Saturday, February 13, 2010

TỰ DO BÁO CHÍ TẠI VN theo NHẬN ĐỊNH CỦA RSF

Tư do báo chí tại Việt Nam theo nhận định của RSF
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2010-02-12
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/On-vietnam-a-conversation-with-Jean-Francois-Julliard-director-of-rsf-NKhanh-02122010191753.html
Trong những ngày cuối năm Kỷ Sửu, Đài Á Châu Tự Do chúng tôi hân hạnh đón tiếp ông Jean-Francois Julliard, Tổng Thư Ký của Tổ Chức Các Nhà Báo Không Biên Giới (RFS) từ Paris sang thăm.
Nhân dịp này, ông Julliard đã dành cho Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ buổi nói chuyện ngắn sau đây.

Đàn áp người cầm bút

Nguyễn Khanh: Một cách tổng quát, ông đánh giá thế nào về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam?
Ông Jean-Francois Julliard: Đương nhiên là chúng tôi quan tâm sâu xa đến tình trạng đang xảy ra tại Việt Nam, hầu như mỗi ngày chúng tôi đều nhận được tin tức liên quan đến việc những cầm bút bị đàn áp, và rất lo âu cho những nhà báo đang sinh sống ở Việt Nam. Điều chúng tôi đang làm là phổ biến những tin tức này cho cả thế giới biết, tìm cách liên hệ với những nhà lãnh đạo của Việt Nam, nhưng làm việc với chính quyền Việt Nam rất khó.

Nguyễn Khanh: Ông mới nói là rất khó. Điều này làm tối nhớ lại tối hôm trước khi nói chuyện với một trong những blogger đang gặp khó khăn, người bạn ở Việt Nam này bảo rằng hy vọng ông và Tổ Chức Các Nhà Báo Không Biên Giới giúp đỡ, làm thế nào để thay đổi tình trạng khó khăn hiên giờ. Theo ông thì phải làm gì?
Ông Jean-Francois Julliard: Đương nhiên là có. Tôi không biết ở Mỹ thì thế nào, nhưng hầu hết người dân các nước EU đều xem Việt Nam là thiên đàng để đi du lịch và không biết gì về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở đó. Trách nhiệm của chúng tôi là cho họ biết chuyện gì xảy ra, và điều đó cũng không phải là dễ làm. Việt Nam không phải là nước mà tin tức được báo chí nước ngoài loan tải ngay trên trang nhất, nên chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để lên tiếng cảnh báo cho mọi người biết về tình trạng nhân quyền ở đó.

Nguyễn Khanh: Một blogger khác nhờ nhắn với ông là “xin ông đến Việt Nam, xin Tổ Chức của quý ông đừng ngừng làm việc”. Dường như là phía chính phủ Việt Nam chẳng ngó ngàng gì đến việc làm của các ông, như thế thì thưa ông, làm sao giải quyết được vấn đề?
Ông Jean-Francois Julliard: Đúng như ông nói, chính phủ Việt Nam không muốn nghe lời kêu gọi của chúng tôi, không muốn thấy chúng tôi lên tiếng về tình trạng đang xảy ra ở Việt Nam. Ông cũng biết là đã nhiều lần chúng tôi không chỉ lên tiếng, mà còn tổ chức biểu tình ngay trước Đại Sứ Quán Việt Nam ở Paris. Chúng tôi luôn luôn xem Việt Nam là trọng tâm của vấn đề cần phải giải quyết và chúng tôi sẽ không ngừng làm việc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng báo động về tình trạng xảy ra ở Việt Nam.
Đương nhiên chuyện chúng tôi đang làm không phải là chuyện dễ. Tổ Chức chúng tôi không được sang Việt Nam, ít nhất là về mặt chính thức, chúng tôi không được visa để vào Việt Nam, thành ra không đễ để làm việc ở một nước mà chúng tôi không được quyền đặt chân đến. Nhưng độc giả của Đài có thể an tâm, chúng tôi sẽ tiếp tục việc phải làm, tiếp tục lên tiếng cho mọi người biết về những gì xảy ra ở Việt Nam

Mong muốn đến Việt Nam

Nguyễn Khanh: Một blogger khác nói với chúng tôi như thế này và tôi xin đọc cho ông nghe “xin các ông đến, chúng tôi sẽ nói cho quý ông nhiều chuyện khác nữa”. Ông có ý định sang Việt Nam chứ?
Ông Jean-Francois Julliard: Có chứ. Như tôi đã trình bày, Tổ Chức Các Nhà Báo Không Biên Giới không được cấp visa vào Việt Nam, thành ra chúng tôi phải tìm những cách khác. Đương nhiên chúng tôi muốn hoạt động rộng hơn nữa ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn gặp nhiều người hơn nữa ở Việt Nam, chúng tôi muốn thực hiện những buổi điều trần với sự tham dự của các nhà báo, của các blogger, của thân nhân những nhà báo, những blogger đang bị giam cầm. Chúng tôi luôn luôn tìm cách để sang Việt Nam, và tìm cách để liên hệ với những người cần phải liên hệ.
Chúng tôi luôn luôn yêu cầu được tiếp xúc với các quan chức Việt Nam, yêu cầu được gặp họ ngay ở Việt Nam hay tại Paris hoặc bất kỳ nơi nào cũng được.

Nguyễn Khanh: Với tất cả lòng kính trọng, muốn hỏi ông là có khi nào nửa đêm thức giấc, ông tự nghĩ rằng việc làm của mình là việc làm của những người đơn độc, chẳng ai nghe mình nói, mình làm việc với những người điếc. Có khi nào như thế không?
Ông Jean-Francois Julliard: Không, câu trả lời là không. Chắc là ông cũng biết việc chúng tôi đã làm tại Trung Quốc. Trước ngày Olympic Bắc Kinh chúng tôi từng có cảm nghĩ như ông mới hỏi, chúng tôi có cảm nghĩ là nhà nước Trung Quốc sẽ chẳng để ý đến hoạt động của chúng tôi hết, nhưng cuối cùng thì chính hoạt động của Tổ Chức Các Nhà Báo Không Biên Giới đã buộc nhà nước Trung Quốc phài để ý tới, phải thay đổi. Trường hợp Việt Nam, tôi tin rằng chính phủ Việt Nam cũng để ý đến những gì chúng tôi đang làm, và đọc những bản phúc trình của chúng tôi về tình hình Việt Nam. Chúng tôi rất bất bình về những chuyện đang xảy ra ở Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng tin rằng chính phủ Việt Nam theo dõi những gì Tổ Chức đang làm và những gì được phổ biến trên website của chúng tôi.

Nguyễn Khanh: Hiện mới giữa tháng Hai, liệu ông có thể cho biết kế hoạch hành động trong nằm 2010 được không?
Ông Jean-Francois Julliard: Ở Việt Nam?
Nguyễn Khanh: Vâng, ở Việt Nam.
Ông Jean-Francois Julliard: Tôi không thể trình bày rõ với ông những gì chúng tôi làm, vì hiện chúng tôi đang lên kế hoạch và khi nào chưa thực hiện được thì chúng tôi không muốn báo trước. Nhưng chúng tôi muốn mở một cuộc vận động mới, vì chúng tôi có cảm nghĩ là mọi người vẫn chưa biết rõ những gì xảy ra bên trong Việt Nam và trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp thông tin cho mọi người biết rõ hơn về tình trạng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn đặc biệt chú tâm đến trường hợp của một số nhà báo, blogger đang bị giam giữ tại Việt Nam, như trường hợp của một người đã từng sang Pháp du học và mới bị kêu án tù. Chúng tôi muốn nêu trường hợp của ông này cũng như trường hợp của những nhà báo, những blogger khác đang bị cầm tù ở Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Nếu trong năm nay nhà nước Việt Nam đồng ý gặp ông, ông đã sẵn sàng để gặp họ chưa, và ông sẽ nói gì với đại diện chính quyền Việt Nam?
Ông Jean-Francois Julliard: Tôi luôn luôn sẵn sàng. Nếu ngày mai mà có tin bảo là tôi được phép vào Việt Nam gặp đại diện chính phủ, tôi sẽ lên đường ngay. Tôi sẽ nói gì với họ? Tôi sẽ bảo là họ phải thay đổi tư duy, phải mở cửa, phải cho người dân quyền tự do bày tỏ tư tưởng, bây giờ là năm 2010 rồi, chính quyền không thể tiếp tục bỏ tù những người lên tiếng bày tỏ quan điểm được nữa. Đã đến lúc chính phủ Việt Nam phải để các nhà báo làm nghiệp vụ của họ, và đừng xem hoạt động của các nhà báo là những hoạt động phạm pháp.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông và mong ngày đó sẽ tới.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments: