Tuesday, May 4, 2010

GIÁO VIÊN : GIAI CẤP VÔ SẢN MỚI TRONG XÃ HỘI CSVN

Giáo viên, giai cấp vô sản mới trong xã hội định hướng XHCN ở Việt Nam?

Nguyễn Austin

04/05/2010 6:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=19511

Phi lộ, phi phi lộ

Sẽ có người bảo rằng tôi chỉ là kẻ bông đùa, hay xa hơn, nói láo, nói sai với cái tựa đề này. Làm gì có cái chuyện giáo viên thay thế vai trò của giai cấp vô sản trong sự định hướng của một xã hội đang tìm đường tiến lên CNXH, như đang được hô hào ở Việt Nam.

Nhớ những ngày giải phóng, tôi không có may mắn đu càng trực thăng hoặc lên thuyền vượt biển. Ở lại, ngồi trên ghế giảng đường đại học tôi cũng đã mất một năm học để miệt mài với nào là chủ nghĩa Mác-Lênin, nào là Lịch sử Đảng, nào là lao động đào kênh thủy lợi, nào là ra biên giới Tây Nam cắm chông chống Pôn Pốt,…

Cái vốn kiến thức nhỏ nhoi về CNXH còn sót lại đã nhắc tôi rằng, giáo viên chỉ là tầng lớp tiểu tư sản trí thức, không bao giờ có thể là một lực lượng nòng cốt trong việc tiến lên CNXH.

Vâng, có thể tôi chỉ là một kẻ nói quá lời.

.

Giáo viên, người ở đâu trong xã hội hiện nay?

Giải phóng được vài năm, tôi ra trường và được chuyển về dạy ở một trường trung học đệ nhị cấp khá nổi tiếng của Sài Gòn xưa. Nhớ những năm tháng khi đứng trên bục, bài giảng chưa xong mà tai đã nghe vang vọng tiếng loa trường nhắc giáo viên xuống văn phòng nhận nhu yếu phẩm hàng tháng. Nửa ký đường, một hộp sữa, vài gram bột ngọt, nửa ký thịt, vài con cá và thoảng khi là một ít vải may quần, áo mỗi năm… Lương giáo viên mới ra trường, theo tiền mới đổi, vào khoảng 75 đồng, tính ra cũng được 30-40 tô phở lúc đó. Thế mà, lúc đó giáo viên ai cũng hỉ hả nghĩ rằng có được tiêu chuẩn hàng tháng như mình đã là một may mắn. Nhìn ra ngoài xã hội thấy ai cũng nghèo, hình như chỉ có tầng lớp cán bộ cao cấp mới được hưởng nhiều hơn thế.

Hơn ba mươi năm đã qua, tình cờ khi đọc bài viết về lương giáo viên hiện nay trong nước[1] tôi mới nhẩm tính rằng lương giáo viên mới ra trường hiện nay vào khoảng 1.800.000 đồng. Cứ cho là một tô phở bình dân khoảng 30.000-40.000 đồng /tô thì không đường, không sữa, không thịt, không quần áo… lương của các gíao viên hiện nay chỉ vào khoảng 45-60 tô phở! Nghĩa là có thể mỗi ngày ăn từ 1-2 tô phở để làm việc!

Ba mươi lăm năm đã trôi qua, nếu ai đi xa có dịp về thăm đất nước một lần chắc chắn sẽ thấy quá nhiều thay đổi. Những con đường mở rộng đầy ắp xe hơi đắt tiền, những tòa nhà cao ngất với những bảng hiệu quảng cáo của các công ty ngoại quốc, những cửa hàng may sắm thời trang cao cấp không thiếu những mặt hàng thời trang nhất của thế giới… dễ làm người ta choáng ngợp. Sự hào nhoáng, dù chỉ mới le lói xuất hiện, cũng đủ làm cho người ta có cái cảm giác về một xã hội đang trên đà thịnh vượng.

Sự giàu sang, phú qúi của một số tầng lớp trong xã hội là có thật. Không thiếu những ngôi nhà triệu đô của ca sĩ, người mẫu, giám đốc, đại gia,… ở những thành phố lớn của cả nước. Đâu đâu người ta cũng nói đến cách làm giàu, đổ xô tìm mọi cách để làm giàu bên cạnh những kiểu cách làm sang, làm dáng trí thức của một xã hội đang khát khao bằng cấp và tiếng tăm. Mỉa mai thay, trong một xã hội mà người ta được khuyến khích và chạy đua làm giàu bằng mọi cách như thế thì với vốn liếng và khả năng của mình, người giáo viên xoay xở thế nào trong cuộc chạy đua này để không bị bỏ lại trong tầng lớp nghèo hèn nhất của xã hội?

.

Giai cấp vô sản mới?

Có nhiều tầng lớp mới, thuộc giai cấp vô sản trong xã hội Việt Nam hiện nay. Trong lý thuyết của chủ nghĩa xã hội, ngoài công nhân luôn luôn là tiên phong của giai cấp vô sản, chúng ta có thể bổ sung vào giai cấp này một thành phần mới xuất hiện: giáo viên.

Ba mươi lăm năm trôi qua mà cuộc sống của người giáo viên chỉ quanh quẩn trong mức lương khoảng 60 tô phở /tháng, trong khi những thành phần tiểu tư sản khác đang vươn lên giàu sụ. Nếu phải gọi tên cho hiện tượng xã hội này, chúng ta không thể gọi khác đi ngoại trừ: “vô sản hóa” tầng lớp giáo viên.

Như vậy giáo viên là những người đã, đang và (chắc) sẽ là những người vô sản mới của xã hội Việt Nam hiện nay. Họ có gì để làm giàu ngoài những kiến thức và khả năng truyền đạt cho thế hệ sau? Dĩ nhiên, cũng có một số rất nhỏ giáo viên trở nên khá giả nhờ kiến thức và khả năng truyền đạt của mình được “đắc địa” trong những lớp dạy thêm ngoài giờ. Con số tiểu tư sản trí thức đó là rất nhỏ. Đại đa số sẽ không biết sống ra sao nếu không bám vào trường, lớp.

.

Đôi lời thưa gửi

Chủ nghĩa cộng sản, hay thấp hơn là chủ nghĩa xã hội dễ tiếp cận lòng người vì những khái niệm có dính tới miếng cơm, manh áo, mang tính đối kháng như “bóc lột”, và vì con người vốn đa số bị bóc lột hoặc tưởng rằng mình đang bị bóc lột.

Những khái niệm “dân chủ, đa nguyên, đa đảng” khó đi vào lòng người hiện nay ở Việt Nam hơn, vì những khái niệm này “bay bổng, trừu tượng”, và ít mang tính đối kháng?

Những người bạn giáo viên trung học hoặc đại học (thành phần trí thức của xã hội) của tôi hiện nay, khi nghe những chuyện như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung… có người không hề biết hoặc cho là “rách việc”. Họ chỉ muốn yên thân để kiếm cơm hoặc làm giàu.

Có lẽ tôi đã hơi quá lời? Xin lượng thứ.

© 2010 Nguyễn Austin

© 2010 talawas

.

[1] Xem: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201017/20100419005246.aspx

.

.

.

No comments: