Sự kiện “Thay bậc đổi ngôi” ở Tgp Hà Nội
Trần Phong Vũ
15-05-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7434
.
Chung quanh Biến cố “Thay bậc đổi ngôi” ở Tgp Hà Nội
“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!”
(Kim Vân Kiều – Nguyễn Du)
Một lời cần thưa trước: Câu thơ trên đây trích trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du diễn tả tâm trạng âu lo, kinh hãi, tuyệt vọng của nàng Kiều sau khi phải bán mình chuộc tội cho cha, dấn thân vào cuộc đời luân lạc, đầy chông gai cạm bẫy, không có ngày mai. Nó cũng là nỗi lòng chán ngán, rối bời pha lẫn ăn năn của thi hào họ Nguyễn sau khi khuất thân hợp tác với tân triều trong thân phận “hàng thần lơ láo”. Là người tín hữu Thiên chúa giáo, cá nhân chúng tôi cũng không khỏi ưu tư khi nghĩ về thân mệnh Giáo Hội tôi trước biến cố “thay bậc đổi ngôi” dị thường ở Tổng giáo phận Hà Nội trong tháng 5-2010. Dĩ nhiên, trong mối ưu tư ấy cũng không khỏi pha lẫn tâm trạng xao xuyến, sợ hãi, kinh mang khi nhìn về con đường trước mặt.
Nhưng có một điều cần nói ngay: cho dù âu lo, sợ hãi, niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài trong tim óc chúng tôi không hề vì thế mà suy suyển. Giản dị vì nó được hình thành và lớn lên theo chiều thẳng đứng khởi nguyên từ chính Đấng là cội nguồn của niềm tin, chứ không hệ tại ở chiều ngang là những trung gian của Ngài.
Không cần phải chờ tới những lời chuẩn nhận công khai, tương tự như lời “Ban Phép Lành” trong diễn từ của GM Nguyễn Chí Linh, từ lâu chúng tôi đã thấu hiểu vai trò, sứ mạng, bổn phận và QUYỀN của người Tín Hữu Giáo Dân trong Giáo Hội ngày nay, ít nữa là sau khi thấm nhuần tinh thần Học thuyết Xã hội Thiên chúa giáo và lời dạy của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong “Tông Huấn Ngưới Tín Hữu Giáo Dân - Christifideles Laici” công bố ngày 30-12-1988 của ngài.
Trong tinh thần ấy, chúng tôi viết bài này.
I. Từ dư luận tới sự thật
Tạm lấy mốc tháng tư (lại tháng Tư!) làm khởi điểm cho những biến cố trọng đại trải dài qua trung tuần tháng 5-2010. Những ngày đầu tháng tư có hai sự kiện nổi bật: hội nghị các GM thuộc HĐGMVN tại Vũng Tàu từ ngày 04 đến ngày 08 và việc TGM Giuse Ngô Quang Kiệt bất thần trở về Hà Nội ngày 09.
Và một làn khói hỏa mù lan tỏa trong dư luận. Có những tin đồn mãi vẫn là tin đồn. Nhưng cũng có rất nhiều tin đồn đã trở thành sự thật. Sự thật một trăm phần trăm, dù đã bị trang mạng chính thức của HĐGMVN phủ nhận như bài “Sự Kiện , thông tin và những góc nhìn”, được biết là sản phẩm chữ nghĩa của GM Nguyễn Văn Khảm với mục tiêu chỉ trích những bài viết trên mạng Nữ Vương Công Lý (NVCL). Trong một bài giảng gần đây, chính GM Khảm đã công khai lên tiếng “sỉ vả” tờ điện báo này không tiếc lời (Cho đến những ngày đầu hạ tuần tháng 5, NVCL vẫn còn lưu trữ Video thu bài giảng của GM Phụ tá TGP Sàigòn).
Trong số những tin đồn, được loan báo công khai trên NVCL và nhiều website Thiên chúa giáo khác, đến nay đã trở thành sự thật hiển nhiên là tin GM Nguyễn Văn Nhơn, GM Đà Lạt kiêm chủ tịch HĐGMVN được cử làm Tổng GM Phó với quyền kế vị. Tuy chưa nói ra nhưng ngay lúc ấy, ai cũng hiểu là Đức Tổng Giuse sẽ bị “hy sinh” để cho GM Nhơn thay thế. Điều kỳ dị là không chỉ mạng lưới HĐGM gián tiếp cải chính mà ngay cả đương sự cũng chối dài vì tin này làm ngài “ngạc nhiên”! (trong khi cả bàn dân thiên hạ ai cũng hiểu là trong tiến trình bổ nhiệm, bao giờ TT cũng thông báo để hỏi vị tân cử có bằng lòng nhận vai trò mới hay không!?).
Ngày Thứ Tư 12-5-2010, văn phòng TGM Hà Nội ra thông báo cho hay Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã từ giã giáo phận lên đường đi ngoại quốc chữa bệnh! Điều dư luận ngỡ ngàng vì trước khi GM Nhơn về nhận chức TGM Phó Hà Nội, mạng NVCL đã đưa tin này (và tin này đã chính xác 100%) cùng với tin ngày 13-5, TGM Kiệt sẽ rời chức vụ! Qua ngày hôm sau, Thứ Năm 13-5 người ta đọc được trên các mạng lưới của GHCG văn bản chính thức của Vatican chấp đơn từ chức của TGM Kiệt và tin ĐC Nhơn sẽ thay thế ngài điều hành TGM Hà Nội. Như thế cả hai tin do NVCL đưa ra đều đã trở thành hiện thực. Câu hỏi chưa có trả lời là tại sao Đức TGM Giuse lại phải ra đi một cách vội vã, bất bình thường như vậy?
II. Bước khởi đầu cho một định mệnh
Hôm Thứ Sáu 07-5-2010, GM Nguyễn Văn Nhơn từ giã giáo phận Đà Lạt ra Hà Nội chính thức nhận chức vụ mới là Tổng GM Phó. Nhiều tin đồn chen lẫn với những sự thật qua những chứng từ, hình ảnh kèm theo chung quanh Thánh Lễ chào mừng vị tân cử trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội.
Về tin đồn
(1) Tòa GM Bùi Chu phải chi tiền để giáo dân lên Hà Nội dự lễ.
(2) Trong số giáo dân ngồi chật Thánh Đường đã có không ít người của nhà nước choán chỗ trước.
(3) Có công an nhà nước sắm vai giáo dân tiếp tay các chủng sinh tích cực thu gom biểu ngữ, hình TGM Kiệt trong nhà thờ trước giờ lễ.
Về những sự thật có thể đọc/nhìn tận mắt, nghe tận tai
(1) Đoán biết những phản ứng (dĩ nhiên là chính đáng) của giáo dân yêu quý TGM Kiệt, tòa TGM ra thông báo, “Để thánh lễ được trang nghiêm, trật tự và sốt sáng, xin anh chị em không mang những gì không cần thiết cho thánh lễ và tránh mọi thái độ, cử chỉ, hay lời nói có thể ảnh hưởng đến bầu khí thánh thiêng của phụng vụ..
(2) Thay vì cửa trước, đoàn GM, LM đồng tế đã dùng cửa hông và cửa sau để vào và ra khỏi thánh đường trước và sau thánh lễ.
(3) Rất nhiều đại chủng sinh áo chùng đen chen lẫn những người lạ mặc thường phục làm nhiệm vụ giữ trật tự, thu gom băng-rôn, hình ảnh từ tay giáo dân tới dự lễ trong thánh đường và lúc đoàn GM, LM đồng tế di chuyển bên ngoài.
(4) Đông đảo giáo dân không vào được bên trong, nghiêm chỉnh tụ tập bên ngoài tiền đình nhà thờ để tham dự Thánh lễ qua hệ thống âm thanh. Rất nhiều băng-rôn được trương cao với nội dung : “Chúng con luôn đồng hành với Đức Tổng Giuse kính yêu”, “Tha thiết xin Đức TGM Giuse ở lại với đoàn chiên của ngài”. “Chúng con chỉ có GM Giuse là Tổng GM”, “Chúng con cần chủ chăn hết lòng với đoàn chiên”, “GM Giuse, Ngài mãi mãi là TGM của chúng con”, “Đức TGM Giuse: Chứng Nhân của Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình”, “Chúng con yêu mến Đức TGM Giuse”, “Chúng con yêu mến ngài, chúng con mãi mãi bên ngài”, “Hoan hô các Đức GM miền Bắc luôn đồng hành với Đức Tổng Giuse”, “Vạn tuế các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Tôn vinh Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt”, “Chúng con ghi nhớ lời Đức Tổng: TDTG là Quyền”...
Ngoài ra là những tấm ảnh TGM Giuse phóng lớn trên vải, trên giấy được đông đảo giáo dân cầm tay đưa lên cao khi các GM từ hông Thánh đường trở về Nhà chung. Nhiều giáo dân nam nữ chít ngang đầu tấm khăn hoặc đội những mũ giấy viết những hàng chữ bày tỏ lòng yêu mến Đức TGM của họ.
(5) Trước Thánh Lễ, khi giới thiệu GM Nhơn là TGM Phó Hà Nội với giáo dân, TGM Kiệt nói: “Từ nay ngài không chỉ đồng cảm hay đồng hành với anh chị em nhưng sẽ đồng sinh đồng tử với anh chị em, với giáo phận.”
(6) Với tư cách Phó Chủ Tịch HĐGMVN, trong diễn từ chúc mừng hai vi Tổng và Phó TGM, GM Nguyễn Chí Linh nói:
“Không thể phủ nhận được rằng việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi trong những ngày vừa qua. Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng GM Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam và cách riêng, cho Tổng giáo phận Hà Nội.
Nhưng nếu suy nghĩ một cách lạc quan, chúng ta cũng có thể rút ra những kết luận rất tích cực từ biến cố này. Điểm tích cực đầu tiên là mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành, đồng thời cũng có kinh nghiệm sâu sắc hơn về vai trò và sứ mệnh của các phương tiện truyền thông thời hiện đại. Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn, đồng thời cũng học được bài học biện phân cách bình tĩnh hơn đối với những thông tin mỗi lúc một đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn.
Điểm tích cực thứ hai là dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. Suy nghĩ và cách biểu hiện khác nhau, nhưng lòng yêu mến vẫn là một. Trong bối cảnh và tinh thần Năm Thánh 2010, chúng ta hãy xem đây là cơ hội sống tình hiệp thông cách đặc biệt hơn: chúng ta cần phải can đảm hơn khi đối diện với các dị biệt, chúng ta cần phải mổ xẻ chuyện Giáo Hội cách rốt ráo hơn, công khai hơn”.
.
III. Câu chuyện “định mệnh” và những bất ngờ có tính toán
Thứ Năm, ngày 13-5-2010, đúng như nguồn tin của mạng lưới NVCL đã cho biết từ đầu tháng 5, Vatican đã chính thức thông báo tin Tổng GM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức “vì lý do sức khoẻ” và bổ nhiệm Phó TGM Nguyễn Văn Nhơn lên thay thế ngài. Đồng thới Vatican cũng cho biết đã nhận đơn từ chức của GM Cao Đình Thuyên, GM Vinh vì đã quá tuổi hồi hưu và người kế vị ngài sẽ là linh mục Nguyễn Thái Hợp hiện là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình ở Sàigòn.
(Như vậy là chỉ trong một ngày Giáo Hội Thiên chúa giáo miền Bắc Việt Nam mất đi hai vị chủ chăn được giáo dân hết lòng yêu mến, quý trọng coi như thần tượng của mình, không những vì lòng đạo đức, thánh thiện và tài năng lãnh đạo mà còn là vì các ngài đã can đảm thi hành chức năng Ngôn Sứ trong nỗ lực đứng hẳn về phía những người thấp cổ bé miệng để tranh đấu cho tự do – trong đó có tự do tôn giáo-, cho công lý và nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam. Người viết sẽ có dịp trở lại trường hợp hai vị tân cựu GM Vinh trong một bài khác).
Như đã nói, điều gậy xúc động lớn cho mọi người, nhất là tập thể giáo dân, linh mục và GM đoàn thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, là sự kiện TGM Kiệt đã bị đẩy ra khỏi Hà Nội ngày hôm trước, giữa đêm hôm khuya khoắt, dẫn tới một điều nghịch thường là người tiền nhiệm đã không có mặt để dự lễ bàn giáo chức vụ cho vị tân cử như thông lệ trong những cuộc chuyển quyền xưa nay, dù trong đạo hay ngoài đời!
Chúng tôi không có những bằng chứng trong tay, nhưng vẫn theo những nguồn dư luận nghe được từ trong nước thì sở dĩ xảy ra những chuyện ngược đời như vậy vì đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã đánh hơi là sẽ có một cuộc tập hợp đông đảo giáo dân lên tới hàng nhiều chục ngàn người tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, với khả năng có sự hiện diện của nhiều linh mục, kể cả GM, trong buổi lễ bàn giao chức vị Tổng GM ngày 13-5-2010 để bày tỏ thái độ. Và phải chăng đấy chính là nguyên do sâu xa khiến họ phải áp lực lên một vài vị quyền cao chức trọng trong HĐGMVN để ép TGM Kiệt phải đi khỏi Hà Nội sớm hơn dự tính ban đầu!
Nguồn dư luận này phát xuất từ đâu và mức độ chính xác như thế nào chúng ta không có khả năng và điều kiện để biết. Tuy nhiên chỉ nhớ lại những gì đã diễn ra trong buổi lễ đón tân TGM Phó Nguyên Văn Nhơn tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội hôm 07-5 vừa qua, khách bàng quan có thể nắm bắt được những dữ kiện đế đánh giá nguồn tin. Đọc bản thông báo của văn phòng tòa TGM trước Thánh Lễ và chứng kiến cảnh hàng ngàn giáo dân dàn hàng với băng-rôn, biểu ngữ, băng đội đầu, hình TGM Kiệt kèm theo những hộp đựng Thỉnh Nguyện Thư bên hông và tiền đình Nhà Thờ Chính Tòa hôm ấy, những người có mặt đã phải tự hỏi đây là một buổi lễ nghênh đón vị TGM Phó tân cử hay là một hình thức tẩy chay ngài? Từ câu hỏi này người ta không thể không nghĩ tới những gì sẽ xảy ra trong ngày 13-5 là ngày vị lãnh đạo tinh thần mà toàn thể giáo dân TGP Hà Nội yêu thương, quý trọng sẽ phải ra đi! Là những kẻ sống bằng âm mưu và thủ đoạn, những kẻ chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện” “thà giết oan cả trăm, cả ngàn người chứ không thể tha lầm, dù chỉ một người” đảng và nhà nước cộng sản không thể không nghĩ tới những bất trắc có thể xảy ra nếu TGM Kiệt có mặt trong buổi lễ bàn giao chính thức hôm Thứ Năm ngày 13-5-2010 như đã dự liệu. Do đó để tránh một cuộc đàn áp đưa tới nhiều hệ quả khó lường, kể cả đổ máu, họ đã phải áp dụng tiểu xảo “tiên hạ thủ vi cường” bằng cách đẩy ngài đi khỏi Hà Nội một ngày trước đó.
IV. Chuyện “thay bậc đổi ngôi” ở Hà Nội trước bàn cân công luận
1. Với hàng giáo sĩ ̶ Về phản ứng của hàng Giáo Phẩm, tức các GM, một cách dè dặt người viết tạm coi những lời khẳng quyết của GM Nguyễn Chí Linh với tư cách Phó Chủ Tịch HĐGMVN ngỏ lời trước hai vị lãnh đạo TGP Hà Nội hôm 07-5 như một chứng tích cho thấy cơ cấu này đã bắt đầu có những cách nhìn và suy nghĩ đi theo chiều thuận, hứa hẹn sẽ có những chuyện bất ngờ mở đường cho GHCGVN tiến vào một chu kỳ mới với những triển vọng mới sau đại lễ đánh dấu 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, cần chờ những bước tới trong HĐGM chúng ta mới có đủ dữ kiện cụ thể để nhận định thêm. Riêng trong hàng linh mục đã có những chứng liệu rõ ràng cho thấy phản ứng tích cực của các ngài. Những gì cộng đoàn giáo sĩ, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, từ cha Giám Tỉnh Phạm Trung Thành trở xuống, đã và đang làm, là một bằng cớ hiển nhiên. Những bài viết của các giáo sĩ trong nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền, của LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, một linh mục già Dòng Thánh Phanxicô và cha Anrê Đỗ Xuân Quế thuộc Dòng Thánh Đa Minh ở Việt Nam là một bằng cớ khác.
Sáng sớm Thứ Ba ngày 11-5, mở Email, chúng tôi nhận được bài “Một Vài Mối Lo Ngại Khác” của LM Đỗ Xuân Quế. Ngay trong dòng đầu ngài viết:
“Qua nhiều bài trên mạng và tin tức gần xa, nhiều người tỏ ra rất lo ngại về việc thay bậc đổi ngôi ở Tổng giáo phận Hà Nội. Xem chừng họ không còn tin tưởng ở một đường lối ngoại giao từ bao đời nay vẫn được tiếng là khôn ngoan, khéo léo và hữu hiệu. Từ sự không tin tưởng này, họ bị kéo sang một sự không tin tưởng khác. Đó là không tin ở sự hiểu biết của Vatican về tình hình Giáo hội tại Việt
Tiếp theo, vị linh mục già thánh thiện, uy tín thuộc Dòng Đa Minh Việt Nam, người đã viết nhiều tác phẩm giá trị về GHCG và cùng với LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh có chân trong Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đã trưng dẫn những chứng liệu ngài nhận được từ những nguồn khả tín chứng minh là Vatican hoàn toàn không biết gì về thực trạng Việt Nam cũng như Giáo Hội Thiên chúa giáo tại Việt Nam khiến:
“Họ rất hoang mang lo lắng khi được biết hiện có một “Vũ ngọc Nhạ” ngay tai Vatican” và “Người ta nghi ngại rằng các sự việc đang xẩy ra cho Giáo Hội Việt Nam là do viên chức này xếp đặt và đạo diễn….Rồi từ đó người ta lại nghi ngại thêm là trong HĐGMVN có một “Tam Ca Áo Tím”. Bộ Ba này rất ăn ý với nhau, có uy lực trong HĐGM và đã ảnh hưởng nhiều đến các suy nghĩ và quyết định của Hôi Đồng. Phần đông các GM đều là những con người hiền lành, thích sư yên ả. Vì thế, xem ra “Ba Anh Em Mình” như có diều kiện thuận lợi để thao tác, nếu không muốn nói là thao túng”.
Một “Vũ Ngọc Nhạ” bên cạnh Vatican và “Tam ca Áo Tím” trong HĐGM mà LM Quế nói tới ở đây là những ai, chúng tôi sẽ có dịp nhận định ở một bài viết khác. Trong phạm vi giới hạn của bài này, khi trích dẫn những lời chứng trên đây của vị linh mục già Dòng Thánh Đa Minh, người viết muốn nói tới những phản ứng có thật, và rất quyết liệt, dứt khoát của hàng giáo sĩ Việt Nam chung quanh kịch bản liên hệ tới những “thay bậc đổi ngôi” ở TGP Hà Nội hiện nay.
2. Với giáo dân Hà Nội ̶ Những tin tức, những bài phân tích, nhận định và bình luận kèm theo hình ảnh trên NET, trên báo chí những ngày qua, chúng ta đã có những suy nghĩ và cái nhìn chân xác không thể phủ nhận về cơn sốt đang trào dâng như nước vỡ bờ trong tâm tình người tín hữu Thiên chúa giáo ở TGP Hà Nội. Để độc giả có được những chứng từ cụ thể nói lên tâm tình này, chúng tôi đề nghị quý vị tìm vào mạng lưới của Ban Việt Ngữ Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (Radio France Internationale – RFI) phần Tạp Chí “Việt Nam Trong Giòng Thời Sự” ngày 10-5 để nghe phần ghi âm bản tường trình đặc sắc của phái viên đài này, trong đó có những câu trả lời trực tiếp của hai giáo dân TGP Hà Nội là bà Nguyễn Thanh Mai và ông Nguyễn Phong Thắng.
Sau đây là một vài trích đoạn ngắn trong bản tường trình của phái viên đài RFI:
“Trả lời RFI, ngày Thứ Sáu, bà Nguyễn Thanh Mai một giáo dân giáo xứ Hàm Long, Hà Nội đã dự Thánh Lễ hôm đó, kể lại:
“…Đức Tổng giới thiệu GM Nhơn,... rồi cũng nói một câu rằng: chúng ta cầu nguyện cho Ngài và mong sao Ngài dám đồng sinh đồng tử với giáo dân Hà Nội. Cái câu đấy tôi nghĩ là câu tuyệt vời. Khi Ngài nói câu đấy thì giáo dân từ trong ra ngoài vỗ tay rầm rầm rầm rầm lên (…) Tôi rất buồn và cũng lại lấy làm ái ngại cho GM Nhơn, khi giảng xong Ngài lẳng lặng lên Bàn Thánh, không một lời, không một tiếng vỗ tay nào hết. Giáo dân im lặng. Thì đấy là một phản ứng của giáo dân Hà Nội”.
Phái viên đài RFI ghi nhận tiếp:
“Những nghi vấn vẫn dai dẳng, bởi lẽ trước hết, tuy việc bổ nhiệm GM là do Tòa Thánh quyết định, nhưng trên thực tế coi như phải có sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam. Như để khẳng định điều này, thông tấn xã Việt
“Ngài đang ở vị trí cao nhất là Chủ Tịch Hội Đồng GM Việt Nam mà nỡ gì mà Ngài phải rời bỏ vị trí đó để đi ra Hà Nội để làm phó một Đức Tổng trẻ hơn, tức là kém Ngài gần 20 tuổi, đúng ra là kém Ngài tới 14, 15 tuổi. Chính cái việc làm đó giáo dân có quyền đặt những câu hỏi. Đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là lâu nay ở GM Nhơn, người ta thấy thiếu sự đồng hành với giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội. Thiếu sự đồng hành, bởi vì những vụ xảy ra ở phía Bắc thì không thấy GM Nhơn lên tiếng. Cho nên, người ta thấy rằng, Ngài không có sự đồng hành với giáo dân thì người ta e ngại rằng khi Ngài ra đây, Ngài cũng sẽ không đồng hành với giáo dân. Vì thế khi GM Kiệt nói câu đầu tiên là chúng ta hãy cầu nguyện cho Ngài để Ngài dám đồng sinh đồng tử với giáo dân Hà Nội, thì, tôi thấy câu này có một ý nghĩa và giáo dân đã hiểu đúng là Đức Tổng đã hiểu được lòng của giáo dân. Cho nên người ta vỗ tay rầm rầm lên, vỗ tay không ngớ (...) Ở ngoài Bắc này không còn ai nữa hay sao, không còn ai xứng đáng nữa hay sao mà phải cử cụ già 72 tuổi sắp đến tuổi về hưu ra ngoài này. Cái này là cái mà tất cả giáo dân ở Hà Nội, ai cũng đặt câu hỏi, ai cũng có quyền nghi ngờ điều đó. Mà khi người ta đã nghi ngờ điều đó thì người ta dồn hết tâm tư tình cảm lên Đức Tổng (...) Giáo dân chúng tôi ở ngoài Bắc, chúng tôi sống trong môi trường rất là bị o ép. Nói thật với anh rằng chế độ cộng sản này, họ không ưa gì tôn giáo. Chúng tôi không được quyền tự do tôn giáo. Từ ngày Đức Tổng lên, Đức Tổng có sự đồng hành, là người can đảm, dám nói lên sự thật là Tôn Giáo là Tự Do. Tôn Giáo là cái quyền phải được tôn trọng. Cái đấy đúng với tâm tư tình cảm của giáo dân miền Bắc. Cho nên khi Ngài nói ra điều đó thì tự nhiên nó đúng với tâm tư suy nghĩ của giáo dân. Họ cảm thấy được bảo vệ, có người bênh vực mình. Cái thứ hai là hình ảnh của Đức Tổng. Khi Đức Tổng được bổ nhiệm, Đức Tổng rất gần gũi với giáo dân. Chẳng hạn như ngài đi thăm hỏi từ những cụ già cho đến các em thơ hoặc những người nghèo khó...”
Bản tường trình của đài RFI ghi nhận tiếp:
“Còn về phần ông Nguyễn Phong Thắng, một giáo dân ở Nam Định thuộc Tổng giáo phận Hà Nội cũng chia sẻ suy nghĩ nói trên và ông còn khẳng định là GM Kiệt không những chỉ là người hùng của giáo dân Hà Nội mà còn nhận được sự ủng hộ của dư luận bên ngoài, nhất là giới trí thức ở Việt Nam. Ông nói:
“Cái việc mà Đức Tổng lên tiếng là cái việc rất cần thiết. Chúng tôi vẫn cứ đùa với nhau, chúng tôi nói là giáo hội chúng ta là cái giáo hội đã bị câm lặng quá lâu. Đến bây giờ, với Ơn Chúa và Đức Tổng, như bên ngoài, giới trí thức gọi Ngài là người hùng. Họ còn cho đấy là vị anh hùng chân chính chứ không phải như “anh hùng rơm, anh hùng rác” như “người ta” phong. Tiếng nói của Ngài thì người ta cũng đặt vấn đề là không biết Ngài đang đòi cái gì cho địa phận Hà Nội, cho những người Thiên chúa giáo Hà Nội của Ngài hay Ngài đang đòi cho giáo hội Việt Nam. Nhưng mà sau đó thì họ bảo vậy thì người ta chỉ những miếng đất thì Ngài đã lấy. Như vậy không phải Ngài đòi đất. Như vậy Ngài đòi cái gì? Ngài đang đòi cái phẩm giá, cái quyền làm người của cả cái dân tộc này. Cái đó là cái lớn hơn. Cho nên giới trí thức Việt
Tôi nghĩ chuyện đó là chuyện tự hào cho những người Thiên chúa giáo chúng tôi. Nhất là tôi là người ở Tổng giáo phận Hà Nội thì đi đâu cũng thế, người ta hỏi tôi về chuyện của Ngài. Những anh em bên lương họ cũng hỏi về Ngài. Tôi thấy điều đó là điều rất có giá trị, rất đáng tự hào cho chúng tôi. Những người Thiên chúa giáo bây giờ được ai cũng hỏi đến mà hỏi đến là bởi vì việc làm của Đức Tổng, cái đòi hỏi của Đức Tổng, sự lên tiếng đó. Từ trước đến giờ, trong lòng chế độ này, chẳng một ai dám lên tiếng. Và Ngài lên tiếng một cách rất công khai, rất đàng hoàng. Điều đó, tạ ơn Chúa và cảm ơn cả Đức Tổng nữa, làm chúng tôi ngẩng cao mặt lên được. Thực ra cái giá trị của nó rất là lớn. Ví dụ như qua cái vụ lời phát biểu của Đức Tổng họ cắt xén đi, bây giờ là toàn dân, không phải chỉ những người Thiên chúa giáo, mà toàn dân bây giờ họ biết rõ và họ không tin cái hệ thống truyền thông của Việt Nam nữa. Chỉ qua một việc ấy thôi thì cái giá trị lớn nhất là làm thay đổi về mặt suy nghĩ của họ; người ta có mong muốn một điều gì đấy thì bắt đầu phải suy nghĩ trong lòng mọi người. Dù có phải trả giá tới giá nào thì vẫn còn quá rẻ so với cái thành công mà mọi người gặt được. Bởi vì mọi người thấy rõ rằng bây giờ không ai còn tin vào hệ thống tuyên truyền, chẳng ai tin nữa…”
Bản tường trình nhận định tiếp:
“Ánh hào quang của GM Kiệt quá lớn cho nên có lẽ là GM Nhơn với tư cách người sẽ lên làm Tổng GM đang trong một tình thế đặc biệt khó khăn, nhất là vì nhiều giáo dân muốn Ngài cũng phải “đồng sinh đồng tử” với họ như GM Kiệt. Theo lời của bà Thanh Mai:
“Đầu tiên cảm nghĩ của chúng tôi là chúng tôi cứ yêu mến Đức Tổng và chúng tôi tha thiết mong Ngài ở lại. Chúng tôi mong sao Ngài có sức khỏe để Ngài ở lại cùng đồng hành. Còn đối với GM Nhơn, để yêu mến Cha hay không còn phải xem lại thời gian Cha làm GM Phó ở đây, sau đó là kế vị ở đây, Cha có dám “đồng sinh đồng tử” như lời Đức Tổng nói không? Và với giáo dân chúng tôi hay không? Nếu như đúng như lời Đức Tổng nói là chúng ta cầu nguyện cho Ngài để cho Ngài dám “đồng sinh đồng tử” với giáo dân. Mà GM Nhơn làm được điều đó thì chúng tôi cũng sẵn sàng yêu mến Cha như đối với Đức Tổng thôi. Còn nếu như mà Ngài vẫn im lặng như thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều chuyện ở phía Bắc mà Ngài im lặng không một lời lên tiếng, thì có đến nước ấy chúng tôi có thể sẽ không thể nào đồng thuận được, không tỏ lòng yêu mến được. Tôi nghĩ rất nhiều người ở đây, có người nói rằng, nếu như Ngài cứ im lặng như thế thì chúng ta sẵn sàng tẩy chay Ngài, không đi dự những buổi lễ do Ngài làm lễ nữa. Có thể rất dễ xảy ra điều đó nếu như Ngài không dám “đồng sinh đồng tử”...”
“Còn ông Nguyễn Phong Thắng thì tin tưởng với thời gian thì giáo dân sẽ bớt nghi ngại vị Tổng GM mới và GM Nhơn cũng sẽ phải tiếp nối sự nghiệp của GM Kiệt, người đã xây dựng giáo phận Hà Nội thành một khối thống nhất, đồng tâm nhất trí:
“Cá nhân Đức Tổng hay là cá nhân người giúp việc cho Đức Tổng hoặc là người kế nhiệm Đức Tổng, thì cái việc đó là việc của Chúa Thánh Thần. Tất cả anh em tín hữu chúng tôi có một niềm tin xác tín thì chúng tôi tin vào chính Chúa Kitô. Và chúng tôi chỉ tin chúng tôi được chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô thì chính Chúa có trách nhiệm cái việc mà Chúa đã bỏ ra để cứu chuộc chúng tôi. Còn việc các Ngài thì các Ngài cũng là công cụ của Chúa để mà làm việc cho Chúa thì cũng có người làm việc tốt, người làm việc không tốt. Ai làm thì người ấy chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Với con mắt trần thế thì tôi nghĩ là không thể đánh giá được. Bởi vì nếu quay lại nhìn xem khi TGM Kiệt ra đây thì họ cũng nghi kỵ Đức Tổng Kiệt. Nhưng với tài đức của Ngài và với sự thánh thiện và tình yêu trải khắp của Ngài, chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Xin nói thật là giáo phận Hà Nội lúc bấy giờ, tất cả giáo dân chúng tôi và cả hàng ngũ giáo sĩ nữa, tôi cảm thấy rất rời rạc. Nó không có sự gắn kết phải có. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, thì có lẽ, cả Việt Nam này không có một giáo phận nào có một sự liên đới chặt chẽ, một sự đoàn kết, một sự đông đặc yêu thương nhau chặt chẽ như giáo phận Hà Nội. Tất cả các linh mục, tu sĩ từ trên xuống dưới, từ giáo dân chúng tôi lên cho đến Đức Tổng, chúng tôi như một khối thống nhất chắc chắn. Các nơi khác khó có thể có. Tôi nghĩ việc ấy thực sự bị ảnh hưởng ở một con người và con người đó mang gương mặt của Chúa tương đối đậm nét, phản ánh Chúa Kitô một cách thật đậm nét, mới dính kết chúng tôi lại như thế. Tất cả những thành phần dân Chúa, dù là có những ý kiến rất khác nhau nhưng có Ngài thì bây giờ chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau, chúng tôi mến Chúa hơn yêu thương nhau hơn. Nếu mà Đức Tổng Phó ra thì Ngài không thể khác được”.
Sau lời phát biểu của ông Thắng, phái viên đài RFI kết luận:
“Nhưng dù gì đi nữa thì những sự thay đổi nhân sự ở tòa Tổng GM Hà Nội rõ ràng đang khoét sâu sự cách biệt giữa một bộ phận giáo dân và tu sĩ với các vị mục tử trong những vụ đấu tranh đòi lại đất đai tài sản, bảo vệ nơi thờ tự. Và nói chung là đấu tranh đòi tự do tôn giáo. Nhiều giáo dân muốn các vị mục tử cũng phải đứng mũi chịu sào “đồng sinh đồng tử” với họ như GM Kiệt đã làm.”
Gánh nặng trách nhiệm của tân TGM Hà Nội
Trước thời gian chuyện thay bậc đồi ngôi ở TGP Hà Nội ngã ngũ hôm13-5-2010, trong một bài viết, linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh đã lên tiếng cảnh giác rằng: Bất cứ một GM nào ra Hà Nội thay thế Đức Tổng Giuse trong hoàn cảnh này cũng sẽ phải đối diện với những thách đố sinh tử, khó vượt qua. Lý do giản dị vì chính nhà nước là tác nhân đẩy TGM Kiệt khỏi TGP Hà Nội, thì một ai đó kế nghiệp ngài cũng sẽ mặc nhiên bị gán cho là người của nhà nước, hay ít nhất cũng thân thiện nhà nước. Nếu là một vị thân nhà nước, không theo con đường của người tiền nhiệm, mà đi ngược lại nguyện vọng của giáo dân, thì đương nhiên sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong mối giao hảo với giáo dân. Trong trường hợp này bộ mặt đương sự và nói chung HĐGMVN sẽ càng ngày càng xấu đi. Trường hợp những vị coi như không có tì vết, nếu được đề cử về Hà Nội cũng sẽ bị những cặp mắt theo dõi và phê phán của công luận khi chuyện ra đi của Đức TGM Giuse là do đảng và nhà nước CSVN chủ động đã trở thành chuyện hiển nhiên mà chính họ cũng không thèm che giấu.
Trong vị thế trên đe dưới búa như vậy, muốn lấy lại niềm tin của giáo dân thì dù ai cũng chỉ có một chọn lựa duy nhất là phải quên mình, chấp nhận thương đau, dứt khoát đi theo con đường độc đạo mà Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã đi.
Để có một phiên bản minh họa rõ nét cho con đường này, người viết xin trích dẫn vài đoạn trong bài “Hà Nội và cuộc Hôn Nhân Dị Mộng” của tác giả Bảo Giang. Sau nhiều trang với những tình tiết nói về những căn nguyên dẫn tới chuyện GM Nguyễn Văn Nhơn được đưa về làm Phó cho TGM Kiệt mà tác giả ví như một “nàng dâu” về nhà chồng, tác giả nói qua tiểu sự GM Nhơn, tiếp đó nhấn mạnh tới những “thành tích” sau đây:
“Những điểm nổi bật trong vai trò GM Chủ tịch HĐGMVN:
1. Giữ yên lặng tuyệt đối trước cuộc tranh đấu đòi công lý của giáo dân trong vụ việc đòi Công Lý và Sự Thật ở TKS, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý…
2. Giữ yên lặng tuyệt đối khi tám giáo dân Thái Hà bị bắt và bị dưa ra trước tòa án bất lương tại Hà Nội.
3. Hoàn toàn giữ yên lặng khi hai vị Linh Mục bị đánh bất tỉnh trong vụ nhà thờ Tam Tòa.
4. Thay mặt HĐGMVN trả lời thư của Nguyễn Thế Thảo yêu cầu thuyên chuyển TGM Ngô quang Kiệt ra khỏi Hà Nội bằng một hình thức vô thưởng vô phạt: “TGM Ngô Quang Kiệt không làm điều gỉ trái Giáo Luật”. Lạ thật, Nguyễn thế Thảo có khiếu nại TGM Kiệt vi phạm điều khoản nào của Giáo Luật đâu mà trả lời như thế nhỉ?
5. Chủ xướng hoặc ra lệnh cho ban biên tập Web HĐGM viết bài: “Lên tiếng hay không lên tiếng” như là tiếng nói chính thức của HĐGMVN trong vụ Thánh Giá Đồng Chiêm. Bài viết này được đánh gíá như một quả bom nguyên tử dội xuống trên cánh Đồng Chiêm, nơi Thánh Gíá bị nhà nước đập phá và con chiên bổn đạo vì Thánh Gía mà bị đánh đập tàn nhẫn. Nó đã kết thúc sự mong chờ được HĐGM hỗ trợ trong việc đi tìm Công Lý của đàn chiên. Nó cũng được coi là trái bom cuối cùng thả xuống Hà Nội để báo cho vị TGM ở đây biết rằng: Đừng chờ Hội Đồng sẽ lên tiếng và đứng về phía Ngài…
6. Vào giữa lúc chuyện khai thác Bauxite như vạc dầu sôi trên toàn quốc, mọi thành phần, mọi giới đều lên tiếng phản đối kế hoạch tàn ác này của nhà nước Việt cộng. Nhưng theo tin trên đài, GM Nhơn đã tổ chức đón rước Nguyễn Tấn Dũng tại toà GM Đà Lạt với lễ nhạc của vùng thượng và thiếu nhi đàn chào nhân dịp Dũng đi tham quan vùng khai thác Bauxite Đắc Nông, Viêc đón tiếp này ra sao, không ai biết rõ, nhưng nó đã gây ra rất nhiều phản cảm, bất lợi cho chính GM Nhơn. Nhất là sau khi Ngài đã hoàn toàn yên lặng về vụ Việt cộng cưỡng chiếm Giáo Hoàng Học Viện.”
Tiếp theo, tác giả viết:
“Bạn nghĩ thử xem, người có tính cách và hướng đi như thế, lại thêm phần tuổi tác quá cao. GM Nhơn, đã bước sang tuổi 73, chỉ vài năm nữa là đến tuổi về hưu theo giáo luật. Vậy đây có phải là nhân tuyển thích hợp để cho TGM Hà Nội và Hội Đồng LM Hà Nội đệ trình, kiến nghị sang Rôma để xin Ngài về làm Phó cho Hà Nội hay không? Hay đây là người được nhà nước Việt cộng tuyển chọn, rồi dùng những cánh tay nối dải trong Hội Đồng tung tin, vận động, kiến nghị Rôma phê chuẩn như là một bước tiến trong nổ lực bình thường hoá bang giao với Việt cộng?
Với tôi, dẫu câu trả lời ra sao chăng nữa đều không quan trọng. Nhưng việc trả lời cho câu hỏi kế là cần thiết: Thử hỏi “nàng dâu” đã bước vào cái tuổi 73, chả còn gì để phải nói đến chữ hương sắc. Bởi lẽ, da đã mồi, tóc đã rụng. Hàm răng thì còn lại năm bảy cái đang lung lay (làm răng gỉả thì không tính). Mắt đã mờ, tay chân run rẩy, sức đã cùng, lực sắp tàn mới bắt đầu làm “nàng dâu” thì không biết là bà sẽ làm được những gì để giúp cho giang sơn nhà chồng?
Theo tôi, có ít nhất hai trưòng hợp xảy ra:
* Bà là người có đức độ, nhân nghĩa và tài năng. Trước hết, đã hy sinh thân phận của mình. Can đảm chấp nhận mọi sỉ vả của đời với một mục đích duy nhất. Kiên tâm giữ phận nàng dâu, quyết tâm phục vụ và bảo vệ, không phải chỉ cho chàng mà còn cho cả giang sơn nhà chàng được an toàn. Khi chàng lâm bệnh, bà thay chàng quán xuyến công việc ở ngoài để chàng có thời gian tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi hồi sức. Lúc chàng khỏe, bà như một nội tướng giúp chàng đứng vững tựa núi thái sơn để dẫn giang sơn về một mối trên đưòng Công Lý, bảo vệ Sự Thật đem lại an bình thịnh vượng cho mọi ngưòi.
Bà là người trân trọng một lời hứa với chàng. Bà chấp nhận về làm nàng dâu với điều kiện, chỉ có cái chết, chàng mới rời nhiệm sở. Nghĩa là, chỉ ở trong một trường hợp duy nhất, nếu chàng mệnh chung. “nàng dâu” mới tiếp nhận lấy ấn tín của Chàng và tiếp bước theo đường vương đạo của chàng đã đề ra. Nàng sẽ hối thúc cả giang sơn hưóng về đường Công Lý để khai mở ra Sự Thật và an bình cho muôn dân để làm trọn ý nguyện của Chàng. Nói cách khác, bà chỉ là cánh tay của chàng, chỉ xin nguyện tận tụy theo hưóng đi của chàng cho đến chết mới thôi.
Nếu chúng ta có được “nàng dâu” ở trong trưòng hợp này thì…. Hỡi toàn thể đồng bào Hà Nội. Hãy cởi áo mình ra mà trải trên đường, hãy dơ cao những cành thiên tuế ở trong tay lên và cùng nhau đi đón rước “nàng dâu” này về cho Hà Nội. Hởi Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm hãy vui mừng lên. Dẫu hôm nay còn nước mắt nhưng ngày của Công Lý, ngày của Tự Do, ngày của Nhân Quyền không còn ở xa tầm tay ta với. Bởi vì, chúng ta không bao giờ mất chàng “hòang tử” yêu qúy của Hà Nội hôm nay. Đã thế, Đức Vua còn ban cho chúng ta một “tân nương” vẹn toàn tài đức, trung hậu, một lòng thờ chồng cho đến chết mới thôi. Tạ ơn trời. Tạ ơn đất.!.…
* Bà là một phù thủy và sẽ tạo ra một gánh nặng khôn lường cho chàng rể và cho cả giang sơn nhà chồng. Trước hết, ngoài mặt, vì mưu đồ muốn chiếm đoạt lấy cái giang sơn nhà chồng. Bà bất chấp mọi thủ đoạn, điều gì cũng hứa. Bà đóng gỉả vai nhân nghĩa đạo hạnh, khiêm cung, đáng tôn quý. Hoặc gỉả tươi cười như cao thượng để đón nhận mọi lời xỉ vả, thị phi, oan ức của ngưòi đời dành cho bà, mà không một lời phàn nàn oán than. Sau lưng, bà rắp tâm thi hành qủy kế của kẻ đạo diễn dấu mặt. Trước tiên, bất chấp đạo lý, tiếp cận chàng rể và hạ thủ không lưu tình bằng cách cho chàng ngấm thuốc độc hay đẩy ra khỏi giang sơn của chàng bằng cuộc đảo chính không đổ máu. Bà vồ lấy cái gậy và từng bước quy thuận kẻ dấu mặt (nhà nước?), rồi chặt chém, loại bỏ dần những thành phấn trung kiên đã giúp chàng tạo nên đường Công Lý. Cuối cùng, dập vùì trăm họ vào bóng đêm của thần bất lương theo lệ qùy gối Xin-Cho…
Nếu gặp trường hợp này thì... hỡi đồng bào Hà Nội, tất cả hãy cùng nhau đứng dậy đi. Ít nhất một lần. Hãy hô to lên rằng: Giáo lý của chúng tôi là bước đi theo Đấng là Đường, là Chân Lý, là Sự Sống (Yn 14:10). Chúng tôi không thể qùy gối trước thần bất lương, vô tôn giáo. Nói xong, hãy theo kế ‘nhà trống vườn hoang’ mà đón tiếp “nàng dâu” này. Sau đó, trở về nhà, tự giữ lấy thân mà suy niệm lại lời Chúa: “Các ngươi hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt các ngươi, vì sẽ có nhiều kẻ đội danh ta đến nói rằng: Đức Kitô, Chính là Ta” (Mt 24:5)
Lạ nhi? Cả hai trường hợp đều có thể xảy ra mà tại sao sớm thấy trong mắt anh, trong mắt em, trong mắt người Hà Nội khi nghe tin Hà Nội có “nàng dâu” lại không có niềm vui?
Trái lại, nước mắt đã và còn nhiều hơn mưa?
Thật khó trả lời! Phần tôi, câu chuyện này rơi vào cuối tháng tư. Tôi nhớ đến cái hình ảnh của chiếc xe tăng T54 vào dinh Độc Lập sáng ngày 30-4-1975. Ngay sự việc nó ủi đổ cánh cổng đã mở sẵn ấy đã không nói lên cái bản ngã làm người, nên dân Việt phải chìm trong thảm họa suốt 35 năm qua cũng không có gì lạ! Kế đến, sau đó ít ngày, bọn Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ , Vương Đình Bích.… đến túm áo Đức Tổng Nguyễn Vằn Thuận đẩy ngài ra khỏi Sài Gòn. Rồi quăng valy, đầy Đức Khâm Sứ Henry Lemaitre ra sân bay nữa là người Thiên chúa giáo trung thành với đức tin bắt đầu chịu cảnh một cổ hai tròng, trở thành những công dân hạng hai vì bản lý lịch. Riêng kẻ bán Chúa, bán Cha thì bước lên đài danh vọng, quyền lực.
Lúc này cũng đã vào những ngày cuối tháng tư, tháng tư của 35 năm sau. Xe hơi mới, chở “nàng dâu” có bảo chứng của nhà nước lăn bánh qua cổng mà vào Tòa GM Hà Nội thì người dân Hà Nội nói riêng, và ngừơi dân Thiên chúa giáo Việt Nam nói chung sẽ ra sao nhỉ? Có phải là được giải phóng thêm lần nữa không? Có phải người ta sẽ khiêng Đức TGM Ngô Quang Kiệt và khiêng luôn niềm tin Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình ra khỏi Hà Nội với Ngài? Rồi thay vào đó có thể là gíáo điều mới đơn giản hơn. Mến Chúa là phải yêu bác, yêu đảng, yêu luôn xã hội chủ nghĩa và yêu luôn nền văn hóa bất lương của đảng? Phen này chắc là được giải phóng tất tần tật rồi! Có tội là tội cho 200,000 thánh tiền nhân đã phí máu xương để giữ niềm tin cho con cháu hôm nay. Và tội cho những dòng máu đào của những ngưòi anh em đã chảy ra vì bảo vệ Niềm Tin, Công Lý, Sự Thật ở Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý và Đồng Chiêm thôi…
Mà thôi, Hà Nội ơi. Ủ rũ mà chi? Thế thời đã thế! Dẫu gì thì cũng phải một lần đứng dậy đi. Hãy đứng dậy mà nhìn chàng rể là Đức Kitô đang vác Thánh Gía lên Núi Sọ khi xưa. Bạn còn nhớ trong lúc đau đớn đến cùng cực về thể xác, Ngài vẫn dừng chân lại để yên ủi bạn không? Bạn còn nhớ “Chàng Rể” ấy nói gì không? Ngài đã không dối bạn lại cho nàng dâu sắp đến, nhưng là bảo dân thành khi xưa là: “Đừng khóc thương ta làm chi, Một khóc thương ngươi và con cái các ngươi.” (Lc23:28)
.
V. Thay cho lời kết
Trước khi bày tỏ vài suy nghĩ cuối để thay cho lời kết thúc bài viết này, tôi bị ám ảnh bởi những lời sau cùng của tác giả Bảo Giang trong bài viết cô đọng và súc tích của ông:
“Sao bài viết về đón dâu mà không có niềm vui?
- Vâng, không có nước mắt đã là may mắn rồi!
- Còn việc mua bán đổi chác mà người ta đang bàn luận thì sao? Tôi cho rằng mảnh đất mà kẻ cướp đảo bới lên để làm công viên cây xanh vào đêm 19-9-2008 sẽ là quà hứa cho nàng dâu đem về Hà Nội. Món quà cưới này có hai chủ đích: Trả ơn cho ban lãnh đạo HĐGMVN, đặc biệt là “cô dâu” có công đưa chàng rể ra khỏi Hà Nội. Giúp vốn cho nàng dâu có câu chuyện làm qùa để lấy lòng giáo dân Hà Nội.
- Mảnh đất ấy có đáng để hy sinh một vị mục tử mẫu mực, cương nghị, nhân hậu và là Niềm Tin vững mạnh của toàn dân trên đường đi tìm Công Lý, Sự Thật không?
- Tôi không biết, nhưng có lẽ nó được giá hơn là 30 đồng bạc!”
Đóng lại bài viết với lời tiên tri có phần cay đắng nhưng đầy khả năng hiện thực trên đây cùa tác giả Bảo Giang, tự dưng tôi muốn nối theo giòng tư tưởng của ông để nghĩ tới những món quà lớn hơn, lớn hơn nhiều, mà “người ta” có thể nghĩ ra để làm quà cho “tân nương”. Giản dị vì “người ta” vừa thắng một canh bạc bip vĩ đại qua nội ứng của một vài khuôn mặt “được sai đi” để phục vụ Công Lý, Sự Thật, nhưng nay đã lộ nguyên hình là những kẻ phản bội!
Từ niềm tin, từ lòng yêu mến Giáo Hội Thiên chúa giáo của tôi, tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nghĩ, nói, viết ra những điều làm buồn lòng các Đấng Bậc. Đã một thời có dư luận từng gán ghép cho những tín hữu suy nghĩ, nói năng viết lách như tôi là những kẻ “chống Cha” và từ đó dễ dàng biến thành “chống Chúa”. Chẳng biết Chúa trên cao nghĩ thế nào, nhưng quả thật đã có những “Bậc Làm Thày Dạy Chân Lý” gián tiếp “lý đoán” như thế! Quả thật sự kiện này, thản hoặc có làm bận lòng tôi. Nhưng hôm nay, Sự Thật đã hoàn toàn giải thoát tôi khỏi mối bận tâm ấy. Giữa đêm đen vẫn không thiếu những nháng lửa hy vọng.
Hôm 07-5, trước mặt hai vị Tổng và Phó TGM Hà Nội, nhân danh HĐGMVN, GM Linh đã công nhiên nhìn nhận rằng: “việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi”. Rằng:.”Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng GM Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam…”. Rằng: “mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành”. Rằng: “Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn…”. Và rằng: “dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. Suy nghĩ và cách biểu hiện khác nhau, nhưng lòng yêu mến vẫn là một. Trong bối cảnh và tinh thần Năm Thánh 2010, chúng ta hãy xem đây là cơ hội sống tình hiệp thông cách đặc biệt hơn: chúng ta cần phải can đảm hơn khi đối diện với các dị biệt, chúng ta cần phải mổ xẻ chuyện Giáo Hội cách rốt ráo hơn, công khai hơn”.
Bước đầu chập chững cho một viễn cảnh dám nói thẳng nói thật với nhau vừa được khơi mở để hy vọng một ngày nào đó không còn những “Phạm Xuân Ẩn” núp bóng Vatican và những “Tam Ca Áo Tím” trong HĐGMVN nữa!
Vấn đề còn lại là: người nói có dám và có được cái quyết tâm giữ lời không?
Nam California, ngày 13-5-2010,
một ngày tang của trên 3 triệu giáo dân TGP Hà Nội,
một ngày không vui của 7 triệu tín hữu CGVN trong và ngoài nước.
© DCVOnline
.
.
.
No comments:
Post a Comment