Thủy điện bức hại sông MeKong
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010-02-05
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/Domestic-Online-review-020510-NNguyen%20-02052010224636.html
Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động kép, ngập mặn do biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác thủy điện tràn lan ở các nước thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy sông Mekong.
27 đập thủy điện?
Sự nắn dòng sông Mekong sẽ làm giảm lưu lượng nước, cũng như lượng phù sa quí giá bồi đắp vùng châu thổ Cửu Long. Nguồn lợi thủy sản cũng giảm đáng kể, khi các loài cá và thủy sinh bị chặn đường di chuyển tự nhiên.
Ngày 3-2 vừa qua chính quyền thành phố Cần Thơ và các tổ chức phi chính phủ trong ngoài nước đã tổ chức diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mekong”. Theo báo Tuổi Trẻ Online, diễn đàn này tìm kiếm những giải pháp để cứu con sông Mekong trước tình trạng Trung Quốc, Lào, Cămpuchia dự kiến xây dựng tới 27 đập thủy điện trên dòng sông. Đọc báo điện tử trong nước tuần này chúng tôi trình bày đề tài liên quan.
Sông Mekong dài 4.880km bắt nguồn từ Tây Tạng Trung Quốc, chảy qua Lào Miến Điện, Thái Lan, Cămpuchia vào Việt Nam với hai nhánh là Sông Tiền và Sông Hậu. Người Việt Nam gọi tên con sông là Cửu Long, do các phân lưu của sông Mekong vào Việt Nam sau cùng đổ ra biển ở chín cửa sông, tượng trưng cho chín con rồng. Trên thực tế kể từ thập niên 1970, dòng Cửu Long chỉ còn thoát ra biển với 8 cửa sông do cửa Ba Thắc ở Sóc Trăng bị bồi lấp.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh thành có diện tích gần 40 ngàn km2, nơi sinh sống của hơn 17 triệu người. Bất kỳ một sự thay đổi nào tác động vào dòng chảy của sông Mê Kông ở phía thượng lưu đều ảnh hưởng tới đời sống của cư dân miền Tây. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói với chúng tôi là vấn đề nước rất quan trọng, do tác động kép về biến đổi khí hậu và chuyện các nước làm ách tắc dòng sông. Ông cho biết:
“Hy vọng là Việt Nam có thể thống nhất với các nước cùng sử dụng nguồn nước sông Mekong hợp tác liên hoàn với nhau, thỏa thuận theo phương thức quốc tế, chứ mạnh ai nấy làm thì tất cả đều bị thiệt hại mà đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thiệt hại nhiều.”
Nước mặn xâm nhập
Nhân tường thuật diễn đàn Cần Thơ về môi trường và nguồn sống trên sông Mekong, Tuổi Trẻ Online nhấn mạnh tới sự kiện đồng bằng sông Cửu Long bị “tác động kép”, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nay với việc xây dựng đập thủy điện ở các quốc gia lân cận thì khu vực này sẽ chịu “tác động kép” . Tờ báo trích lời thạc sĩ Kỳ Quang Vinh, giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc sở Tài Nguyên Môi Trường Cần Thơ, theo đó kết quả khảo sát năm 2009 cho thấy xâm nhập mặn đã “tấn công” tới huyện Vĩnh Thạnh Cần Thơ, các khu vực thuộc thị xã Vị Thanh Hậu Giang và tỉnh An Giang khiến người dân ở đây không thể dùng nước để trồng trọt.
Cùng về vấn đề liên quan, ông Đào Xuân Học Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát Triển Nông Thôn đã nhận định với đài RFA:
“Đúng là bây giờ mặn xâm nhập ác liệt, không hình dung được. Tôi cứ thắc mắc là tại sao lại như thế. Thí dụ như TP.HCM thì ngập rất thường xuyên, còn Cần Thơ bây giờ ngập trên 50% diện tích, hồi cuối năm 2008 ngập lớn đến mức đó. Thí dụ nữa là Bến Tre, tình trạng xâm nhập mặn đến mức khủng khiếp.”
Theo Tuổi Trẻ Online, trình bày tại cuộc hội thảo Cần Thơ, TS Carl Middleton thuộc Tổ Chức Sông Ngòi Quốc Tế Hoa Kỳ cho rằng, việc xây đập không chỉ ảnh hưởng đến đường đi của thủy sản mà còn đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực trong khu vực. Theo sự ước tính của TS Middleton, các nước lưu vực sông Mekong sẽ mất từ 700 ngàn tới 1 triệu 600 ngàn tấn thủy sản mỗi năm do ảnh hưởng của việc xây đập, trong khi người dân không thể ăn gia súc, gia cầm để thay thế lượng đạm từ cá, thủy sản vốn là nguồn thức ăn chính của người dân ở đây.
Ảnh hưởng vì ngăn chặn dòng sông Mekong ở thượng lưu mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài nguồn lợi thủy sản vựa lúa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đe dọa vì thiếu nước canh tác. Như một giải pháp đề xuất, người ta nói tới việc giảm bớt diện tích trồng lúa, nhưng xem ra điều này không được ủng hộ. Người nông dân cần phải làm lúa càng nhiều càng tốt để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu.
TS Lê Văn Bảnh nhận định với đài RFA:
“Tìm giải pháp tiết kiệm nước, đủ nước canh tác, tìm giống chịu khô hạn hoặc giống chịu ngập mặn để thực hiện, kèm theo đó còn giải pháp dùng giống lúa khô như trên vùng cao hoặc tăng cường khoai củ, hoặc lương thực khác để bảo đảm nhu cầu cho bà con, đấy là những giải pháp.”
Giảm phù sa, tăng phân bón
Một diễn giả khác tại Hội Thảo Cần Thơ được báo Tuổi Trẻ Online trích lời, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất và ngập nước, cảnh báo nếu 11 đập thủy điện ở Lào và Cămpuchia được xây dựng, việc điều phối dòng chảy, thủy văn của dòng sông này sẽ phụ thuộc vào 11 “ông chủ” thủy điện. Ông Thiện phân tích việc chặn dòng chảy sẽ làm giảm lượng phù sa nên người dân đồng bằng sông Cửu Long phải tăng chi phí cho phân bón và nhiều ngành công nghiệp “ăn theo” nông nghiệp như: chế biến thủy sản, nông sản cũng bị vạ lây. Theo sự tính toán của ông Thiện, tổng thiệt hại về thủy sản, nông sản có thể lớn hơn tổng lợi nhuận mà các nước thu được do việc xây đập thủy điện.
Tây Nam Bộ nằm ở hạ nguồn sông Mekong, nên sự ảnh hưởng là khốc liệt nhất. Nhưng ở chính các quốc gia có dự án xây đập thủy điện như Cămpuchia, dân cư sống bằng nghề cá ở khu vực lân cận bị đổi đời bất đắc dĩ. Phỏng vấn điều tra bên Cămpuchia cho thấy những làng chài bị xóa xổ cư dân được tái định cư ở vùng núi. Câu hỏi đặt ra là với một số tiền đền bù, những người đánh cá trên sông Mekong sẽ xoay xở thế nào với cuộc sống không nghề nghiệp ở vùng cao. Thưa quí thính giả, mọi giải pháp cứu dòng Mekong trên thực tế khó tìm được tiếng nói đồng thuận, một khi các quốc gia đều xem lợi ích của mình là ưu tiên.
Theo Tuổi Trẻ Online ông Đào Trọng Tứ, nguyên tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định, dòng sông Mekong thuộc đia phận quốc gia nào thì việc xây đập thủy điện là quyền lợi của họ nên cần phải tận dụng các cơ chế song phương, đa phương để tác động có hiệu quả. Trong khi đó, ông Trần Văn Tư thuộc liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN khẳng định việc hủy hoại sự sống của sông Mekong là do con người tạo ra nên phải tìm giải pháp từ con người. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông, theo đó “không thể đối đầu với chính quyền các nước mà phải tranh thủ, thuyết phục để họ có quyết định thống nhất với Việt Nam.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment