Tuesday, May 18, 2010

CÁI ĐẢNG RIÊNG CỦA TRUNG QUỐC

Cái Đảng riêng của Trung Quốc

Richard McGregor

Báo The Wall Street Journal 15 tháng 5- 2010

Phạm Toàn dịch

Đăng bởi boxitvn on 18/05/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/05/18/cai-d%e1%ba%a3ng-rieng-c%e1%bb%a7a-trung-qu%e1%bb%91c/

“Làm cách nào mà chủ nghĩa cộng sản lại bị đánh bật ra khỏi cái nhà nước cộng sản lớn nhất thì ai ai cũng biết rồi nhưng cũng chỉ biết vậy thôi. Những mâu thuẫn vô thiên lủng đến chóng mặt khi ta đặt câu hỏi về nước Trung Hoa hiện đại còn có thể làm mọi người càng không biết đâu mà lần. Cái đã từng là có tính cách mạng thì nay chỉ còn là một cơ sở kinh doanh. Những người cộng sản đã leo lên vị trí quyền lực trong cơn co giật của nhân dân chống lại sự tham nhũng, nay lại đã đang đánh đố chúng ta vì sao họ lại rơi vào cũng chứng ung thư ấy. Nhưng các nhà lãnh đạo cao nhất thì vẫn tuyên bố công khai đi theo học thuyết Marx ngay cả khi họ lệ thuộc vào khu vực tư nhân ngặt nghèo để tạo ra công ăn việc làm. Đảng rao giảng bình đẳng trong khi lại chủ trì rằng thu nhập là bất bình đẳng như ở bất kỳ đâu tại châu Á”.

“Sau thời kỳ những chiến dịch tàn bạo của Mao Trạch Đông trong ba thập niên những năm 1950 và sau đó vào năm 1989 khi Quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần đứng chênh vênh ở chỗ phá sản. Bản thân Đảng cũng trải qua cuộc khủng hoảng tồn tại hay không tồn tại sau khi Liên Xô và các nước vệ tinh tan vỡ hồi năm 1992, một sự kiện còn vang vọng mãi tới tận hôm nay trong những hành lang quyền lực ở Bắc Kinh. Sau mỗi đại biến cố, Đảng đã nhặt nhạnh những gì còn sót, thu gom vũ khí và củng cố các chỗ hở sườn. Chẳng biết vì sao, chỉ biết là nó vẫn sống thật dai, có lẽ vì nó quá thông minh, vì nó quá giỏi giang, hoặc có thể chỉ là vì nó đã đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi tiếng nói chê bai phê phán”.

“Báo WSJ – Đảng Cộng sản [Trung Quốc] đã làm đủ mọi cách để che giấu không cho công chúng Trung Hoa và toàn thế giới thấy mọi dấu hiệu họ bám nhằng nhẵng vào quyền lực”. Richard McGregor viết về những bí mật của bộ máy chính trị to nhất thế giới này và vai trò quyền lực ngày càng gia tăng của nó.

BauxiteVN

---------------------------------

Trên bàn làm việc của những người đứng đầu các công ty Nhà nước lớn nhất và tuổi đã năm chục năm có lẻ, giữa những dãy máy tính, những bức ảnh gia đình và vô số vật bày biện khác của cuộc sống nơi công sở những ông Tổng giám đốc điều hành thời hiện đại, có một chiếc điện thoại màu đỏ. Những vị giám đốc điều hành và cán bộ của họ khi nghe chuông của nó reo và nhảy phốc tới đều gọi đó là “máy đỏ”, có lẽ vì nếu gọi nó là cái lô-phôn thông thường thì oan cho nó quá. Một giám đốc điều hành Ngân hàng Nhà nước bảo tôi: “Khi “máy đỏ” réo chuông, tốt hơn cả là hãy trả lời”.

Cái máy đỏ không giống những máy điện thoại thông thường khác. Mỗi máy điện thoại này đều chỉ có một số với bốn con số. Nó chỉ liên lạc với những máy điện thoại tương tự với những con số gồm bốn chữ số trong cùng một hệ thống khóa mã. Tuy thế, chúng lại rất được thiên hạ khao khát. Vì các ông bà giám đốc đứng đầu các công ty Nhà nước hàng đầu, những người đã có sẵn mọi thứ phương tiện thông tin hiện đại rồi, thì cái máy đỏ này vẫn là một dấu hiệu cho thấy họ đã đạt tới địa vị không chỉ là kẻ đứng đầu một công ty, mà họ còn là những kẻ đã lọt vào hàng ngũ cao cấp của Đảng và Chính phủ. Điện thoại là biểu tượng cuối cùng mang tính thể chế vì chúng chỉ được cấp — theo lệnh của Đảng và Chính phủ — cho những ai có chức vụ ngang cấp Thứ trưởng đổ lên.

Các máy điện thoại đều có khóa mã, đó không chỉ là để bảo vệ an toàn cho những cuộc liên lạc của đảng và chính phủ trước các cơ quan săn tin. Chúng cũng dùng để bảo vệ khỏi bị bất kỳ ai nằm ngoài hệ thống chõ mõm vào. Được quyền dùng cỗ máy đỏ có nghĩa là bạn đã được coi là thành viên của cái câu lạc bộ chặt chẽ kín đáo đang điều hành đất nước, một nhóm nhỏ chừng 300 con người, chủ yếu là đàn ông, có trách nhiệm đối với chừng một phần năm nhân loại.

Thế giới hiện đại đầy dẫy những thí dụ về các hệ thống tinh hoa giật dây quyền lực từ phía sau sân khấu hoàn toàn chỉ bằng sức mạnh của những con số. Vương quốc Anh từng có “hệ thống lão-trai tơ” vốn sinh ra để xác định cho rõ bản chất các mối liên hệ giữa các sinh viên tầng lớp trên, những nhà trường không thuộc chính phủ; Nhật Bản thì có lớp tinh hoa Todai, những người tốt nghiệp Khoa luật Đại học Quốc gia Tokyo, một cửa vào Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền dài dài và Bộ Tài chính và Kinh doanh của nước này. Hoa Kỳ thì có Liên đoàn Ivy [tám trường Đại học danh tiếng], có nhóm Beltway [đặt tên theo con đường bao quanh Washington D.C.], có nhóm K Street [đặt tên theo khu phố kinh doanh, luật gia, think-tank ở thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ], và tổ hợp công nghiệp-quân sự cùng một lô một lốc những nhãn mác khác mang chung một ý nghĩa là cái ảnh hưởng mù mờ của những “người trong cuộc” có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Không một kẻ nào sánh được với Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã đưa mạng lưới của tầng lớp lãnh đạo lên một bình diện hoàn toàn mới. Cái máy đỏ mang lại cho bộ máy cai trị của Đảng một đường dây nóng vươn tới vô vàn cánh tay của nhà nước, kể cả những công ty do Chính phủ sở hữu đang được Trung Hoa cho triển khai khắp thế giới với danh nghiã là những thực thể thương mại độc lập. Là cỗ máy chính trị một mình một chiếu, Đảng là một hiện tượng kinh dị với những kích tấc chỉ Đảng mới có. Vào giữa năm 2009, số đảng viên của nó là 76 triệu, nghĩa là cứ 12 người Tàu trưởng thành thì có 1 đảng viên.

Đã có nhiều nỗ lực để lý giải cái mô hình cai trị hậu kỳ Mao Trạch Đông của Trung Hoa do Đặng Tiểu Bình tung ra hồi cuối những năm 1970. Có phải đó là một nền chuyên chế hiền hòa theo phong cách Singapore? Có phải đó là một nhà nước tư bản phát triển như nhiều người vẫn miêu tả Nhật Bản? Hay là một chế độ Tân Khổng-Nho pha trộn kinh tế thị trường? Một dạng chuyển động chậm chạp của nước Nga hậu kỳ Xô-viết nơi tầng lớp tinh hoa tước đoạt mọi thứ tài sản công để thu lợi riêng? Hay là một thứ chủ nghĩa xã hội của ông Bá tước-Kẻ cướp? Hay đó là cái gì hoàn toàn khác với mọi thứ nói trên, một mô hình hoàn toàn mới, một thứ “Đồng thuận kiểu Bắc Kinh”, ấy là nói theo cái câu nói thuận mồm để mô tả những chính sách thực dụng xoay quanh đổi mới công nghệ để giải quyết mọi vấn đề?

Ít ai bây giờ còn mô tả mô hình này là cộng sản nữa, đôi khi ngay cả Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nắm quyền cai trị cũng thế.

Làm cách nào mà chủ nghĩa cộng sản lại bị đánh bật ra khỏi cái nhà nước cộng sản lớn nhất thì ai ai cũng biết rồi nhưng cũng chỉ biết vậy thôi. Những mâu thuẫn vô thiên lủng đến chóng mặt khi ta đặt câu hỏi về nước Trung Hoa hiện đại còn có thể làm mọi người càng không biết đâu mà lần. Cái đã từng là có tính cách mạng thì nay chỉ còn là một cơ sở kinh doanh. Những người cộng sản đã leo lên vị trí quyền lực trong cơn co giật của nhân dân chống lại sự tham nhũng, nay lại đã đang đánh đố chúng ta vì sao họ lại rơi vào cũng chứng ung thư ấy. Nhưng các nhà lãnh đạo cao nhất thì vẫn tuyên bố công khai đi theo học thuyết Marx ngay cả khi họ lệ thuộc vào khu vực tư nhân ngặt nghèo để tạo ra công ăn việc làm. Đảng rao giảng bình đẳng trong khi lại chủ trì rằng thu nhập là bất bình đẳng như ở bất kỳ đâu tại châu Á.

Khoảng cách mỗi năm lại gioãng ra thêm giữa việc Đảng tưởng tượng ra những lời nói hay nói đẹp (“Trung Hoa là nước xã hội chủ nghĩa “) và thực trạng đời sống hàng ngày. Nhưng dẫu sao Đảng vẫn cứ phải bảo vệ sự tưởng tượng, bởi vì đó là để bảo vệ tính nguyên trạng về chính trị lúc này.

Mở rộng ra, việc Đảng bảo vệ quyền lực thì cũng là bảo vệ hệ thống đang tồn tại. Ở cửa miệng ông Đới Bỉnh Quốc, chức quan cao nhất về chính sách đối ngoại của Trung Hoa, thì “mối quan tâm nhân lõi nhất hạng của Trung Hoa là giữ cho hệ thống và nhà nước căn bản được an toàn”. Chủ quyền quốc gia, vẹn toàn lãnh thổ và phát triển kinh tế, đó là những ưu tiên của mọi nhà nước, và tất cả những điều đó đều lệ thuộc vào nhu cầu giữ cho Đảng nắm mãi được chính quyền.

Đảng đã cố công cố sức không để việc mình lên gân lên cốt để duy trì quyền lực không bị lộ diện trước công chúng Trung Hoa và trước những con mắt nhìn của thế giới. Bước vào thế kỷ XXI được một thập kỷ rồi, nhưng tổng hành dinh tại Bắc Kinh của Đảng cầm quyền to lớn với quyền năng vượt xa hơn nhiều những Bộ nọ Bộ kia trong Chính phủ vẫn không để dấu hiệu nào lòi ra bên ngoài cho thấy bên trong họ đang làm những gì, và cũng không có cả danh bạ điện thoại nữa kia. Nhiều người ở phương Tây cũng thấy rằng thích hợp và thuận tiện hơn cả là không nói gì đến cái hậu trường của Đảng, và cứ nói rằng hệ thống điều hành của nước Trung Hoa đã tiến triển có mạnh có yếu, có cái đáng khen và có cái chết cười, hệt như mọi nước khác. Trung Quốc phát triển thương mại và gia nhập cuộc toàn cầu hóa đủ để nhiều người quên đi cái ý nghĩ cho rằng chủ nghĩa cộng sản vẫn còn đang lôi nước Tàu đi theo, cứ như thể mỗi cửa hàng cà phê Starbucks ở từng góc phố là một dấu hiệu của tiến bộ về chính trị vậy.

Thế nhưng, khi ta hé nhìn qua khe của miếng da che cái mô hình Trung Hoa, ta sẽ thấy nước này xem ra còn có vẻ cộng sản nhiều hơn là cứ thênh thang mà được làm cộng sản. Vladimir Lenin, người thiết kế cái khuôn mẫu cho các nước cộng sản khắp thế giới, hẳn sẽ thừa nhận ngay lập tức mô hình Trung Hoa này. Việc Đảng Cộng sản Trung Hoa bám dai dẳng vào quyền lực là dựa trên một công thức giản đơn rút ra từ sự hướng dẫn của Lenin. Trong mọi cuộc cải tổ suốt ba thập niên vừa rồi, Đảng bao giờ cũng bảo đảm chắc chắn là họ đã củng cố vững chãi ba trụ cột của chiến lược sinh tồn: kiểm soát nhân sự, tuyên truyền, và Quân đội (quân Giải phóng nhân dân).

Kể từ khi vào năm 1949 Đảng đã tự đặt mình được vào địa vị chính thống duy nhất cai trị một nước Trung Hoa thống nhất, Đảng và những người lãnh dạo của Đảng đã cắt đặt người của mình vào các vị trí then chốt của nhà nước trong mọi ngành và ở mọi cấp. Toàn bộ hệ thống truyền thông Trung Hoa nằm dưới sự kiểm soát của Ban Tuyên truyền, ngay cả khi các thành viên lớ ngớ của Ban này phải phi nước đại để đuổi cho kịp thời đại Internet. Và nếu có ai định thách thức chế độ này, Đảng có đủ sẵn mọi quyền hành, bảo đảm chắc chắn nắm chặt được quân đội và các cơ quan an ninh, những bảo lãnh cuối cùng của quyền hành. Các lực lượng cảnh sát ở mọi cấp chính quyền, từ các thành phố lớn đến các ngôi làng nhỏ bé, đều có bên trong nó một bộ phân “an ninh nội bộ” có nhiệm vụ bảo vệ sự cai trị của Đảng và nhổ tận gốc mọi tiếng nói chính trị bất đồng trước khi những tiếng nói này có được cử tọa lớn.

Nước Trung Hoa từ lâu đã bỏ không theo đường lối cộng sản cũ kỹ kế hoạch hóa tập trung để theo một nền kinh tế thị trường lưỡng tính nom mượt mà hơn, đó là sáng tạo lớn nhất của Đảng. Nhưng nếu ta đo lường nước Trung Hoa theo danh mục các định nghĩa do Robert Service soạn, đây là nhà sử học già đời chuyên nghiên cứu nước Nga, thì ta sẽ ngạc nhiên khi thấy Bắc Kinh còn giữ lại vô vàn phẩm chất đặc trưng cho các chế độ cộng sản thế kỷ thứ 20.

Giống như chủ nghĩa cộng sản thời hoàng kim ở bất kỳ nơi đâu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhổ tận gốc trốc tận rễ hoặc là đã làm tê liệt các đối thủ chính trị; đã thủ tiêu tính tự trị của tòa án và báo chí; đã hạn chế tôn giáo và xã hội dân sự; đã tróc nã các phương án phụng sự quốc gia dân tộc khác với mình; đã tập trung mọi quyền hành về chính trị; đã tạo ra những mạng lưới cảnh sát an ninh rộng rãi khắp nơi; và đã tống những ai bất đồng chính kiến đi các trại lao động.

Sau thời kỳ những chiến dịch tàn bạo của Mao Trạch Đông trong ba thập niên những năm 1950 và sau đó vào năm 1989 khi Quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần đứng chênh vênh ở chỗ phá sản. Bản thân Đảng cũng trải qua cuộc khủng hoảng tồn tại hay không tồn tại sau khi Liên Xô và các nước vệ tinh tan vỡ hồi năm 1992, một sự kiện còn vang vọng mãi tới tận hôm nay trong những hành lang quyền lực ở Bắc Kinh. Sau mỗi đại biến cố, Đảng đã nhặt nhạnh những gì còn sót, thu gom vũ khí và củng cố các chỗ hở sườn. Chẳng biết vì sao, chỉ biết là nó vẫn sống thật dai, có lẽ vì nó quá thông minh, vì nó quá giỏi giang, hoặc có thể chỉ là vì nó đã đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi tiếng nói chê bai phê phán.

Ít có sự kiện nào lại tượng trưng cho sự vượt lên của Trung Hoa và sự tụt xuống của phương Tây trong cuộc khủng hoảng tài chính hơn là vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đặt chân tới Bắc Kinh vào tháng Hai năm 2009. Những chính quyền Hoa Kỳ trước dưới thời Bill Clinton và George W. Bush đều nhậm chức với một lập trường hiếu chiến, tranh đua với Trung Hoa. Nhưng bà Clinton trước khi hạ cánh đã công bố là không bàn về tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền. Tại cuộc họp báo trước khi sang Trung Hoa, bà khẩn cầu bằng tín hiệu đánh đi rõ ràng muốn Chính phủ Trung Hoa tiếp tục mua các khoản nợ của Hoa Kỳ, hệt như một bà chào hàng tay vung vẩy nắm hóa đơn ấy.

Mưu kế của Đặng Tiểu Bình từ hai thập niên trước đây đã đề ra cách thức Trung Hoa lén lút tiến ra thế giới bên ngoài — “giấu cái khôn, và đợi thời” — mưu kế này đã chực sẵn từ lâu trước khi bà Clinton đến nước Tàu. Những ông tai to mặt lớn của Trung Hoa đi khắp châu Phi, Nam Mỹ và Úc để kiếm nguồn lực, những danh sách chứng khoán hàng tỷ đô-la ở nước ngoài của các công ty Nhà nước (trong đó có cả PetroChina và Ngân hàng Công thương Trung Hoa), sự lên giá của gương mặt Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc và sức bùng nổ kinh tế mỹ mãn của Trung Hoa đã khiến nước này thành tiêu điểm mới của kinh doanh và tài chính kể từ khi chuyển sang thế kỷ mới. Ngôi sao Trung hoa đang lấp lánh chói sáng hơn bao giờ hết, dù là có các nhà ngoại giao của họ vẫn cãi lại rằng họ đang vật lộn để giới thiệu được nước Tàu nhân danh một nền kinh tế tương đối nghèo, còn đang trên đường phát triển.

Sự bế tắc của hệ thống tài chính phương Tây, cùng với sự bốc hơi niềm tin vào Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, trong một đêm đã đẩy vị trí Trung Hoa lên nhiều bậc cao trên thế giới. Chỉ trong khoảng mấy tháng trời đầu năm 2009, nhà nước Trung Hoa ủy thác 50 tỷ đô-la số dư cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và cùng Hồng Kông có số dư 38 tỷ đô-la cho Quỹ Tiền tệ châu Á; đã tăng 25 tỷ đô-la cho vay đến các công ty dầu mỏ Nga đang kẹt tiền mặt; đã dành riêng 30 tỷ đô-la cho các công ty tài nguyên của Úc; đã gạ cho vay hàng chục tỷ đô-la cho nhiều quốc gia và công ty từ Nam Mỹ, Trung Á và Đông Nam Á, để họ mua hàng hóa và xây dựng nền móng cho thị trường mua sắm tương lai. Tháng Chin, Trung Hoa cho biết đẫ sẵn sàng cho vay tới 60-70 tỷ đô-la trong các cuộc đàm phán mua tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Nigeria, Ghana và Kenya.

Tham vọng và quyền lực của Bắc Kinh lộ diện ra theo nhiều cách mà mấy năm trước thôi thật khó mà dám nghĩ đến. Đầu năm 2009, Ngân hàng Trung ương Trung Hoa kêu gọi dùng đồng Nhân dân tệ làm một phương án thay thế đồng đô-la Hoa Kỳ trong dự trữ tiền tệ thế giới, và một năm trôi đi mà họ vẫn nhắc lại đề nghị đó. Pháp lại ngoan ngoãn ủy thác cho Trung Hoa giữ chủ quyền ở Tây Tạng để xoa dịu sự tức giận của Bắc Kinh sau khi Tàu hoãn tham gia một hội nghị cấp cao Cộng đồng châu Âu để phản đối những nước này hoan nghênh chuyến thăm của đức Đạt-lai Lạt-ma. Nhân ngày kỷ niệm Hải quân 60 năm tuổi, Trung Hoa mời cả thế giới tới thăm hạm đội tàu ngầm mới chạy bằng năng lượng hạt nhân của họ ở ngoài khơi thành phố Thanh Đảo.

Thị trường khổng lồ Trung Hoa đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngay trước Triển lãm ô-tô Thượng Hải tháng 4 năm 2009, số lượng xe hơi chở khách bán ra hàng tháng đã lên cao nhất, hơn hẳn mọi thị trường ô tô trên thé giới, vượt cả Mỹ. Một tháng sau, Vương Kỳ Sơn và một đoàn Bộ trưởng Trung Hoa gặp gỡ với Catherine Ashton khi đó là ủy viên phụ trách thương mại của Cộng đồng Châu Âu và khoảng 15 Giám đốc kinh doanh cao cấp nhất ở Brussels để nghe họ than phiền về việc khó thâm nhập thị trường Trung Hoa. Chắc chắn là ông Vương sau khi nghe những than phiền của họ trong một bữa ăn làm việc buổi trưa, đã nhượng bộ và cho rằng có những “bất bình thường” trong thị trường. Song ông ta vẫn đáp lại, “Tôi biết là các vị có nhiều kêu ca than phiền, nhưng cái duyên của thị trường Trung Hoa thì không ai cưỡng lại nổi”. Nói cách khác, những nhà điều hành tham gia cuộc họp ngạc nhiên thừa nhận rằng, có than phiền nhiều đến đâu đi nữa, thì thị trường này vẫn quá lớn, và kiểu gì thì cũng phải vào được đó thôi. Tệ hơn nữa, nhiều vị điều hành còn nhận thấy là ông Vương đã nói đúng.

Sự trỗi dậy của Trung Hoa là một xu thế lớn đích thực, một hiện tượng có khả năng từng bước một, từng khu vực một, tái tạo lại nền kinh tế toàn cầu. Việc nó được tiến hành dưới sự tổng quản của đảng cộng sản khiến nó càng gây thêm bực bội cho cái thế giới phương Tây chỉ mới mấy năm trước đây thôi vẫn còn hoan hỉ với những khái niệm chấm dứt lịch sử bằng sự thắng thế của nền dân chủ tự do.

Trong chỉ có một thế hệ, giới tinh hoa của Đảng Cộng sản (Trung Quốc) đã đổi thay từ một đám người ăn mặc kiểu Mao Trạch Đông mặt mũi không biết vui cười là gì, một lũ ác ôn đàn áp tư tưởng, thành một tầng lớp lãnh đạo xã hội giàu có và quen việc làm ăn kinh doanh. Đảng Cộng sản ngày nay đang lao tất cả vào xa lộ toàn cầu hóa, điều đó đổi lại sẽ làm thành những hệ quả kinh tế mạnh hơn nữa, thu lợi cao hơn nữa và tạo ra sự an toàn chính trị lớn hơn nữa.

Thiếu vắng những cuộc bầu cử dân chủ, thì không thể nào đánh giá được sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng Cộng sản. Nhưng có điều không chối cãi được, ấy là sự ủng hộ đã gia tăng kể từ khi Mao Trạch Đông chết đi. Đảng Cộng sản Trung Quóc với các nhà lãnh đạo của nó không bao giờ muốn mình trưởng thành lên sẽ như phương Tây. Và xét tới cái tương lai khả dĩ đoán định được, hình như nguyện vọng của họ sẽ thành sự thật.

Richard McGregor là Phó tổng biên tập Thời sự và trước đây là trưởng văn phòng báo Financial Times tại Bắc Kinh. Tiểu luận này dựa theo cuốn The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers (“Đảng: Thế giới bí mật của những người cầm quyền cộng sản Trung Hoa”).

Nguồn: http://online.wsj.com/article/SB10001424052748704250104575238590027868792.html?mod=WSJ_hps_MIDDLESecondNews#printMode

.

.

.

No comments: