Monday, May 17, 2010

CŨ CÀ RỐT "MADE IN CHINA" - ĐỒNG TIỀN CÓ NỌC!

Cũ cà rốt “Made in China” – Đồng tiền có nọc!

Lê Nguyên Hồng

Gửi vào ngày Thứ Hai, 17 Tháng 5, 2010.

http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=8988

Hàng chục năm qua Trung Quốc đã không ngừng thò cánh tay gân guốc khống chế Biển Đông, và bên cạnh đó là việc họ tung tiền ra “mua” các nước chư hầu. Một nước được coi là “ông lớn” như Trung Quốc tất nhiên muốn có bề thế, “tiền hô hậu ủng” phải có đồ đệ, phải có chư hầu thì mới có sự oai nghi trên trường quốc tế. Nhưng họ thu nạp được ai, mua chuộc được ai? Chắc chắn là không có nước nào dại gì mà đi theo họ, có chăng chỉ là các nước nhược tiểu đói khát, thèm viện trợ như vài nước Châu Phi, và ở Châu Á thì chỉ có Myanmar, Bắc Hàn, Việt Nam và điển hình là Campuchia mà thôi…

Đối với Campuchia, hẳn nhiều người còn nhớ rõ vụ việc xảy ra vào ngày 19/12/2009, Nông Pênh đã thi hành lệnh trục xuất 20 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) về lại Trung Quốc. Đây là một hành động được quốc tế đánh giá là hết sức vô nhân đạo của nhà cầm quyền Nông Pênh. Vì chính Campuchia vào năm 1951, họ đã cùng nhiều quốc gia đặt bút ký kết vào bản “Hiệp Ước Quốc Tế Về Người Tị Nạn” do Liên Hiệp Quốc chủ trì.

Chẳng mấy khó khăn, người ta cũng có thể hiểu được đây là một hành động trả ơn của Nông Pênh với quan thầy Bắc Kinh. Bởi họ bj mắc nghẹn “củ cà rốt” là những khoản viện trợ ưu đãi có hoàn lại và cả không hoàn lại của Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2006- 2009) Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia tới hơn 6 tỉ USD. Đó là chưa tính tới khoản 1,2 tỉ USD viện trợ kinh tế được công bố sau chuyến thăm Campuchia của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12/2009, cũng như 880 triệu USD trong các khoản vay tín dụng mà Trung Quốc cấp cho Campuchia kể từ năm 2006…

Tại hội nghị thương mại quốc tế Thượng Hải – Trung Quốc khai mạc ngày 30/04/2010, ông Hun Sen – Thủ tướng Campuchia có tham dự nhân chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày, và bất ngờ nhận được món quà từ “người bạn lớn”, đó là 256 xe quân đội và 50.000 bộ quân phục cho Quân đội Campuchia. Tổng trị giá đợt hàng viện trợ này là 100 triệu Nhân dân tệ, tương đương 14 triệu USD.

Gói viện trợ bất ngờ mà ông Hun Sen được hứa giúp nói trên, chính là một đòn chơi trội mà Bắc Kinh đánh vào người Mỹ. Vì sau vụ việc Campuchia trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ về nước, thì Hoa Kỳ đã tuyên bố tạm dừng khoản viện trợ quân sự mà họ đã hứa với Nông Pênh là 200 xe quân sự và 50.000 bộ quân phục cho quân đội Campuchia.

Như nhiều người đã biết, Campuchia là một nước nhỏ và rất nghèo. Diện tích vẻn vẹn 181.035 km2, dân số khoảng hơn 13 triệu, trong đó chiếm khoảng hơn 2 triệu là người Hoa và Việt Nam. Kể từ sau thời Khơ Me Đỏ, Campuchia hầu như hoàn toàn sống nhờ các khoản viện trợ từ nước ngoài (chủ yếu là từ Châu Âu và Mỹ). Khi câu chuyện Trung Quốc hậu thuẫn cho Khơ Me Đỏ bất thành, bị quốc tế lên án, Trung Quốc đã tấn công quân sự vào Việt Nam bằng cuốc chiến khởi phát ngày 17/02/1979 nhằm trả đũa giúp cuộc chiến biên giới tây nam Việt Nam – Campuchia mà Khơ Me Đỏ đã thất bại. Và sau đó nhà cầm quyền Trung Quốc đã tảng lờ trước dư luận và coi như mình không có quan hệ thân mật gì với Campuchia nữa…

Nhưng nay câu chuyện Khơ Me Đỏ đã lùi vào quá khứ, “ông lớn” Trung Quốc lại tiếp tục lò dò vào Campuchia, và chìa ra “củ cà rốt” ngọt ngào. Họ đầu tư cho Campuchia thì hẳn đã có sự cân nhắc tính toán cặn kẽ. Trước mắt, khi các gói viện trợ được rót vào thì đồng thời với nó chính là sự hiện diện của các công ty Trung Quốc thắng thầu trên đất Campuchia tại các dự án xây dựng thủy điện và làm đường giao thông. Vậy là “lãi mẹ đẻ lãi con” mà lãi con chắc chắn là vượt xa lãi mẹ. Sau đó là việc các nhà “trồng rừng” của Trung Quốc đã nhận được những hợp đồng chuyển nhượng, bàn giao đất với số lượng hàng trăm ngàn ha. Báo cáo của “Rural 21”, một tạp chí quốc tế về phát triển nông thôn, cho biết Trung Quốc đã nhận được 200.000ha đất sang nhượng tại Campuchia kể từ năm 1998 đến 2006, và đến nay thì con số này chắc chắn đã là lạc hậu.

Sau mối lợi về kinh tế là mối lợi về chính trị, và vấn đề chủ quyền. Từ nay Trung Quốc không còn lo ngại về chuyện Campuchia là điểm trú ngụ cho người tị nạn Trung Quốc nói chung, người Duy Ngô Nhĩ nói riêng nữa. Tất nhiên là các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đừng mơ đến việc ẩn náu tại nơi này. Và nếu các dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi thuộc thềm lục địa của Campuchia được quyết định thành dự án khai thác, thì tất nhiên với tầm kiểm soát của mình, Trung Quốc sẽ có chủ quyền trên vị trí nhà đầu tư, mặc dù quyền chủ quyền về mặt địa lý vẫn là của Campuchia. Giống như thành phố Boten Golden Cty của Lào giáp biên giới Trung Quốc, nay đã bị “Trung Quốc hóa” hoàn toàn. Khi ấy việc bỏ ra 5-10 tỉ USD đầu tư cho mối quan hệ ban đầu chỉ là
“con Săn Sắt” so với “chú Cá Rô” lợi nhuận khổng lồ về sau mà
thôi…

Ông Cheang Vannarith –Một chuyên gia giữ chức chủ tịch Viện Nhiên Cứu Về Hợp Tác Và Phát Triển Campuchia, nhận định mối quan hệ (gọi tắt là Cam – Trung) là mối quan hệ “hai bên cùng thắng”. Thực ra quốc gia đi vay chính là người thua thiệt, vì ngoài việc phải trả lãi xuất, họ còn chịu những áp lực về kế hoạch phát triển đất nước. Đôi khi việc cần đầu tư trước, làm trước lại phải nhường chỗ cho những dự án lẽ ra phải đi sau, vì quốc gia cho vay vốn, lại đang dư thừa (thậm chí là khủng hoảng thừa) một loại công nghệ hoặc một loại sản phẩm công nghệ nào đó. Mà chỗ “tiêu hóa” nó không gì tốt hơn chính là các nước nghèo đang phải xin vay mượn của họ.

Một bằng chứng bằng… sắt thép bê tông cho câu chuyện nói trên, chính là cây cầu Thăng Long của Hà Nội - Việt Nam. Người ta (Liên Xô cũ) đã viện trợ cho Việt Nam một cây cầu “đi trước thời đại 20 năm”. Tức là xây xong thì không có người đi, thậm chí người ta còn sợ bị trấn lột trên cầu vì nó quá vắng. Đến nay sau nhiều nỗ lực “lái tuyến” của nhà nước bắt buộc nhiều loại xe cơ giới phải qua tuyến đường Bắc – Nam Thăng Long, thì cây cầu này đã đến hồi bị xuống cấp nghiêm trọng!

Ngày nay trước sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc, Campuchia khó có thể trở lại thời kỳ Polpot năm nào. Nhưng làm thân chư hầu cho một nước đàn anh vốn có lịch sử nổi tiếng rất… không đàn anh như Trung Quốc, thì họa nhiều hơn phước là điều đương nhiên.

Nước Việt Nam trước đây luôn coi Liên Xô là “anh cả” Trung Quốc là “anh hai”. Thế nhưng hễ khi nào người em Việt Nam sơ hở là “anh hai” lại giở trò. Nào là lấn đất, tranh giành quyền lợi, nào là tấn công cướp biển đảo ngay giữa ban ngày: Năm 1974 tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa, năm 1988 tấn công hải quân Việt Nam Cộng Sản, cướp đảo. Đặc biệt là họ đã phát động cuộc chiến đẫm máu tàn khốc xâm lược Việt Nam hồi tháng 02/1979. Ngày nay họ tiếp tục công khai xâm lấn lãnh hải lãnh thổ Việt Nam, công khai bắt bớ, đánh đập, bắn giết ngư dân Việt Nam. Những hành động đó chính là hành động của phường thảo khấu, không phải là nghĩa cử của một nước đàn anh!

Xem ra “củ cà rốt” của Trung Quốc - Những đồng tiền viện trợ, có chứa nhiều nọc độc nguy hiểm. Nhưng cho dù lãnh đạo của một nước nhược tiểu chỉ biết chăm chú say sưa đi vay về rồi chia nhau tham nhũng, xâu xé như ở Việt Nam và Campuchia*. Họ không cần biết đến những thua thiệt nhãn tiền và hậu quả khôn lường cho đất nước, cho dân tộc trong tương lai. Thì riêng đối với người dân Campuchia, họ sẽ không bao giờ được phép quên đi quá khứ kinh hoàng mà dân tộc Khmer đã phải trải qua trong thời Polpot.

Lê Nguyên Hồng

*Số liệu của Forbes 2009: Campuchia và Việt Nam đứng trong top 3 nước có nạn tham nhũng đứng đầu Đông Nam Á, và nằm trong top những nước nạn tham nhũng hoành hành nhất thế giới.

.

.

.

No comments: