Saturday, May 15, 2010

GẠO XUẤT KHẨU : TIỀN NÀO CỦA NẤY

Gạo xuất khẩu: Tiền nào của nấy

Nam Nguyên, phóng viên RFA

2010-05-15

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-rice-export-low-quality-low-price-nnguyen-05152010133454.html

Gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn có giá thấp nhất nếu so với gạo cùng loại của các nước khác.

Nhà nhập khẩu khó mua giá cao do phẩm chất gạo Việt Nam không đồng đều, việc này là hậu quả của nhiều nguyên nhân nhưng nông dân là người chịu thiệt. Nam Nguyên trình bày vấn đề này:

Xuất khẩu gạo đã 20 năm, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là hai đại gia Nhà nước Vinafood I và Vinafood II chỉ chú trọng thị trường giá thấp. Hai đại gia này lại chi phối tới 60% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước và độc quyền đi dự thầu các hợp đồng chính phủ. Ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám Đốc Vinafood II kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA không ít lần tuyên bố trên báo chí “Thế mạnh của Việt Nam là gạo trắng thì cứ phát triển gạo trắng, không nên chen chân vào gạo thơm vì không phải là đối thủ của Thái Lan”.

.

Giá lúc nào cũng thấp hơn Thái Lan

Tuy vậy ngay đối với gạo trắng, giá xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn gạo cùng cấp của Thái Lan cả trăm đô la. Thí dụ, theo mạng Rice Online bảng chào giá ngày 13/5, gạo 5% tấm của Việt Nam chào 360 USD/tấn trong khi gạo 100B cùng cấp của Thái Lan là 460USD/tấn, gạo 15% của Việt Nam 345USD/tấn so với Thái Lan 415 USD/tấn. Ngay cả loại gạo phẩm cấp thấp nhất là 25% thì gạo Việt Nam cũng kém gạo Thái tới 70USD/tấn.

Việt Nam bán gạo rẻ ngay trong thời kỳ còn bị Mỹ cấm vận trong thập niên 1980, lúc ấy qua trung gian một Việt Kiều Pháp gạo Việt Nam của bà Ba Thi đã được xuất khẩu đường vòng qua Phi châu. Gạo Việt Nam rẻ vì những lý do như: không đồng nhất, mau xuống màu, không thương hiệu, cũng như không thể truy nguyên nguồn gốc từ cánh đồng nào tỉnh nào. Chúng tôi xin trích nhận xét của GSTS Võ Tòng Xuân, nguyên hiệu trưởng trường Đại học An Giang, đồng thời là nhà khoa học nổi tiếng Đông Nam Á về lãnh vực lúa gạo:

“Nông dân mình làm ăn cá thể mạnh ai nấy làm, cho nên trên cùng một cánh đồng có mấy chục giống lúa. Thương lái đi mua về họ đâu có tách ra, họ đâu có nhà kho riêng cho mỗi giống đâu. Do đó lúa của mình khi gom lại thì nó không có giá trị, mở cái bao ra thì có nhiều loại gạo ở trong đó, người mua người ta chán ghê lắm.”

Đó là nhận xét của nhà khoa học, trên thực tế tình trạng này được kiểm chứng ngay từ ông Trương Thanh Phong Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ngày 7/5/2010 trên báo SGGP Online, ông Trương Thanh Phong tuyên bố: “Bằng mọi cách phải trữ 1 triệu tấn gạo đông xuân trong kho để đấu trộn với gạo hè thu.” Sự kiện đấu trộn này được giải thích vì lúa hè thu gặt trong mùa mưa, hạt gạo bạc bụng chất lượng rất xấu nên đấu trộn để dễ xuất khẩu.

.

Thiết lập vùng chuyên canh xây dựng thương hiệu

Để gạo có thương hiệu, có thể truy nguyên nguồn gốc tận cánh đồng, để có gạo hàng hóa đồng nhất thì phải có cánh đồng chuyên canh. TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nhận định về sự cần thiết phải tổ chức sản xuất tập trung:

“Thí dụ về lúa gạo, chúng tôi có các vùng nguyên liệu của từng tỉnh một, và tỉnh này sản xuất ba giống chúng tôi biết được nguồn gốc sản xuất ba giống đó từ đâu; tỉnh kia làm 5 giống, tỉnh nọ 2 giống ..v..v.. tôi cân đối được sản lượng, biết được chất lượng và kiểm soát được.”

Câu chuyện về vùng nông nghiệp chuyên canh vẫn là niềm mơ ước vào thời điểm hiện nay, trên thực tế chỉ có một vài công ty tổ chức được vùng lúa gạo nguyên liệu với diện tích còn quá khiêm nhường. Điển hình là vùng lúa Nhật Bản ở An Giang, Kiên Giang của liên doanh Angimex Agikitoku. Ngoài ra còn có công ty ADC với vùng lúa sản xuất theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt GAP ở Cai Lậy, Tiền Giang và Gạo Việt với vùng lúa ST5 ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.

Trong một thời gian tương đối ngắn, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, lượng gạo xuất khẩu trung bình từ 4 tới 5 triệu tấn gạo mỗi năm đã tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn vào năm 2009. Tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ muốn “ăn xổi” có được hợp đồng mới thu gom gạo, giá càng rẻ càng lợi, chẳng ai nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu hoặc hợp tác với nông dân tổ chức vùng lúa chuyên canh. Nếu tư duy này tiếp tục tồn tại thì gạo xấu bán rẻ là chuyện tất nhiên.

.

Theo dòng thời sự:

Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo

Nâng thu nhập bằng vùng nông nghiệp chuyên canh

Xuất khẩu gạo: Thực trạng và Giải pháp

Lúa gạo ế, giá xuất khẩu rớt mạnh

Sự thần kỳ lúa gạo

Cải tổ xuất khẩu gạo chưa chú ý nông dân

Giải quyết lao động thừa ở nông thôn

Nhìn nhận vai trò tích cực của thương lái

Đổi mới lần 2 ở nông thôn

Được mùa, nông dân vẫn phải lo

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: