Monday, May 3, 2010

HÒA GIẢI, DUYÊN và NỢ

Hòa giải, duyên và nợ

Phúc và Thành

03/05/2010 6:09 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=19774

Lời dẫn: Đây là hai lá thư riêng của hai anh em họ, đều ở tuổi gần 80, hiện sống ở Mỹ (tên người và địa danh đã được thay đổi). Cả hai đều lớn lên ở làng K., tỉnh Nam Định, sau đó bỏ quê vào Nam, học trường sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Một người phục vụ trong ngành pháo binh (ông Phúc), một người trong ngành quân nhu (ông Thành). Cả hai đều mang cấp bậc trung tá vào tháng 4 năm 1975. Trong khi ông Phúc và gia đình di tản sang Mỹ, ông Thành và gia đình ở lại Sài Gòn và sang Mỹ năm 1990. Hai lá thư cung cấp hai cách nhìn khác nhau về những biến cố lớn trong lịch sử Việt Nam và thái độ đối với vấn đề hòa giải.

———–

.

San Francisco, ngày 16-2-2004

Cô chú Thành mến,

Tôi đã nhận được thư của Thành, đã đọc và đã nhiều suy tư. Với tôi làng K. quả là không duyên và nhiều nợ; hai em trai của tôi một người chết vì nhiều tủi nhục, và một người chết tại chiến trường Trị Thiên năm 1967 không tìm (hay chẳng ai tìm) được xác; mẹ tôi rất cô đơn và đau khổ ở tuổi già phải nuôi bốn cháu mồ côi và bị đuổi ra khỏi nhà.

Tôi rất muốn trở về làng K. để tìm lại những kỉ niệm thời thơ ấu và thăm mồ mả ông cha, nhưng vì những lẽ trên tôi đã không làm được.

Việc tu bổ đền Thành hoàng làng tôi xin gửi nhờ Thành chuyển về sự đóng góp của tôi là 400 dollar. Những kế hoạch và dự trù của ông thôn trưởng đưa ra tôi không đọc và không muốn dự phần vào đó.

Cuối thư chúc cô chú được luôn sức khỏe và các cháu được nhiều thành đạt.

Vợ chồng Phúc và các cháu.

.

*

.

Chicago, 27/2/04

Thân kính gửi anh chị Phúc,

Cảm ơn anh chị, chúng tôi đã nhận được thư của anh chị đề ngày 16/2/2004.

Qua thư anh chị cho biết là “Những kế hoạch và dự trù của ông thôn trưởng đưa ra tôi không đọc và không muốn dự phần vào đó.” Nhưng anh chị lại kí chi phiếu cho tôi để đóng góp vào việc tu bổ ngôi đền với số tiền là 400 đô la, trong khi tôi đã trình anh và bà con từ khi tu bổ đền Thành hoàng đợt trước là tôi không nhận tiền đóng góp và xin bà con nếu đóng góp thì xin gửi về ông Lê hoặc bà con ở quê để chuyển tiếp cho ông Lê. Và điều này đã được bà con áp dụng mấy lần trước.

Do đó tôi thiển nghĩ anh chị có lẽ không muốn tham gia tiếp vào công việc tu bổ ngôi đền nữa chăng nên tôi xin phép anh chị hoàn lại chi phiếu số 0328 ngày Feb 17.04 thành tiền là 400 đô la để anh chị cho hủy bỏ.

Riêng về vấn đề anh chị cho biết là “làng K. quả là không duyên và nhiều nợ” đồng thời anh chị cũng nêu lên những buồn phiền của anh trước những đau khổ của gia đình anh tại quê nhà. Vợ chồng chúng tôi hết sức thông cảm với những suy nghĩ của anh chị, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đây là hoàn cảnh chung của đất nước, hậu quả của cuộc chiến cầm đầu bởi các thế lực ngoại quốc chứ không phải người làng K. Vả lại, nếu người dân làng có đứng ra làm việc gì dưới chế độ cộng sản thì cũng chỉ là những kẻ thừa hành mệnh lệnh, không thi hành không được. Cho nên, tôi thiển nghĩ nếu làng ta có làm những điều gì không phải với chúng ta thì chúng ta cũng nên bỏ qua, bởi lẽ đối với làng ta, tuy là có 13 họ sống nhưng xét ra đều dây mơ rễ má với nhau cả: phi nội tắc ngoại. Mà những kẻ làm hại chúng ta (đưa người nhà chúng ta ra đấu tố) lại chính là ruột thịt chúng ta – đó mới chính là điều đáng chua xót.

Vì anh chị và gia đình qua đây sớm, sách báo tuy có đề cập đến những đau khổ của quê hương nhưng đó là những chuyện chung, nên tôi xin phép trình bày anh chị rõ thêm về những đau khổ mà bà con ruột thịt của chúng ta ở quê nhà để qua đây anh chị thấy rằng nhờ phúc đức tiên tổ, gia đình nhà ta như vậy là đỡ mất mát, đỡ đau đớn hơn bao nhiêu gia đình đấy. Và sau đây tôi xin nêu ra đôi ba trường hợp gần gũi:

- Nhà ông bà N.: Ông Đ. [con bà N.] bị bắn chết, nhà lớn nhất trong vùng bị phá tan tành lấy gạch ngói… đưa lên Gia Hội xây trụ sở, xây trường học. Ông bà N. [khi di cư vào Nam] phải bỏ căn phố ở Hàng Cau, Nam Định; [khi di tản đi Mỹ] bỏ căn nhà ở đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn; bỏ biệt thự ở đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định; bỏ cỗ quan tài của cụ Quy bằng gỗ vàng tâm (đóng từ Nam Định, sau đưa ra Hải Phòng rồi đưa vào Sài Gòn – công phu biết bao!); bỏ cả sinh phần của cụ xây tốn cả triệu đồng – ở nghĩa trang Bắc Việt [Sài Gòn].

- Nhà ông bà B. Th.: Cô N. bị mìn chết, ông B. Th. bị bắn chết.

- Nhà ông bà T.: Ông Q. H. bố ông T. bị bắn chết, bà Q. H. bị đấu tố và bị đưa xuống Cồn Xá (nơi phóng uế) ở – ngày cúng giỗ phải đưa lên nhà ông C. Ng. cúng – toàn thể gia cư với hai dãy nhà ngói bị tịch thu làm kho. Ông T. em ông T. bị rắn cắn chết! […]

- Nhà ông bà M.: Ông M. và người con trai lớn phải đi tù 7-8 năm. Cụ H. thân sinh ông M. 83 tuổi bị té dập đầu gối, dập ống chân (sau biến cố tháng 4 ít ngày) không nơi chữa trị. Cụ phải chịu đau đớn vô cùng trong khoảng 6 tháng trời không thuốc thang, đến tháng 10 năm 1975 thì cụ qua đời trong lúc ông M. cùng tôi đang nằm tù, gia đình chỉ còn lại mấy bà phụ nữ đứng ra lo liệu việc tống táng. Thật chẳng ai ngờ như vậy! […]

- Nhà bà Gi. và ông T.: Cả hai mẹ con đều bị đấu tố. Người đấu tố chính lại là bà B., em ruột bà Gi. và đứa con gái ông Ch. (xóm nhà anh) gọi bà Gi. là cô ruột, mồ côi bố mẹ, đã được bà Gi. cưu mang nuôi từ nhỏ. Con bé này đã ném một cái váy vào bà Gi., mày tao chửi bới bà Gi.. Bà Gi. sau được bà H. (con gái bà Gi.) nuôi vì bà T. mà anh gọi bằng dì không có khả năng và chồng thì chết. Ông T. sau khi bị đấu tố uất ức đã thắt cổ tự tử ở căn nhà của bà M. (xóm Đình – họ đuổi ông T. đến ở đây). Để chạy tội, những người đứng ra đấu tố đã đổ tội cho cụ H. (ông ngoại anh) và ông Gi. thắt cổ ông T.!

- Cụ H. Đ.: bà cụ bị bà H., cháu gọi bằng dì ruột đứng ra đấu tố. Cụ phải đeo xích ở cổ dong ở đường như dong chó. Con cụ là ông Cử Kh. bị đám thằng G. lớn, G. con đấu tố hai lần, sau chết ở Đầm Đùn [trại cải tạo]. Ông T. bố của G. lớn, G. con là anh con thúc bá của ông Cử Kh.

- Gia đình tôi:

Tôi đi tù từ 14-6-75 tới 8-2-83 – 7 năm 7 tháng có dư.

Nhà tôi mua máy dệt chiếu thất bại, sau bán chợ trời cũng thất bại vì cứ ăn vào vốn nên hết vốn phải nghỉ.

Các cháu nhà tôi mỗi đứa ngồi một góc đường bơm vá sửa xe đạp để lấy tiền đong gạo theo giá thị trường, thay vì được mua gạo (kể cả thức ăn) theo giá tượng trưng không đáng kể…

Đồ đạc trong nhà tôi: tủ lạnh, bàn ghế, giường, salon phải bán cả. Cả nhà nằm trên sàn nhà cho đến ngày chúng tôi qua đây (1990).

Nhà tôi đêm phải đi canh gác và tuần tiễu trong xóm, thỉnh thoảng phải đi dân công. Tôi về phải đi quét đường trong xóm 1 năm.

Căn nhà tôi ở bị tịch thu. Nhà nước cho ở tạm và phải trả tiền thuê. Khi gia đình tôi qua đây, người con lớn của tôi phải mua lại nhà nước!

Cháu Định nhà tôi thi vào Đại học Bách khoa đậu hạng cao được nhà báo đến phỏng vấn nhưng là con ngụy nên không được nhận vào học.

Bà con anh em trước 30 tháng 4, 1975 (khi tôi còn đang làm việc) thì anh anh em em, đến khi phải đi tù thì xa lánh, coi mình như cùi (hủi) gặp nhau thì tránh, đi qua nhà không vào. Cháu T. năm 1978 khi học lớp Ba đã viết thư cho tôi lúc đang ở trại 5 Yên Bái. “Học kì 1, con được xếp hạng xuất sắc, học kì 2 con cũng được xếp hạng xuất sắc, xuất sắc hay không xuất sắc thì cũng vậy thôi ba ạ!… Bà con anh em thì xa lánh. Khi vui thi vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai!” … Khi nghe tin tôi chết ở trong trại cải tạo, nhà tôi đi báo anh em, chẳng ai hỏi đến một câu. Sau đó nhà tôi phải nhờ ông V.Đ.T., nguyên trước cùng làm việc dưới quyền tôi, người cùng học [trường] Nguyễn Khuyến với anh đi dò hỏi đó đây mới hay là có ông thiếu tá Nguyễn Văn Thành mới chết [trong trại cải tạo] cũng ở Quân Nhu – chứ không phải tôi! Trùng tên thôi. Quân nhu chúng tôi bị chết mất trên 10 người trong trại cải tạo trong đó có hai trung tá. Còn lại là thiếu tá và đại úy.

Ông T. em ruột tôi bị đi tù ở Đầm Đùn, sau lại cùng ông em bị đày lên Yên Bái!

Căn nhà ngói 5 gian của tôi đẹp nhất làng bị tịch thu chia cho ông Xã V., người cùng xóm Đông. Ông V. ở căn nhà này được vài năm thì bán, sau đi ăn mày và chết đường.

Ông bà ngoại các cháu: Ông ngoại các cháu vào Nam một mình, bà ngoại các cháu và [các con] ở lại [làng] K. Ông ngoại các cháu rất buồn và mất năm 1958. … Bà ngoại các cháu bị đấu tố rất nặng nề vì ông ngoại các cháu và hai con rể (ông Th. và tôi) theo giặc vào Nam, anh em nội ngoại vào Nam cũng nhiều. Nhà cửa đất đai ở dưới Trại bị tịch thu chúng đuổi bà cụ lên nhà ông N. (xóm Đông) nhất gian nhị hồi. Cụ phải xuống các làng xã ở phía Nam làng K. để đi mò cua bắt ốc. Chúng bảo “ao chuôm hồ rạch ở làng dành cho các ông bà nông dân ở làng, đó không phải là phạm vi của mày!” Cụ ra đường gặp con nít chúng cũng bắt cụ phải khoanh tay chào “chào ông bà nông dân ạ!”

Năm 1980 cụ vào trong Nam. Cụ ở nhà tôi mấy ngày, thấy gia đình tôi khổ quá, chạy gạo từng bữa, nhà cửa trống huơ trống hoắc, cái giường không có mà nằm. Cụ xuống nhà ông bà Th. ở ít ngày rồi về và năm 1981 thì cụ qua đời, lúc đó tôi vẫn còn đang ở Yên Bái. Nhà tôi nghèo quá không có tiền mua vé xe lửa ra chịu tang, nhà tôi rất buồn và vô cùng ân hận.

Ông T. cậu ruột tôi bị [Pháp] chặt đầu bên Trực Chính, con rể cũng bị chết ở chiến trường Quảng Trị không biết có tìm được xác không.

Ông C. cậu ruột tôi cũng có một người con trai tử trận ở chiến trường Quảng Trị, không tìm được thi hài (làng ta có khoảng 20 người – theo như nhà tôi được kể lại – chết ở chiến trường Quảng Trị và nhiều người không tìm được thi hài. (Tôi được biết ở nghĩa trang quân đội VNCH đều có một khu dành riêng cho chiến binh cộng sản vừa vô danh, vừa có tên tuổi, nhưng việc tìm kiếm cũng rất khó.)

.

Tóm lại, qua những điều tôi trình bày trên anh thấy rằng những thiệt thòi mà gia đình anh phải gánh chịu, nhờ ơn trên tiên tổ có thể coi phần nào nhẹ hơn các gia đình khác trong làng (xin nói một cách tương đối chứ tình cảm không thể đo lường được), đặc biệt như bà thân sinh anh chẳng hạn, tuy bị đuổi ra khỏi nhà nhưng lại được ở và giữ nhà ông H. tương đối rộng rãi mát mẻ, chứ như bà ngoại các cháu nhà tôi phải xuống nhà ông N. xóm đông – nhất gian nhị hồi – ông T. phải đuổi đến nhà bà M. … còn khổ biết bao! Rồi may mắn nữa là anh chị cùng toàn bộ gia đình được ra nước ngoài trước 30/4/75, lại được định cư tại Mỹ – buổi đầu cũng có khó khăn thật nhưng đấy tưởng nghĩ là chuyện thường tình, trường hợp nào mà chẳng “vạn sự khởi đầu nan.” Các cháu qua đây được học hành đến nơi đến chốn, trong khi anh chị cũng có công ăn việc làm, nhà cửa rộng rãi thênh thang, về già có tiền hưu. Anh chị mà ở lại thì chắc chắn khó thoát được việc đuổi đi khu kinh tế mới. Các cháu thì bị đi quân dịch trong khi để gia đình ở lại khu kinh tế mới. Anh sẽ phải đi cải tạo! Pháo binh được coi là tội nặng “ác ôn” như an ninh, chính trị, tình báo… chắc chắn cũng phải bóc ít nhất là 12-14 quyển lịch mà đối với anh thì có thể tới 15, 16 năm không chừng, vì một trái đạn pháo có thể giết rất nhiều người, rồi lại con cháu cường hào ác bá (ông Ch., ông H., cụ H.)… đó là chưa nói tới việc di cư vào Nam – phải khai lý lịch tới mấy chục lần. Có lần họ cho nghỉ cả tháng trời tập trung khai lý lịch; thường thường là từ 150 trang tới 400, 500 trang - khai từ lúc để chỏm! L.M.H. (Pháo sư đoàn 1) rất thân với tôi, T.L.T. … đều từ 9-12 năm tù. Quân nhu chúng tôi cũng có mấy anh 10-12 năm đầy ải đấy (N.N.Đ. khóa 4 Thủ Đức; T.D.S. khóa 5 Thủ Đức— trung tá cả).

.

Do lẽ trên tôi nghĩ anh cũng không nên quá suy tư… Còn về vấn đề duyên hay không duyên với làng K. thiết tưởng có lẽ ta nên nói là vì hoàn cảnh này nọ chăng? Chứ nói là không có duyên thì chẳng lẽ hàng năm, cả mấy trăm ngàn người rải rác trên cả thế giới mà nhiều người cuộc sống của họ chẳng lấy gì làm giầu có, lại cũng có người mới qua lớp sau này, cũng cố gắng trở về quê thăm bà con, thăm hoặc xây cất phần mộ ông bà cha mẹ… Lại há chẳng phải đều là những người có duyên cả với bà con, với đất nước hay sao? Chưa nói đến những người được chế độ cộng sản cho là cực kì phản động. Nhưng họ đã về, đã cố gắng về – nhạc sĩ Phạm Duy chẳng hạn.

.

Còn nói về nợ thì ai trong chúng ta chẳng nợ, nợ ít nợ nhiều, có nợ nhận định được, có nợ không nhận định được mà tôi xin phép chia làm hai thứ nợ:

- Nợ dương: Là những món nợ mà bình thường chúng ta đều nhận định được. Thí dụ nợ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên, nợ những bà con anh em máu mủ xa gần đã thăm hỏi han, giúp đỡ ta lúc sơ sinh, thiếu thời, hay lớn lên; chú bác, cô dì, cậu mợ – nợ trong cuộc sống của chúng ta (vay mượn để chi tiêu trong lúc khẩn thiết, tuy trả rồi nhưng ân nghĩa vẫn còn), rồi nợ xã hội đã cung cấp cho chúng ta những tiện nghi như đường sá để đi lại, trường học với các thầy cô giáo từ lúc ta mới khai tâm, bệnh viện cùng thuốc chữa trị…

- Nợ âm: Đây mới là cái nợ đáng lo – do ông cha chúng ta hay chính bản thân vợ chồng chúng ta đã tạo nên hay vô tình tạo nên những mưu mô thâm độc, những hận thù từ nhiều kiếp trước và kiếp này chúng ta không biết – đặc biệt là như chúng ta – những cấp chỉ huy có thể vô tình hay thiếu thận trọng đã gây ra những phiền não đau đớn cho thuộc hạ hay cho những người khác. Một lời nói, một lời phê điểm, một quyết định thực hiện một mệnh lệnh, một công tác nào đó có thể đem lại nhiều đau khổ, đau thương ê chề cho thuộc cấp cùng với vợ dại con thơ của họ, chưa nói đến nỗi khổ của đồng bào liên hệ.

Cho nên người xưa đã từng khuyên ta: “người sáng suốt thường hay nghĩ xa trông rộng, nên việc chưa xảy ra đã biết rồi. Người khôn ngoan thì tuy sự nguy hiểm chưa tới mà đã biết lánh xa từ trước. Chính vì sự tai họa thường ngấm ngầm ở nơi kín đáo và phát ra những lúc người ta lãng quên, không để ý đến” (Minh giả viễn kiến ư vị manh, nhi trí giả tỵ nguy ư vô hình, họa cố đa tàng ư ẩn vi nhi phát ư nhân sở hốt giả giã – Tư Mã Tương Như).

Và để trả cái nợ âm mà chúng ta thường không lường trước được, theo người Á đông là phải làm điều thiện hầu chuộc lại những lỗi lầm mà mình đã cố ý hay vô tình tạo ra vì kẻ gieo gió tất gặt bão (Qui sème le vent, ricolte la tempête). Nhất là, phúc đức của ông bà để lại có thể ví như một cái cây dù tươi tốt sai quả thế nào chăng nữa nếu không bồi đắp thì một ngày nào đó, theo cổ nhân cũng sẽ bị tàn lụi. Bởi vậy, tiền nhân ta luôn luôn đề cao chữ “đức” và cho rằng có đức là có tất cả: “Có đức mặc sức mà ăn.”

Thư đã dài, xin phép anh chị tôi tạm ngưng. Trong thư có điều gì sơ suất xin anh chị thông cảm thứ lỗi cho. Kính chúc anh chị và gia đình vui khỏe và may mắn.

Thân kính,

Thành

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: