Tuesday, February 2, 2010

TRUNG QUỐC NGÀY CÀNG CAO NGẠO

Trung Quốc ngày càng tỏ ra cao ngạo trên trường quốc tế
Mai Vân
Bài đăng ngày 01/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 01/02/2010 19:27 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6720.asp
Trung Quốc hôm nay rất được các báo Pháp chú ý, đặc biệt là với cuộc đọ sức đang bùng lên với Hoa Kỳ trong hồ sơ vũ khí Đài Loan. Libération trên hai trang báo bình luận sự kiện và phân tích thái độ mới của Bắc Kinh : Ngày càng cao ngạo hơn.

Liberation trước tiên tóm lược quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ hiện nay trong hàng tựa hóm hỉnh : ''Trung Quốc - Hoa Kỳ, một cặp khủng khiếp''. Theo tờ báo, hai bên không thể thiếu nhau, nhưng quan hệ không đằm thắm chút nào, mà luôn cào cấu nhau.
Sau hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan thì Mỹ giờ đây phải chiụ những cú vả của đối thủ khổng lồ Châu Á, nhưng cũng là đối tác 'bắt buộc'.
Libération nhìn thấy là hợp đồng vũ khí Đài Loan quá béo bở : 6,4 tỷ đô la. Hoa Kỳ từng cam kết bảo vệ đảo, không thể chối từ một hợp đồng như thế. Bắc Kinh như thông lệ nổi giận, phản đối, nhưng chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay, đe doa trừng phạt các công ty Mỹ dính líu đến hợp đồng này. Theo Libération, không ai chờ đợi là Bắc Kinh đi xa đến thế.
Phản ứng trên, theo tờ báo, khẳng định điều mà mọi người đã cảm nhận : Trung Quốc không còn khép mình, mà ngày càng tỏ vẻ cao ngạo, đắc thắng. Trên mặt ngoại giao, môi trường hay đàn áp trong nước, Bắc Kinh đều tỏ ra rất cứng rắn.

Libération trích dẫn một chuyên gia, ông Charles Grant, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Âu, CER, ở Luân Đôn, ghi nhận : '' Kể từ năm ngoái, thái độ của Trung Quốc đã thay đổi. Những nhân vật đặt nặng chủ nghiã dân tộc, và những người chủ trương đường lối tương đối cứng rắn trong ban lãnh đạo đã thắng thế''.
Theo ông Grant, thì năm 2009 vừa qua, là năm đàn áp mạnh ở Trung Quốc : từ việc bỏ tù các nhà dân chủ (như ông Lưu Hiểu Ba), các luật sư, từ vụ đàn áp ở Tân Cương cho đến hồ sơ Google, chính quyền Trung Quốc cho thấy là Đảng Cộng sản đứng trên luật pháp, không có chuyện nới rộng tự do ngôn luận.
Ông Grant đã lấy làm tiếc là cho đến rất gần đây, nhiều chính trị gia ngoại quốc hay nhân vật trong giới tài chính kinh doanh vẫn còn lạc quan cho là một khi Trung Quốc phát triển, họ sẽ cởi mở hơn trên binh diện tự do.

Trên mặt ngoại giao, Libération nhận thấy là Trung Quốc không còn theo nguyên tắc trước đây của ông Đặng Tiểu Bình là 'che giấu hào nhoáng và nuôi dưỡng bí hiểm'. Quan niệm của Bắc Kinh hiện nay là phô trương thế mạnh, như họ đã chứng tỏ từ hội nghị Copenhagen, mà theo Libération, Bắc Kinh đã làm cho thất bại, cho đến hồ sơ Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi Bắc Kinh lớn tiếng đe doạ trừng phạt kinh tế thương mại những nước nào tiếp đón ngài. Tổng thống Barack Obama đã tránh né việc gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma trước chuyến đi Trung Quốc tháng 11 năm ngoái.

Theo ông Grant, Hoa Kỳ và Châu Âu phải có một đối sách chung trước một Trung Quốc cao ngạo ngày nay. Quan hệ chiến lược song phương không có tác dụng gì cả.

Tờ Le Figaro, trong bài báo trang quốc tế cũng ngạc nhiên trước phản ứng của Trung Quốc lần này, nhất là khi hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan là một sự cụ thể hoá của những gì đã được thông qua thời ông Bush. Hơn nữa những loại vũ khí nhạy cảm mà Đài Loan yêu cầu, như tàu ngầm hay chiến đấu cơ F-16 không đươc chấp thuận. Hợp đồng chủ yếu là trực thăng Black Hawk, hoả tiễn Patriot, Harpoon, tàu rà mìn...

Le Figaro chờ đợi xem những tập đoàn Mỹ dính líu đến việc mua bán vũ khí này bị đe doạ trừng phạt, có sẽ chịu hệ quả hay không. Trong danh sách những tập đoàn liên can, có cả Boeing, mà một chi nhánh chế tạo hoả tiễn Harpoon, nằm trong danh sách vũ khí bán cho Đài Loan.

Le Figaro cũng nhắc lại là các diễn đàn trên Internet ở Trung Quốc, kêu gọi tẩy chay hàng của Mỹ. Theo tờ báo, những lời kêu gọi này không mấy thực tế, nhưng là biểu tượng của những xích mích ngày càng nhiều giữa hai bên. Tờ báo còn thấy là sẽ có một cuộc va chạm khác nữa trong những ngày sắp tới, đó là cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma, có thể diễn ra trong tháng này.

Cẩn thận với quà biếu của Trung Quốc !
Ngoài vấn đề vũ khí Đài Loan, tờ Le Figaro, cũng chú ý đến một sự kiện khác liên quan đến Trung Quốc, đó là Anh Quốc vừa cảnh báo các doanh nhân Anh về những cái bẫy của Trung Quốc để thu lượm thông tin. Những cái bẫy này thường là dưới hình thức quà tặng : những thẻ nhớ, thanh nhớ USB.
Bài báo trích dẫn tình báo Anh, khuyên các doanh nhân Anh Quốc phải rất cẩn thận khi nhận đươc các quà tăng nói trên : đấy là những phương tiện để Trung Quốc theo dõi, dò thám thông tin trên các máy vi tính của họ khi họ sử dụng nó. Theo tờ báo nhiều doanh nhân đã mắc bẫy.
Các món quà nói trên thuờng được tặng ở các hội chợ, triển lãm. Ngoài quà tặng, còn những hình thức chiêu dụ khác mà doanh nhân Anh đươc cảnh báo, như việc được mời mọc đến nhà chơi, với những món quà đặc sắc hơn nữa : các cô gái...
Theo le Figaro, Luân Đôn hiện xem chính quyền Trung Quốc là mối đe doạ về gián điệp quan trọng nhất đối với Anh Quốc do các hoạt động tin tặc của Trung Quốc.

Trung Quốc : dân tuyệt vọng trước việc nhà cửa bị trưng thu
Tờ Le Monde hôm nay cũng nhìn sang Trung Quốc, nhưng quan tâm đên hiện tượng trưng thu nhà cửa gia tăng, gây phản ứng mạnh nơi người dân tuyệt vọng.
Le Monde ghi nhận là tranh chấp liên quan đến các vụ trưng thu nhà đất tăng cao đến nỗi chính quyền đã phải ra một quy định mới vào cuối giêng, theo đó người có nhà bị trưng thu phải viết đơn cho đến ngày 12/02, để chính quyền tính khoản bồi thường, và không ai sẽ bị trục xuất trước khi có kết quả các vụ kiên cáo.
Theo Le Monde, đây là hậu quả của kế hoạch kích thích kinh tế Trung Quốc. Kế hoạch đươc xem là sẽ giúp ngăn chặn bất ổn định xã hội, nhưng đang mang lại hệ quả ngược lại, do phải trưng thu nhà, trục xuất nhanh người ở để xây dựng hạ tầng cơ sở ghi trong kế hoạch, ngân sách.
Lãnh đạo điạ phương thu lợi trong việc bán đất, đang tranh thủ giá lên cao, do những khoản tiền chính phủ đổ vào các tập đoàn nhà nước. Dân chúng ngược lại sống trong nỗi lo âu. Tình hình này dẫn đến những sự kiện chết người đáng tiếc trong những vụ chống lại việc nhà đất bị trưng thu.
Le Monde nêu ví dụ một người đàn ông bị thiệt mạng ở Quảng Tây vào ngày 12/01. Ở Quảng Đông, người dân dùng sức chống lại những kẻ đến phá hủy nhà của họ, khiến cho nhiều người bị thương ngày 18/01 vừa qua. Vụ thương tâm nhất và gây chấn động dư luận Trung Quốc là cảnh một phụ nữ tự thiêu trên nóc nhà ở Thành Đô, tháng 11 năm ngoái, để phản đối những người đến phá nhà của bà đã bị trưng thu.
Tìm hiểu những hành động tuyệt vọng của người dân, qua bạo động hay tự hại mình như nói trên, Le Monde trích dẫn một giáo sư luật ở Đại học Bắc Kinh, ông Chen Duanlong, giải thích rằng : ''Ở Trung Quốc, khái niệm trưng thu được hiểu như là một quyền sử dụng bạo lực. Và sự kiện một người chủ nhà phải tự thiêu có nghiã là họ gặp bế tắc''.
Người mà nhà hay đất bị trưng thu có thể làm gì ? Kiến nghị không xong, kiện cũng không được, khi mà chính quyền chính là người đứng ra trưng thu và kiểm soát hệ thống tư pháp. Cho nên theo ông Chen, nguời dân chỉ còn con đường bạo động và hành động tuyệt vọng. Đối với ông, phải xem xét lại, thay đổi hẳn luật trong vấn đề mua bán này, và người dân phải có lối thoát bằng con đường luật pháp, có khả năng kháng cáo nếu thấy mình bị xử ép.



No comments: