Bắc Kinh lại bất ngờ đàn áp các tổ chức phi chính phủ
Chủ nhật 09 Tháng Năm 2010
http://www.viet.rfi.fr/node/19506
Việc Trung Quốc đàn áp các tổ chức thuộc xã hội dân sự vẫn thường xuyên diễn ra. Nhưng trong đợt đàn áp mới đây, Bắc Kinh đã đánh thẳng vào một trong các tổ chức phi chính phủ đầu tiên tại nước này, bất chấp việc đây là một cơ sở nghiên cứu và dịch vụ xã hội rất có uy tín thuộc trường Đại học Bắc Kinh.
.
Bắc Kinh bất ngờ tiến hành đợt đàn áp mới nhắm vào các tổ chức phi chính phủ
Tờ Le Courrier International tuần này nói về đợt đàn áp mới của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào các tổ chức phi chính phủ, với tựa đề “Tiền thân của các tổ chức phi chính phủ vì phụ nữ bị giải thể”. Việc Trung Quốc đàn áp các tổ chức thuộc xã hội dân sự là chuyện thường xuyên diễn ra. Điều đặc biệt là, trong đợt đàn áp mới đây, chính quyền Bắc Kinh đã đánh thẳng vào một trong các tổ chức phi chính phủ đầu tiên tại nước này, bất chấp đây là một cơ sở nghiên cứu và dịch vụ xã hội rất có uy tín thuộc trường Đại học Bắc Kinh.
.
Ngày 27 tháng 3 là ngày bà Quách Kiện Mai tròn 50 tuổi. Chồng bà tổ chức một buổi sinh nhật, nhưng bà không có tâm trạng nào vui vẻ, bởi một người bạn vừa gọi điện cho bà để báo rằng trường Đại học Bắc Đại (Bắc Kinh) đã ra quyết định giải thể Trung tâm nghiên cứu và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ Trung Quốc, thuộc Viện Nghiên cứu pháp lý, do bà lãnh đạo từ mười lăm năm nay.
.
Bà Quách Kiện Mai là người đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực pháp luật tại Trung Quốc, mà không nhận tiền công. Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề và vị thế trong ngành, đáng ra bà đã có thể kiếm được nhiều tiền trong lĩnh vực này, tuy nhiên, năm 1996, bà Quách Kiện Mai đã quyết định bỏ một việc làm ổn định, để trở thành lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ Trung Quốc. Bà cho biết “Vào lúc đó, nhiều người đã cho tôi là không bình thường”.
.
Trung tâm nghiên cứu và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, được thành lập năm 1995, là tổ chức phi chính phủ đầu tiên tại Trung Quốc nghiên cứu về quyền phụ nữ và đồng thời trợ giúp pháp lý cho họ. Trong 15 năm, trung tâm đã tư vấn miễn phí cho 70 nghìn phụ nữ và đã giúp đưa 3 nghìn hồ sơ ra tòa. Trung tâm đã nhận được nhiều khen ngợi và nhận được nhiều giải thưởng tại Trung Quốc và nước ngoài. Bản thân bà Quách Kiện Mai đã nhận được giải Global Leadership Awards (Hoa Kỳ) năm 2007 và giải Simone de Beauvoir vì tự do phụ nữ (Pháp) năm 2010.
.
Quyết định giải thể Trung tâm nghiên cứu và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ do bà Quách Kiện Mai lãnh đạo cuối tháng 3 vừa qua là hết sức bất ngờ. Bởi vì, chỉ mới năm ngoái thôi, lãnh đạo trường Đại học Bắc Kinh đã khen ngợi trung tâm vì đã đưa lên mạng các dịch vụ hỗ trợ pháp lý miễn phí.
.
Một lý do mà người ta đưa ra để giải thích cho việc giải thể này là việc trung tâm đã nhận tiền tài trợ của nước ngoài, cụ thể là của Quỹ Ford (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, chuyện này đã bắt đầu ngay từ khi trung tâm thành lập, mặt khác, có nhiều tổ chức khác cũng nhận được tài trợ. Giáo sư He Weifang, thuộc viện Nghiên cứu pháp lý của Đại học Bắc Kinh, công khai bác bỏ quan điểm này.
.
Theo tổ chức Human Rights Watch, việc giải thể Trung tâm nghiên cứu và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ mới đây là một đòn đánh mạnh vào quyền phụ nữ và xã hội dân sự tại Trung Quốc, có thể đẩy lùi các tiến bộ mà các tổ chức thuộc xã hội dân sự Trung Quốc trong mươi năm gần đây phải cố gắng lắm mới đạt được. Thiếu một quy chế pháp lý riêng và sống trong một chế độ độc đoán, số phận các tổ chức phi chính phủ nói riêng và xã hội dân sự nói chung tại Trung Quốc hết sức mong manh.
.
.
.
No comments:
Post a Comment