Saturday, February 6, 2010

"THỐNG NHẤT" TẠO OAN SAI

“Thống nhất” tạo oan sai (Phần 1)
Trân Văn, phóng viên RFA
2010-02-05
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-judicial-system-of-Ha-Giang-province-greatly-sympathize-with-to-create-a-glaring-injustice-part1-TrVan-02052010214244.html
Theo báo Người cao tuổi, thuộc Hội Người cao tuổi Việt Nam, có tên trong danh sách những người đã mua dâm học sinh chưa thành niên tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh.
Vài ngày trước, các cơ quan ngôn luận trong hệ thống truyền thông chính thống ở Việt Nam chỉ nói xa, nói gần về điều đó.
Trong sự kiện vừa đề cập, có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, liên quan đến nhân cách của cán bộ, viên chức cũng như việc bảo vệ, thực thi công lý.

Sau thầy là... quan
Tháng 9 năm ngoái, vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, khiến dư luận bàng hoàng vì người mua dâm hàng chục nữ sinh theo học tại ngôi trường đó lại là ông Sầm Đức Xương, hiệu trưởng.
Trong vụ án được nhiều người xem như bằng chứng đáng ngại về sự suy đồi đạo đức ấy, còn có hai nữ sinh là Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hằng, cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã “môi giới mại dâm”.
Đầu tháng 11 năm ngoái, Tòa án huyện Vị Xuyên đưa vụ án này ra xử sơ thẩm. Ông Sầm Đức Xương bị phạt 10 năm 6 tháng tù. Cô Nguyễn Thị Hằng bị phạt 6 năm tù, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy bị phạt 5 năm tù. Sau phiên sơ thẩm, cả ba bị cáo cùng kháng cáo.
Cuối tháng vừa qua, Tòa án tỉnh Hà Giang đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm, dư luận thêm một lần bàng hoàng khi phiên xử kéo dài cho đến đầu tháng này, xuất hiện thêm hàng loạt tình tiết mới. Chẳng hạn hai bị cáo là nữ sinh khai rằng, cả hai đã bị cưỡng ép để phải ăn nằm với nhiều quan chức và doanh nhân tại Hà Giang khi chưa thành niên. Đồng thời bị cưỡng ép để phải tác động hàng chục bạn bè đồng lứa cùng làm như vậy.
Đáng lưu ý là trong số những viên chức, doanh nhân bị tố cáo là đã ăn nằm với các nữ sinh chưa thành niên, có ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh.
Cũng cần nhắc lại là vào cuối năm ngoái, khi Tòa án huyện Vị Xuyên đưa vụ án “mua dâm người chưa thành niên” ra xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang, từng dõng dạc tuyên bố với báo giới: Hiệu trưởng mua dâm nữ sinh là một việc động trời, không thể hình dung được. Đây là một việc làm đáng xấu hổ và không thể chấp nhận với một thầy giáo đồng thời là người đứng đầu một trường cấp ba.

Ép cung?
Tường thuật của báo giới Việt Nam về phiên xử phúc thẩm vụ án “mua dâm người chưa thành niên” còn cho thấy nhiều dấu hiệu khiến người ta tin rằng, hệ thống bảo vệ pháp luật tại huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang đã vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Cả hai nữ sinh cùng khẳng định trước Tòa rằng những bản tự khai mà các em đã viết trong giai đoạn bị điều tra là do điều tra viên đọc cho các em ghi lại. Nếu viết không đúng ý của điều tra viên thì phải viết lại. Cả hai phải cùng ký khống một số biên bản hỏi cung mà không biết nội dung. Cả hai còn bị ép viết giấy từ chối luật sư trong quá trình điều tra. Thậm chí trước phiên tòa phúc thẩm, cả điều tra viên lẫn kiểm sát viên đã đến gặp để dặn dò phải khai đúng như cáo trạng thì mới có lợi, mới được giảm án.
Không chỉ có điều tra viên, kiểm sát viên vi phạm các quy định về tố tụng hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm cũng có những vi phạm nghiêm trọng tương tự: Xét xử bị cáo vị thành niên mà không có sự tham dự của luật sư.
Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm cũng đã được hai nữ sinh cung cấp một danh sách kèm lời khai trực tiếp, chi tiết về 9 cá nhân là viên chức, doanh nhân ở Hà Giang đã từng ăn nằm với các em. Trong đó có ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch tỉnh.
Sau bốn ngày xét xử phúc thẩm, hôm 1 tháng 2, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án “mua dâm người chưa thành niên” đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Vị Xuyên và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát huyện Vị Xuyên để điều tra lại từ đầu vì toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử ở cấp sơ thẩm được nhận định là có nhiều sai sót.

Không đành đứng ngoài
Để có thêm những thông tin liên quan đến vụ án, chúng tôi đã phỏng vấn luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, người tham gia bào chữa cho một trong hai nữ sinh:

Trân Văn: Thưa ông, từ đâu mà ông biết về vụ án và vì sao ông nhận bào chữa miễn phí ?
Luật sư Trần Đình Triển: Vụ án này báo chí có đưa, sau đó tôi nhận được điện thoại của mẹ cháu Thúy. Tôi có hỏi chị ấy là tại sao chị biết tôi thì chị nói chị đọc qua báo chí và xem trên mạng về Văn phòng Luật sư Vì Dân và đặc biệt là tôi nên chị tìm tôi.
Khi xong phiên sơ thẩm, cháu Thúy bị phạt 5 năm tù, cháu Hạnh 6 năm tù, đã gây bất bình trong dân chúng tại đó thì chị dẫn một đưa con nhỏ khoảng 5, 6 tuổi, từ Hà Giang khoảng 8 giờ rưỡi tối đi Hà Nội. Khoảng 4 giờ sáng thì đến Hà Nội và chị ngồi ở một cây cầu gần nhà tôi ngồi đợi đến 7 giờ mới gọi tôi để không làm phiền giấc ngủ của tôi.
Tôi lấy xe gắn máy chở cả hai mẹ con đi ăn sáng và ngồi uống nước chè ở một cái quán bên đường. Dân chúng thấy chị khóc, hỏi, biết sự tình... Đó cũng là một sự động viên tôi.
Khi gia đình người ta nghèo như vậy, và từ Hà Giang lên Hà Nội không phải là ngắn: 320 kilômét, đi ô tô cũng mất 10 tiếng đồng hồ, rồi ăn, ở,... nếu phải trả chi phí thì không ai có thể nhờ luật sư được.
Chị có đưa bản án sơ thẩm cho tôi đọc, với nhãn quan nghề nghiệp, tôi thấy đó là một bản án không trung thực, kết tội oan, bỏ lọt tội phạm. Do đó tôi thấy rằng Văn phòng của tôi nên bỏ, không thu một ít tiền mà chi thêm một ít tiền để bảo vệ các cháu, bảo vệ đạo đức. Không thể cho phép người lớn sử dụng những đưa bé làm trò vui chơi của mình như vậy. Đó là vô trách nhiệm truớc đảng, nhà nước, nhân dân và trước pháp luật, đã vậy lại còn chễm chệ ngồi ở ghế đó, đưa vài cháu vào tù.
Do vậy, Văn phòng của chúng tôi nhận làm miễn phí...

Đó là lý do vì sao những bị cáo là nữ sinh có người bào chữa cho họ trong phiên xử phúc thẩm.

Sau nhiều oan án giống như vụ án “mua dâm người chưa thành niên” mà chúng tôi vừa tường thuật, có hàng loạt vấn đề cần đặt ra, ví dụ vì sao lại có thể xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong toàn bộ hệ thống bảo vệ pháp luật, từ cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, đến Tòa án như ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang? Việt Nam có thể phòng ngừa sự lũng đoạn hệ thống tư pháp để vừa thực thi công lý, vừa bảo đảm công bằng xã hội?

Đó sẽ là nội dung cuộc trao đổi giữa chúng tôi với luật sư Trần Đình Triển trong bài kế tiếp. Mời quý vị đón xem.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.



“Thống nhất” tạo oan sai (Phần 2)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-02-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-judicial-system-of-ha-giang-province-greatly-sympathize-with-to-create-a-glaring-injustice-part2-tvan-02062010080227.html
Lần trước, quý vị đã nghe Trân Văn tường thuật những diễn biến của vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra ở trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Vụ án này không chỉ có dấu hiệu biến nạn nhân thành tội phạm để che đậy tội phạm của hàng chục cán bộ, doanh nhân ở Hà Giang mà còn là dịp để ngẫm nghĩ về nhiều vấn nạn khác.
Phiên tòa xử sơ thẩm hiệu trưởng mua dâm Sầm Đức Xương 10 năm 6 tháng tù giam ngày 6/11/2009
Mời quý vị nghe Trân Văn tường trình tiếp...

Chọn trẻ con gánh tội thay thượng cấp
Tuy bản án sơ thẩm vụ “mua dâm người chưa thành niên” ở Vị Xuyên, Hà Giang đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại, song câu hỏi lớn nhất vẫn là: Tại sao các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể thản nhiên bắt tay nhau để tạo ra oan sai? Chúng tôi đã nêu một số câu hỏi với luật sư Trần Đình Triển – một trong những người tình nguyện bào chữa miễn phí cho các nạn nhân...

Trân Văn: Thưa ông, nếu những thông tin mà thân chủ của ông tiết lộ là đúng thì theo Luật Hình sự Việt Nam, các bé gái là nạn nhân hay tội phạm như án sơ thẩm đã tuyên?
LS Trần Đình Triển: Tất cả thông tin mà các cháu đưa thì chưa có kết luận của cơ quan bảo vệ pháp luật, chúng ta coi đó như một dấu hiệu và một luồng căn cứ để xem xét vụ án. Thế nhưng theo niềm tin nội tâm của tôi thì tôi khẳng định những chuyện đấy là có thật, bởi vì tại phiên tòa các cháu khai rất cụ thể, rất chi tiết.
Tóm lại, những người đó khó mà chối cãi tội của mình trước sự thực như vậy. Ở đây, các cháu chỉ là nạn nhân. Tức là từ thầy giáo ép buộc các cháu trong việc học hành, rồi đưa lại cho những quan chức như vậy để phục vụ sự vui chơi giải trí của họ. Cuối cùng các cháu không vì gì cả. Ai thương các cháu trong vấn đề đó, cho nhiều hay ít thì các cháu cầm thôi.
Đây không phải là sự mua bán thì tại sao từ chỗ họ trở thành nạn nhân như vậy lại truy cứu trách nhiệm hình sự? Họ cố tình đưa ra để che lấp cho những người đã chơi bời, đã vi phạm pháp luật. Bây giờ trách nhiệm của các cơ quan pháp luật là phải làm rõ và phải xử lý.
Tôi kiến nghị là phải thả ngay hai cháu bé, bởi vì ngoài chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước được thể hiện trong chính sách hình sự thì còn có luật bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Thứ ba là Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Quốc tế về Quyền trẻ Em và Công ước Quốc tế về Bảo vệ phụ nữ.
Phải quán triệt những văn bản pháp luật đó và phải đình chỉ ngay vụ án môi giới mãi dâm, trả tự do cho các cháu mới là đúng pháp luật.

“Ba ngành thống nhất”: Sai nhưng không hiếm

Trân Văn: Theo ông, vì sao lại có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong suốt tiến trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án?
Chúng tôi được biết là Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam quy định khá chi tiết và chặt chẽ về trình tự, thủ tục tố tụng để tránh lạm quyền, gây oan sai. Tuy nhiên, theo dõi thông tin về vụ án trên báo chí thì nhiều người có cảm giác là có vẻ như hệ thống bảo vệ pháp luật ở Việt Nam không kiểm soát lẫn nhau. Cả cơ quan điều tra, rồi viện kiểm sát, rồi tòa án, tuy là có những chức trách rất khác nhau nhưng tất cả có vẻ như là một khối thống nhất vậy.
Là một luật sư chuyên tranh tụng, ông hay gặp những trường hợp như vậy hay không, hay là những vụ án như vừa qua chỉ là cá biệt ?
LS Trần Đình Triển: Về luật pháp mà nói thì trong quy định của pháp luật, cơ quan điều tra phải độc lập, cơ quan kiểm sát phải độc lập, cơ quan tòa án phải độc lập. Pháp luật là như vậy và có sự đối trọng lẫn nhau, có sự hạn chế quyền lực lẫn nhau. Ví dụ như Viện Kiểm sát có chức năng kiểm soát việc điều tra trong quá trình điều tra của cơ quan điều tra và giám sát cả công việc xét xử. Họ phải độc lập.
Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi, sự vi phạm tính độc lập này rất nghiêm trọng. Ví dụ như có thể họp liên ngành hoặc họ trao đổi lẫn nhau, họp bàn với nhau, thậm chí có những bản án người ta gọi là "thỉnh thị án" hay trong ngôn ngữ dân Việt Nam, người ta cho là "án bỏ túi".
Song đó là công tác thực hiện, còn luật thì đã có quy định như vậy. Do đó nơi nào mà có những vi phạm đó thì nhân dân cũng như nhà nước Việt Nam không chấp nhận điều đó. Cần phải tìm mọi cách để giải quyết, để tránh sự oan sai.
Trong thực hiện cũng có những trường hợp là “thống nhất” giữa các ngành với nhau trong tố tụng dẫn đến oan sai, làm cho công tác bào chữa của luật sư rất khó. Tuy nhiên, đấy là cấp dưới. Mọi sự oan sai, chúng tôi phát hiện có như vậy thì chúng tôi kiến nghị với cấp trung ương, không Tòa án Tối cao thì Bộ Công an, không Bộ Công an thì Viện Kiểm sát Tối cao, và không nữa thì phải thông qua bên Quốc hội... Chúng tôi thấy rằng mọi oan sai mà chúng tôi kiến nghị thì riêng với tôi, tôi làm đến cùng để sáng tỏ vụ án. Các cấp, các ngành, cấp trên cũng quan tâm và giải quyết theo đúng pháp luật.

Trân Văn: Thế nhưng tình trạng cả hệ thống bảo vệ pháp luật gồm: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, thống nhất với nhau giống như là một khối độc lập thì có phổ biến không?
LS Trần Đình Triển: Cũng có nơi nọ, nơi kia, vụ này, vụ kia có sự “thống nhất” đó nhưng không phải là tất cả. Qua quá trình làm việc của tôi thì không phải là tất cả.
Sự “thống nhất” đó không phải là đúng luật, bởi vì Tòa phải độc lập, Kiểm sát phải độc lâp, Điều tra phải độc lập. Còn họ họp với nhau... Tất cả hồ sơ chúng tôi làm chưa bao giờ có biên bản đó để trong hồ sơ vụ án, họ bí mật làm với nhau thôi.
Cho nên là nếu có bí mật đó thì với luật sư chúng tôi, chúng tôi thấy rằng không đúng thì chúng tôi kiến nghị lên các cấp cao hơn để giải quyết trở lại thôi. Thế nhưng điều đó đòi hỏi luật sư phải bản lĩnh, hai nữa là mình đã nhận thì vì trách nhiệm của mình trước thân chủ mình phải làm đến cùng, chứ không thể đi nửa đường rồi mình bỏ cuộc thì sự oan sai nó cứ xảy ra.
Đảng CSVN có nghị quyết cải cách tư pháp để đưa đến công bằng, xử cho đúng pháp luật, thực thi cho đúng pháp luật. Đấy là một điều rất đúng. Tuy nhiên giữa đường lối với việc thực hiện thì đây là một quá trình. Tôi cho rằng đất nước nào cũng vậy thôi.

Truy cứu không dễ

Trân Văn: Thưa ông, trên thực tế, từ trước tới nay đã có trường hợp nào mà các cơ quan bảo vệ pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi “thống nhất” với nhau trong việc xử lý một vụ án hình sự không ạ?
LS Trần Đình Triển: Thực ra mà nói, bây giờ tôi nói là nói theo luật và nói theo chứng cứ.
Người ta nói đến cái “trào lưu” có việc họp giữa ba ngành để xin ý kiến về việc khởi tố, truy tố, xét xử đối với một vụ án nhưng tôi đọc hồ sơ thì chưa bao giờ tôi thấy một biên bản nào họp các ngành cả. Trừ vụ án về phân bón “19 tháng 8” của Hải Phòng cách đây đâu khoảng gần chục năm... Tôi phát hiện trong hồ sơ có một biên bản họp ba ngành để quyết định vụ án đó. Tôi đã sử dụng văn bản đó, tôi đã phân tích là vi phạm nghiêm trọng về pháp luật và sau đó cũng đã được cơ quan ngôn luận, các đồng chí lãnh đạo, nhiều cơ quan đảng và nhà nước ủng hộ rất nhiều.
Từ đó trở đi thì cũng chỉ nghe nói như vậy nhưng còn hồ sơ, chứng cứ để chứng minh rằng có việc đó thì cũng không thấy. Đã là luật thì mình nói phải có bằng chứng chứ không thể suy đoán được, phải không ngài?
Trân Văn: Dạ đúng.

Lỗi hệ thống

Cho đến nay, giới hữu trách chưa xác định ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang, có phạm tội “mua dâm người chưa thành niên” hay không. Ông ta mới chỉ được nhắc đến trong các lời khai và tên ông ta được nêu trong danh sách những cá nhân là viên chức, doanh nhân đã từng ăn nằm với nhiều trẻ vị thành niên.
Có phải vì sự dính líu của ông Nguyễn Trường Tô đến vụ án này mà từ Cơ quan điều tra, tới Viện Kiểm sát, rồi Tòa án huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cùng vi phạm pháp luật nghiêm trọng tới mức, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm? Đó là thắc mắc của nhiều người nhưng đến nay chưa có câu trả lời.
Đã có một vài thắc mắc liên quan đến ông Nguyễn Trường Tô từng được nêu ra và cũng chưa có câu trả lời. Ở kỳ họp Quốc hội Việt Nam hồi cuối năm trước, một đại biểu Quốc hội là ông Lê Văn Cuông đã từng nhắc đến Chủ tịch tỉnh Hà Giang như một điển hình của tình trạng không tôn trọng kỷ cương. Đó là đã phớt lờ việc thực hiện một chỉ đạo của Thủ tướng Việt Nam, bất kể nhân vật đứng đầu Chính phủ có văn bản nhắc nhở đến năm lần. Lần đó, trước Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng phân bua là dù pháp luật có quy định, song ông muốn bắt chước ông Phạm Văn Đồng, vì vậy, trong hơn ba năm làm Thủ tướng, ông Dũng chưa xử lý kỷ luật “đồng chí” nào!
Bất kể sóng gió dư luận, “đồng chí” Nguyễn Trường Tô vẫn yên vị.
Bao giờ câu: “Dù pháp luật có quy định nhưng vì thế này nên phải thế kia...” không được các “đồng chí” vận dụng mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trường hợp như trước nay nữa?

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments: