Sunday, February 7, 2010

TRÁI PHIẾY VIỆT NAM : TIN VUI ? TIN BUỒN ?

Trái phiếu Việt Nam: Tin vui? Tin buồn?
Nguyễn Mạnh Hùng
07/02/2010 6:36 sáng
Chưa có phản hồi.
http://www.talawas.org/?p=16008
Mới đây thôi, Việt Nam bán 1 tỉ đô trái phiếu, giới tài chính phương Tây mua ào ào, thoáng là hết. Thành công, thành công, đại thành công! Phải chăng “thế giới” tin vào khả năng phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam ở trung và dài hạn, chuyện chỉ khả thi với một quốc gia ổn định về mặt chính trị, điều kiện đẩy sự cất cánh (take-off) một nền kinh tế còn non yếu ở ngưỡng cửa hiện đại hóa?
Chưa chắc, và đi vay được không hẳn là điều phấn khởi theo kiểu lạc quan tếu.

Từ góc độ kinh tế học, ở mức nhập môn, học sinh sinh viên đều biết những người cho vay – chủ nợ – phải tính đến khả năng chi trả lợi nhuận và hoàn vốn của người đi vay – con nợ – và thường là đòi bù vào tỉ số lợi nhuận bình thường (hiệu suất của đầu tư trung bình) cái giá của độ rủi ro (risk premium). Với Việt

Rủi ro chính trị? Ở ngắn hạn, chắc có, nhưng không trầm trọng, ai bất đồng chính kiến thì bỏ tù làm gương. Lề phải, ai ơi phải giữ lấy “lề”!

Rủi ro kinh tế? Có, và khá nhiều:

1- Con nợ đi vay vì dự trữ ngoại tệ thấp (15 tỉ đô?), cần vốn để làm ăn sản xuất. Chỉ trả 6,95%, hiệu suất thực sự phải ít nhất là bằng thế, cộng thêm vào độ lạm phát (5-7%), tức bình quân sử dụng tiền vay phải làm lời ở mức 12-14%. Trên thế giới, lợi nhuận thực sự (real) bình thường chỉ độ 3-5%, và hiệu suất danh nghĩa (nominal) khoảng 5-7%. Chủ nợ cho Việt Nam vay hẳn ước lượng độ rủi ro cần bù bằng 2-4%. Thanh khoản chi trả của con nợ khả thi với điều kiện sản xuất ở Việt Nam đạt được hiệu suất danh nghĩa ít là 12%, và nhiều, có thể hơn 14%. Con số này quá lớn, độ khả thi tùy thuộc vào việc sử dụng tiền nợ vào khâu, ngành sản xuất nào.

2- Rót tiền, theo lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà (báo Tuổi Trẻ ngày 1/2/2010), vào Dung Quất, một nhà máy phải đóng cửa ngưng hoạt động vì…phải bảo quản thiết bị (sic!)? Theo tin Dow Jones, Ngân hàng Trung ương Việt Nam mới đây cho biết là món tiền vay sẽ được dùng để hỗ trợ cho các công ty như PetroVietnam, Vinashin, tập đoàn Sông Đà… Xin dẫn lời Kinh tế gia Vũ Quang Việt (phỏng vấn RFA, 2/2/2010):
“…Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam đi vay, nên sẽ đưa cho các công ty quốc doanh sử dụng để đầu tư.
Thường lãi cho các công ty quốc doanh rất thấp; ví dụ như Vinashin và một số khác lãi độ chừng 1-2% so với mức lạm phát rất lớn. Đó chưa kể trong thực tế những công ty quốc doanh đó làm ăn lỗ. Tại Việt Nam, hiện một số công ty quốc doanh gặp khó khăn cực kỳ.
Đặc biệt trường hợp Vinsahin. Trước đây Việt Nam vay 750 triệu đô la cho công ty này. Công ty này đầu tư ra hằng trăm công ty con khác. Những công ty con này thường là những công ty gia đình-tư nhân, với một phần vốn Nhà nước vào có nhiều quyền lợi về vốn, đất đai được cấp hay thuê rẻ… tạo ra một hệ thống quan chức hoặc người thân thuộc được hưởng những quyền lợi như thế. Như vậy họ càng mở rộng càng tốt cho họ.
Theo tôi nghĩ, chính phủ Việt Nam đi mượn tiền cho loại những công ty như Vinashin, những doanh nghiệp và tập đoàn tương tự như vậy.”

Nếu nhận định trên thành thực tế, tiền con nợ vay sẽ vung vãi, sản xuất trong nước không thể đủ để trả lợi nhuận món nợ mới 1 tỉ đô này, chứ chưa nói đến vốn. Những vị có trách nhiệm nói Việt Nam nợ khoảng 30% GDP, vẫn ở mức an toàn (?). Nhưng đây là nợ nước ngoài. Nếu tính cho đầy đủ, nợ nội địa, tức Nhà nước nợ những người trong nước, phải cao hơn thế. Hiện mức nợ tổng cộng gọi là chấp nhận được trên thế giới khoảng 30-40% GDP, và nợ ở Việt Nam khó có thể cho là “an toàn” được!

3- Tuy nhiên, giới đầu tư Mỹ cho vay 560 triệu, Á Châu (chắc “người lạ”) cho vay 280 triệu, còn lại là giới đầu tư Âu Châu. Lại trích lời ông Trần Xuân Hà (Tuổi Trẻ, bđd):
“Các nhà đầu tư cực kỳ quan tâm đến dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế, nợ quốc gia, chính sách tiền tệ, trong đó có cả chính sách tỉ giá hối đoái, lãi suất, biến động lạm phát trong năm 2009 và chính sách của Việt Nam…
Các câu hỏi của các nhà đầu tư với chúng tôi đều xoay quanh chuyện này. Định mức tín nhiệm của Việt Nam là kết quả đánh giá của các tổ chức. Họ dựa trên nhiều phương diện, đánh giá cao tăng trưởng, ổn định chính trị, quyết tâm cải cách, nợ chính phủ ở mức an toàn của Việt Nam… Nhưng họ cũng đánh giá cán cân thanh toán ta nhập siêu nhiều, cải cách hệ thống ngân hàng và lạm phát… chưa tốt.”

Đánh giá cao nhưng những nhà đầu tư này đều đòi bì rủi ro như nói trên có nghĩa là họ vẫn lo. Lo gì? Như lời vừa trích, họ lo a) ngân sách Nhà nước thâm thủng; b) cán cân nhập siêu (tức sản xuất để bán ra ngoài thấp so với nhập khẩu) ở mức trầm trọng; c) nguy cơ lạm phát lớn… Đấy là họ chưa nói (hay ông Thứ trưởng lơ đi) đến hiệu suất các công ty nhà nước rất thấp, lại có khả năng “điều vốn” của cả nước rất ghê, kể cả tiền vừa vay qua phát hành trái phiếu 1 tỉ đô. Và từ đó, tương lai vỡ nợ của Việt Nam là có thực.
Vỡ nợ thì sao? Con cháu đời sau trả, xá gì! Đến đây, tôi chợt nhớ “giải pháp” Phi Lạc của ông Hồ Hữu Tường là quịt nợ. Cũng kiểu Chí Phèo, nhưng không rạch mà trơ mặt ngất ngưởng, mày làm gì được ông nào! Thưa, dễ thôi, gán bằng cái sơn hà ấy, thời nay toàn cầu hóa mất rồi, quịt khó lắm. Còn câu “quốc phá, sơn hà tại”. Không, trăm lần không, ngàn lần không! Núi và sông (nhất là Biển Đông) mang gán nợ thì làm gì mà “sơn hà tại” được. Cái còn, là những trương mục ngân hàng ở Thụy Sĩ, Bahama…mang những con số mật mà chỉ một số (rất nhỏ) người biết. Sơn hà bất toại, trương mục thì vạn, vạn tuế sao?

4/02/2010, sau một đêm không ngủ nổi


© 2010 GSTS Nguyễn Mạnh Hùng
© 2010 talawas



No comments: