Sunday, May 9, 2010

BỊT MẮT, NGHE GIÓ KIẾM (Trần Khải)

Bịt Mắt, Nghe Gió Kiếm?

TRẦN KHẢI

Việt Báo Chủ Nhật, 5/9/2010, 12:00:00 AM

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=158944

.

Nhà nước CSVN đã lộ vẻ đắc ý trong một số bài tường thuật về những cuộc biểu tình tại Thái Lan, với hàm ý rằng dân chủ đa đảng tất sẽ hỗn loạn, tất sẽ làm thiệt hại kinh tế, tất sẽ làm xô xát đường phố, thậm chí còn lộ ý hài lòng rằng chế độ độc đảng sẽ ổn định hơn, sẽ làm kinh tế tránh chao đảo, và vân vân. Nhưng thực tế là, nhà nước CSVN chưa bao giờ đủ tự tin về lựa chọn của mình để trưng cầu dân ý về nhu cầu của một chế độ đa đảng.

.
Lý luận xa hơn, có bài viết trên báo nhà nước còn gợi ý rằng hỗn loạn dân chủ tại Thái Lan là một bước mấp mé của “cách mạng màu.” Có phải đây là một hù dọa về những hỗn loạn của dân chủ kiểu Thái Lan?
Báo Tổ Quốc -- trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – qua bài viết của tác giả Nguyễn Nguyên đăng ngày 4-5-2010, nhan đề “Thái Lan trước cuộc cách mạng "màu”...” đã vào đề bằng một hình ảnh bi quan:
“(Toquoc)- Đường phố Bangkok có đủ loại sắc màu Áo Đỏ, Áo Vàng, Áo Đen, trong khi diễn ra cuộc tranh luận về vai trò quân đội và ngôi Vua đối với tương lai Thái Lan. Phải chăng cách mạng "màu" đã lây lan tới Đông Nam Á?
Thái Lan đã trải qua 4 năm rối loạn. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan lâm vào bế tắc. Một đợt đấu tranh giành quyền lực dai dẳng gây tổn thương nữa đang diễn ra chưa có dấu hiệu chấm dứt...”
(hết trích)

.
Có thực là Việt Nam không cần dân chủ đa đảng? Nhà nước CSVN đặt câu hỏi này với toàn dân chưa, hay là vẫn cứ một kiểu hiệp sĩ mù nghe gió kiếm để hù dọa dân?
Nhiều người trong nước thực sự vẫn bày tỏ ước mơ sẽ có một nền dân chủ thực sự cho quê nhà. Mới nhất trên mặt báo, có tác giả Bùi Đức Lại qua bài “Chống dân chủ hình thức.” Bài này đăng trên báo VietnamNet, chia làm ba phần. Cần ghi nhận rằng, Bùi Đức Lại nguyên là chuyên gia Ban Tổ Chức Trung Ương, nghĩa là một cán bộ không chỉ cao cấp, mà còn là nơi hiểu được cách phối trí, sắp xếp cán bộ. Bài viết, nơi phần 3, có một số điểm đáng chú ý, trích:
“...Không có thông tin đầy đủ và chính xác thì không thể có dân chủ thực sự.

Nhiều đại biểu Quốc hội than phiền không được cung cấp thông tin cần thiết khi ra quyết định (biểu quyết). Ông Hữu Thọ đã có lần nói, với tư cách ủy viên trung ương, thực ra ông không có điều gì bị hạn chế, nhưng ông không có đủ thông tin để chủ động tham gia thảo luận và quyết định.
Một tổng biên tập báo Nhân Dân, một ủy viên trung ương, một Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương mà còn thiếu thông tin thì làm sao các tổ chức, các cá nhân ở cương vị thấp hơn có thông tin để thực hiện được quyền dân chủ đích thực?
Lỗi có thể thuộc tổ chức, cá nhân, "cơ chế" hay cũng có thể ở cả ba nơi đó. Nhưng muốn thực sự khắc phục bệnh dân chủ hình thức, cần sớm khắc phục triệt để điều này.
Khuyến khích phản biện
Ba là, khuyến khích và thực hiện phản biện xã hội rộng rãi. Chúng ta khẳng định mục tiêu định hướng phát triển đất nước, nhưng cũng thừa nhận rằng con đường đi đến mục tiêu đó là chưa có tiền lệ, phải tìm tòi...
Thực tế vừa qua chỉ ra rằng, trên từng bước đi lên, bên cạnh những kết quả lại phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khuyết điểm, sai sót. Trong tình hình đó, "độc quyền chân lý" là có hại. Phản biện xã hội là sự cần thiết khách quan, vừa là biểu hiện cụ thể nhất của dân chủ, vừa là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy dân chủ thực sự.
Bốn là, tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.
Để thực hiện được chức năng của mình trong thể chế dân chủ, báo chí phải đưa thông tin khách quan, phản ảnh tình hình chân thực, không cắt xén. Nó không thể chỉ là tiếng nói của người cầm quyền, mà còn phải là tiếng nói của dân chúng. Những tiếng nói đó có mặt đồng thuận và không đồng thuận. Cần phản ảnh sự đồng thuận khách quan, chứ không được tạo ra bằng cách bỏ qua những biểu hiện không đồng thuận.
Không có báo chí dân chủ thì không thể có phản biện xã hội, không có giám sát xã hội, tức là không thể có dân chủ đích thực. Trước mắt, cần có quan điểm chỉ đạo rõ ràng về các vấn đề "lề trái, lề phải", "thông tin, đề tài nhạy cảm" mà nhiều người đã đề cập...”
(hết trích)

.
Một số chi tiết cho thấy rằng, VN hiện thiếu thông tin, ngay tới ủy viên trung ương như ông Hữu Thọ, cũng từng là Trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương... cũng không có đủ thông tin. Ông Hữu Thọ còn bị bịt mắt, bịt tai như thế, thì chuyện các thế hệ trẻ như cô Đỗ Ngọc Bích nhầm sử ta với sử Tàu cũng là chuyện dễ hiểu, thậm chí có thể thông cảm. Nhưng hiển nhiên, điều không thể thông cảm là khi các ủy viên trung ương lại không có đủ thông tin để cân nhắc về các quyết định ảnh hưởng tới kinh tế và đời sống người dân cả nước.

.
Tác giả Bùi Đức Lại cũng kêu gọi là cần phản biện rộng rãi, điều ông gọi là “chưa có tiền lệ,” và kêu gọi báo chí phảỉ khách quan, phải mang cả tiếng nói của dân chúng... Nếu tác giả Bùi Đức Lại là người hải ngoại, có thể dễ dàng bị báo Tổ Quốc chụp mũ là có ý đồ khơi dậy “cuộc cách mạng màu...”

.
Các nhà hoạt động dân chủ tại quê nhà đã suy nghĩ thế nào về Tháí Lan, về dân chủ và hỗn loạn? Ban Việt ngữ đài VOA đã phỏng vấn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, người bị cầm tù nhiều năm vì đã dịch và phổ biến trên internet bài viết “Thế nào là Dân chủ?” được đăng trên trang nhà của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, qua bài đăng trên VOA hôm Thứ Năm 6-5-2010. Bác sĩ Phạm Hồng Sơn có một số câu trả lời như sau:
“...Nếu coi những biểu hiện của Thái Lan hiện nay là hậu quả của phái hữu (phái bảo hoàng, giới tướng lãnh và các nhà tài phiệt thân hoàng gia) còn bảo thủ, đã không nhìn ra hoặc không đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ và bình đẳng xã hội, vẫn cố ỷ vào tâm lý sùng kính Vua Bhumibol Adulyadej của xã hội Thái Lan để duy trì những đặc quyền do nền dân chủ thiếu hụt đem lại, thì Việt Nam, phái tả cực đoan đang cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như không đáp ứng chút nào đối với nhu cầu dân chủ hóa đang ngày càng nóng bỏng tại Việt Nam, họ vẫn cố lợi dụng tâm lý chán chiến tranh, muốn hòa bình, ổn định đời sống của đại bộ phận người dân để duy trì những đặc quyền do chế độc đảng phi dân chủ mang lại, bất chấp cả việc Tổ quốc bị xúc phạm, chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị cướp đoạt.
Bất kỳ xã hội nào cũng có mâu thuẫn, nhưng điều đáng nói ở Thái Lan hiện nay là cách thức giải quyết mâu thuẫn để cân bằng lợi ích giữa các thành phần trong xã hội đang có xu hướng bạo lực hóa nặng hơn (vì các tiêu chuẩn dân chủ còn thiếu hoặc bị phá vỡ). Trong khi đó những mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam lại đang bị tích tụ và dồn nén, bị trấn áp hoàn toàn (vì chưa đạt được một tiêu chuẩn dân chủ cơ bản nào)... (...)
Tuy nhiên, nếu nhìn vào Thái Lan hiện nay, vẫn có một hy vọng cho cuộc khủng hoảng đang diễn tiến là, vì các bức xúc giữa các bên tại Thái Lan vẫn được thể hiện, không bị trấn áp hoàn toàn, nếu xu hướng căng thẳng bạo lực tiếp tục gia tăng thì cũng chỉ đến một mức độ là có thể được giải tỏa hoặc nhanh chóng bị kìm chế. Trong khi tại Việt nam, cho dù hiện tại xã hội vẫn tỏ ra im lặng, nhưng không ai có thể hình dung được hậu quả khôn lường một khi các mâu thuẫn nhiều tầng, nhiều lớp bị dồn nén, chất chứa lâu ngày đến mức phải tự bung ra. Tình trạng Thái Lan và Việt Nam hiện nay cũng có thể ví như hai chiếc nồi hơi đang bị đun nóng, một chiếc thì có van an toàn (soupape de sûreté), còn chiếc kia không có hoặc chiếc van đã bị bịt kín...”
(hết trích)

.
Câu hỏi là, như thế, lựa chọn nào tốt hơn giữa dân chủ Thái Lan và độc tài Việt Nam? Dưới mắt phóng viên quốc tế, so với Tháí Lan, tình hình Việt Nam thực ra lại là bất ổn.
Báo The Washington Times, bài viết của phóng viên Roger Mitton viết từ Bangkok, nhan đề “Think twice; it’s not all right in Vietnam” (Hãy nghĩ kỹ; chuyện thực ra không ổn tại Việt Nam) đăng ngày 29-4-2010, có nêu lên một số điểm đáng chú ý.
Bài viết nói rằng Đảng CSVN công khai sử dụng khủng hoảng chính trị tại Thái Lan để củng cố ủng hộ cho chế độ độc tài độc đảng ở Hà Nội, trong đó các nhà báo ở Hà Nội xác nhận rằng báo chí nhà nước được chỉ thị là phải tường thuật kỹ các cuộc biểu tình tại Thái Lan và phảỉ mô tả sự trái nghịch giữa mất ổn định ở Thái Lan và ổn định ở VN.
Thêm nữa, bài của Mitton còn nói là các công ty quốc tế có hướng nghiêng về đầu tư ở VN hơn là ở nơi bất ổn như Thái Lan, qua đó dẫn lời ông Phạm Chiến Khu, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Ý Kiến Xã Hội (thuộc Ban Tuyên Giáo Đảng) nói với thông tấn Đức DPA.
Bài báo của Mitton dẫn ra rằng cán bộ nói như thế là trật, vì bảng xếp hạng 183 quốc gia trong năm 2010 cuả Ngân Hàng Thế Giới, VN đứng hạng thứ 93 về mức độ dễ dàng kinh doanh, trong khi Thái Lan đứng hạng thứ 12.
Nhìn các năm gần đây, VN còn thê thảm nữa: năm ngoái (2009), đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tại VN giảm 70% để còn 21.5 tỉ đô la, từ mức 71.7 tỉ đô la trong năm 2008.
Phóng viên Mitton dẫn ra rằng tham nhũng, thiếu minh bạch và vô trách nhiệm, và gánh nặng quan liêu thủ tục tại VN đã là rào cản đầu tư nước ngoài. Cán bộ Hà Nội liên tục nói là phaỉ chống tham nhũng, nhưng cứ liên tục bắt giam các phóng viên khui ra những vụ xì căng đan tham nhũng. Tình hình này, theo Mitton, sẽ còn bi đát thêm khi gần tới ngày Đại Hội Đảng CSVN, theo lịch trình là tháng 1-2011.
Mitton còn viết rằng, thực ra VN vẫn nhiều bất ổn: liên tục nhiều hơn các vụ đình công, biểu tình, tranh chấp đất các năm gần đây, thường là ảnh hưởng các cơ sở kinh doanh nước ngoài. Mới tháng trước, hơn 10,000 công nhân đình công để phản đối lương thấp và điều kiện làm việc tệ hại ở một xưởng giày Đồng Nai. Và trong 6 tháng qua, đã có hơn 330 cuộc đình công tương tự ở VN.
Mitton ghi nhận lời một đại sứ ASEAN nói ở Hà Nội tuần trước, rằng chế độ CSVN không biết gì về ý nghĩa kinh tế. Mitton viết, “Không có hướng đi nào hết. Trừ phi các con khủng long trong đảng tìm ra vài hướng đi và nới bớt kềm kẹp kinh tế và chính trị, còn thì VN sẽ không bao giờ bắt kịp Thái Lan.”

.
Hướng đi? Làm gì mà họ có hướng đi. Tác giả Bùi Đức Lại đã nói rồi, ngay cả các ủy viên trung ương còn không có thông tin nào, còn bị bịt mắt, bịt tai, còn bị cấm phản biện... thì tất cả cái gọi là “tìm hướng đi” vẫn chỉ là trò chơi hiệp sĩ mù nghe gió kiếm thôi.
Than ôi, mù bình thường còn may ra, còn mù kiểu định hướng xã hội chủ nghĩa thì bao giờ mới thấy?

.

.

.

No comments: