Saturday, February 6, 2010

SỐNG THỪA (Phần 1)

Sống Thừa
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 6-2-2010
http://danchimviet.com/articles/2005/1/Sng-Tha/Page1.html
Lần đầu tiên sau 30 ngày anh thức dậy ở nhà mình. Trong căn phòng đọc sách. Đây là nơi anh được vợ và hai cô gái “chỉ định” vì nó gần điện Phật để anh có thể “tỉnh tâm” niệm Phật cầu kinh.
Anh vào toilet bằng những bước chân nặng nề, nhìn mình trong gương một khuôn mặt xa lạ xanh xao, mái tóc quá lứa (đúng hơn là không được chăm chút) làm cho nét mặt anh bệnh hoạn yếu đuối hơn. Mới có một tháng trời sau khi ở bệnh viện về mà anh trở thành một người khác..không phải là anh.
Anh trước đây rạng rỡ mỗi buổi mai thức dậy..thoang thoảng mùi nước hoa còn vương vất đêm qua của vợ, của người tình, bộ râu quai nón được cạo nhẵn xanh nhạt trên làng da hồng hào, đôi mắt tinh anh nụ cười quyến rũ. Còn bây giờ người đàn ông trong gương kia bệnh hoạn xanh mướt râu ria lởm chởm, đôi mắt mệt mỏi thất thần, nụ cười buồn bã, tóc tai rối bời bẩn thỉu.
Từ khi biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, anh không thể nào tin được có một ngày mình lại như thế này. Trước đây anh đã từng chứng kiến cái chết của Hoàng, của Thạch anh cũng có một chút chạnh lòng nhưng cái cảm giác đó trôi qua nhanh chóng vì anh tràn đầy sức sống…
Anh bước ra ngoài nhìn khoảng vườn nhỏ quen thuộc. Chậu mai già anh mua Tết nguyên Đán vừa rồi bây giờ tươi tốt lạ, nó xanh sẩm và bụ bẩm..bất chợt anh thấy lòng tê tái. Sáu tháng nữa là đến Tết rồi, cây mai này sẽ rực rỡ sắc hoa vàng với mùi hương quyễn rũ ngây ngất, còn mình thì đã ra đi không để lại một dấu vết gì ở đây. Con người thật mong manh không bằng một sinh vật nhỏ bé, vậy mà trước đây mình không nhận ra điều đó, cứ mãi miết tìm kiếm, tìm những cái ở ngoài mình không thuộc về mình. Danh vọng địa vị tiền bạc những niềm vui những đam mê những được mất.
Lúc đó anh chỉ vận động theo nhịp của cuộc sống..anh là một phần của một cổ máy khổng lồ..nó vận hành và anh đã bị cuốn theo. Lúc đó anh nghĩ mình đang sống đang làm việc đang chạy đua, đang chiến đấu đang thành đạt đang hạnh phúc nhưng thật ra anh đâu có sống..anh chỉ lăng xăng tìm kiếm,chỉ ăn uống hít thở nói cười theo sức hút của một chiếc đũa thần nào đó mà anh không hề hay biết.
Anh nhận thức một điều lúc này đây khi cận kề với cái chết anh mới thật sự sống.
Lúc này anh mới chính là mình,suy nghĩ bằng cái đầu của mình, rung cảm bằng trái tim của mình, bồi hồi bằng chính dây thần kinh của mình mà không bị một sự thôi thúc chỉ huy nào, một sự hoạch định nào của ai đó.
Lúc này đây anh là chủ của cuộc đời mình vì anh làm chủ cảm giác và suy nghĩ của mình. Anh thật sự sống với bản thể của anh chứ không phải một con rối của thời cuộc.

Trước đây cuộc sống của anh được đặt trong một kế hoạch do anh tạo ra cho thật phù hợp với sự hoạch định của xã hội của ai đó. Anh không được làm cái này cái kia, anh phải nói như thế này và không được nói khác, anh phải suy nghĩ theo lộ trình này mà không được “vượt rào”, nghĩ những điều không được nghĩ tới, anh phải đi lề bên phải nếu muốn được an toàn. Anh sống trong sợ hãi và đồng loã với sợ hãi. Anh làm nô lệ của sợ hãi và cũng hoá thân thành chính sự sợ hãi.
Trước đây anh nghĩ mình là “tuấn kiệt” vì biết “thức thời”, mình là người thông minh vì biết nắm bắt cơ hội, mình là người uyển chuyển vì biết thích nghi.

Ngay lúc này đây khi tất cả đều rời bỏ anh... sức khoẻ... địa vị... sự nghiệp... danh vọng... tiền bạc... bạn bè và cả vợ con. Anh chỉ còn lại một mình, trắng tay nhưng anh cảm thấy mình thật sự tự do. Không ai còn trói buộc anh, kiềm toả anh nữa..anh thật sự tự tại. Nhìn lại anh trước đây, mình chỉ là một nô lệ, nô lệ của thời cuộc, của tiền tài danh vọng, của những đam mê những ham muốn ích kỷ ti tiện, nô lệ cho những thằng nô lệ khác.
Trước đây anh phải sống cho “phải phép” nghĩa là phải sống cho vừa ý người khác nhất là cấp trên của mình. Anh phải sống theo những chuẩn mực mà anh biết là vô lý, vô lương tâm và vô nhân tính nhưng nó là một nhu cầu, một đòi hỏi anh phải đáp ứng.
Cả đời anh, anh phải hy sinh mình để đạt được những gì anh có hôm nay.

Anh nhớ lại, khi còn học cấp III để phấn đấu vào Đoàn, trở thành Đoàn viên TNCS anh chấp nhận cắt tóc ngắn. Lúc đó tóc dài là một cái mode, anh thấy nó rất đẹp, nhất là nó phù hợp với khuôn mặt anh, màu da của anh. Anh rất thèm được để tóc dài vì mái tóc dài mang lại cho anh niềm vui, niềm kiêu hãnh khi được bạn bè khen, các cô gái lén nhìn và quan trọng hơn là ba mẹ anh khen anh có mái tóc thật đẹp. Nhưng để phấn đấu vào Đoàn anh chấp nhận hi sinh mái tóc, trong những buổi họp anh còn lên án gay gắt những người bạn của anh để tóc dài..nào là “tàn dư của Mỹ-Nguỵ”, nào là thị hiếu tầm thường, bạc nhược, năng lực thẫm mỹ kém, bệnh hoạn. Tuy nói vậy nhưng lòng anh vẫn thấy mái tóc dài thật đẹp, anh thèm được như Tuấn-Hưng-Lộc. Không phấn đấu vào Đoàn, nó được tự do, sống theo sở thích của mình.
Có những buổi chiều tan học, trời vào cuối thu dịu mát và nên thơ, con đường trải nhựa phẳng phiu..anh nhìn Tuấn-Hưng-Lộc đạp xe chầm chậm, gió thật nhiều và mái tóc bồng bềnh của chúng nó đẹp tuyệt vời. Anh cảm thấy ganh tị và xót xa khi cảm thấy ánh mắt của các cô gái hướng về ba đứa nó, nhưng anh buộc mình phải quên đi..anh phải phấn đấu để vào đội cờ đỏ. Đội cờ đỏ là một thứ lực lượng bán vũ trang của trường. Họ có văn phòng riêng với trang bị vũ khí. Họ có quyền kiểm tra học sinh trong trường nếu thấy ai đó có “vấn đề”.
Anh muốn tiến thân để bù vào năng lực trung bình của anh, anh phải phấn đấu vào Đảng. Đội cờ đỏ là một bậc thang anh phải qua.

Năm 1979 là năm “hừng hực khí thế cách mạng”. Trên Thế giới, chủ nghĩa Cộng sản dưới sự lãnh đạo của “Nhà nước Liên Xô vĩ đại” và đồng chí Preznep anh minh đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn, đẩy lùi chủ nghĩa Tư bản thối tha trên nhiều mặt trận từ châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á, Tây Nam Á, ngọn cờ quốc tế vô sản tung bay khắp nơi. Thành nghĩ với cái đà này chỉ 10 năm nữa thôi, cờ đỏ búa liềm sẽ phấp phới tung bay ở thủ đô Washinton cho nên cũng phải “thức thời”. Đại trượng phu chí ở bốn phương, không thể vì cái niềm vui tầm thường mà hi sinh sự nghiệp và Thành cũng đã được giới thiệu vào đội cờ đỏ.
Lúc này ở VN đi đâu cũng nghe người ta nói về tinh thần Quốc tế vô sản…Cái tôi không có chỗ để hiện hữu tồn tại... tinh thần dân tộc là hẹp hòi, bản sắc dân tộc là điều uý kỵ. Sự cực đoan đã lên đến đỉnh điểm.
Người ta lại tiếp tục đấu tranh để quét sạch “tàn của dư Mỹ-Nguỵ”, vậy là ở trường của Thành đội Cờ Đỏ tha hồ tung hoành. Họ chặn cửa ra vào Trường Trần Cao Vân đuổi những người tóc hơi dài về không cho vào lớp. Còn những người tóc dài trong đó Tuấn-Hưng-Lộc được xem là thành phần cá biệt của lớp của trường thì bị Đội Cờ đỏ dùng tông đơ ủi một cái chữ thập trắng hếu ngang qua đầu.
Trước sự chứng kiến của mọi người, của những cô gái, Thành cảm thấy đây là một việc quá đáng, xúc phạm đến nhân phẩm con người, nhưng thôi anh phải quên cái nhân phẩm đi. Nhân phẩm là chủ nghĩa cá nhân!. Đối với Chủ nghĩa Cộng sản cá nhân không tồn tại..nó phải bị loại trừ..anh phải chấp nhận chân lý này…Một thời gian sau Tuấn, Hưng nghỉ học..chắc có lẽ họ không còn kiên nhẫn để chịu nhục. Họ còn có lương tâm và danh dự, họ can đảm từ bỏ nền giáo dục “Xã hội chủ nghĩa ưu việt” để về nằm nhà đọc sách. Thành không biết họ lưạ chọn như thế là đúng hay sai, chỉ thấy lớp học giờ đây thiếu vắng những người bạn sôi nỗi. Các cô gái cũng buồn, thành tích của lớp cũng giảm sút.

Tuấn, Hưng là những học sinh có năng lực, Tuấn làm Trưởng ban Báo chí của lớp, Hưng làm Trưởng ban Văn nghệ..Họ nghỉ học lớp mất đi những khuông mặt nỗi bật, ưu tú. Trong mắt của học sinh cả trường thì họ là những con người đáng yêu, hơi nghịch ngợm một chút (có tuổi học trò nào không tinh nghịch?)..Họ chỉ có mỗi một tội đó là dám sống cho mình, theo ý mình, cho những giá trị thẩm mỹ của họ…Họ không a dua, không theo phong trào, không muốn làm con rối trong tay người khác…mà đây chính là những điều không được có trong xã hội VN lúc này…dưới sự lãnh đạo của đảng CS…Sống trong chế độ CS phải biết chấp hành vô điều kiện, mọi sự phản kháng đều là biểu hiện của tư tưởng xấu, thành phần “phản động”.

Thi Đại học trượt..anh vào Cao Đẳng Sư phạm. Năm 1980 ở VN rất ít trường Đại học, trường Đại học chỉ dành cho những người có lý lịch tốt..anh không thuộc diện này. Trước năm 1975, trong thời “Mỹ-Nguỵ” gia đình anh là tiểu thương..mà tiểu thương là Tiểu tư sản rồi! Lúc đầu anh không bận tâm khi nghe ai đó nói về chế độ VNCH là Mỹ-Nguỵ, nhưng khi so sánh anh thấy cái chế độ Mỹ-Nguỵ này không “Nguỵ”chút nào. Tuy là một chế độ Dân chủ non trẻ, lại ở vào thời chiến nhưng anh thấy thời VNCH người dân được Tự do.
Báo chí tự do (có khi tự do thái quá nữa là đằng khác). Người ta sử dụng quyền biểu tình để phản đối chính phủ bất kể đúng hay sai. Thành đã từng chứng kiến những cuộc xuống đường của Học sinh, sinh viên Quảng-Đà, Huế, Sài Gòn làm rung chuyển cả đất nước. Rồi quyền Tự do Tôn giáo. Nhà thờ Thánh thất, Tu viện là nơi tôn nghiêm bất khả xâm phạm. Có nhiều lúc chính quyền hơi bị “lép vế” so với tôn giáo, bị tôn giáo chi phối. Tự do hoạt động chính trị Đảng phái. Nào là Đảng Dân chủ, Đại Việt, Quốc dân đảng, Duy Dân vv.vv
Học sinh đi học không mất tiền. Người bệnh được nhà nước lo từ thuốc men đến ăn uống xe cộ, máy bay vận chuyển. Toà án độc lập, vai trò của Luật sư thật là ấn tượng, có tính quyết định. Còn bây giờ thì sao? Chế độ mà người ta tự xưng là ưu việt, dân chủ gấp triệu lần tư bản. Đó là một Đất nước tan hoang, được điều hành bởi những con ngươì chân đất, chỉ biết có một chữ ký. Không có toà án độc lập, không có luật sư, không baó chí tự do, tôn giáo bị kiểm soát nghiêm ngặt. Tu viện, Thánh đường biến thành sân phơi Hợp tác xã.
Còn Đảng phái thì chớ có nghĩ đến…nếu không muốn ở tù hoặc vĩnh viễn ra đi. Bệnh viện không có thuốc, trường học dột nát. Người dân cả nước rách tươm như lũ ăn mày trong “Cái bang”, nhưng Thành phải quên tất cả đi vì tương lai thuộc về những người chiến thắng, muốn tiến thân phải biết khom lưng cúi đầu (Đây là một triết lý hẳn hoi).

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm anh khăn gói lên Trà My nhận việc..lúc đầu Thành cũng ngại, lên cái nơi rừng thiêng nước độc đó, không ai muốn chút nào nhưng không đi không được.Thứ nhất sẽ bị gọi đi Nghĩa vụ Quân sự, thứ hai sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực phấn đấu làm “cảm tình viên Đảng“ của anh.

(Còn tiếp)


© Đàn Chim Việt Online


No comments: