Sunday, May 9, 2010

BAO NỖI TANG THƯƠNG - HỒI KÝ (VII & VIII)

Bao nỗi tang thương (VII) - Hồi ký
Trí Lực

13-04-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7323

.

XVII.- Lánh nạn Cộng sản tại xứ Chùa Tháp

Ngày 13 tháng 2 năm 2002, theo pháp lý là đúng ngày tôi được mãn hạn năm năm quản chế. Thế là ròng rã mười năm qua, kể từ khi mắc vòng lao lý vì tham gia hoạt động phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội truyền thống, tôi chưa hề có một ngày được sống tự do.

Nay thời gian quản chế đã mãn, tôi hy vọng chính quyền Cộng sản sẽ trả lại quyền công dân; mọi sinh hoạt, đi lại, cư trú của tôi sẽ không còn bị hạn chế như trước nữa. Việc trước mắt là chính quyền sẽ có thiện chí làm thủ tục nhập lại hộ khẩu cho tôi, sau mười mấy năm bị xóa sổ. Trong cơ chế quản lý nhân hộ khẩu dưới chế độ Cộng sản, đây chính là mạch sống của người dân, giải quyết được mọi vấn đề pháp lý trong sinh hoạt xã hội, vì thế mọi người thường nói đùa, hộ khẩu cũng chính là hậu khổ.

Tôi kiên nhẫn chờ đợi chính quyền giải quyết các thủ tục pháp lý để có thể hòa nhập cộng đồng xã hội. Song đã hơn hai tháng trôi qua, quyền sống của tôi vẫn bị chà đạp, chính quyền vẫn tiếp tục quản thúc tôi mà không cho biết lý do, tôi không được nhập lại hộ khẩu và vẫn phải đi trình diện đúng hạn kỳ. Bởi thế cho nên, tôi chẳng còn sự chọn lựa nào khác, buộc lòng phải ra đi lánh nạn Cộng sản để tìm tự do, cho dù phải đổi lấy mạng sống hoặc chịu cảnh tù đày đi chăng nữa.

--
♦♦♦ --

Thầy Thích Tâm Vân và tôi kết bạn vong niên. Chúng tôi quen nhau trong dịp đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt tại huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp vào trung tuần tháng 10 năm 1994. Ðợt cứu trợ này được sự hổ trợ của Viện Hóa Ðạo trong nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại, Ban Từ thiện xã hội và Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp đảm nhiệm Phật sự.

Thầy Thích Tâm Vân cũng là nạn nhân của chế độ, thường xuyên bị sách nhiễu vì thầy không chịu tham gia Giáo hội nhà nước. Trước đây, thầy là ủy viên công cán Viện Hóa Ðạo, là người có tinh thần phục hoạt Giáo hội. Sau những lần bàn thảo, thầy Tâm Vân và tôi quyết định lên đường vượt biên giới sang Campuchia lánh nạn Cộng sản.

Vào khoảng 3 giờ sáng, ngày 18 tháng 4 năm 2002, chúng tôi hẹn gặp nhau tại ngã tư Bình Phước (quốc lộ 13 đi Bình Dương và xa lộ Ðại Hàn) để đón xe về miền Tây.

Qua những vùng sông nước chằng chịt hoặc đầm lầy mênh mông, nhờ có người tận tình dẫn đường, nên chúng tôi đã đến được xứ Chùa Tháp vào ngày 19 tháng 4 năm 2002. Trông xa kia là những cánh đồng còn trơ gốc rạ; dưới ánh nắng chói chang, một đàn bò gầy ốm ung dung gặm cỏ. Thỉnh thoảng chúng tôi băng ngang qua những ngôi chùa giữa làng quê hẻo lánh, cờ Phật giáo quốc tế năm màu tung bay trước cổng chùa. Ðó đây một vài nhà sư khoác y vàng chậm rãi từng bước một, các vị này đi khất thực theo truyền thống của giáo phái Phật giáo Nam tông.

Giữa chốn đất khách quê người, lạc lõng giữa phố thị, chúng tôi nơm nớp lo âu vì không có hộ chiếu nhập cảnh, lỡ không may bị công an Campuchia xét giấy tờ thì sẽ gặp chuyện rắc rối. Nghĩ vậy nên tôi bàn với thầy Tâm Vân:

- Bạch thầy, giờ phút này đã đến lúc chúng ta hãy nên khẩn cấp như cứu lửa cháy trên đầu. Con đề nghị nên đến Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ để xin cư trú chính trị, may ra được an toàn. Nếu chần chừ, công an Việt Nam có thể tầm nã. Ở đây, mật vụ Cộng sản không phải là không có.

Nghe tôi đề nghị, thầy Tâm Vân đồng tình ngay.

--
♦♦♦ --

Khoảng bốn người ngồi trong vọng gác ở cổng Tòa Ðại sứ Mỹ đều là người Campuchia. Qua một vài câu trao đổi bằng tiếng Anh, họ hiểu ngay chúng tôi từ Việt Nam sang đây xin tỵ nạn chính trị, bèn gọi điện thoại vào bên trong báo tin. Một lát sau, hai viên chức Tòa Ðại sứ đi ra và tiếp chúng tôi tại cổng. Ðối thoại một lúc, hai bên chưa thông hiểu lẫn nhau, vì khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của chúng tôi không được thông thạo lắm. Một viên chức sử dụng điện thoại cầm tay bấm máy gọi cho ai đó, rồi trao điện thoại cho thầy Tâm Vân và tôi nói chuyện. Bên kia có lẽ là một viên chức Tòa Ðại sứ sử dụng tiếng Việt sành sỏi:

- Xin các ông cho chúng tôi biết quý danh. Ở Việt Nam, các ông đã gặp những khó khăn gì?

Tôi trả lời:

- Thưa ông, chúng tôi tên là Thích Tâm Vân và Trí Lực, đều là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đàn áp thô bạo suốt hơn hai mươi năm qua. Hai vị lãnh đạo của chúng tôi là ngài Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ hiện đang bị chính quyền quản thúc. Bản thân chúng tôi đã có những hoạt động đòi hỏi tự do tôn giáo và quyền con người, nên đã bị bắt giam và quản thúc suốt mười năm nay. Sự đàn áp Giáo hội chúng tôi mỗi ngày một gia tăng, buộc lòng chúng tôi phải vượt biên giới sang đây xin tỵ nạn.

- Tôi có biết sự việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp ở Việt Nam. Nay các ông đến đây cần chúng tôi giúp đỡ điều gì?

- Thưa ông, chúng tôi mong muốn được Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ chấp thuận cho chúng tôi tỵ nạn chính trị và không bao giờ chúng tôi muốn bị giao trả về Việt Nam.

- Ồ, không có điều đó đâu, làm sao mà chúng tôi có thể giao trả các ông. Ðất nước chúng tôi mới trải qua biến cố ngày 11 tháng 9 vừa qua, hiện giờ chưa ổn định, các ông muốn sang đất nước chúng tôi làm gì?

- Thưa ông, chúng tôi thành thật chia sẻ nỗi đau thương mất mát của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ. Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 là một cuộc khủng bố kinh hoàng chưa từng có. Thế nhưng, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là một đất nước luôn luôn tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền; bởi thế, chúng tôi khát khao được sống trong một đất nước tự do.

- Cảm ơn các ông đã có lời chia buồn với chúng tôi. Nhưng Tòa Ðại sứ chúng tôi không tiếp nhận người tỵ nạn. Các ông hãy thông cảm và nên đến Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để trình bày hoàn cảnh, chúng tôi hy vọng các ông sẽ được giúp đỡ.

Cuộc trao đổi giữa chúng tôi và các viên chức Tòa Ðại sứ Mỹ ở Phnom Penh trong bầu không khí hết sức chân tình và thông cảm lẫn nhau. Các vị ấy không quên ghi cho chúng tôi địa chỉ văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Chúng tôi trân trọng cảm ơn và chào tạm biệt.

--
♦♦♦
--

Ðã gần 4 giờ chiều, chúng tôi tìm được Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, tọa lạc tại số 2, đường 352, Phnom Penh. Hôm ấy, nhằm ngày thứ sáu cuối tuần, giờ này văn phòng đã nghỉ làm việc, nên các nhân viên bảo vệ dặn chúng tôi ngày thứ hai hãy trở lại.

Tôi đi tìm trạm điện thoại liên lạc với thầy Thích Vân Ðàm ở Hoa Kỳ và ông Võ Văn Ái ở Pháp, để nhờ các vị ấy vận động can thiệp.

Nhờ hỏi thăm một người qua đường, chúng tôi mướn được một chỗ trọ rẻ tiền, không có phòng mà chỉ ngủ ở gác gỗ hàng hiên.

Thứ hai ngày 22 tháng 4 năm 2002, chúng tôi trở lại Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để nộp hồ sơ xin tỵ nạn và được ông Mony tiếp nhận. Theo giấy hẹn đến phỏng vấn, vì không có thông dịch viên nên ông ấy cứ lần lựa hẹn rày hẹn mai; tuy nóng lòng nhưng chúng tôi cũng đành phải kiên nhẫn đợi chờ. Sở dĩ trễ nải như thế vì hiện đang vào thời kỳ cao điểm, Liên Hiệp Quốc tập trung phỏng vấn khoảng một nghìn người Thượng Tây Nguyên tại trại tỵ nạn Phnom Penh; số người này bị chính quyền Cộng sản Việt Nam đàn áp trong các cuộc biểu tình đòi hỏi tự do tôn giáo và đòi lại đất đai của họ bị chiếm ðoạt, sự biến xảy ra vào đầu năm 2001.

Trong thời gian chờ đợi phỏng vấn, một thầy trú trì ngôi chùa vùng Xóm Mới, ngoại ô thành phố Phnom Penh, đã hoan hỷ cho thầy Tâm Vân và tôi ẩn thân, nhưng công an Campuchia vào xét hỏi, nên chúng tôi đành phải rời chùa. Sau đó, gặp được vài người tốt bụng thuộc Phật giáo Hòa Hảo, họ nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi nơi ăn chốn ở.


XVIII.- Buổi phỏng vấn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn

Trung tuần tháng 5 năm 2002, bà Sara Colm - một viên chức thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) phụ trách Á châu - mời chúng tôi đến văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tọa lạc tại đường Mao Trạch Ðông (Mao Tse Tung Blvd) ở Phnom Penh để phỏng vấn, giáo sư Võ Văn Minh là người thông dịch. Bà ấy hứa sẽ làm hết sức mình để can thiệp cho chúng tôi. Trước khi ra về, bà không quên căn dặn chúng tôi phải hết sức cảnh giác, vì đã xảy ra nhiều vụ công an Việt Nam bắt người tỵ nạn ở đây.

Sau này tôi được biết, ông Võ Văn Ái ở Pháp đã liên lạc và gửi gắm chúng tôi cho bà Sara Colm, nên mới có buổi gặp gỡ này. Trong thời gian chờ đợi Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc phỏng vấn, chúng tôi như sống trong cảnh nước sôi lửa bỏng, bởi có nguy cơ sẽ bị công an mật vụ Việt Nam lùng bắt bất cứ lúc nào.

--
♦♦♦ --


Thế rồi, ngày tôi hằng mong đợi đã đến. Ông Mony viết giấy hẹn tôi đến phỏng vấn vào lúc 14 giờ, ngày 31 tháng 5 năm 2002. Tôi đi bộ ngang đài Ðộc Lập, thấy thời gian còn sớm bèn vào ngôi chùa lớn ở gần đó để lễ Phật và nghỉ chân. Tôi tiếp tục đi dọc theo đường Norodom, đến ngã ba đường số 352, tôi nhìn thấy hai người lảng vảng dưới bóng cây bên góc ðường, ánh mắt họ nhìn tôi ra vẻ dò xét. Tôi dừng chân dưới bóng cây xoài phía trước Phủ Cao ủy, mấy nhân viên bảo vệ vui vẻ ra hiệu cho tôi đến ký tên vào sổ và nhận thẻ kiểm soát.

Ngồi chờ một chốc ở dãy ghế đặt trước hàng hiên, ông Mony dẫn tôi lên phòng làm việc ở lầu một rồi trở ra. Tôi kiểm lại các giấy tờ mang theo và hy vọng tràn trề, chiều hôm nay, mình sẽ được Cao ủy phỏng vấn sau gần một tháng rưỡi sang đây. Khoảng mười phút sau, ông Mony trở vào phòng, đi theo là một viên chức phốp pháp, trên tay hai người đều mang hồ sơ dày cộm. Tôi đứng dậy gật đầu chào, hai vị ấy mỉm cười chào lại và đưa tay ra dấu mời tôi ngồi xuống. An tọa xong, viên chức kia giới thiệu ông Mony bằng tiếng Việt hết sức sành sỏi. Ông ấy nói tiếp:

- Tôi tên là Göran Rosén, đã từng sống và làm việc ở Việt Nam gần hai mươi năm nay, tôi cũng vừa mới từ Việt Nam về. Trong buổi phỏng vấn hôm nay, tôi sẽ là người thông dịch. Tôi đã đọc kỹ hồ sơ xin tỵ nạn của ông, xin ông có thể cho tôi được gọi ông bằng thầy trong cách xưng hô.

Tôi mỉm cười đáp lại:

- Tôi rất lấy làm hân hạnh được gặp hai ngài, và tùy quý vị muốn gọi thế nào cũng được.

Hai viên chức Phủ Cao ủy Tỵ nạn thong thả soạn các hồ sơ ra giữa bàn. Bất chợt tôi thoáng nhìn thấy một văn bản tiếng Anh, trên góc trái có in huy hiệu đặc biệt của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hết sức quen thuộc, cạnh đó là một văn bản có in dòng chữ Human Rights Watch (Tổ chức Quan sát Nhân quyền). Tôi suy đoán rằng, như vậy là những thông tin liên lạc của tôi ở Campuchia đã được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tiếp nhận. Nay ông Võ Văn Ái đã gửi thư nhằm can thiệp với Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc về tình trạng của tôi. Thêm nữa, tôi đoán chừng bà Sara Colm cũng đã gửi văn bản đến Phủ Cao ủy, ngõ hầu can thiệp cho thầy Tâm Vân và tôi sau buổi phỏng vấn vừa qua tại văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh.

Tôi chăm chú lắng nghe ông Göran Rosén nói một cách chậm rãi từng câu tiếng Việt rất chuẩn và rõ ràng:

- Hôm nay, chúng tôi đại diện Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tiến hành phỏng vấn thầy. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét thầy có đủ tư cách và điều kiện để hưởng quy chế tỵ nạn chính trị hay không? Chúng tôi có bổn phận giữ kín nội dung trao đổi, nghĩa là sẽ không công bố các vấn đề được nêu ra trong buổi tiếp xúc này. Nếu xét thấy chưa hội đủ tiêu chuẩn để hưởng quy chế tỵ nạn, thì chúng tôi sẽ giới thiệu thầy đến gặp luật sư về công pháp quốc tế, để nhờ vị ấy giúp đỡ.

Nói đến đây, ông Göran quay sang nói chuyện với ông Mony bằng tiếng Anh, đoạn ông ấy nói tiếp:

- Theo nguyên tắc, một người được gọi là tỵ nạn, người ấy phải từ một đất nước khác đến đây là quốc gia thứ hai. Sau khi được công nhận quyền tỵ nạn, Liên Hiệp Quốc sẽ điều đình xem có quốc gia thứ ba nào chấp thuận cho người ấy định cư, văn phòng Cao ủy sẽ làm thủ tục cho người ấy ra đi. Như vậy, người Campuchia không thể đến đây xin tỵ nạn, mà phải đi đến một đất nước khác. Nay thầy hãy cho chúng tôi biết, ở Việt Nam, thầy đã gặp phải tình cảnh như thế nào mà phải sang đây lánh nạn và cần Phủ Cao ủy chúng tôi giúp đỡ?

Tôi tập trung suy nghĩ và sắp xếp trình tự câu trả lời ngắn gọn, ông Göran dịch lại từng đoạn ngắn bằng tiếng Anh cho ông Mony hiểu. Thỉnh thoảng họ ghi chép vào biên bản phỏng vấn và sổ tay những ý tưởng tôi vừa trình bày. Tôi trả lời:

- Thưa quý ngài, trước hết tôi chân thành cảm ơn Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã dành cho tôi buổi phỏng vấn hôm nay. Kể từ khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền Cộng sản đã đặt ách thống trị hà khắc, đang tâm đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi một cách thô bạo và hết sức nghiệt ngã. Ðây là Giáo hội truyền thống được kế thừa trải qua gần hai nghìn năm lịch sử. Nhiều vị trong hàng Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội bị cầm tù hoặc bị quản thúc, các vị khác đành phải bỏ quê hương đất nước ra đi, vượt qua muôn nghìn hiểm nguy sóng gió trên biển Ðông để đến được bến bờ tự do. Hiện nay, hai ngài lãnh đạo Giáo hội là Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ đang bị quản thúc nghiêm ngặt.

Năm 1992, ngài Thích Ðôn Hậu viên tịch tại chùa Linh Mụ, đã để lại chúc thư phó thác cho ngài Thích Huyền Quang tiếp tục điều hành Phật sự Giáo hội. Bản thân tôi đã có những hoạt động đòi hỏi tự do tôn giáo, qua công cuộc vận động phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi bị chính quyền Cộng sản bắt ngày 2 tháng 10 năm 1992, cùng lúc với ngài Thích Không Tánh và giáo sư Nhật Thường. Một thời gian sau, chúng tôi được thả và bị quản thúc vô thời hạn.

Ngày 6 tháng 11 năm 1994, chúng tôi tham gia cứu trợ đồng bào lâm cảnh lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long do ngài Thích Quảng Ðộ tổ chức, chúng tôi lại bị bắt giam. Ngày 15 tháng 8 năm 1995, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra án quyết phạt tôi ba mươi tháng tù giam và năm năm quản chế. Ðáng lẽ tôi được mãn án vào đầu năm 2002, thế nhưng nhà cầm quyền Cộng sản vẫn tiếp tục quản thúc tôi, quyền sống của tôi bị chà đạp, bởi thế tôi đành phải tìm đường vượt biên giới sang đây lánh nạn.

Ông Göran Rosén hỏi:

- Thầy vượt qua biên giới hai nước vào ngày nào?

- Tôi vượt biên giới và đặt chân đến xứ Chùa Tháp vào ngày 19 tháng 4 năm 2002.

- Khi đi thầy có hộ chiếu thông hành hay không?

- Thưa không, làm sao tôi có thể được cấp hộ chiếu trong khi tôi không có hộ khẩu.

- Tại sao thầy không có hộ khẩu?

- Theo luật pháp Việt Nam, người nào bước chân vào tù là đã bị chính quyền địa phương xóa tên trong sổ hộ khẩu.

- Khi mãn hạn năm năm quản thúc, chính quyền cho thầy nhập lại hộ khẩu hay không?

- Thưa không.

Sau khi nói chuyện với ông Mony, ông Göran hỏi tiếp:

- Các bị cáo trong phiên tòa gồm có những ai? Bị kết án về tội danh gì?

- Các bị cáo trong phiên tòa hôm ấy gồm có quý ngài Thích Quảng Ðộ, Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, thầy Nhật Thường, Phật tử Ðồng Ngọc và tôi. Chúng tôi bị kết án theo hai tội danh: “Phá hoại chính sách ðoàn kết”“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

- Sau khi kết án, chính quyền giam giữ thầy ở đâu?

- Sau khi tòa phán quyết bản án, tôi bị giam giữ tại trại Z30A, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai.

Ông Göran gật đầu:

- Ðã có lần tôi đến trại Xuân Lộc.

Tôi lấy các giấy tờ liên quan trong thời gian bị cầm tù và quản thúc trao cho ông Göran, ông ấy xem từng văn bản và lần lượt giải thích cho ông Mony hiểu. Hai vị ấy thay nhau hỏi tôi thêm một vài sự việc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và những nguyên nhân đưa đến sự lánh nạn của tôi hôm nay.

Ông Mony lần lượt ghi vào tập hồ sơ phỏng vấn.

Sau khi nói lời kết thúc, hai viên chức ấy hẹn tôi có mặt tại văn phòng Cao ủy vào sáng thứ hai tuần tới. Chúng tôi nói lời tạm biệt.

Tôi bước chân ra về trong niềm vui lâng lâng, cơn mưa lớn ban chiều cũng vừa tạnh hẳn. Tôi ghé qua trạm điện thoại bên đường gọi cho anh Võ Thành Vinh, nhờ anh ấy chuyển lời lại với bà Sara Colm, báo tin cho bà ấy biết, rằng hôm nay tôi đã được Cao ủy Tỵ nạn phỏng vấn và xin có lời cảm ơn bà rất nhiều.

Ngày 3 tháng 6 năm 2002, tôi được Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh cấp giấy tạm thời trong lúc chờ đợi cứu xét có được hưởng quy chế tỵ nạn hay không? Cơ quan trực thuộc Cao ủy Tỵ nạn là Jesuit Refugee Service (J.R.S) ở Campuchia cấp phát cho người tỵ nạn tám mươi lăm Mỹ kim mỗi tháng, nhờ đó, tôi có thể đắp đổi qua ngày.

Tôi gửi thư liên lạc với thầy Thích Vân Ðam và ông Võ Văn Ái, báo tin về việc phỏng vấn và đã có giấy chứng nhận tạm thời. Bước đầu như thế, tôi nghĩ rằng tương đối khả quan.

(Còn tiếp)


Bài do tác giả gởi. DCVOnline trình bày và minh họa.

.

.

.

Bao nỗi tang thương (VIII) - Hồi ký
Trí Lực

14-04-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7327

.

XIX.- Được hưởng quy chế tỵ nạn

Thầy Tâm Vân gửi thư vấn an Hòa thượng Thích Giác Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại, đặc trách giải trừ pháp nạn. Chúng tôi nhận được thư hồi âm của ngài với lời lẽ thăm hỏi và động viên chúng tôi hết sức đạo tình.

Thầy Thích Vân Ðam gửi thư hồi âm cho chúng tôi biết, thầy đã trình sự việc lên chư tôn đức trong Giáo hội để quan tâm chiếu cố bảo lãnh thầy Tâm Vân và tôi, chúng tôi hy vọng được đi định cư ở Hoa Kỳ.

Ngày 12 tháng 6 năm 2002, tôi viết một bức tâm thư tường trình dâng lên nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ, kính vấn an đỉnh lễ chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện, thỉnh cầu Giáo hội can thiệp cho chúng tôi sớm được hưởng quy chế tỵ nạn.

Hạ tuần tháng 6 năm 2002, tôi đến văn phòng Cao ủy để bổ túc giấy tờ, tình cờ tôi gặp ông Göran Rosén trước sân, khi xe đưa ông đến làm việc. Gặp lại tôi, ông vui vẻ chào hỏi, chúng tôi nói chuyện một lát, khi đó tôi mới biết ông ấy là người Thụy Ðiển. Ông Göran nhờ tôi nhắn lại với thầy Tâm Vân, rằng sáng mai mời cả hai người đến vãn phòng, để ông có việc cần trao đổi. Tôi đến báo tin cho thầy Tâm Vân hay, đúng giờ hẹn, chúng tôi cùng đi.

Ông Göran Rosén niềm nở tiếp chúng tôi tại phòng làm việc. Ông ấy hỏi thăm thầy Tâm Vân một số vấn đề để bổ túc vào hồ sơ. Ðến 12 giờ, ông có nhã ý mời chúng tôi đi ăn trưa, có bà Sara Colm chờ chúng tôi ở ngoài, ông ấy sẽ đến sau.

Tại một khu yên tĩnh gần đó, bốn người chúng tôi cùng trao đổi chuyện trò vui vẻ. Bà Sara Colm chuyển lại cho chúng tôi món quà của đạo hữu Nguyên Thái Võ Văn Ái và Hồng Chi Ỷ Lan ở Pháp gửi biếu, chúng tôi vô cùng cảm kích trước đạo tình thắm thiết của quý đạo hữu ấy đã dành cho chúng tôi.

Bà Sara Colm trong Tổ chức Quan sát Nhân quyền nói chuyện với tôi qua lời phiên dịch của ông Göran, đề nghị tôi viết một bản phúc trình về các nhân vật bất đồng chính kiến hiện đang còn bị giam giữ tại trại giam Xuân Lộc, ngõ hầu tổ chức này có đủ cơ sở để can thiệp với chính phủ Việt Nam trả tự do cho các vị ấy. Bà ấy cho biết, đây là một việc làm mang tính cách nhân đạo, nên tôi hoan hỷ nhận lời.

Tôi khởi sự ngay vào việc viết bản phúc trình về hiện trạng tù nhân chính trị ở Việt Nam đề ngày 26 tháng 6 năm 2002 để gửi cho hai vị ấy.

--
♦♦♦ --

Ðêm 28 tháng 6 năm 2002, thầy Tâm Vân nhận được điện thoại của ông Göran gọi đến, ông ấy mời chúng tôi có mặt tại văn phòng Cao ủy vào ngày mai. Mặc dầu đêm đã dần khuya, thầy cũng nhiệt tình đến nơi tôi tạm trú để thông báo tin này.

Ngày 29 tháng 6 năm 2002, chúng tôi y hẹn và có mặt tại văn phòng làm việc của ông Göran Rosén. Ðang ngồi chờ trong phòng, thì ông Göran mở cửa bước vào, theo sau là bà Sara Colm và một nữ viên chức khác. Sau khi chào hỏi theo phép xã giao, ông Göran giới thiệu với chúng tôi, nữ viên chức đó là bà Elizabeth Kirton, trưởng văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh, Cambodia. Khi mọi người an tọa, ông Göran nói một cách trịnh trọng:

- Sau một thời gian xem xét hồ sơ, chúng tôi nhận thấy sự việc của hai thầy hết sức rõ ràng. Do đó, Phủ Cao ủy quyết định cấp giấy chứng nhận quy chế tỵ nạn chính trị cho hai thầy. Kể từ hôm nay, hai thầy được quyền cư trú trên toàn lãnh thổ Cam-Bốt dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc, để chờ đi định cư ở một đệ tam quốc gia. Chúng tôi xin chúc mừng hai thầy.

Nói xong, ông Göran Rosén trao thẻ tỵ nạn cho chúng tôi. Thầy Tâm Vân và tôi nói lời cảm tạ, bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Tôi nói tiếp:

- Chúng tôi hết sức vui mừng khi được hưởng quy chế tỵ nạn. Tuy nhiên, con đường phía trước sẽ còn nhiều hiểm trở chông gai, không chắc gì suông sẻ. Chúng tôi luôn luôn đặt vào tình huống có thể bị công an mật vụ Việt Nam vây bắt bất cứ lúc nào; bởi vậy, xin đề nghị quý vị cho chúng tôi vào trại tỵ nạn.

Ông Göran dịch sang tiếng Anh cho hai bà ấy hiểu ý của tôi vừa trình bày, sau đó trả lời:

- Trại tỵ nạn chỉ dành riêng cho người Thượng Tây Nguyên, các thầy không thể vào đó được.

Ông Göran không nêu lý do tại sao chúng tôi không được vào trại tỵ nạn ở Phnom Penh. Ông ấy quay sang nói chuyện với bà Elizabeth Kirton và Sara Colm, có lẽ các vị ấy trao đổi ý kiến gì đó. Một lát sau, ông Göran nói với chúng tôi:

- Xin lỗi, nảy giờ chúng tôi bàn bạc về việc sắp xếp chỗ ở cho hai thầy. Chúng tôi nghĩ, có lẽ sẽ tìm một gia đình người Campuchia thân tín nào đó để gửi gắm hai thầy.

Bà Elizabeth Kirton nói tiếp và được ông Göran dịch lại:

- Ðầu tháng 7 sắp đến, tôi có tham dự phiên họp với Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Phnom Penh. Ðặc biệt, tôi sẽ nêu vấn đề của hai thầy trong nghị trình thảo luận, để Ðại sứ quán xem xét giải quyết, ngõ hầu chấp thuận cho hai thầy sớm đi định cư. Nay mai, văn phòng Cao ủy Tỵ nạn sẽ làm thủ tục gửi danh sách của hai thầy đến Bộ Nội vụ Cam-Bốt, để thông báo với chính phủ Hoàng gia về những người được quyền cư trú trên lãnh thổ vương quốc này, dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc, theo Công ước Quốc tế mà chính phủ Cam-Bốt đã ký kết.

Bà Sara Colm vui vẻ tươi cười chúc mừng chúng tôi. Ông Göran còn dặn dò thêm:

- Tuần sau, tôi bắt đầu đi nghỉ hè khoảng bốn mươi lăm ngày. Trong thời gian vắng mặt, tôi sẽ ủy nhiệm công việc cho một viên chức ở văn phòng. Ðây là tên và số điện thoại của người ấy để hai thầy tiện liên lạc. Hãy nhớ rằng, đừng đi đâu xa và không nên ra khỏi Phnom Penh. Văn phòng Cao ủy sẽ cố gắng sắp xếp chỗ ở an toàn cho hai thầy trong thời gian sớm nhất. Chúc hai vị may mắn.

Chúng tôi tỏ lời cảm ơn các viên chức này một lần nữa rồi chào tạm biệt.

Cầm tấm thẻ chứng nhận quy chế tỵ nạn trong tay, tôi như người đang lênh đênh giữa biển khơi sóng gió may vớ phải chiếc phao; tựa hồ kẻ lạc lõng giữa đêm trường u tối gặp được đốm lửa soi đường; trong lòng mình bỗng dâng lên một niềm cảm xúc khôn nguôi.


XX.- Những nỗi âu lo

Ðầu tháng 7 năm 2002, tôi nhận được thư thăm hỏi của quý vị Tăng Ni ở Nhật Bản; đạo hữu Nguyễn Thị Chánh pháp danh Tâm Thanh ở San Diego cùng các Phật tử ân nhân ở Hoa Kỳ; đạo hữu Nguyễn Viết Cập pháp danh Phúc Thắng ở Sydney và gia đình họ Nguyễn Viết định cư ở Úc Ðại Lợi. Hãy còn biết bao vị ân nhân khác, đã niệm tình cứu giúp chúng tôi trong cảnh ngặt nghèo giữa chốn đất khách quê người.

Nay đạo hữu Phật tử Phúc Thắng và Phật tử Tâm Thanh đã từ giã cõi đời, tôi thành kính đốt một nén hương lòng tưởng niệm Hương linh và cầu nguyện chư vị tiêu diêu miền Cực Lạc.

Trung tuần tháng 7 năm 2002, ông Vũ Quốc Dụng - viên chức thuộc Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR) đặc trách Á châu - gửi thư thăm hỏi về hiện tình của tôi ở Campuchia, đồng thời tổ chức này muốn tìm hiểu thêm về tình hình Tãng Ni Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở quê nhà, sau khi Hòa thượng Thích Quảng Ðộ bị chính quyền Cộng sản ra lệnh quản thúc hồi năm ngoái. Ngoài ra, ông Vũ Quốc Dụng còn gửi cho tôi bản Quyết nghị của Quốc hội Cộng hòa Liên bang Ðức tại Berlin thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2002, về tình trạng nhân quyền và người thiểu số tại Việt Nam.

--
♦♦♦ --


Thầy Thích Tâm Vân đến tá túc tại một ngôi chùa tọa lạc gần cầu Saigon ở Phnom Penh, nơi khu nhà người Việt bị hỏa hoạn thiêu rụi năm kia. Vừa mới ở một sớm một chiều, thầy được một người tốt bụng thông tin, rằng Tòa Ðại sứ Cộng sản Việt Nam ở Phnom Penh căn dặn một số Việt kiều, nếu thấy hai thầy lạ mặt mới từ Việt Nam sang, thì phải báo tin ngay cho Tòa Ðại sứ biết. Nghe thế, thầy Tâm Vân vội vàng rời khỏi chùa ấy ngay.

Hôm nọ, tôi đến thăm thầy Tâm Vân vào buổi chiều ngày rằm tháng 6 Âm lịch (2002), thầy kể rõ chuyện vừa mới xảy ra ban sáng, có vài người lạ mặt lùng bắt thầy, khi thầy đến làm lễ quy y cho Phật tử tại một ngôi chùa cách trung tâm thành phố Phnom Penh chừng mười cây số. Nhờ điện thoại thông báo kịp thời cho Phủ Cao ủy Tỵ nạn, các viên chức Liên Hiệp Quốc lập tức đến nơi, các kẻ lạ mặt ấy tức khắc giải tán, nhờ thế thầy được an toàn.

Trước diễn biến sự việc như vậy, chúng tôi đoán biết tình hình đã đến lúc vô cùng nguy khốn, bọn công an mật vụ Cộng sản Việt Nam đang sục sạo chúng tôi khắp nơi. Trong lúc tôi chưa tìm được một nơi để lánh thân, vì chỗ ở cũ thế nào cũng bại lộ, không biết chuyện gì rồi đây sẽ xảy ra?


XXI.- Bị mật vụ Cộng sản bắt cóc

Thứ năm, ngày 25 tháng 7 năm 2002...

Mấy hôm nay trời nắng gắt sau những cơn mưa rào đầu tuần. Xóm nhà tôi ở gặp mưa xuống thì đường sá lầy lội, nắng ráo thì bụi bặm mịt mù. Sáng nào cũng có năm bảy nhà sư trì bình khất thực đi ngang từng nhà; các tín đồ đạo Phật đã chuẩn bị cơm nước sẵn từ sớm, họ lần lượt cúng dường từng vị sư với một tấm lòng thành kính. Các nhà sư theo truyền thống Phật giáo Nam tông, còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy, sinh hoạt tựa như Tăng đoàn thời kỳ Ðức Phật tại thế.

Ở xứ Chùa Tháp, tuy rằng Phật giáo là quốc giáo, nhưng đất nước này đặc biệt tôn trọng tự do tôn giáo một cách bình đẳng.

Hằng ngày, khắp các nẻo đường ở thủ đô Phnom Penh, tôi thấy có rất nhiều nhà truyền giáo người nước ngoài đi giảng đạo và thu nạp tín đồ; hoặc Cơ đốc giáo, Tin lành hay Hồi giáo v.v… Các tổ chức truyền giáo này lập nên các cơ sở sinh hoạt tôn giáo như hành lễ, giảng đạo, học tập giáo lý, từ thiện xã hội… mà chính phủ vương quốc chẳng bao giờ cấm đoán hoặc ngăn trở họ.

Vừa qua, tôi có nhân duyên đến viếng thăm ngôi mộ Ðức Hộ pháp Phạm Công Tắc, vị Giáo chủ sáng lập đạo Cao Ðài, còn gọi là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, khởi nguyên từ Tòa thánh Tây Ninh. Lăng mộ tọa lạc ngay thủ đô Phnom Penh, trên phần mộ có mái che mưa nắng, bàn thờ phía trước phụng tự hết sức trang nghiêm. Khoảng sân rộng bên ngoài được lát toàn gạch bông và trưng bày những chậu kiểng đẹp mắt.

Trong thời kỳ Việt Minh, ngài bị truy bức nên phải sang Cam-Bốt lánh nạn, rồi xả bỏ nhục thân ở đây. Một thánh thất đơn sơ trong khuôn viên nhỏ được các Chức sắc ở đây tạo lập, làm nơi lễ bái tụng niệm và sinh hoạt tín ngưỡng. Nghe nói cách đây không lâu, ở Việt Nam cử các Chức sắc đại diện sang đây đàm phán với các vị chủ quản, đề nghị cải táng di hài Ðức Hộ pháp, thỉnh về an trí ở Tòa thánh Tây Ninh. Các Chức sắc ở đây cho rằng, những vị kia chỉ vâng theo ý đồ của Ban Tôn giáo chính phủ ở Hà Nội, vì thế họ không đồng ý. Bởi lý do rằng, ngài có để lại di chúc căn dặn, bao giờ chế độ Cộng sản ở đất nước Việt Nam lụi tàn, thì khi đó hẵng đưa di cốt ngài trở về quê hương xứ sở.

--
♦♦♦ --

Hôm nay, tôi nghĩ bụng, ngày mai nhằm ngày thứ sáu, văn phòng Cao ủy có giờ mở cửa tiếp người tỵ nạn. Tôi dự định sẽ đến gặp viên chức được ông Göran Rosén ủy nhiệm để trình bày mối nguy cơ mà chúng tôi có thể gặp phải. Nếu không tìm được một nơi cư trú an toàn, cứ tiếp tục cảnh sống lưu vong như thế này thì chúng tôi rất dễ dàng gặp sự hiểm nguy.

Ánh tà dương chưa tắt hẳn, tôi rảo bộ ra hướng chợ Russey để mua một ít đồ dùng. Dọc con đường mang số 185 trước khu chợ, giờ này đã tấp nập kẻ bán người mua; hàng quán thức ăn bày biện đủ thứ bên đường, lấp ló dưới những ngọn đèn dầu, khói đen bốc um. Chiều xuống, khi những gian hàng lớn nhỏ bên trong chợ Russey đóng cửa, mọi người lại tiếp tục họp chợ bên lề đường, phố xá nhộn nhịp hẳn lên. Dân chúng lao động, nhất là ở các vùng nông quê, họ tập trung về thành phố và đem sức mình, làm đủ mọi thứ công việc để kiếm tiền. Sau một ngày làm việc cật lực, phần đông họ đến đây để mua cơm nước thức ăn được nấu sẵn, khỏi phải lo bếp núc nồi niêu.

Trời vừa nhá nhem tối, tôi dừng chân ở một quán hàng xén bên đường để mua đồ. Khi quay người lại, thình lình có một gã vóc dáng cao lớn đứng ngay sau lưng tôi dang tay chận lại, một vài tên khác xông vào trước mặt tôi khống chế. Trong giây phút bất thần đó, tôi biết là mình đã bị bắt cóc, chúng theo dõi và bám sát khi tôi rời khỏi nhà mà tôi chẳng hề hay biết. Tôi la cứu, tiếng kêu thất thanh vì hoảng hốt, đông đảo người chung quanh chỉ dáo dác đứng nhìn, họ toàn là dân bản xứ, có lẽ họ nghĩ đơn thuần, đây là một vụ bắt người phạm tội xảy ra thường tình.

Tiếng kêu cứu của tôi hoàn toàn tuyệt vọng, những tên bắt cóc đẩy mạnh tôi lên một chiếc xe đã chờ sẵn bên đường, tên cuối cùng bước nhanh lên xe ngồi bên tay phải tôi, y đóng sầm cánh cửa rồi ra lệnh cho gã tài xế phóng nhanh. Tôi chưa kịp ngồi xuống, thì mấy tên nước da ngâm ðen ngồi ở hàng ghế sau chồm tới còng tay tôi lại, vừa trấn lột ngay chiếc đồng hồ đeo tay. Bọn chúng xúm nhau đánh vào mặt tôi túi bụi, một tên khác rút ngay chiếc ví trong túi quần có thẻ tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc và tiền bạc. Trong khi đó, tên ngồi bên phải tôi vòng cánh tay trái của y siết mạnh cổ tôi nhiều lúc ngạt thở.

Một tên khác ngồi ngay sau lưng gã tài xế với vẻ mặt quằm quặm, y quay sang hỏi tôi bằng tiếng Việt với giọng chính gốc người Việt nói tiếng mẹ đẻ:

- Ông hãy ngồi yên, đừng la lối lớn tiếng, ông sang đây có hộ chiếu hay không?

Cánh tay tên đang siết cổ tôi hơi thả lỏng một chút, tôi thẳng thắn trả lời:

- Tôi sang đây xin tỵ nạn chính trị, thẻ chứng nhận quy chế tỵ nạn của tôi các ông vừa mới trấn lột, tôi được quyền cư trú trên lãnh thổ Campuchia dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc. Tôi không hề vi phạm pháp luật của đất nước này, cớ sao các ông lại bắt cóc và hành hung tôi?

Bọn chúng trên xe thảy đều im lặng.

Tên vừa mới hỏi tôi ban nãy liên tục bấm điện thoại cầm tay liên lạc bằng tiếng Campuchia với những kẻ đồng sự tổ chức bắt cóc tôi. Có lẽ những tên kia đang chặn chốt các nẻo đường, phòng khi tôi chạy thoát từ chợ Russey, bọn chúng có thể vây bắt tôi.

Xe vẫn phóng nhanh trên đại lộ kinh hoàng, ánh đèn điện ở các dãy phố xá hai bên lùi dần. Khoảng nửa giờ sau, xe quẹo vào một cơ quan lớn, người gác cổng nhanh chân đến mở thanh chắn ngang cho xe chạy thẳng vào. Dưới những ngọn đèn điện sáng choang, tôi đọc được dòng chữ International Police (Cảnh sát Quốc tế).

Một ý nghĩ thoáng qua trong tâm trí tôi, nay chính quyền Cộng sản Việt Nam đang giở những trò mánh khóe xảo trá, hòng lừa bịp luôn cả tổ chức quốc tế này. Nhất định Hà Nội đang lập lờ đánh lận con đen, chúng có thể ngụy tạo hồ sơ hình sự, gán ép nhân thân tôi như là một tội phạm truy nã quốc tế. Chắc chắn rằng, bọn bắt cóc đưa tôi đến đây, nhằm hợp pháp hóa hồ sơ và thủ tục dẫn độ tôi về Việt Nam.

Một chiếc xe hơi loại bốn chỗ ngồi đậu sẵn trước sân, những tên bắt cóc ra lệnh cho tôi xuống xe rồi chuyển sang chiếc xe này, tôi ngồi ở hàng ghế sau, có hai tên ngồi kèm bên cạnh.

Không đầy vài phút, xe chuyển bánh rời cơ quan Cảnh sát Quốc tế. Chiếc xe chở những tên bắt cóc chạy trước; ngồi ở xe sau, qua ánh đèn pha, tôi đọc được rõ ràng biển số xe có hai mẫu tự Khmer ++2-2475. Xe chạy một đỗi, bọn chúng đưa tôi vào một cơ quan công an tọa lạc gần bùng binh múi cầu Saigon ở Phnom Penh, đã có lần tôi đi ngang đây nên trông rất quen thuộc. Xe đậu ngay giữa sân, bọn chúng xuống xe hết, chỉ còn một mình tôi ngồi lại, có mấy tên đứng bên ngoài xe canh chừng tôi. Cửa xe đóng bịt bùng, tôi bèn dơ chân dộng mạnh vào cửa, tôi bảo chúng hạ cửa kiếng xuống kẻo ngột ngạt. Bỉ ổi nhất là có hai tên công an mật vụ nói tiếng Việt chính gốc, chúng đến bên xe tra hỏi tôi còn giấu giếm tiền bạc gì trong người không? Tôi chẳng thèm trả lời. Bọn chúng vừa hỏi vừa sờ mó khắp cả mình mẩy tôi để lục soát. Túi quần tôi chỉ còn vỏn vẹn 500 đồng ria (tương đương với 2000 đồng Việt Nam), chẳng có giá trị gì nên chúng không lấy; còn thẻ tỵ nạn và hết thảy tiền bạc trong ví thì đã bị trấn lột một cách trắng trợn, khi bọn chúng tổ chức bắt cóc tôi ngay phía trước chợ Russey.

Mấy tên công an mật vụ Cộng sản Việt Nam mang cặp hồ sơ đi vào phòng làm việc cách chỗ xe tôi ngồi không xa lắm, các viên chức công an Campuchia đi đi lại lại ra vẻ tất bật. Tôi không hiểu bên trong họ làm việc với nhau thế nào, mà lại để tôi ngồi ngoài xe chừng một tiếng rưỡi ðồng hồ. Sau đó, công an Campuchia dẫn tôi vào một gian phòng dùng làm nơi hội họp, chính giữa có treo bức huy hiệu đặc biệt của ngành công an Campuchia được vẽ lớn. Một dãy bàn dài và hai dãy ghế kê dọc chiếm gần hết gian phòng. Một người nào đó mang vào phòng chiếc quạt máy, cắm điện rồi bước ra. Nửa giờ sau, một người công an Campuchia râu ria xồm xoàm mang vào đưa cho tôi một ổ bánh mì và một chai nước khoáng. Người ấy ra chiều tử tế, với giọng nói tiếng Việt lõ lớ, ông ta mời tôi ăn bánh mì và hỏi tôi có cần gì nữa không? Tôi cảm ơn và hỏi mượn chiếc gối; một lát sau, người ấy mang chiếc gối vào đưa cho tôi.

Người tôi mệt lả, ráng nhai ngấu nghiến mẩu bánh mì rồi đặt lưng xuống nền nhà, không có chiếu, chẳng có mùng màn, đàn muỗi vo ve thi nhau hút máu. Tôi vẫn bị còng tay suốt đêm dài, trăn qua trở lại trong giấc ngủ chập chờn.

Ngoài cửa, văng vẳng tiếng nói chuyện của mấy người canh gác, thỉnh thoảng họ lại hé cửa trông chừng tôi.

(Còn tiếp)


Bài do tác giả gởi. DCVOnline trình bày và minh họa.

.

.

.

No comments: