Monday, February 8, 2010

QUAN HỆ VIỆT TRUNG TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM

QUAN HỆ VIỆT TRUNG TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM
Từ Trì
8-2-2010
http://www.bacaytruc.com/index.php?option=com_content&task=view&id=4739&Itemid=37
Suốt trong lịch sử nước nhà, dưới bất cứ một triều đại hay chính thể nào thì chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng được hướng dẫn bởi bốn định luật địa chính bất biến.

Định luật thứ nhất và có lẽ quan trọng nhất là cuộc chiến đấu không ngừng để ngăn chặn sức bành trướng của một nước láng giềng hùng mạnh phương Bắc.
Định luật thứ hai là vị trí địa lý của nước ta nằm giữa giao điểm của nhiều trục giao thông quốc tế nên không khỏi bị nhiều nước ngoài dòm ngó.
Định luật thứ ba là hiếu động tính của dân tộc Việt, có khuynh hướng tiến về phương Nam để mở rộng lãnh thổ.
Và định luật thứ tư là tinh thần khoan dung rộng mở, sẵn sàng đón nhận nhiều nguồn tư tưởng khác nhau để tổng hợp và hội nhập chúng vào đời sống trong nước và sẵn sàng hợp tác với bên ngoài.

Trong khuôn khổ bốn định luật này, các chính thể trong nước, suốt trong lịch sử nước nhà, đã thích ứng chính sách đối ngoại của Việt Nam với các hoàn cảnh hiện hữu để phù hợp với thời cơ.
QUAN HỆ VIỆT TRUNG
Ngay từ khi lập quốc, chính sách đối ngoại của Việt nam đã phải đặc biệt chú tâm tới bang giao với Trung Quốc. Trung Quốc luôn luôn tự coi họ là trung tâm của thế giới, là quốc gia văn minh bậc nhất. Các quốc gia khác đều bị họ coi là “phiên quốc”, là “chư hầu”. Các dân tộc chung quanh bị coi là kém văn minh : Đông rợ, Tây nhung, Nam man, Bắc địch, cần phải được họ “khai hóa” !
Do đó Trung Quốc không ngừng tìm cách bành trướng về mọi phương.
Nhưng, về phía Nam sức bành trướng của họ gặp một trở lực là sức đối kháng của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên mỗi khi chiến thắng, đẩy lui Bắc quân khỏi lãnh thổ quốc gia, các vị vua Việt Nam đều tỏ ra thông minh sáng suốt để thừa nhận bá quyền của Trung Quốc và định kỳ triều cống như mọi chư hầu khác để được rảnh tay mở mang đất nước. Thật ra thì bá quyền của Trung Quốc trên Việt Nam chỉ có tính cách lý thuyết không thực tại vì tuy thần phục Thiên Triều Việt Nam vẫn hoàn toàn tự chủ và tự trị.
Phương thức bang giao này được kéo dài tới năm 1885 khi hòa ước Thiên Tân giữa Pháp và Triều đình nhà Thanh thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp trên Việt Nam, thay thế Trung Hoa.
Khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945 thì Trung Quốc dù là Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch hay cộng sản của Mao Trạch Đông đều không ngừng vi phạm chủ quyền nước ta. Thật vậy, chiếu quyết định của hội nghị Potsdam, quân đội của Tưởng Giới Thạch dưới quyền tướng Lư Hán tràn sang Việt Nam để tước khí giới quân đội Nhật muốn ở lì không chịu về nước. Hồ Chí Minh phải ký với Pháp thỏa ước mồng 6 tháng 3 năm 1946 để có cách đẩy quân Tàu ra khỏi nước. Chính trong dịp này họ Hồ đã nói là “Thà ngửi phân thằng Tây ít lâu còn hơn suốt đời ăn phân thằng Tàu”.
Bắt đầu từ năm 1950, khi cộng sản Tàu làm chủ được toàn cõi Hoa lục, các cố vấn quân sự Tàu như La Quí Ba, Trần Canh, Vi Quốc Thanh sang Việt Nam, luôn luôn chèn ép tướng lãnh Việt Minh trong các chiến dịch Đông bắc, Tây Bắc, Điện Biên Phủ, bắt phải theo sách lược của họ.
Năm 1958, khi Trung công quyết định mở rộng lãnh hải của họ ra 12 hải lý, bao gồm các quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng đã vội vã gửi công hàm cho Chu Ân Lai để tán thành. Từ đó Trung Quốc liên tiếp thôn tính các quần đảo này như cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, ban hành một đạo luật khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1992, thành lập huyện Tam Sa để quản lý các quần đảo này năm 2007 v…v…
Năm 1979, hai tháng sau khi Hà Nội đánh chiếm Cao Miên, Trung Quốc đã đem quân tấn công để “cho Việt Nam một bài học”. Bị tổn thất nặng nề, họ rẫy sạch các thành phố biên giới trước khi rút quân. Sau đó Trung cộng mở chiến dịch ngoại giao và kinh tế để bóp nghẹt Việt Nam.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hà Nội tìm cách hòa giải với Trung Quốc để giải quyết vấn đề Cam Pu Chia. Trung Quốc tẩy chay Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch vì Thạch trước kia là tác giả cuốn bạch thư tố cáo họ vi phạm chủ quyền Việt Nam trong các thập niên 1970 và 1980. Họ gọi Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng sang Thành Đô để thương thuyết việc bình thường hóa quan hệ Việt Trung. Sau đó Nguyễn Cơ Thạch bị mất cùng một lúc các chức vụ ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng và Bộ Trưởng Ngoại giao chỉ vì “thiên triều Trung cộng” không ưa.
Trong những năm gần đây, Trung cộng lại mở màn cho một chính sách xâm lăng “kiểu mới” hoà hoãn hơn nhưng thâm độc hơn. Họ cho hàng hóa Tàu “lậu thuế” tràn ngập thị trường Việt Nam, lũng đoạn nền kinh tế quốc gia.
Họ còn hối lộ các người cầm quyền Hà Nội để ký hợp đồng dài hạn cho phép họ khai thác bô xít Tây Nguyên, đưa các quân nhân Trung Quốc đội lốt công nhân tới làm việc tại một vị trí chiến lược then chốt giữa hai miền Bắc và Nam của Việt Nam. Đây là một sự chiếm đóng trá hình lãnh thổ quốc gia bởi một quân đội ngoại bang..
Người ta không thấy chính quyền Hà Nội phản kháng mạnh mẽ trước các vụ vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Ngược lại, họ còn nhượng bộ Bắc quốc bằng cách dâng hiến đất đai cho đối phương. Năm 1999, Lê Khả Phiêu nhường cho Tàu 11 000 cây số vuông của đất nước Việt Nam. Năm 2000, hiệp định về lãnh hải đã cho Trung Quốc tăng diện tích của họ trên vịnh Bắc Việt từ 38% lên 47% trong khi diện tích của Việt Nam trong vịnh bị giảm từ 62% xuống 53%.
Đây là một hình thức thần phục hèn kém chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà. Trước kia, các vị vua Việt Nam chỉ thần phục Tàu một cách tượng trưng., và chỉ triều cống bằng hiện vật chứ không hề có việc dâng hiến đất đai.
Tập đoàn cầm quyền Hà Nội quên rằng Việt Nam là dân tộc duy nhất trên thế giới đã nhiều lần đánh đuổi được quân xâm lăng Trung Hoa ra khỏi đất nước. Trong công cuộc bảo vệ nền độc lập quốc gia người dân Việt đã viết lên những trang sử oai hùng như khi Tô Định bỏ cả ấn tín mà chạy trước đầu voi của hai bà Trưng, Thoát Hoan chui vào ống đồng mà chạy trước binh sĩ của Trần Hưng Đạo, Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy chẳng kịp thắng yên ngựa mặc áo giáp trước bước tiến của vua Quang Trung.
Ba trận đại thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền đuổi quân Nam Hán năm 928, của Lê Đại Hành đánh quân Tống năm 981 và của Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên năm 1288 khiến người Hoa trên ba trăm năm sau vẫn còn mang hận. Năm 1637, sứ giả Giang văn Minh của Việt Nam bị người Tàu trám mắt, trám miệng, mổ bụng chỉ vì đã can đảm đối lại với câu “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (tức là “Cột đồng đến nay rêu đã mọc xanh”) của vua Minh bằng câu :
“Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (nghĩa là sông Bạch Đằng từ xưa máu hãy còn đỏ).


PHƯƠNG THỨC NGĂN CHẶN SỨC BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC
Trước thái độ “khấu đầu” của Nhà Nước cộng sản Hà Nội đối với Trung Quốc quốc dân Việt Nam phải tích cực tranh đấu để bắt họ phải có một đường lối ngoại giao cứng rắn hơn. Chúng ta không thiếu phương tiện hành động.
Trước hết Việt Nam phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa phương hóa bang giao với các nước bên ngoài, nhất là các nước lân cận. Hiện nay nền hòa bình trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương được đặt trên một thế thăng bằng chân vạc Hoa-Mỹ-Ấn. Việt Nam cần phải cộng tác với Mỹ và Ấn Độ là hai cường quốc quân sự đối trọng với Trung Quốc. Từ trước tới nay vì sợ “diễn tiến hòa bình” Hà Nội không dám cấu kết chặt chẽ với hai quốc gia dân chủ này. Ngược lại hai quốc gia này cũng tỏ ra dè dặt trong quan hệ vớí một chính thể độc tài, tham nhũng, vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Trong thế thăng bằng quân sự hiện hữu Nhật Bản cũng đang và sẽ trở thành một lực lượng quân sự thứ tư. Tuy đìều 9 của hiến pháp Nhật, do Mỹ áp đặt năm 1947, không cho phép nước này có quân đội nhưng với tham vọng đóng vai trò quốc tế quan trọng lực lượng phòng vệ (force d’auto-défense) của Nhật có thể nhanh chóng trở thành một quân đội chính qui hùng hậu. Các nhà ngoại giao Nhật đã nhiều lần tiết lộ rằng trong chính sách của Nhật “Việt Nam đóng vai trò làm thế thăng bằng trong quan hê chính trị quân sự giữa Nhật và Trung Quốc”. Và Nhật luôn luôn nhắc nhở chính quyền Hà Nội phải tôn trọng tự do và nhân quyền trong nước.
Trong tương lai thế thăng bằng lực lượng chân vạc hiện hữu sẽ trở thành thế tứ trụ với sự xuất hiện của một cường quốc quân sự Nhật. Do đó Việt nam càng cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với nước này.
Các mưu đồ thôn tính hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền riêng Việt Nam mà còn vi phạm chủ quyền của nhiều quốc gia lân cận khác như Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, In Dô Nê Xia và Bruneï. Các quần đảo này chiếm một vị trí chiến lược quan trọng vì 50% hàng hóa và 30% dầu hỏa chuyển vận trên Biển Đông đều phải qua các địa điểm này
Nằm giữa giao đìểm của nhiều trục giao thông trong vùng, Việt Nam có ưu thế để qui tụ các nước lân cận, nhất là các quốc gia thành viên của “Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á”(ASEAN) trong một liên minh quân sự để tạo nên một “lưc lượng răn đe” (force de dissuasion) hầu đương đầu với sức bành trướng của Trung Quốc. Liên kết chặt chẽ với các quốc gia lân cận sẽ tạo nên một đối trọng đáng kể và cho Việt Nam một tiếng nói lớn mạnh trên các diễn đàn quốc tế, nhất là Việt Nam đang là thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Một chính sách đối ngoại như vậy hoàn toàn phù hợp với các định luật bất biến nói trên và đáp ứng với công cuộc bảo vệ quyền lợi nước nhà.
Nhưng để họat động ở bên ngoài được hữu hiệu người dân Việt cần phải như câu châm ngôn Pháp nói : “quét rác trước cửa nhà mình”, chỉnh đốn nội bộ, tạo dựng trong nước một chính thể lành mạnh được bên ngoài kính nể bằng cách bảo vệ dân chủ tự do, tôn trọng nhân quyền, loại bỏ tham nhũng trong guồng máy chính quyền. Với một chính thể như vậy thì ngưới dân trong và ngoài nước mới có thể đoàn kết để nói lên quyết tâm bảo vệ tổ quốc trong tinh thần “Hội Nghị Diên Hồng”.


Từ Trì
Paris, 1-2010


No comments: