 2 tỷ USD. Gian hàng của Hoa Kỳ, đối tác kinh tế chính của Trung Quốc, đã chỉ có mặt vào phút chót với một phí tổn xây dựng rất khiêm nhường 61 triệu USD, trong khi hai gian hàng của Nhật và Pháp đã tốn 133 triệu USD và 80 triệu USD. Mỗi quốc gia đều cố gắng xây dựng riêng cho mình một ngôi nhà hay một gian hàng riêng trong hội chợ này.


Thật ra chính quyền Thượng Hải nhắm về một tương lai xa hơn 2010. Từ khi mở cửa đón nhận đầu tư quốc tế để hiện đại hóa đất nước, những thành phố bờ biển phía đông-nam, còn gọi là Hoa Nam, đã phát triển hơn hẵn phần còn lại của Trung Quốc. Trước sự giàu có của mình, ban lãnh đạo các tỉnh Hoa Nam không muốn bị Bắc Kinh tiếp tục chèn ép như trước, họ đã bằng mọi cách phô trương sức mạnh tài chánh, kinh tế và kỹ thuật của vùng đất này, mà tiêu biểu nhất là thành phố Thượng Hải, trước dư luận quốc tế nhưng đặc biệt là người trong nước. Nếu quan sát kỹ, người ta thấy chủ tịch Hồ Cẩm Đào chỉ đứng lên chào cờ và tuyên bố khai mạc hội chợ trong hơn một phút, trong khi đại diện ban tổ chức thành phố Thượng Hải đọc một diễn văn dài trên 10 phút. Hơn nữa, trong suốt sáu tháng tổ chức hội chợ, từ 1-5 đến 31-10-2010, ban tổ chức dự trù sẽ có từ 70 đến 100 triệu người Trung Quốc vào xem, hai phần ba là dân số các tỉnh lục địa phía nam Thượng Hải. Thượng Hải đã không tiếc tiền bỏ ra để canh tân và xây dựng lại hạ tầng cơ sở để đón tiếp khối người khổng lồ này. Ngoài ra 20 triệu dân Thượng Hải còn được cho nghỉ 5 ngày để có thì giờ tham dự hội chợ quốc tế này.

Sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Thượng Hải còn thể hiện qua sự vận động dư luận quốc tế. Trước cố gắng và số tiền vượt mọi tưởng tượng này, đây là hội chợ quốc tế đầu tiên có ít lãnh đạo quốc gia tham dự ngày khai mạc. Trên nguyên tắc có 189 quốc gia và 57 tổ chức quốc tế tham dự triển lãm, nhưng trong thực tế chỉ có 15 nguyên thủ quốc gia, 5 thủ tướng và hơn 20 chủ tịch quốc hội các quốc gia khác có mặt trong ngày khai mạc. Trừ tổng thống Pháp (Nicolas Sarkozy), chủ tịch ủy ban Châu Âu (Manuel Baroso), tổng thống Nam Hàn (Lee Myung-bak), đa số còn lại là đại diện các các quốc gia thuộc thế giới thứ ba và quan khách Trung Quốc. Sự kiện này đã không làm phật lòng chính quyền Thượng Hải mà còn ngược lại. Đối tượng của cuộc triển làm quốc tế này là dân chúng Trung Quốc, 95% khách tham dự. Báo chí Thượng Hải nói Expo 2010 là sân chơi ngoại giao lớn nhất Trung Quốc : nếu Olympic Bắc Kinh 2008 là nơi người Trung Quốc biểu diễn cho thế giới xem thì Expo 2010 là nơi thế giới biểu diễn cho người Trung Quốc xem. Chủ đề "thành phố tốt hơn, đời sống tốt hơn" thật ra là chủ đề dành riêng cho 20 triệu dân Thượng Hải và các thành phố Hoa Nam, phát triển và giàu có hơn phần còn lại của Trung Quốc.

Kiểm duyệt thông tin

Một đồng thuận chung giữa Bắc Kinh và Thượng Hải là quyết tâm bịt miệng mọi tiếng nói đối kháng trong dịp Expo Thượng Hải 2010, cũng như Olympic Bắc Kinh 2008 trước đó. Mọi cuộc họp mặt không có giấy phép là bất hợp pháp và những người tham dự có thể bị bắt giam. Báo chí Thượng Hải cho biết hơn 6.000 người đã bị bắt trước ngày khai mạc hội chợ. Những người vô gia cư và thành phần bất hảo đều được gom đi nơi khác, kể cả những người bất mãn bị ép buộc di dời đi nơi khác cư trú. Những mạng thông tin điện tử bị canh chừng tráo riết.


Không phải tình cờ công ty dò tìm trên mạng lớn nhất thế giới Google rút khỏi Trung Quốc, vì không muốn làm điều ác (don’t act evil), trước dịp khai mạc Expo Thượng Hải 2010. Áp lực từ chính quyền ép buộc những công ty cung cấp dịch vụ thông tin điện tử cung cấp tên và địa chỉ những người bị tình nghi chống đối chính quyền rất cao, nhất là vào dịp này. An ninh đối với đảng cộng sản Trung Quốc là mệnh lệnh ưu tiên trên mọi ưu tiên. Dư luận quốc tế đã rất ngạc nhiên về ưu tư này của chính quyền Trung Quốc. Không hiểu tại sao chính quyền Trung Quốc lại sợ tự do thông tin và trao đổi thông tin đến như vậy ? Nhưng làm sao ngăn chặn được thông tin?

Trong cuốn "Twitterville: How Businesses Can Thrive in the New Global Neighborhoods" (Twitterville : Kinh doanh phát triển thế nào tại các nước lân bang trong môi trường kinh tế toàn cầu mới) vừa được xuất bản gần đây (March 2010), tác giả Shel Israel trích lời Isaac Mao, một blogger nổi tiếng Trung Quốc, cho biết : "Những người phương Tây thường nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc là những nhà kiểm duyệt toàn năng. Thật ra không đúng như thế. Vì lượng thông tin trên mạng quá lớn, cho dù chính quyền Trung Quốc có ba đầu sáu tay cũng không thể nào kiểm duyệt được hết".

Những bloggers Trung Quốc cho biết, bất chấp những thiệt hại to lớn về tri thức, Bắc Kinh đã tuyển mộ hơn 30.000 người chuyên làm công tác kiểm duyệt thông tin trên mạng. Đây là một con số đáng kể đối với một quốc gia dân chủ bình thường, vì không ai nghĩ tới việc kiểm duyệt thông tin, nhưng đối với Trung Quốc số người này không thấm vào đâu. Vì thông tin không chỉ được phổ biến riêng trên mạng internet mà ở tại khắp nơi và bằng mọi phương tiện : sách, báo, radio, truyền hình, bài diễn thuyết, bài giảng, tờ rơi, v.v. Cũng nên biết số người sử dụng mạng thông tin điện tử tại Trung Quốc hiện nay đã trên 500 triệu, họ có đủ mọi kỹ thuật và mánh khóe để luồn lách và vượt qua tường lửa một cách dễ dàng. Hơn nữa, do không trực diện trao đổi, những bài phê phán chính quyền Trung Quốc thường ký bút hiệu hay nặc danh, và được phát đi từ những quán càphê internet trang bị hàng trăm máy trong những thành phố lớn. Những người làm công tác kiểm duyệt phải tốn rất nhiều thời gian để phát hiện một địa chỉ IP "phản động", khi báo động đơn vị công an canh gác quán càphê internet này thì blogger đó đã cao bay xa chạy rồi, công dã tràng.

Có thể nói hiện nay ở Trung Quốc có hai nhóm sử dụng mạng điện tử một cách an toàn qua hệ thống twitter. Một là cộng đồng sử dụng web 2.0 business đang hình thành nhanh chóng ở Trung Quốc. Với giới hạn 140 từ (words) của phương tiện này, những bloggers bày vẽ lẫn nhau kinh nghiệm luồn lách kiểm duyệt và vượt qua tường lửa của chính quyền. Hai là những nhà phản kháng dân chủ, họ sử dụng hệ thống đàm thoại twitter để trao đổi và thông tin lẫn nhau một cách an toàn vì rất khó theo dõi và không thể kiểm duyệt.

Hiện nay những nhà phản kháng dân chủ Trung Quốc đều biết sử dụng các "từ khóa" (keywords) mà các ban kiểm duyệt trung ương đang nhắm vào. Quả quít dầy gặp móng tay nhọn. Từ hiểu biết đó, những bloggers dân chủ đã thay đổi một bộ phận của các từ khiến việc truy cập của công an mạng không thực hiện được. Khả năng kiểm duyệt của chính quyền trung ương do đó bị vô hiệu trên thực tế, nếu không muốn nói là tê liệt. Thí dụ khi bàn về một phương châm lớn của nhà đương cuộc Bắc Kinh hiện nay về "xã hội hài hòa", họ chỉ cần đổi một chữ ở giữa thành "con cua đồng". Đối với những người sử dụng ngôn ngữ twitter, họ sẽ nhận ra ngay cách đùa để bàn về xã hội hài hòa mà ban kiểm duyệt nhà nước phải mất một thời gian dài mới tìm ra.

Có thể sau tranh chấp với Google, công an mạng của nhà nước Trung Quốc mới khám phá ra rằng cuộc chiến tri thức mà họ muốn ngăn chặn là một cuộc chiến bị thua trước. Lấy người đâu ra để kiểm duyệt hai triệu người mới tham gia vào các blog trên Facebook, Twitter và 40.000 video được đưa lên Youtube mỗi năm ? Làm sao kiểm duyệt được hàng trăm triệu lá thư mỗi ngày gởi qua đường bưu điện ?

Không ai ngăn chặn được trí khôn của loài người. Cố gắng kiểm duyệt thông tin chỉ là một cố gắng tuyệt vọng, không những thế, nó còn là con ngựa đen ngăn chặn Trung Quốc bước lên chiếu trên.

Khả năng trở thành quốc gia tiền tiến của Trung Quốc

Theo "Báo cáo về hiện đại hóa Trung Quốc năm 2010", do Trung tâm nghiên cứu hiện đại hóa thuộc Viện khoa học Trung Quốc công bố ngày 30-1-2010, khả năng Trung Quốc được liệt vào nhóm các quốc gia tiền tiến nhất trong đầu thế kỷ 21 này là 4%. Nghĩa là rất thấp.

Dựa theo kết quả những định lượng trong quá khứ, báo cáo kết luận một cách khách quan : "Dân số của các nước tiền tiến trong đầu thế kỷ 21 này khoảng 1 tỷ người, trong khi dân số Trung Quốc ở khoảng từ 1,3 tỷ đến 1,5 tỷ người. Khả năng Trung Quốc có thể biến thành một nước tiền tiến trong đầu thế kỷ này thấp hơn 4%".

Dư luận Trung Quốc phản đối kết luận này rất nhiều nhưng đó là sự thật. Theo giải thích của ông Hà Truyền Trí, chủ nhiệm Trung tâm hiện đại hóa Trung Quốc, kết quả trên dựa trên nghiên cứu định lượng về tình hình phong trào của Trung Quốc trong vòng 300 năm (1700-2000) qua thống kê của thế giới. Trong 300 năm đó, giữa các nước tiền tiến và các nước đang phát triển có chu kỳ thay thế lẫn nhau. Trong vòng 100 năm, khoảng 10% các nước tiền tiến rớt xuống thành các nước chậm tiến và 5% các nước đang phát triển lên cấp trở thành các nước phát triển. Việc Trung Quốc có được xếp vào hạng các quốc gia tiền tiến dựa vào các yếu tố sau đây : quy mô dân số, cách biệt về phát triển giữa các vùng, tốc độ phát triển kinh tế, trình độ phát triển về chính trị, chênh lệch về thu nhập bình quân, các định chế bảo vệ môi trường, v.v.

Theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), mặc dù có GDP đứng hạng thứ tư trên thế giới năm 2008, lợi tức bình quân đầu người tại Trung Quốc là 3.254 USD/năm, đứng hạng 104 trên 180 quốc gia. Năm 2009 chỉ số GDP có tăng lên chút đỉnh và đứng hạng ba, nhưng lợi tức đầu người vẫn không tăng lên bao nhiêu : 3.678 USD/năm, hạng 98/180.

Ông Hà Truyền Trí cho biết ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra nhiều mục tiêu : đến năm 2020 Trung Quốc được xếp vào Top 60 nước phát triển nhất thế giới, đến năm 2050 vào Top 40 và đến cuối thế kỷ 21 được liệt vào nhóm Top 20 của thế giới. Nếu được xếp vào Top 20 của thế giới, Trung Quốc được xem như là một quốc gia tiền tiến. Nhưng đây chỉ là ước mơ, thực hiện được hay không là chuyện khác. Từ đây đến cuối thế kỷ 21, tức trong suốt 90 năm sắp tới, Trung Quốc cần phải làm rất nhiều cố gắng để trở thành một nước tiền tiến. Nghĩa là phải hoàn tất hiện đại hóa Khu vực 1 và Khu vực 2, theo đó từ xã hội nông nghiệp chuyển qua xã hội công nghiệp, rồi từ công nghiệp chuyển qua xã hội tri thức (Khu vực 3).


Vấn đề của Trung Quốc hiện nay là chênh lệch giữa các vùng quá sâu rộng, phải mất rất nhiều thập niên nữa mới có thể rút ngắn lại được. Lấy thí dụ lưu vực sông Trường Giang, vùng thượng lưu còn dấu tích của xã hội sơ khai, vùng trung lưu là xã hội nông nghiệp, khu vực hạ lưu là xã hội công nghiệp. Riêng Thượng Hải, nhờ tiếp cận với biển cả và trao đổi với thế giới bên ngoài, đã phát triển và có đặc trưng của xã hội tri thức, nghĩa là tiên tiến. Hiện nay chỉ Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh duyên hải Hoa Nam có đủ cơ sở để được xếp vào hạng tiền tiến, có nếp sống ngang bằng Ý và Tây Ban Nha. Lợi tức bình quân đầu người các tỉnh duyên hải Hoa Nam cao hơn từ bốn đến năm lần các tỉnh lục địa. Nhưng dân số các thành phố này chỉ bằng 20% dân số toàn quốc.

Hơn nữa cách xếp hạng các quốc gia tiền tiến theo như báo cáo này cũng khá kỳ quặc, không dựa trên một cơ sở khoa học nào. Theo đó việc phân cấp các quốc gia phát triển ra làm 4 cấp : từ hạng 1 đến 20 là các quốc gia tiền tiến ; từ 21 đến 45 là các quốc gia trung tiến ; từ 46 đến 80 là các quốc gia sơ tiến ; số còn lại là các quốc gia chưa phát triển. Trung Quốc hiện nay thuộc hạng các quốc gia sơ tiến.

Để có thể biến thành một nước tiền tiến, Trung Quốc cần phải vượt qua ba bức tường trở ngại : một là giải quyết sự bất cân xứng trong phát triển (tại các nước tiền tiến, độ chênh lệch giàu nghèo chỉ từ 1 đến 2 lần, Trung Quốc ở mức từ 5 đến 10 lần) ; hai là quyết tâm bảo vệ môi trường và tài nguyên (phải mất 300 năm các nước tiền tiến mới thực hiện xong quá trình hiện đại hóa, Trung Quốc muốn rút ngắn quá trình này xuống 100 năm thì khả năng phá hoại môi trường rất là khủng khiếp) ; ba là thay đổi chế độ (phải dân chủ hóa đất nước, giải phóng con người để phát huy tri thức, qua đó tiến bộ và phồn vinh).

Sự phát triển của các thành phố duyên hải hiện nay rất là giả tạo, phần lớn dựa vào bóc lột sức lao động rẻ nội địa để xuất khẩu hàng hóa thu về ngoại tệ, chỉ cần một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn sự phát triển này sẽ sụp đổ như một lâu đài cát, xã hội sẽ rối loạn.

Nguyễn Minh (Tokyo)

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: